Bị hàng xóm xây rào lấn sang phần đất của mình là điều rất thường xuyên xảy ra trên thực tế, có thể xuất phát từ sự vô tình hoặc cố ý. Vậy nên làm cách nào để xử lý một cách tốt đẹp, nhanh gọn và hiệu quả nhất?

1. Các bước xử lý ban đầu

1.1 Xác minh ranh giới đất

Trước khi tiến hành bất kỳ bước nào, hãy chắc chắn rằng ranh giới đất của bạn được xác định rõ ràng và chính xác. Bạn có thể làm như sau:

  • ►Kiểm tra lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của bạn (và hàng xóm nếu có thể).
  • ►Liên hệ với cơ quan địa chính tại địa phương để đo đạc lại ranh giới đất nếu cần thiết.

Khi đã xác định chính xác ranh đất của mình đến đâu, bạn sẽ xác định được phần xây dựng trên thực tế của người hàng xóm có đang nằm trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình hay không. Một khi đã xác định được, bạn sẽ có kế hoạch để tiến hành bước tiếp theo sau đây.

1.2 Thương lượng với hàng xóm

Cố gắng giải quyết vấn đề thông qua thương lượng:

  • ►Gặp gỡ hàng xóm và trình bày rõ vấn đề lấn đất.
  • ►Cung cấp các tài liệu, bằng chứng về ranh giới đất của bạn.
  • ►Đưa ra các phương án thương lượng để hàng xóm di dời hàng rào về đúng vị trí ranh giới.

Việc hoà giải đôi khi chưa thành công trong một, hai lần gặp gỡ đầu tiên, do vậy đừng nản chí nhé. Khi đã có sự tiếp xúc ban đầu với hàng xóm, bạn sẽ chắc chắn xác định được việc người hàng xóm này xây hàng rào trên đất của nhà bạn là sự vô tình hay cố ý: có những trường hợp, bản thân người hàng xóm cũng không chắc chắn về ranh đất của họ, nhầm tưởng đất của bạn là đất của họ dẫn đến việc xây dựng không đúng; tuy nhiên, cũng có những trường hợp người hàng xóm biết rõ địa phận ranh giới giữa hai nhà nhưng vẫn cố tình xây dựng trên phần đất thuộc quyền sử dụng của nhà bạn. Một khi đã nắm bắt được tâm lý này, biết rõ nguyên nhân xuất phát từ đâu, bạn mới có thể có kế hoạch và phương án cụ thể để đi đến hoà giải, thương lượng trong các lần tiếp theo.

Việc hoà giải thành công là điều tốt đẹp nhất ai cũng mong muốn. Khi đã thành công trong thương lượng, việc ghi lại kết quả hoà giải này bằng một văn bản rõ ràng có chữ ký xác nhận của hai bên là một nội dung cần thiết và quan trọng mà bạn cần làm. Theo sau đó, các bên từng bước một thực hiện phương án đã thống nhất để đi đến kết quả cuối cùng.

Dẫu vậy, trong trường hợp bạn gặp phải người hàng xóm không thuận thảo hợp tác nói chuyện đàm phán, hoặc đã thương thảo nhưng bất thành, thậm chí đôi khi dẫn đến những xung đột bất hoà ngay lập tức, ĐỪNG NẢN CHÍ VÀ HOẢNG LOẠN - đó đơn giản là một hành động dựa trên tâm lý thông thường khi có sự đụng chạm đến quyền lợi mà thôi, hãy để đối phương có một khoảng thời gian ngắn suy ngẫm, đó cũng là thời gian cho bạn lên một kế hoạch làm việc cụ thể hơn trong tương lai. Lúc này, điều quan trọng nhất bạn cần phải giữ và lưu ý, chính là sự bình tĩnh của bạn, chỉ khi bạn giữ được thái độ bình tĩnh, không bị cuốn vào cuộc tranh cãi, ẩu đả (nếu có) thì bạn mới có thể giải quyết vấn đề. Trường hợp này, việc tự hoà giải giữa hai bên đã gặp trở ngại, thì việc tự tìm hiểu hoặc nhờ luật sư tư vấn về quy định pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp về đất đai là điều thực sự cần thiết để giúp bạn có một cái nhìn tổng quan hơn, một kế hoạch chi tiết hơn và đặc biệt là một giải pháp hiệu quả hơn.

2. Các bước xử lý tiếp theo sau khi hoà giải bất thành

2.1 Gửi đơn đề nghị hòa giải

Nếu thương lượng không thành công, thì đã đến lúc bạn phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.

Bước đầu tiên trong quy trình nhờ đến sự can thiệp của pháp luật chính là nhờ sự can thiệp của cơ quan chính quyền địa phương. Cụ thể, bạn nên gửi đơn đề nghị hòa giải đến tổ chức hòa giải ở cấp cơ sở (thường là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi bạn có đất):

  • ►Đơn đề nghị hòa giải cần nêu rõ thông tin cá nhân của người đề nghị, trình bày rõ sự việc tranh chấp, kèm theo các tài liệu chứng minh ranh giới đất.
  • ►Tổ chức hòa giải sẽ tiến hành họp mặt các bên để tìm giải pháp hòa giải. Thời gian thông thường để xử lý bước này là khoảng 30 - 45 ngày, tuỳ theo tính chất và mức độ phức tạp của sự việc cũng như của các bên liên quan.

Lưu ý: ngay tại bước này, bạn đã có thể thuê luật sư tham gia vụ việc để đảm bảo bạn luôn có những lời khuyên về pháp lý tốt nhất khi xử lý vấn đề. Luật sư có thể thay mặt hoặc cùng bạn tham gia đàm phán. Với chuyên môn về pháp luật, luật sư khi đối mặt với vấn đề luôn có cái nhìn sâu, rộng và khách quan hơn người trong cuộc, nên những giải pháp của luật sư đưa ra luôn là những lời tham khảo đắt giá dành cho bạn. Việc có được lời khuyên của luật sư ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp cho bạn tránh khỏi tình trạng tự mình đưa tranh chấp "vào đường cụt" hoặc tự mình làm cho tranh chấp rối tung lên rất khó giải quyết những hệ quả về sau. Vì vậy, đừng ngần ngại liên hệ với luật sư của bạn ngay tại thời điểm này hoặc càng sớm càng tốt.

2.2 Gửi đơn khởi kiện ra Toà án nhân dân nơi bạn có đất

Nếu bước hoà giải cấp cơ sở trên vẫn không giải quyết được vấn đề tranh chấp của bạn, thì đã đến lúc bạn phải khởi tạo một tranh chấp đất đai chính thức ở toà án, lúc này bạn nên soạn đơn khởi kiện hoặc nhờ luật sư soạn thảo cho bạn nếu đã có luật sư tham gia từ bước trên, để nộp tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền nơi bạn có đất:

  • ►Chuẩn bị đơn khởi kiện theo đúng mẫu quy định, trong đó nêu thông tin cá nhân của bên khởi kiện và bên bị khởi kiện, trình bày rõ sự việc và yêu cầu của bạn đối với tranh chấp, đồng thời kèm theo đầy đủ các chứng cứ liên quan.
  • ►Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
  • ►Sau khi toà án thụ lý vụ án, bạn theo dõi và tham gia làm việc tại toà án theo quy định.

Tranh chấp đất đai là một trong những loại tranh chấp phức tạp nhất cho đến thời điểm hiện tại với một lượng quy định pháp luật khổng lồ mà rất khó để bạn có thể nắm bắt hết và hiểu được toàn bộ. Và quá trình khởi kiện là một trong các bước phức tạp nhất, dài nhất trong quy trình xử lý tranh chấp đất đai với rất nhiều những vấn đề phát sinh từ vụ việc hoặc thậm chí từ phía đối lập với bạn trong tranh chấp cố tình tạo ra để gây khó khăn. 

Trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai tại toà án, hàng loạt thủ tục tố tụng từ đơn giản đến phức tạp phải được tiến hành trước khi toà án đưa ra phán quyết cuối cùng, chẳng hạn: đo đạc, thẩm định, định giá...v.v.... Ngoài ra, vấn đề xác minh và chứng minh nguồn gốc đất cũng là điểm rất quan trọng, vì thế, đừng chờ đợi mà hãy tranh thủ tìm kiếm, thu thập những chứng cứ thuyết phục để chứng minh phần quyền của bạn đối với phần đất đang tranh chấp, luật sư trong trường hợp này có thể hướng dẫn cho bạn vấn đề là bạn nên tìm tài liệu nào, nên tìm ở đâu - điều này rất quan trọng với bạn, giúp bạn không mất thời gian trong việc tìm kiếm tài liệu, lòng vòng vô định hướng. Do vậy, đừng ngần ngại nhờ luật sư tham gia trực tiếp trong vụ việc để quyền lợi hợp pháp của bạn luôn được đảm bảo tối ưu nhất, bất kể giải pháp giải quyết là gì.

2.3 Thi hành án, thực hiện phán quyết của toà án

Nếu tòa án ra phán quyết xác định phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bạn, khi đó bạn cần:

  • ►Soạn đơn yêu cầu thi hành án và nộp tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền, yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện phán quyết của tòa án, buộc hàng xóm di dời hàng rào và trả lại diện tích đất bị lấn cho bạn.
  • ►Theo dõi và tham gia quá trình thi hành án cho đến khi thi hành xong.

3. Các điểm đặc biệt lưu ý bạn cần phải ghi nhớ

Kể từ khi bắt đầu phát sinh vấn đề và kể cả trong khi thực hiện các bước nêu trên để xử lý vấn đề, bạn cần đặc biệt lưu ý và luôn luôn ghi nhớ những điểm sau đây để việc giải quyết tranh chấp được suôn sẻ và hiệu quả:

  • Hãy giữ bình tĩnh và cố gắng giải quyết vấn đề một cách hòa bình trước khi sử dụng đến pháp luật.
  • Đặc biệt KHÔNG TỰ Ý ĐẬP PHÁ, THÁO DỠ hàng rào, tài sản của người khác kể cả khi đã xác định được số tài sản đó nằm trên phần đất của mình.
  • Luôn giữ lại tất cả các tài liệu, chứng cứ liên quan để sử dụng khi cần thiết.
  • Nếu cần, hãy tìm sự tư vấn từ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bạn được bảo vệ tối ưu.
  • Mọi vấn đề đều có thể giải quyết, nhưng trước hết, đừng bao giờ để bản thân rơi vào những vòng xoáy rắc rối chỉ vì thiếu kiến thức về pháp luật.

​Trên đây là những chia sẻ luật sư gửi bạn đọc, giúp bạn có kế hoạch rõ ràng khi phát sinh tranh chấp với hàng xóm, bị hàng xóm xây rào lấn sang đất của mình. Chúc bạn thành công trong việc giải quyết vấn đề, và đừng ngần ngại liên hệ với luật sư bất cứ khi nào bạn cần. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.