Bị cản trở thăm nuôi con sau khi ly hôn: Làm sao để giải quyết? Có được thay đổi quyền trực tiếp nuôi con hay không?

Khách hàng: Tôi và vợ tôi đã ly hôn, hai con chung của tôi hiện đang do vợ tôi nuôi dưỡng, theo phân xử của toà án trước đây. Hàng tháng tôi đều chu cấp tiền cấp dưỡng cho con tôi đầy đủ, nhưng tôi đều phải gửi qua tài khoản của vợ tôi, vì tôi không được đến thăm con. Mỗi lần tôi đem quà cáp, sữa bánh,… đến nhà ngoại thăm con, vợ và ông bà ngoại cháu đều cản trở, khi thì đuổi về, khi thì khoá cổng không cho tôi vào, khi thì để hai con trong phòng không cho xuống gặp tôi… Ngoài ra tôi cũng được biết vợ cũ của tôi hiện đang có mối quan hệ mới với người khác. Tôi nghĩ rằng việc chăm lo cho gia đình mới sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc cho con của tôi. Tôi phải làm sao để có thể gặp được con của mình? Chính quyền có giúp tôi can thiệp được hay không, xin trợ giúp tôi.


Sau khi ly hôn, việc thăm nuôi con là quyền lợi và nghĩa vụ của người cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cha, mẹ bị cản trở thăm nuôi con. Vậy khi gặp tình huống này, bạn nên làm gì và có thể thay đổi quyền trực tiếp nuôi con hay không? - Luật sư sẽ giải đáp và cung cấp cho bạn đọc quy trình xử lý chi tiết.

1. Quyền thăm nuôi con chung sau ly hôn

1.1 Quyền thăm nuôi con sau ly hôn

Theo quy định của pháp luật, cha mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục con cái. Đây là quyền lợi không thể bị cản trở, trừ khi có quyết định của tòa án về việc hạn chế quyền thăm nom.

Căn cứ quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình:

“Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”,

1.2 Quyền và nghĩa vụ của người cha, mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trẻ

Cũng căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình về nghĩa vụ và quyền cụ thể của từng bên cha, mẹ trực tiếp và không trực tiếp nuôi con như sau:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”,

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo Điều 82 Luật này (nêu trên); yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Như vậy, trên cơ sở các quy định cụ thể nêu trên, hành vi ngăn cản không cho bạn được thăm nuôi, gặp gỡ, chăm sóc, giáo dục con của người vợ cùng các thành viên trong gia đình người vợ là hành vi trái quy định pháp luật.

2. Bị cản trở thăm nuôi con, phải làm gì?

Trước tiên, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân của việc cản trở xuất phát từ đâu. Nếu nguyên nhân là từ bạn, thì bạn cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của đối phương, do bên kia cố tình không muốn cho bạn gặp gỡ con cái, cản trở bạn thì bạn trước mắt nên giữ sự bình tĩnh nhất định, đồng thời lên kế hoạch xử lý từng bước cho phù hợp. Bạn có thể tham khảo những bước sau đây:

Bước 1: Gặp gỡ và trao đổi trực tiếp

Thảo luận: Gặp trực tiếp người đang trực tiếp nuôi con để trao đổi, thống nhất về việc thăm nuôi, đồng thời cũng là bước giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân thực sự của việc cản trở là do đâu. 

Lắng nghe: Lắng nghe và giải quyết các mâu thuẫn, tìm ra phương án hợp lý cho cả hai bên.

Bước 2: Nhờ sự hỗ trợ của người trung gian

Người thân, bạn bè: Nhờ người thân, bạn bè hoặc bên thứ ba, luật sư can thiệp, giúp đỡ trong việc thương thảo, hoặc thăm nuôi con.

Tư vấn pháp lý: Tìm đến các luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp lý để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn chi tiết.

Bước 3: Yêu cầu cơ quan chính quyền, toà án can thiệp

Nếu tất cả các bước tự hoà giải thương lượng đều thất bạn, Lúc này, bạn có thể thực hiện các việc như: báo cáo đến chính quyền địa phương sở tại về sự việc bạn bị cản trở thực hiện quyền thăm nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, gặp gỡ con để được giúp đỡ gỡ bỏ rắc rối, đoàn tụ cùng con.

Trường hợp sự việc vẫn tiếp diễn không có sự cải thiện, lúc này bạn nên khởi kiện ra toà án về tranh chấp thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn. Bạn có thể tham khảo theo mẫu đơn dưới đây:

 Mẫu đơn khởi kiện dân sự

3. Có được quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn không?

3.1 Quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình:

“2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyêt khi có một trong các căn cứ sau đây:

  1. Cha, mẹ có thoả thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
  2. Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên”.

3.2 Khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con cần chứng minh điều gì?

Đối chiếu quy định pháp luật với hoàn cảnh của bạn đọc, tuy việc người vợ và gia đình vợ cản trở quyền thăm nom con của bạn là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền của bạn. Nhưng xét rằng đó chưa phải trường hợp có đầy đủ điều kiện pháp luật quy định để khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. 

Mà bạn cần phải xét đến, việc thay đổi này có phù hợp với lợi ích của con không, có phù hợp nguyện vọng của con bạn hay không; đồng thời, việc chứng minh đối phương không có hoặc không còn khả năng nuôi con nữa cũng là một trong số những vấn đề thuộc về nghĩa vụ chứng minh của bạn. 

Luật sư gợi ý một số vấn đề bạn có thể xem xét khi có nguyện vọng yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

  • ►Người trực tiếp nuôi con vi phạm nghĩa vụ: Không chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con đúng quy định.
  • ►Điều kiện sống của con bị ảnh hưởng: Môi trường sống của con không đảm bảo an toàn, lành mạnh.
  • ►Người yêu cầu có điều kiện tốt hơn: Người yêu cầu chứng minh được mình có điều kiện tốt hơn để nuôi dưỡng, chăm sóc con....

Kết luận

Việc bị cản trở thăm nuôi con sau khi ly hôn là tình huống không mong muốn, ảnh hưởng đến quyền lợi của cả cha mẹ và con cái. Khi gặp phải trường hợp này, bạn cần biết cách giải quyết một cách hợp lý, tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, nếu có đủ căn cứ và điều kiện, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu tòa án thay đổi quyền trực tiếp nuôi con để đảm bảo con được sống trong môi trường tốt nhất.

Hi vọng bài viết trên cung cấp cho bạn những thông tin và lời khuyên pháp lý hữu ích giúp bạn định hướng được cách giải quyết của mình. Nếu gặp khó khăn, hãy liên hệ với luật sư để được tư vấn chi tiết nhé!