Bắt buộc phân loại chất thải rắn sinh hoạt: Phạt hành chính từ 01/01/2025 - Liệu đã khả thi?

Đỗ Thị Diệu Linh

Tóm tắt

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại Việt Nam là một chính sách đã được triển khai chính thức bằng quy định pháp luật từ khá lâu, được ban hành nhằm thúc đẩy quản lý chất thải hiệu quả và bảo vệ môi trường, những quy định thực thi chính sách này bao gồm quy định xử phạt hành chính cũng được ra đời nhằm thể hiện tính bắt buộc của chính sách. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai quy định về CTRSH vẫn chưa đem lại được những kết quả như mong muốn cho đến nay. Một trong những điều tạo nên sự cản trở đối với việc thực thi bắt buộc phân loại CTRSH đến từ những quy định xung quanh khi mà những quy định ấy tạo ra sự lựa chọn cho cá nhân, hộ gia đình giữa việc tự phân loại rác thải và trả phí thấp hoặc không phân loại rác thải và trả phí cao, dẫn đến triệt giảm tính bắt buộc của quy định phân loại CTRSH. Bài viết cũng chỉ ra rằng quy định hiện hành vô tình làm giảm hiệu quả tuyên truyền và ý thức phân loại rác trong cộng đồng. Việc bãi bỏ một số quy định nhằm hướng đến tăng cường hiệu lực pháp lý của việc phân loại CTRSH bắt buộc, mở rộng tuyên truyền và đồng thời ứng dụng công nghệ như một giải pháp giải quyết vấn đề khó khăn về nhận thức của cá nhân, hộ gia đình là những đóng góp chính nổi bật của bài viết này. 

Từ khoá: bảo vệ môi trường, chất thải rắn sinh hoạt, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, phân loại rác thải tại nguồn.

1. Đặt vấn đề

Khi mà hầu hết sự chú ý của người dân đổ dồn vào các quy định mới khá thú vị với những bước tiến góp phần cải thiện rất nhanh ý thức tham gia giao thông, thì quy định về phân loại rác thải tại nguồn bắt buộc và các quy định xử phạt hành chính liên quan chỉ loé sáng rồi rơi vào lãng quên như những năm trước đó…

Trong khi trên hành trình hướng tới sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn là một trong những mắt xích cực kỳ quan trọng, bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người nhưng lại góp phần rất lớn vào công cuộc xanh hoá Việt Nam, xanh hoá Trái đất. Lẽ ra, quy định này nên được quan tâm tìm hiểu và chia sẻ nhiều hơn, rộng rãi hơn...

Vậy, bạn đọc đã biết về chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hay chưa? Liệu rằng khái niệm này đã trở nên quen thuộc trong đời sống với bạn hay chưa? Bạn đã biết cách phân loại và có thói quen phân loại CTRSH hay chưa? Và liệu bạn đã biết rằng từ 01/01/2025 trở đi, hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại CTRSH hoặc sẽ bị phạt hành chính nếu không thực hiện?

Hãy cùng tìm hiểu và nâng cao nhận thức pháp luật cùng chúng tôi nhé!!

2. Tổng quan 

2.1 Giải thích từ ngữ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)

Luật bảo vệ môi trường 2020, Điều 3. GIải thích từ ngữ:

18. Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

19. Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 3. GIải thích từ ngữ:

11. Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.

2.2 Một số quy định liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)

Luật bảo vệ môi trường 2020, Điều 60. Bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân:

“1. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm:

 a) Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định…”

Luật bảo vệ môi trường 2020, Điều 75. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt:

“1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;

b) Chất thải thực phẩm;

c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

3. Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

b) Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

4. Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:

a) Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;

b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

c) Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

d) Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Luật bảo vệ môi trường 2020, Điều 77. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

"7. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt;

c) Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt."

Luật bảo vệ môi trường 2020, Điều 79. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt:

"1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;

b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.”

Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 63. Trách nhiệm của uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt:

"3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 7 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Xây dựng kế hoạch, phương án hoặc nội dung thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn;

c) Tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định”

Nghị định 45/2022/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 26. Vi phạm quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”.

3. Kết quả

Các quy định trên thể hiện ý nghĩa rằng cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm ba loại gồm tái chế, thực phẩm và loại khác, nếu không thực hiện phân loại thì sẽ bị xử phạt hành chính bằng tiền theo mức phạt nêu trên.

Nghị định 45 được ban hành từ năm 2022, sau khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực khoảng 2 năm, với kỳ vọng trở thành công cụ đắc lực để thực thi Luật bảo vệ môi trường, tuy vậy, trải qua thời gian có hiệu lực thi hành, nhiều văn bản hướng dẫn giải đáp chi tiết, nhiều thông tin truyền thông, nhưng quy định này dường như vẫn mang tính hình thức chứ chưa thực sự phát huy được sự kỳ vọng vốn dĩ. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt vẫn là những câu chữ “nằm trên giấy”, kể cả chế tài phạt hành chính đi kèm.

Ngày 02/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành Công văn 9368/BTNMT-KSONMT về việc hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong đó phụ lục hướng dẫn kỹ thuật kèm theo công văn hướng dẫn chi tiết từng nhóm chất thải, tên và hình ảnh minh hoạ, cùng cách thực hiện phân loại (xem hình minh hoạ tuyên truyền bên dưới bài viết).

Mặc dù có sự hướng dẫn chi tiết như trên, nhưng dường như quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa thể thực thi được. Trong suốt năm 2024 vừa qua, không có một sự đột phá hay thành quả nào đến từ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Một mặt, nhận định từ các chuyên gia đều quy về việc phải đồng bộ hạ tầng nếu muốn công tác phân loại có hiệu quả, và việc xử lý vi phạm chỉ có tác dụng khi đã phát triển cơ sở hạ tầng, có được hệ thống giám sát như camera công cộng, các tổ chức giám sát của nhân dân, tổ chức hội, phường… Mặt khác, hầu như nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào và trả tiền theo lượng rác ra sao, phần đông rác vẫn được chứa chung, trộn lẫn trong bao ni lông đặt trước cổng/nhà/thùng rác chung (không có phân loại) để đơn vị thu gom đến lấy theo giờ giấc cụ thể, hoặc trong thùng rác chung (không có phân loại) tại điểm tập kết rác từng tầng trong các khu chung cư. Có thể thấy rằng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt chưa được phổ cập triệt để đến từng cá nhân, từng hộ gia đình và hầu như bản thân cá nhân, hộ gia đình chưa nhận thức được và chưa hình thành được thói quen phải phân loại rác trước khi đưa đến điểm tập kết.

Mặc dù việc đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các chính sách để đồng bộ hạ tầng chưa thực sự đạt hiệu quả để có thể triển khai vào thực tế các quy định nêu trên, nhưng đây chỉ là vấn đề về thời gian. Trong khi, việc hình thành ý thức và nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho từng cá nhân, hộ gia đình mới là “nút thắt” khó gỡ bỏ nhất trong hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Một khi nhận thức chưa được hình thành, thì thói quen và hành động phân loại chỉ là những thứ nằm trên giấy mà thôi.

Mặc dù nói rằng hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt thì sẽ bị xử phạt hành chính, nhưng dường như quy định này bị cản trở bởi Khoản 2 Điều 79 Luật bảo vệ môi trường: “2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác”, khi mà quy định này một mặt quy trách nhiệm phân loại chất thải rắn sinh hoạt về cho đơn vị thu gom – chứ không phải cá nhân, hộ gia đình, mặt khác tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân có sự lựa chọn giữa việc tự phân loại và nộp tiền rác thấp hơn với việc nộp tiền rác cao hơn và không cần phải tự phân loại rác. Quy định này đã vô tình đưa quy định bắt buộc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân cùng với việc tuyên truyền xây dựng ý thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho hộ gia đình, cá nhân trở về con số không.

4. Kiến nghị

Nhìn chung, cho đến nay đã hơn 4 năm kể từ ngày có sự xuất hiện của quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt, nhưng việc triển khai quy định này không đạt hiệu quả, vẫn còn là vấn đề bất khả thi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nhận thức của người dân và công tác tuyên truyền để xây dựng và nâng cao nhận thức của người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt là một nguyên nhân sâu xa mà buộc phải khắc phục nếu muốn đưa quy định này vào thực tế.

Một số đề xuất liên quan đến nội dung được đề cập:

Thứ nhất, đề xuất bãi bỏ Khoản 2 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường: Quy định bắt buộc đối với tất cả các hộ gia đình, cá nhân phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo các tiêu chí cụ thể đã được đề cập tại các văn bản pháp luật, thay vì lựa chọn trả phí theo cùng một loại chất thải rắn khác khi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải. Việc này giúp thống nhất với các quy định xử phạt trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP, đảm bảo tính nhất quán trong thực thi pháp luật.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng:

  • Triển khai các chương trình tuyên truyền rộng rãi về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tác động tích cực đến môi trường và xã hội.
  • Tăng cường công tác nhắc nhở, vận động từ đoàn, hội, uỷ ban cấp xã. Từ đó, dần dần xây dựng ý thức tự giác và trách nhiệm xã hội trong mỗi cá nhân và hộ gia đình.

Thứ ba, áp dụng công nghệ và hệ thống quản lý thông minh: Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát việc phân loại rác. Các hộ gia đình có thể được cấp mã số, thẻ điện tử hoặc tích hợp vào định danh để ghi nhận và theo dõi việc phân loại rác, để cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ các khó khăn vướng mắc cho cá nhân, hộ gia đình trong quá trình thực hiện, từ đó giúp các cơ quan quản lý đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chính sách phù hợp.

Thứ tư, tăng cường vai trò của đơn vị thu gom và chính quyền địa phương: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và đơn vị thu gom rác trong việc giám sát, kiểm tra và hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện phân loại rác. Đặc biệt, đơn vị thu gom cần có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở và hỗ trợ các hộ gia đình, thay vì chỉ đơn thuần thu phí.

5. Kết luận

Nhìn chung, việc đưa một hoạt động tuân thủ pháp luật đi vào cuộc sống là một vấn đề cần có thời gian, hơn hết, việc hình thành một thói quen mới (phân loại rác thải sinh hoạt trước khi tập kết) để thay thế cho một thói quen cũ vốn dĩ đã có từng hàng chục năm (trộn lẫn toàn bộ rác thải) không phải là việc chỉ cần trong một vài ngày. Chính sách xử phạt hành chính là một trong những chính sách hợp lý để góp phần nhanh chóng đưa hoạt động đi vào cuộc sống của người dân hơn, giúp người dân nhanh chóng nhận thức và thực hiện đồng bộ hơn. Tuy vậy, toàn thể quy định pháp luật nên có sự thống nhất với mục đích chính là hình thành thói quen phân loại chất thải sinh hoạt cho người dân, việc đổ dồn trách nhiệm phân loại rác thải sinh hoạt cho đơn vị thu gom không phải là một cách hay để giúp từng người dân hình thành nên nhận thức, ý thức việc phân loại rác thải. Hi vọng rằng trong tương lai, quy định này sẽ được gỡ bỏ để thống nhất trách nhiệm phân loại rác thải sinh hoạt là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cá nhân, hộ gia đình.


Chia sẻ thông tin về cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Công văn 9368/BTNMT-KSONMT để giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với chính sách phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hơn:

Download CV9368 tại đây