Di sản thờ cúng có được chia thừa kế không? Ai là người sở hữu di sản thờ cúng? Việc quản lý được thực hiện như thế nào?

Di sản thờ cúng là phần tài sản của người đã chết để lại nhằm mục đích dành riêng để phục vụ cho việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Đây là một tập quán thông thường của người Việt Nam, thể hiện thái độ biết ơn, "uống nước nhớ nguồn" của người dân Việt Nam. Vậy xét về mặt pháp luật, việc kê khai, quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng này được thực hiện như thế nào, có được phân chia hay không... Hãy cùng luật sư tìm hiểu nhé. 

1. Tổng quan và quy định pháp luật về di sản thờ cúng

1.1 Khái niệm di sản thờ cúng

Di sản thờ cúng là phần tài sản thuộc sở hữu, sử dụng của người đã chết và nay để lại phục vụ cho mục đích cụ thể và duy nhất là thờ cúng. Di sản này dùng để duy trì việc thực hiện các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tuỳ thuộc vào tập quán vùng miền.

1.2 Quy định pháp luật về di sản thờ cúng

1.2.1 Quyền để lại di sản thờ cúng

Người có tài sản thuộc sở hữu, sử dụng hợp pháp của mình có quyền để lại một phần tài sản để dùng vào việc thờ cúng, theo tập quán phong tục của Việt Nam nói chung và người dân bản địa tại nơi cư trú nói riêng. 

Việc để lại phần tài sản dùng vào việc thờ cúng được thực hiện thông qua việc lập di chúc. Trong di chúc, người lập di chúc ghi rõ phần tài sản nào dùng vào việc thờ cúng.

1.2.2 Cử người quản lý di sản thờ cúng

Người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng có quyền cử một người để quản lý phần di sản đó. Việc chỉ định người quản lý được nêu rõ trong di chúc, và di sản thờ cúng sẽ không được dùng để phân chia thừa kế. 

Việc quản lý này không đồng nghĩa với việc người quản lý có quyến sở hữu hợp pháp đối với phần di sản thờ cúng, mà chỉ thuần tuý là quyền quản lý. 

Nếu trường hợp người lập di chúc không chỉ định người quản lý phần di sản thờ cúng trong di chúc, thì những người thừa kế thoả thuận cử người quản lý di sản thờ cúng. VIệc thoả thuận nên được lập bằng văn bản rõ ràng. 

1.2.3 Cách thức xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến việc quản lý di sản thờ cúng

Thứ nhất, nếu người dược chỉ định hoặc được thoả thuận làm người quản lý di sản thờ cúng mà không thực hiện đúng di chúc, hoặc không theo đúng thoả thuận thì những người thừa kế có quyền cử người khác làm người quản lý và giao di sản thờ cúng cho người đó quản lý. Tương tự như trên, việc thoả thuận cử người khác quản lý di sản thờ cúng cũng nên được lập thành văn bản rõ ràng. 

Thứ hai, trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật

Thứ ba, nếu toàn bộ di sản của người chết để lại mà không đủ để thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người đó chết để lại thì người đó không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, mà phải ưu tiên thanh toán nghĩa vụ tài sản theo quy định pháp luật. 

2. Lời khuyên của luật sư dành cho bạn đối với vấn đề di sản thờ cúng

Dưới đây là một số lời khuyên của luật sư dành cho bạn khi gia đình bạn cần phải cử người quản lý di sản thờ cúng. Hi vọng lời khuyên sẽ hữu ích đối với bạn.

Thứ nhất, lập di chúc rõ ràng:

Việc lập di chúc cụ thể, rõ ràng từng chi tiết, nêu rõ nhân thân, thông tin của người được chỉ định quản lý di sản, nêu rõ thông tin phần di sản được dùng vào việc thờ cúng là điều cần thiết. Nó không chỉ đảm bảo cho di chúc có hiệu lực pháp luật mà còn tránh được những mâu thuẫn hay hệ quả pháp lý khác đối với những người thừa kế có liên quan. 

Thứ hai, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng:

Mặc dù pháp luật có quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản nói chung và di sản thờ cúng nói riêng, nhưng tuỳ từng hoàn cảnh gia đình khác nhau, điều kiện khác nhau mà việc quản lý cũng có sự khác biệt. 

Người lập di chúc hoặc người thừa kế khi chỉ định hay cử người quản lý di sản cũng cần nêu rõ quyền và nghĩa vụ của họ để phân hoá và quy trách nhiệm khi thực hiện. Việc xác định quyền và nghĩa vụ nếu cần thiết thì hãy lập bằng văn bản nêu rõ.

Thứ ba, thống nhất ý kiến của những người liên quan:

Việc quản lý di sản, cử người quản lý hay thực hiện quản lý đều nên có sự thống nhất ý kiến từ những người thừa kế có quyền trong gia đình, cần thiết có sự phân công rõ ràng nhằm tránh những xung đột, mâu thuẫn không đáng có xảy ra. 

Thứ tư, nêu rõ lý do của việc cử người khác quản lý di sản thờ cúng:

Trong trường hợp phải thay đổi người quản lý di sản thờ cúng, thì lý do thay đổi người cũ và lý do cử người mới luật sư khuyên bạn cũng nên lập văn bản nêu rõ nhằm tránh tính trạng mâu thuẫn, hiểu nhầm, xung đột hoặc thậm chí xảy ra tranh chấp. Đó cũng là cơ sở để bạn và người thân xác định trách nhiệm của người quản lý di sản, những việc làm được và không làm được hay vi phạm nghĩa vụ.

3. Các vấn đề pháp lý đặt ra về quản lý di sản thờ cúng theo góc nhìn từ thực tiễn áp dụng pháp luật

Những vấn đề pháp lý đặt ra dưới đây xuất phát từ thực tiễn quá trình thi hành quy định di sản dùng vào việc thờ cúng, pháp luật trong những trường hợp dưới đây không có quy định rõ ràng dẫn đến việc áp dụng chưa được thống nhất và kiến nghị pháp luật có các hướng dẫn chi tiết.

3.1 Người được chỉ định quản lý di sản thờ cúng là ai, không phải là người thừa kế được không?

Quản lý di sản có nhiều loại, trong đó có quản lý toàn bộ di sản của người chết để lại, hoặc đơn giản hơn là chỉ quản lý phần di sản thờ cúng mà thôi. Vấn đề đặt ra ở đây là người quản lý di sản thờ cúng là ai?

Căn cứ các quy định pháp luật liên quan đến thừa kế trong Bộ luật dân sự, không có quy định rõ ràng rằng người được chỉ định hay được giao quản lý di sản thờ cúng phải là người trong hàng thừa kế. Tuy vậy, dựa trên quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự về di sản thờ cúng quy định về việc di sản thờ cúng trong trường hợp tất cả người thừa kế theo di chúc đều đã chết sẽ thuộc về người quản lý trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, thì có thể "suy ra" rằng người quản lý di sản thờ cúng cũng nên là người trong diện thừa kế, có thể là người thừa kế theo di chúc, cũng có thể là người thừa kế theo pháp luật. 

Vậy nếu có sự khác biệt giữa những người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật thì có phải ưu tiên chọn người thừa kế theo di chúc hay không, còn nếu chọn người thừa kế theo pháp luật thì có phải áp dụng sự ưu tiên đối với các hàng thừa kế trước?

3.2 Người quản lý di sản thuộc diện thừa kế nào, hàng thừa kế nào?

Quy định pháp luật cũng chưa có quy định nào rõ ràng về vấn đề đặt ra trên đây. Trên cơ sở có thể cho rằng người quản lý di sản thừa kế cũng là người thừa kế hợp pháp, thì người thừa kế hợp pháp này sẽ là người thừa kế có tên trong di chúc, hay bất kỳ người thừa kế nào thuộc bất kỳ hàng thừa kế một, hai hay ba đều được.

Tuy vậy, pháp luật có lý do cho sự phân biệt theo thứ tự ưu tiên thừa kế theo di chúc, sau không có di chúc mới đến thừa kế theo pháp luật, trong thừa kế theo pháp luật thì phải ưu tiên hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba. Vậy nên, quan điểm của tác giả là rằng, mặc dù pháp luật không bắt buộc hay quy định rõ ràng, nhưng khi cử người quản lý di sản thờ cúng, chúng ta cũng nên tôn trọng thứ tự ưu tiên mà pháp luật đã sắp xếp. 

Theo đó, việc tôn trọng và ưu tiên di chúc cũng là sự tôn trọng và ưu tiên thực hiện di nguyện cuối cùng của người chết để lại, người quản lý di sản thờ cúng theo lẽ đó cũng nên là một trong những người thừa kế theo di chúc (nếu người chết để lại di sản chưa chỉ định). Nếu họ không có đủ điều kiện, khả năng để quản lý di sản, thì những thứ tự ưu tiên tiếp theo mới cần được xem xét. 

Tuy vậy, đây chỉ là quan điểm của cá nhân tác giả trong quá trình nghiên cứu khoa học pháp lý. Mọi việc thực thi quy định về di sản thờ cúng và cử người quản lý di sản vẫn cần phải tuân thủ quy định pháp luật trước tiên, sau là tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình mà chỉ định/cử người phù hợp. Đồng thời, chúng ta cũng chờ và theo dõi sự cập nhật, đổi mới trong quy định pháp luật trong tương lai.

3.3 Người bị truất quyền hưởng di sản thừa kế, người không được hưởng di sản thừa kế có được chỉ định làm người quản lý di sản thờ cúng không?

Tương tự vấn đề nêu tại mục 3.2, vấn đề này pháp luật cũng không có quy định cụ thể. Tuy vậy, về mặt nguyên tắc chúng ta hiểu rằng những người bị truất quyền hưởng di sản thừa kế, người không được hưởng di sản thừa kế là những người không có quyền hưởng di sản. Từ đó có thể "suy ra" rằng họ cũng không nên có quyền quản lý di sản thờ cúng. Bởi lẽ, hành vi bất kỳ nào đó vi phạm pháp luật hoặc hành vi thất kính với người để lại di sản, với ông bà tổ tiên của họ đã dẫn đến hậu quả là họ bị truất toàn quyền hưởng di sản thì liệu chăng việc quản lý di sản họ có thể làm tốt? - Điều này xét về mặt logic là khó thuyết phục. 

Do đó, dưới góc nhìn thực tiễn, tác giả cho rằng những người bị truất quyền hoặc không có quyền hưởng di sản thừa kế cũng không nên là người được chỉ định hay cử làm người quản lý di sản thờ cúng.

Mong rằng trong tương lai, pháp luật Việt Nam sẽ có sự sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh vấn đề này.

3.4 Trường hợp người để lại di chúc đã cử người bị truất quyền hưởng thừa kế làm người quản lý di sản thờ cúng thì sao?

Tuy vậy, tiếp nối vấn đề 3.3, nếu người để lại di chúc đã cử một người quản lý di sản thờ cúng, nhưng sau đó người được chỉ định này được xác định là không có quyền hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì sự việc lại gặp phải một nút thắt khá rắc rối mà pháp luật chưa có lời giải cụ thể. 

Tác giả cho rằng, việc ưu tiên và tôn trọng di nguyện, di chúc của người chết để lại là việc nên làm và cũng nằm trong diện ưu tiên của pháp luật. Do vậy, nếu cho rằng người để lại di sản biết rằng người này bị truất quyền hưởng di sản nhưng vẫn giao cho họ quản lý di sản thờ cúng thì cũng nên có sự tôn trọng đối với quyết định này, hơn nữa, chỉ trừ khi pháp luật có quy định cụ thể về việc người không có quyền hưởng di sản thừa kế cũng không có quyền quản lý di sản thờ cúng thì mới có cơ sở để chúng ta phản bác việc chỉ định nêu trên của người chết để lại di sản.

Tuy nhiên, vấn đề này có trường hợp lại xảy ra sau khi người để lại di sản đã qua đời, không thể đối chứng rằng họ biết hay không biết, lại càng khó khăn hơn cho những người ở lại. Do vậy, việc bám theo logic là người không có quyền hưởng di sản cũng không có quyền quản lý di sản thờ cúng cũng nên có một cơ sở pháp lý chắc chắn từ quy định pháp luật. Cho nên, cần thiết phải có một sự thay đổi, bổ sung từ quy định pháp luật để xác định chắc chắn những việc cần làm trong trường hợp này.

3.5 Người đã từ chối nhận di sản có được giao quản lý di sản thờ cúng không?

Về nguyên tắc, việc từ chối nhận di sản xuất phát từ ý muốn cá nhân của người từ chối, trừ trường hợp từ chối để trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc với người thứ ba khác; điều này không liên quan đến đạo đức, hay những hành vi vi phạm pháp luật, thất kính tổ tiên như các trường hợp bị truất quyền hưởng thừa kế.

Hơn nữa, pháp luật không có quy định rõ ràng vấn đề này nhưng cũng không có quy định cấm. Đồng thời, việc quản lý di sản thờ cúng không đồng nghĩa với việc có quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp đối với di sản thờ cúng nên cũng không có gì trái với ý muốn từ chối nhận di sản của họ cả. Cho nên, theo quan điểm cá nhân của tác giả,  việc chỉ định hay thoả thuận cử người đã từ chối nhận di sản đứng ra quản lý di sản thờ cúng cũng không có gì không thoả đáng, điều này phụ thuộc vào việc họ có đồng ý hay không, có đủ điều kiện, khả năng hay không. 

Những vấn đề đặt ra trên đây và hướng giải quyết là quan điểm cá nhân của tác giả trên con đường hành nghề luật sư và nghiên cứu khoa học pháp lý. Trên hết, những quan điểm này được đưa ra với mong muốn đóng góp cho sự hoàn thiện của pháp luật Việt Nam, bám sát hơn vào thực tiễn cuộc sống. Điều quan trọng lhơn là phải tuân thủ quy định pháp luật và cùng chờ đợi sự đổi mới, bổ sung của pháp luật trong thời gian sắp tới.

Trên thực tế phát sinh rất nhiều vấn đề xoay quanh nội dung về di sản thờ cúng. Hãy theo dõi để cùng luật sư cập nhật liên tục các tin tức về pháp luật liên quan, bạn nhé.

Kết luận

Di sản thờ cúng không chỉ là vấn đề tài sản mà còn là việc duy trì và bảo vệ giá trị tinh thần, truyền thống gia đình, tập quán của người Việt Nam. Việc hiểu rõ các quy định pháp luật và thực hiện đúng quy trình sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của tất cả các thành viên trong gia đình và duy trì được sự tôn kính với tổ tiên cũng như sự hoà thuận của mọi người.

Hãy liên hệ luật sư để được tư vấn chi tiết cho trường hợp riêng của gia đình bạn nhé.