Quy định pháp luật: Nên khởi kiện hay khiếu nại quyết định hành chính? - Hãy chọn đúng để bảo vệ tối ưu quyền lợi hợp pháp của mình!

Quy định pháp luật về hành chính luôn có những tác động nhất định đến đời sống thường ngày của người dân, từ thủ tục hành chính về nhân thân đến các quyết định trong lĩnh vực giáo dục, đất đai, xử phạt vi phạm hành chính...v.v.... Do vậy, việc khiếu nại, khởi kiện một hoặc nhiều quyết định hành chính mà bản thân thấy rằng chưa thoả đáng là những việc thường gặp trong đời sống.

Hãy cùng luật sư khám phá quy định pháp luật Việt Nam về khởi kiện và khiếu nại quyết định hành chính, giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt, điều kiện và hậu quả pháp lý để chọn đúng thủ tục, bảo vệ quyền lợi của bạn một cách hiệu quả nhất nhé. 

1. Tổng quan về khởi kiện, khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính

1.1 Quyết định hành chính, hành vi hành chính

Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần dối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Quyết định hành chính bị kiện là quyết định nêu trên mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật. 

 

Hành vi hành chính bị kiện là hành vi nêu trên mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

1.2 Khởi kiện, khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính 

Khởi kiện hành chính: là việc cá nhân, tổ chức, cơ quan khởi kiện tại toà án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định pháp luật.

Khiếu nại hành chính: là việc công dân, tổ chức, cơ quan đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (ngoài ra các vấn đề hành chính khác như tiếp công dân,... cũng nằm trong phạm vi khiếu nại, tuy vậy, bài viết này chỉ tập trung vào quyết định hành chính, hành vi hành chính nên sẽ không phân tích sâu các vấn đề hành chính khác bị khiếu nại).

2. Quy định pháp luật về quyền khởi kiện, khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính

2.1 Quyền khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.

Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó.

Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng đã hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó. 

Như vậy, chúng ta thấy rằng pháp luật có quy định việc khiếu nại bắt buộc đối với một số quyết định hành chính cụ thể trước khi tiến hành khởi kiện hành chính. Những loại quyết định hành chính cụ thể buộc phải khiếu nại trước khi khởi kiện là: quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định về danh sách cử tri. 

2.2 Quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính

Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 

Khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc đã khiếu nại nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai đến cơ quan cấp trên của cơ quan đã ra quyết định hành chính, đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, hoặc có thể khởi kiện vụ án hành chính tại toà án.

Khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc đã khiếu nại lần 2 nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết, thì ngưuofi khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án. 

Như vậy, trong những trường hợp bắt buộc khiếu nại trước khi khởi kiện, cơ quan, cá nhân, tổ chức phải tiến hành thủ tục khiếu nại; còn trường hợp không bắt buộc khiếu nại trước khi khởi kiện, cơ quan, cá nhân, tổ chức có quyền trực tiếp khởi kiện vụ án hành chính tại toà án ngay khi có quyết định, hành vi hành chính mà mình không đồng ý. 

2.3 Vậy vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện thì giải quyết thế nào?

Vấn đề vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện đối với cùng một quyết định hành chính, hành vi hành chính trên thực tế gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và toà án bởi sự chồng chéo thẩm quyền.

Do vậy, Luật tố tụng hành chính 2015 đã khắc phục nhược điểm này từ luật cũ (2010), luật hoá vấn đề này tại Điều 33: 

"Trường hơp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì toà án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho toà án"

 

Như vậy, dựa trên quy định này, toà án sẽ yêu cầu và đương sự phải chọn một trong hai hình thức giải quyết và thông báo chính thức cho toà được biết. Khi lựa chọn toà án giải quyết, thì toà án sẽ tiếp tục thụ lý và thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được biết và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho toà án; ngược lại, khi lựa chọn khiếu nại, thì toà án sẽ trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Hoặc nếu đương sự không lựa chọn cơ quan nào giải quyết cả thì toà án sẽ trả đơn.

Khi chọn phương án giải quyết khiếu nại mà không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết, thì đương sự có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra toà án để được xem xét giải quyết.

Nếu trường hợp có nhiều người vừa khởi kiện, vừa khiếu nại cùng một nội dung quyết định, hành vi hành chính, nhưng có người lựa chọn toà án, có người lại lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để giải quyết yêu cầu của mình, thì sẽ được xử lý như sau:

  • Nếu quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại độc lập với nhau, thì việc giải quyết yêu cầu khởi kiện sẽ do toà án thực hiện, việc giải quyết yêu cầu khiếu nại do người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thực hiện;
  • Nếu quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại không độc lập với nhau thì toà án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, và thông báo đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được biết, đồng thời yêu cầu chuyển hồ sơ giải quyết khiếu nại cho toà án.

 

3. Một số khác biệt cơ bản giữa khởi kiện, khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính & Những lời khuyên dành cho bạn

3.1 So sánh cơ bản về khởi kiện và khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính

Bảng 1. So sánh khiếu nại & khởi kiện hành chính
Nội dung Khiếu nại Khởi kiện hành chính
Thời hiệu 90 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được  quyết định hành chính, hành vi hành chính 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính
Cơ quan giải quyết Cơ quan/người đã ban hành quyết định hoặc Thủ trưởng cơ quan cấp trên của cơ quan đã ban hành quyết định Toà án nhân dân cấp có thẩm quyền
Án phí, lệ phí Không có lệ phí Nộp án phí theo quy định
Thời gian giải quyết 45-60 ngày cho khiếu nại lần đầu, 45-70 ngày cho khiếu nại lần hai Không ấn định, tuỳ thuộc mức độ và tính chất phức tạp của vụ án
Quy trình & Kết quả

Quy trình: theo quy định Luật khiếu nại, tuỳ thuộc tính chất, mức độ sự việc khiếu nại quyết định tính chất phức tạp trong quy trình. 

Kết quả: quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai. Sau đó quyết định có thể bị khởi kiện trong vụ án hành chính.

Quy trình: theo quy định Luật tố tụng hành chính, tuỳ thuộc tính chất, mức độ sự việc khiếu nại quyết định tính chất phức tạp trong quy trình. 

Kết quả: bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

3.2 Lựa chọn khởi kiện hay khiếu nại: Lời khuyên hữu ích cho bạn 

Thứ nhất, ý nghĩa của việc so sánh giữa khiếu nại và khởi kiện hành chính:

Bạn hãy lưu ý rằng: Kết quả so sánh trên đây chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp quyết định hành chính mà bạn gặp phải không thuộc trường hợp bắt buộc phải khiếu nại trước khi khởi kiện mà thôi. Khi đó, bạn có thể cân nhắc lợi ích giữa hai loại thủ tục để chọn.

Ngược lại, nếu quyết định hành chính bạn gặp phải thuộc trường hợp bắt buộc khiếu nại trước khi khởi kiện hành chính, thì bạn phải thực hiện thủ tục khiếu nại nếu không đồng ý với nội dung quyết định. Sau khi khiếu nại chấm dứt, bạn có quyền chọn khởi kiện hành chính hoặc không. 

Thứ hai, cân nhắc về tình huống cụ thể, thời gian, chi phí và kết quả nhận được khi phải thực hiện nhiều quy trình:

Bản chất của việc khiếu nại là để chính cơ quan đã ra quyết định hành chính hoặc người đã có hành vi hành chính xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính mà bạn không đồng ý, nên điều này đôi khi có thể không đem đến kết quả giải quyết khiếu nại như mong muốn mà sau đó bạn vẫn phải tiếp tục khởi kiện. Do vậy, hãy cân nhắc đến việc trực tiếp khởi kiện hành chính mà bỏ qua bước khiếu nại nếu không thuộc trường hợp bắt buộc, để tiết kiệm về mặt thời gian.

 

Tuy vậy, đôi khi việc khiếu nại cũng đem đến những kết quả như mong muốn trong thời gian nhanh chóng, và cũng không tốn kém chi phí. Bạn cần đánh giá thật kỹ tình huống mà bạn gặp phải, quyết định/hành vi đó liên quan đến vấn đề gì để có thể dự liệu kết quả sẽ là gì, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.

Thứ ba, hãy chú ý cách ứng xử:

Toàn bộ quá trình hành chính đều liên quan đến việc làm việc với cơ quan nhà nước, do vậy, hãy đảm bảo việc bạn đã tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của mình trước khi thực hiện các quyền hoặc đưa ra các yêu cầu liên quan. Bạn cũng phải là một cá thể thượng tôn pháp luật trước khi yêu cầu sự thượng tôn pháp luật từ người khác. 

Đồng thời, hãy chắc chắn bản thân giữ được sự lịch thiệp tối thiểu trong suốt quá trình giải quyết để mọi việc suôn sẻ và tránh mọi rắc rối không đáng có cản trở sự thành công trong việc giải quyết sự việc, vụ án. 

Thứ tư, tìm kiếm sự tư vấn:

Vấn đề khiếu nại, khởi kiện hành chính là một vấn đề phức tạp, khá nhiều thủ tục khác nhau và diễn ra muôn hình vạn trạng trên hầu hết các lĩnh vực khác nhau trong đời sống, từ doanh nghiệp, lao động, kỷ luật, thuế... cho đến đất đai, cạnh tranh, cử tri... Hãy chắc chắn rằng mình nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật liên quan nếu muốn quá trình giải quyết được hiệu quả và nhanh chóng.

Nếu không chắc chắn, hãy nhanh chóng tìm gặp luật sư tư vấn ngay khi vấn đề xảy ra để đảm bảo bạn được tư vấn một định hướng phù hợp và kế hoạch hành động rõ ràng trong suốt quá trình làm việc. 

Kết luận

Việc chọn lựa giữa khởi kiện và khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính cần dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả quy định pháp luật và tình huống pháp lý mà bạn gặp phải. Hiểu rõ sự khác biệt này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp và bảo vệ quyền lợi một cách hiệu quả.

Hãy tìm gặp luật sư để được tư vấn chi tiết cho trường hợp của riêng mình để đảm bảo bạn có một định hướng đúng đắn khi giải quyết sự việc.