Một trong hai bên (vợ hoặc chồng) gây khó khăn và không đồng ý ly hôn, thì có ly hôn đơn phương được không? Làm sao để ly hôn đơn phương nhanh chóng và hiệu quả nhất?

Ly hôn đơn phương là quá trình một bên trong hôn nhân tự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn mà không có sự đồng ý của bên kia. Việc ly hôn đơn phương thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng thực tế giải quyết lại có rất nhiều khó khăn mà người ly hôn đơn phương gặp phải. Luật sư gửi bạn đọc quy trình chi tiết để thực hiện ly hôn đơn phương nhanh chóng và hiệu quả nhất. 

1. Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương

1.1 Ly hôn đơn phương là gì?

Hãy hiểu rõ ly hôn đơn phương là gì trước tiên để giúp bạn có một cái nhìn tổng quan nhé:

Điều 3 Luật hôn nhân & gia đình: "Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án".

Sau khi kết hôn, nếu vợ hoặc chồng (hoặc cả hai) muốn ly hôn thì cách duy nhất là nộp đơn khởi kiện về việc ly hôn đến toà án nhân dân cấp có thẩm quyền để được xem xét công nhận việc ly hôn. Việc chấm dứt hôn nhân chính thức được công nhận bằng quyết định hoặc bản án của toà án ban hành.

1.2 Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm

  • ►Đơn khởi kiện ly hôn đơn phương: Ghi rõ lý do và các yêu cầu về tài sản, con cái,... (nếu có). 
  • ►Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính)
  • ►Chứng minh nhân dân/căn cước công dân
  • ►GIấy tờ chứng minh nơi cư trú của người bị kiện
  • ►Giấy khai sinh của con (nếu có con chung)
  • ►Các tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (nếu có tranh chấp)

Bạn đọc có thể tham khảo mẫu đơn sau:

Mẫu đơn ly hôn đơn phương 

1.3 Các trường hợp hạn chế quyền ly hôn đơn phương

Vẫn có trường hợp pháp luật hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đơn phương mà bạn đọc cần nắm rõ để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình. Cụ thể, trong trường hợp người vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì người chồng sẽ không có quyền nộp đơn đơn phương ly hôn trong khoảng thời gian nêu trên, bất kể lý do là gì.

1.4 Các vấn đề thường hay gặp khó khăn

Hồ sơ ly hôn đơn phương tuy nhìn chung có vẻ đơn giản, nhưng thực tế rất nhiều trường hợp mắc phải khó khăn ngay từ bước đầu tiên này. Dưới đây là một số vấn đề người ly hôn đơn phương thường gặp khó khăn và lời khuyên của luật sư:

Không đủ giấy tờ:

Bị đối phương giấu giấy tờ, không hợp tác cung cấp giấy tờ... là vấn đề thường xuyên gặp phải, chẳng hạn như không có bản chính giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, như vậy toà án sẽ không thụ lý được vì không đủ giấy tờ cần thiết theo quy định.

Luật sư khuyên bạn: Trong trường hợp này, người đơn phương ly hôn nên tìm đến cơ quan có thẩm quyền để trích lục các tài liệu trên. 

Không rõ địa chỉ cư trú của bên đối phương:

Đây là một trong những vấn đề đau đầu nhất và khó giải quyết nhất. Toà án sẽ không thụ lý hồ sơ của bạn nếu bạn không xác định được đối phương ở đâu. Khi đó, có rất nhiều vấn đề xảy ra với bạn, càng nhiều vấn đề thì thủ tục giải quyết càng khó khăn và mất thời gian. BẠN HÃY LƯU Ý RẰNG: Vấn đề này có thể xảy ra ngay tại lúc nộp hồ sơ bước đầu, cũng có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian giải quyết hồ sơ.

Luật sư khuyên bạn: đối với những trường hợp có vẻ đơn giản hơn, bạn có thể dùng các tài liệu khác có thể hiện địa chỉ để chứng minh nơi cư trú của bị đơn; tuy vậy, không ít trường hợp thực tế xác minh không có bị đơn cư trú tại địa chỉ bạn cung cấp, lúc này bạn cần phải tìm hiểu các thủ tục khác liên quan đến nơi cư trú cuối cùng, hoặc tìm kiếm người vắng mặt, tuyên bố mất tích...v.v..., sau khi hoàn tất những thủ tục này mới có thể tiếp tục thực hiện hồ sơ ly hôn của bạn.  

Không có sự đồng thuận về quyền nuôi con hoặc gặp cản trở trong việc thăm nuôi, gặp gỡ con cái:

Đây cũng là một vấn đề cực kỳ nan giải và khó giải quyết, vì vấn đề thiên về tình cảm. Thực tế, có rất nhiều trường hợp đã đem việc không được gặp con cái ra để làm rào cản, gây khó khăn cho người muốn ly hôn. 

Luật sư khuyên bạn: hãy thu thập đủ tài liệu chứng cứ để chứng minh khả năng nuôi con của bạn, trong trường hợp bạn đang khởi kiện để giành quyền nuôi con về phía mình. Lúc này, bạn nên giữ sự tỉnh táo và bình tĩnh trong suốt quá trình giải quyết, tránh để tình cảm ảnh hưởng dẫn đến việc giải quyết bị vướng mắc.

Không có sự đồng thuận trong giải quyết tài sản chung, nợ chung:

Đây là một vấn đề cực kỳ nan giải, làm cho vụ án ly hôn kéo dài. Nó tương tự như một vụ việc tranh chấp tài sản vậy. Các thủ tục xác minh, thẩm định, định giá v.v... đều sẽ được thực hiện. 

Chính vì sự phức tạp này, nên nhất thời trong một bài viết không thể nêu tất cả các vấn đề mà bạn đang mắc phải được. Để đảm bảo quyền lợi cho mình một cách tối ưu nhất, bạn tốt hơn hết nên tìm đến sự tư vấn hoặc thậm chí trực tiếp tham gia của luật sư để chắc chắn rằng bạn có những định hướng chi tiết cho trường hợp riêng biệt của bạn, nhằm đảm bảo công việc được tiến hành một cách nhanh gọn và hiệu quả nhất, bạn nhé, bởi thực tế, không có vụ việc tranh chấp tài sản nào giống vụ việc nào đã từng xảy ra cả. Hãy tham khảo các kiến thức chung và sự tư vấn chi tiết từng vấn đề tại đây, hoặc hãy liên hệ luật sư để được tư vấn cụ thể cho tình huống của bạn.

2. Nộp và thụ lý hồ sơ ly hôn đơn phương

2.1 Nộp hồ sơ ly hôn đơn phương

Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc; hoặc toà án cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nếu hồ sơ có yếu tố nước ngoài.

Cách nộp: Nộp trực tiếp tại tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.

2.2 Thụ lý hồ sơ ly hôn đơn phương

Sau khi tiếp nhận, toà án sẽ tiến hành thực hiện các bước để thụ lý hồ sơ của bạn, sau khi xác định đã đầy đủ hồ sơ cần thiết theo quy định. Ngược lại, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, toà án sẽ ban hành thông báo yêu cầu bạn sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Quy trình này thông thường mất tám ngày làm việc theo quy định, thực tế có thể lâu hơn.

3. Quy trình giải quyết ly hôn đơn phương

3.1 Quy trình cơ bản 

Sau khi thụ lý, toà án sẽ thông báo đến các bên, triệu tập các bên đến toà làm việc, bao gồm nhiều thủ tục như lấy lời khai, hoà giải, xác minh...

Sau khi đầy đủ thủ tục, hoà giải không thành công, toà án sẽ tiến hành xét xử và phán quyết việc ly hôn này có được chấp thuận hay không. Từ đó, ban hành bản án tương ứng. 

3.2 Các vấn đề và thủ tục khác trong quá trình giải quyết

Tương tự như quá trình thụ lý cơ bản nêu trên, nhưng các bên gặp khó khăn ở một trong số các vấn đề xác minh, chẳng hạn: bị đơn không hợp tác, không đến toà, hoặc thậm chí không tìm thấy bị đơn tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp, hoặc bị gây khó khăn trong việc gặp gỡ con cái, thậm chí bị tước quyền gặp con của mình...v.v...

Khi đó, bạn nên thực hiện một số thủ tục như đề nghị niêm yết hồ sơ công khai, hoặc phải thực hiện các thủ tục liên quan đến việc tìm kiếm bị đơn; đồng thời, tìm kiếm và chuẩn bị tài liệu chứng minh khả năng nuôi con của mình. Đồng thời cũng nên nghĩ đến một phương pháp phù hợp với tình huống của bạn nhất để tránh ảnh hưởng tâm lý chung của con cái.

Lưu ý:

Để tránh tình trạng này xảy ra, ngay từ bước đầu đã nêu, bạn nên tìm đến sự tư vấn của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để có cái nhìn tổng quan và những định hướng chi tiết ngay từ ban đầu để việc giải quyết được suôn sẻ hơn, bởi luật sư là những người có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết, không chỉ mỗi hồ sơ của bạn, mà họ đã từng hỗ trợ cho nhiều người khác thực hiện thủ tục ly hôn, vì vậy họ đương nhiên có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn hơn để có thể giúp bạn tự tin giải quyết hồ sơ của bạn. Điều này không bao giờ là thừa cả!

4. Nhận bản án, kháng cáo và thi hành án

4.1 Nhận bản án và kháng cáo

Toà án sẽ tiến hành tống đạt bản án cho các bên, kể cả bạn và đối phương đều có quyền kháng cáo đối với bản án này trong trường hợp không đồng ý với phán quyết của toà án. 

Khi có kháng cáo, bản án sẽ chưa có hiệu lực, mà bạn phải trải qua quá trình xét xử tiếp theo ở cấp phúc thẩm, quy trình tương tự như cấp sơ thẩm nêu trên.

4.2 Thi hành án

Bao gồm cả bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật (không có ai kháng cáo, kháng nghị), và bản án phúc thẩm, đều sẽ được thi hành án theo thủ tục thi hành án dân sự chung.

Việc thi hành sẽ đơn giản nếu tranh chấp chỉ liên quan đến việc chấm dứt quan hệ hôn nhân. 

Ngoài ra, các vấn đề tranh chấp về tài sản, quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con v.v... cũng sẽ được thi hành đồng thời. Tuy vậy, các vấn đề này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. 

Lưu ý quan trọng

  • ►Tư vấn pháp lý: Nên tìm đến các luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp lý để được tư vấn chi tiết nhất cho riêng trường hợp của bạn, đồng thời để tránh tình trạng kéo dài, mất thời gian. 
  • ►Tài liệu đầy đủ: Đảm bảo tất cả các giấy tờ, chứng từ đều đầy đủ và hợp lệ.
  • ►Thời gian: Quy trình ly hôn đơn phương thường kéo dài từ 4 đến 6 tháng, tùy thuộc vào tình hình cụ thể, thực tế có thể nhanh hơn nếu bạn biết cách giải quyết, nhưng cũng có thể lâu hơn khi vụ việc phức tạp hoặc bạn không biết cách định hướng việc giải quyết.

Kết luận:

Việc nắm rõ quy trình và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ sẽ giúp bạn thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nếu gặp khó khăn, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ luật sư để đảm bảo quyền lợi của mình.