XU HƯỚNG, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN LUẬT TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đỗ Thị Diệu Linh

(Bài viết "Xu hướng, cơ hội và thách thức việc làm cho sinh viên luật trong thời kỳ chuyển đổi số" được công bố chính thức, đóng góp tại Hội thảo khoa học "Định hướng môi trường và cơ hội việc làm cho sinh viên luật" năm 2024 do trường Đại học Luật-Đại học Huế (HUL) tổ chức vào ngày 07/11/2024)

Tóm tắt

Trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ngành luật đang đối mặt với những thay đổi lớn về cấu trúc, công việc và đặc biệt là yêu cầu đối với nhân lực. Chuyển đổi số tác động trực tiếp đến cách thức hoạt động của nhiều đơn vị, trong đó có các tổ chức đào tạo ngành luật, tổ chức hành nghề luật sư, và các loại hình pháp lý khác, từ đó dẫn đến phát sinh nhiều cơ hội và thách thức mới cho sinh viên luật sau khi tốt nghiệp. Bài viết tập trung vào việc phân tích xu hướng nghề nghiệp trong ngành luật trong thời kỳ chuyển đổi số và định hướng tương lai gần, mối liên kết giữa hoạt động ngành luật, nghề nghiệp ngành luật với công nghệ. Đồng thời, bài viết cũng đề cập và phân tích những cơ hội mới, đi kèm với những thách thức mới mà sinh viên ngành luật có thể gặp phải, những thiếu hụt về kỹ năng công nghệ, những lĩnh vực pháp lý mới mẻ, sự cạnh tranh ngành càng gia tăng, sự thay đổi của các hình thức nghề luật truyền thống… Từ đó, bài viết đề xuất một số định hướng phát triển cho sinh viên ngành luật, bao gồm việc nâng cao kỹ năng số, thích ứng với sự thay đổi và phát triển đột phá của công nghệ, tận dụng các cơ hội giữa thời điểm giao thoa để phát triển nghề nghiệp mới. Bài viết cũng đưa ra những khuyến nghị mở rộng chính sách đào tạo nhằm giúp sinh viên ngành luật không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số và còn khai thác tối đa tiềm năng nghề nghiệp trong tương lai.

Từ khoá: chuyển đổi số, định hướng nghề luật, thách thức chuyển đổi số ngành luật

Download Full PDF


 

1. Đặt vấn đề

Thời kỳ chuyển đổi số đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của xã hội, từ giáo dục, quản lý đến hoạt động kinh doanh. Quá trình này không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ mới mà còn là sự thay đổi sâu rộng trong tư duy và cách thức hoạt động của các ngành nghề. Ngành luật không phải là một ngoại lệ, chuyển đổi số không chỉ tạo ra sự thay đổi về công cụ làm việc, mà còn mở ra những cơ hội và yêu cầu mới về kỹ năng và kiến thức cho sinh viên luật. Việc am hiểu và ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và dữ liệu lớn (big data) đã trở thành yếu tố thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của môi trường pháp lý ngày càng phức tạp và đa dạng.

Lực lượng sinh viên luật đứng trước bối cảnh này đang đối mặt với các cơ hội mới cũng như thách thức không hề nhỏ từ chuyển đổi số. Cơ hội xuất hiện từ sự gia tăng nhu cầu về dịch vụ pháp lý liên quan đến công nghệ, từ bảo vệ dữ liệu cá nhân đến an ninh mạng và pháp luật công nghệ cao. Tuy nhiên, sinh viên cũng phải vượt qua những thách thức về việc trang bị kỹ năng số tiêu chuẩn, khả năng thích ứng nhanh chóng với các công cụ và phương pháp làm việc mới trong bối cảnh số hoá, cũng như hàng loạt kiến thức pháp lý trong lĩnh vực mới.

Mục tiêu của nghiên cứu này là khám phá và định hình các xu hướng nghề nghiệp mới trong ngành luật dưới tác động của chuyển đổi số. Đồng thời, bài viết sẽ phân tích những cơ hội phát triển và những thách thức mà sinh viên luật cần phải chuẩn bị đối mặt, giúp họ nhận diện rõ hơn các yếu tố quan trọng để thành công trong thời đại chuyển đổi số.

2. Tổng quan chuyển đổi số trong ngành luật

2.1 Khái niệm chuyển đổi số

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là một thuật ngữ xuất hiện khá lâu trên thế giới, phổ biến mạnh trong thời đại bùng nổ công nghệ, internet, mô tả những đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong tư duy và hành động, diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ cá nhân đến tổ chức. Cho đến nay, có khá nhiều khái niệm khác nhau về chuyển đổi số được sử dụng, nhưng tựu chung đều hàm ý về việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Theo Westerman và cộng sự, chuyển đổi số được định nghĩa là việc doanh nghiệp sử dụng công nghệ để cải thiện một cách căn bản hiệu suất hoặc phạm vi tiếp cận của doanh nghiệp; theo Fitzgerald và cộng sự, Liere Netheler và cộng sự, cho rằng chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số mới (phương tiện truyền thông xã hội, di động, phân tích) để tạo ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Matt thì cho rằng đây là một kế hoạch chi tiết giúp doanh nghiệp quản lý các chuyển đổi phát sinh do việc tích hợp của công nghệ số vào kinh doanh và vận hành doanh nghiệp sau chuyển đổi…[1]. Trong khi, theo Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (2020) ghi nhận lại một số khái niệm chuyển đổi số từ các nguồn, chuyển đổi số là cách sử dụng công nghệ để thực hiện lại quy trình sao cho hiệu quả hơn” (Tech Republic), hoặc cũng có thể là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới (Microsoft). Theo FSI, doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam cho rằng chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật kết nối (IoT)…, thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hoá công ty…[2]

Chuyển đổi số tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống và cả con người, rất cần thiết trong kỷ nguyên số bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại. Chuyển đổi số trở thành yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững và cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngành luật. Nghiên cứu dựa trên khái niệm chuyển đổi số, cơ sở lý thuyết quan trọng, để khám phá các xu hướng và thách thức trong ngành luật, khi sự phát triển công nghệ đang thúc đẩy các thay đổi về phương thức cung cấp dịch vụ pháp lý, yêu cầu nghề nghiệp và kỹ năng của lực lượng lao động. Bằng cách hiểu rõ chuyển đổi số, sinh viên luật sẽ bắt kịp xu hướng, chuẩn bị kịp thời để thích nghi và phát triển trong thời kỳ này.

2.2 Xu hướng toàn cầu trong ngành luật

Trước thời đại máy móc thứ hai (The Second Machine Age)[3], nơi mà sự thay đổi và phát triển của công nghệ phủ sóng khắp các lĩnh vực từ công nghệ, kinh tế, xã hội đến văn hoá, môi trường, ngành luật trên toàn thế giới và ở Việt Nam đều đang trải qua sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào sự ảnh hưởng và phát triển của công nghệ pháp lý (LegalTech), trí tuệ nhân tạo (AI), và các giải pháp kỹ thuật số trong hệ thống tư pháp. Trước đây, LegalTech đề cập đến việc ứng dụng công nghệ và phần mềm để giúp quản lý nghiệp vụ, lưu trữ tài liệu, thanh toán, kế toán và khám phá điện tử[4]; từ 2011 trở đi, LegalTech đã phát triển để liên kết nhiều hơn với các công ty khởi nghiệp công nghệ, phá vỡ thị trường truyền thống bằng cách cho mọi người truy cập vào phần mềm trực tuyến để làm giảm hoặc trong một số trường hợp loại bỏ sự cần thiết phải hỏi ý kiến luật sư hoặc kết nối mọi người với luật sư hiệu quả hơn thông qua trực tuyến thị trường và các trang mạng xã hội, trang điện tử phù hợp[5]. Công cụ này không chỉ nâng cao hiệu quả trong hoạt động pháp lý mà còn thay đổi căn bản cách thức cung cấp dịch vụ luật. Các phần mềm quản lý vụ việc, hệ thống tự động hóa quy trình pháp lý và nền tảng số hỗ trợ tư vấn đang dần trở thành công cụ đắc lực giúp giảm thời gian và chi phí xử lý vụ án. LegalTech cũng tạo ra các nền tảng pháp lý trực tuyến, hỗ trợ khách hàng tiếp cận dịch vụ dễ dàng và tiện lợi hơn, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác xuyên biên giới cho các công ty luật. Đối với Việt Nam, LegalTech còn khá mới mẻ nhưng cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển công nghệ xuất phát từ mức độ phức tạp trong hệ thống quy định pháp luật, nhu cầu sử dụng dịch vụ luật của doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng và từ vị thế của Việt Nam là một quốc gia đang trên con đường chuẩn bị cho sự sẵn sàng số hoá.

Trong khi đó, AI đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu pháp lý khổng lồ, dự báo xu hướng pháp lý và tự động hóa các công việc có tính lặp lại cao và không bao gồm tư duy phân tích, tư duy sáng tạo. Nhiều công ty và tổ chức đang sử dụng AI để phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận trong hợp đồng hoặc hành vi vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra thách thức lớn về đạo đức nghề nghiệp, chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến tính minh bạch, độ tin cậy của quyết định mà AI đưa ra, và quyền riêng tư của dữ liệu.

Bên cạnh đó, kỹ thuật số hóa quy trình của các hoạt động tư pháp giúp đơn giản hóa quy trình pháp lý, tạo ra các tòa án điện tử và hệ thống xét xử từ xa. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ để duy trì hoạt động tư pháp thông qua các phiên tòa trực tuyến và xử lý tài liệu số, Việt Nam cũng đã cập nhật xu hướng và từng duy trì hoạt động xét xử trực tuyến này trong thời kỳ dịch bệnh. Thời điểm đó, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức xét xử trực tuyến, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 512a/QĐ-TANDTC ngày 19/11/2021 kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết 33, các cơ quan Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 để hướng dẫn tổ chức phiên toà trực tuyến và đã tổ chức được 03 phiên toà trực tuyến tại Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang với 03 loại án hình sự, dân sự và hành chính có sự giám sát trực tuyến của Toà án nhân dân tối cao (08/01/2022)[6]. Điều này không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận pháp lý mà còn đảm bảo tính liên tục của hệ thống tư pháp trong những bối cảnh khó khăn. Đó cũng là những xu hướng mới góp phần định hình tương lai, mặc dù hiện tại vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhìn chung, xu hướng toàn cầu trong ngành luật phản ánh sự cần thiết phải thay đổi và thích nghi với công nghệ mới. Điều này đòi hỏi không chỉ chuyên gia mà còn cả sinh viên luật ngoài trau dồi kiến thức pháp lý sâu rộng, còn cần nắm vững kỹ năng số, khả năng phân tích dữ liệu, và sự hiểu biết về các công nghệ mới nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của ngành luật hiện đại.

2.3 Tác động của chuyển đổi số đến cơ cấu nghề nghiệp trong ngành luật

Thực chất, ngành công nghiệp pháp lý có thể xem là một ngành nghề có tính truyền thống và bảo thủ, bởi sự nhạy cảm về tình trạng pháp lý và không thích rủi ro, một lỗi công nghệ nhỏ có thể gây ra hậu quả tài chính đáng kể cho người thụ hưởng dịch vụ pháp lý hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng pháp lý của họ. Tuy vậy, trước tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số, các nghề nghiệp trong ngành luật, từ vị trí công việc đến mô hình hoạt động, ít nhiều chịu ảnh hưởng. Quy trình trước đây phần lớn là quy trình thủ công, tài liệu giấy, tuy nhiên, sự du nhập của công nghệ đã tạo điều kiện cho việc số hoá tài liệu nội bộ, quản lý dữ liệu số, và liên kết các dữ liệu số làm cho quy trình trở nên nhanh chóng hơn, ngoài ra nhu cầu của đối tượng thụ hưởng pháp lý tuỳ vào mức độ đáp ứng công nghệ trong hoạt động của họ mà có những thay đổi hay yêu cầu cao hơn đối với dịch vụ pháp lý. Sự thay đổi này không chỉ nâng cấp các dịch vụ pháp lý hiện tại trong ngành luật mà còn mở ra nhu cầu về các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là sự xuất hiện của LegalTech. Những nền tảng công nghệ đang dần chuyển đổi cách thức tương tác giữa người cung cấp và người thụ hưởng dịch vụ pháp lý.

Từ đó, không chỉ các công việc mới dần xuất hiện như chuyên gia pháp lý về dữ liệu (Data Privacy Lawyer), chuyên viên tuân thủ công nghệ (Tech Compliance Officer) hay các chuyên gia pháp lý về trí tuệ nhân tạo, mà cách thức hoạt động của các nghề nghiệp hiện hành trong ngành luật như luật sư, chuyên viên pháp lý, pháp chế doanh nghiệp hay các chức danh trong hệ thống hành pháp, tư pháp, cũng dần có sự chuyển biến và thay đổi, đặc biệt tập trung vào các vị trí tư nhân. Các công việc trong ngành luật hiện nay không những đòi hỏi kiến thức pháp lý sâu rộng, kỹ năng pháp lý chuyên nghiệp mà còn phải có sự kết hợp với công nghệ và kiến thức pháp lý về công nghệ, nhằm đảm bảo việc áp dụng công nghệ số không vi phạm quyền lợi người dùng và quy định pháp luật. Vì vậy, chuyển đổi số không đơn thuần tích hợp công nghệ mà còn tái cấu trúc toàn diện cơ cấu nghề nghiệp trong ngành luật, đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho những chuyên gia đang hoạt động trong ngành và cả sinh viên luật nắm bắt xu thế, thích ứng và phát triển.

3. Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp được sử dụng trong bài nghiên cứu gồm phương pháp phân tích, tổng hợp, nghiên cứu tài liệu hay tại bàn. Trong đó, phương pháp nghiên cứu tài liệu hay tại bàn, tổng hợp được sử dụng để tổng hợp các dữ liệu sẵn có từ các khảo sát, báo cáo, cơ sở dữ liệu nhằm làm rõ tình hình thực tế của cơ cấu nghề luật và xu hướng của ngành luật; phương pháp phân tích được dùng để phân tích các lý thuyết là cơ sở nghiên cứu, tình hình thực tế về hoạt động nghề luật và tốc độ, mức độ ảnh hưởng của chuyển đổi số đến ngành luật, sự thay đổi của cơ cấu, xu hướng ngành luật; từ đó, rút ra kết luận, đề xuất các định hướng nghề nghiệp, khuyến nghị phù hợp cho sinh viên luật, và cho chương trình đào tạo ngành luật.

4. Kết quả nghiên cứu

Đứng trước sự giao thoa giữa hành nghề truyền thống và trong thời đại chuyển đổi số, sinh viên luật được mở ra rất nhiều cơ hội mới, từ học tập đến việc làm, với sự hỗ trợ của công nghệ, nhưng đồng thời, cũng chính sự xuất hiện của công nghệ và tình hình chuyển đổi đã dẫn đến nhiều thách thức lớn mà sinh viên luật buộc phải đối mặt, đáp ứng và thích nghi để phát triển hoặc bị tụt hậu. Việc nhận thức nhanh chóng, nắm bắt cơ hội và hiểu rõ khó khăn đã, đang hoặc có thể xảy ra để xây dựng những kế hoạch đáp ứng và thích nghi sẽ giúp cho sinh viên luật bắt kịp thời đại và phát triển mạnh mẽ.

4.1 Cơ hội cho sinh viên luật trong thời kỳ chuyển đổi số

Theo Báo cáo Tương lai về việc làm (Future of Jobs Report) năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, lực lượng lao động đang tự động hoá nhanh hơn dự kiến, cho đến 2025 thì các công ty áp dụng công nghệ sẽ chuyển đổi các nhiệm vụ, công việc và kỹ năng, từ đó khoảng 43% doanh nghiệp cho biết sẽ cắt giảm lao động do tích hợp công nghệ, 41% có kế hoạch mở rộng việc sử dụng nhà thầu cho công việc chuyên môn hoá và 34% có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động do tích hợp công nghệ, và khi đó thời gian con người và máy móc được phân công cho các nhiệm vụ sẽ bằng nhau. Báo cáo cũng cho biết cuộc cách mạng robot sẽ tạo ra 97 triệu việc làm mới, trong khi khoảng 85 triệu việc làm có thể bị thay thế trong năm năm tới do sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người và máy móc[7].

Theo Báo cáo tác động cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương năm 2018 cho thấy, cũng sẽ có một số ngành nghề ở Việt Nam biến mất do tác động này, nhưng ở chiều hướng tích cực hơn thì nó cũng tạo thêm ngành nghề, việc làm mới mà người máy hay robot không thể đáp ứng được, theo dự báo có đến 80% công việc sẽ là những công việc mới mà chưa từng có ở thời điểm hiện nay[8], và như vậy đây chính là cơ hội mới cho người lao động nói chung, tuy vậy họ buộc phải có kỹ năng, trình độ cao để đáp ứng cho nhu cầu xã hội.

Cho đến nay, mặc dù chưa có báo cáo chi tiết về xu hướng của ngành luật nói riêng, tuy nhiên, trên cơ sở các dự báo chung và tầm nhìn về sự thay đổi cơ cấu ngành nghề, công việc trong thời kỳ chuyển đổi số, sinh viên luật mong muốn phát triển trong thời đại mới buộc phải nhận diện những tác động này để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội mở ra, cụ thể:

Thứ nhất, các hoạt động pháp lý mở rộng về công nghệ và phát triển bền vững: việc gia tăng tự động hoá và chuyển đổi số tạo ra nhu cầu lớn về tư vấn pháp lý trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân và pháp luật về trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực phát triển bền vững, khi những chỉ số, cơ chế mới đang dần thâm nhập vào thị trường Việt Nam (ESG, CSR, SCM[9]…), đặc biệt trong bối cảnh những nội dung này vẫn đang được xem là mới so với hệ thống pháp luật Việt Nam. Sinh viên luật có cơ hội phát triển nghề nghiệp với tư cách là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, xây dựng hệ thống pháp luật và đảm bảo tính hợp pháp trong việc quản lý dữ liệu, tư liệu người dùng và các quy định liên quan đến AI, phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng LegalTech, lĩnh vực môi trường, xã hội, quản trị…

Thứ hai, sự xuất hiện của các vai trò mới trong lĩnh vực pháp luật tư nhân: chuyển đổi số đã khiến cho các công việc truyền thống trong ngành luật dần thay đổi, tích hợp, bổ sung các vai trò mới như luật sư công nghệ (Tech Lawyer), chuyên gia pháp lý về tự động hoá. Những vị trí này đòi hỏi sự kết hợp chuyên môn pháp lý và hiểu biết sâu rộng về công nghệ, tạo điều kiện cho sinh viên luật tham gia vào lĩnh vực pháp lý mới đầy tiềm năng.

Thứ ba, cơ hội từ việc mở rộng phạm vi làm việc quốc tế: sự phát triển của nền tảng số và công nghệ truyền thông mở ra cơ hội mới làm việc từ xa và xuyên quốc gia, từ đó sinh viên luật có thể nắm bắt và mở rộng nghề nghiệp, tham gia tư vấn các vấn đề pháp lý quốc tế mà không có sự giới hạn về địa lý. Sự hiểu biết pháp lý đa quốc gia, thương mại quốc tế đi kèm với kỹ năng số sẽ giúp cho công việc này phát triển rất mạnh mẽ và cực kỳ hiệu quả.

Thứ tư, nhu cầu và cơ hội phát triển kỹ năng số: kỹ năng số được biết đến dưới hình thức sử dụng, ứng dụng công nghệ vào hoạt động, công việc. Theo Báo cáo về công việc tương lai của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023, hiểu biết về công nghệ (technological literacy) xếp thứ 6 trong tổng số 10 kỹ năng cốt lõi mà người lao động phải có để đáp ứng công việc tương lai, trong nhóm 10 kỹ năng đang có xu hướng gia tăng thì hiểu biết về công nghệ là kỹ năng tăng mạnh thứ ba (sau tư duy sáng tạo và tư duy phân tích)[10]. Do vậy, kỹ năng số là một trong những kỹ năng đang du nhập và dần trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá trình độ của người lao động, cho nên, kỹ năng số là kỹ năng thực sự cần thiết mà sinh viên luật phải bổ sung để đáp ứng xu thế mới.

Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của công việc cần tư duy phân tích và tư duy sáng tạo, bất chấp sự tác động của công nghệ: theo báo cáo Tương lai về việc làm (Future of Jobs Report) năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ghi nhận hai kỹ năng tư duy phân tích và tư duy sáng tạo sẽ được săn đón nhiều nhất vào năm 2025, cũng theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023, mặc dù có sự phát triển với tốc độ gia tăng nhanh của kỹ năng hiểu biết công nghệ, nhưng hai kỹ năng này vẫn là hai loại kỹ năng hàng đầu mà máy móc cho đến nay chưa thay thế được. Đây là một thế mạnh đối với sinh viên luật, những người được xem là có đầy đủ điều kiện, môi trường học tập và thực hành tư duy cao. Vì vậy, việc nắm bắt và tiếp tục phát triển sâu sắc và mạnh mẽ tư duy phân tích và tư duy sáng tạo sẽ khiến sinh viên luật nổi bật và đáp ứng công việc chuyên môn cao tốt hơn.

4.2 Thách thức của sinh viên luật trong thời kỳ chuyển đổi số

Bên cạnh nhiều cơ hội mới về công việc, phạm vi hoạt động và nhiều kỹ năng mới mở ra, sinh viên luật cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến sự thiếu hụt kỹ năng công nghệ và yêu cầu kỹ năng ngày càng cao và phức tạp, mức độ cạnh tranh nghề nghiệp gia tăng, sự mở rộng các lĩnh vực pháp lý mới, sự thay đổi hình thức hành nghề truyền thống cùng các vấn đề về đạo đức…

Thứ nhất, thiếu hụt kỹ năng công nghệ, kỹ năng số: chuyển đổi số đặt ra yêu cầu với sinh viên luật về khả năng thành thạo công nghệ và nhiều kỹ năng khác để có thể thích ứng với công việc. Thiếu hụt hoặc không có nền tảng kỹ năng công nghệ ở sinh viên luật sẽ là một trở ngại lớn trong việc tiếp cận nhiều công việc pháp lý mới cũng như các hoạt động nghề luật hiện hành đã và đang tích hợp công nghệ, hạn chế khả năng cạnh tranh nghề nghiệp. Trong khi, các kiến thức công nghệ hầu hết được hình thành từ việc tự học, tìm kiếm các khoá học miễn phí hoặc có trả phí từ cơ bản đến nâng cao của nhiều đơn vị tư nhân tổ chức, mà chưa có trong chương trình đào tạo ngành luật.

Thứ hai, nhu cầu pháp lý mới phát sinh trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ và phát triển bền vững: các vấn đề này xuất hiện do sự gia tăng của các công nghệ mới (AI, blockchain, năng lượng tái tạo,…) đòi hỏi kiến thức pháp lý chuyên sâu không chỉ với công nghệ, mà còn đối với các chính sách bền vững và bảo vệ môi trường. Trong khi, những lĩnh vực này chỉ xuất hiện như những phần phụ trong chương trình đào tạo luật ở một số môn học như luật môi trường, luật công nghệ thông tin,… và thường chưa được triển khai toàn diện. Những lĩnh vực này dần trở thành cốt lõi trong quản lý doanh nghiệp, phát triển cộng đồng, việc thiếu đi kiến thức chuyên môn về những lĩnh vực pháp lý mới này sẽ khiến sinh viên luật khó khăn trong việc nắm bắt yêu cầu mới của thị trường, của khách hàng hoặc của nhà tuyển dụng. Tuy vậy, công tác triển khai và thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo không phải là một công việc dễ dàng và nhanh chóng, nhiều yếu tố từ nhân lực đến công nghệ chưa sẵn sàng, do vậy, chính bản thân sinh viên luật cần phải không ngừng cập nhật kiến thức pháp lý mới về công nghệ, môi trường, xã hội và quản trị… để theo kịp thời đại.

Thứ ba, thách thức về việc cạnh tranh nghề nghiệp cao hơn: sự xuất hiện của chuyển đổi số khiến cho nhiều vai trò pháp lý truyền thống có nguy cơ bị giảm bớt hoặc thậm chí bị thay thế trong tương lai vì mức độ tự động hoá ngày càng cao. Điều này tạo ra môi trường lao động có tính cạnh tranh cao hơn, đòi hỏi năng lực ở sinh viên luật hoặc người ứng tuyển đa dạng hơn và khả năng tích hợp công nghệ vào công việc truyền thống tốt hơn.

Tóm lại, sinh viên luật trong thời kỳ chuyển đổi số đang đứng trước nhiều cơ hội mới và nhiều thách thức đan xen. Những vấn đề này không chỉ đặt ra yêu cầu đối với sinh viên luật trong việc nắm bắt và cập nhật xu hướng mới, với tinh thần học tập suốt đời để không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của thị trường, mà còn trong việc điều chỉnh, nâng cấp chương trình đào tạo ngành luật, quan hệ hợp tác công tư nhằm tạo môi trường phát triển toàn diện cho sinh viên luật.

5. Thảo luận

Trước các cơ hội và thách thức đặt ra trong thời đại chuyển đổi số đối với xã hội nói chung, ngành luật nói riêng, tác giả đưa ra những định hướng về nghề nghiệp cho sinh viên luật, và những khuyến nghị giải pháp đối với chương trình và cách thức đào tạo:

Khuyến nghị định hướng nghề nghiệp cho sinh viên luật:

Thứ nhất, nhóm nghề pháp lý số: hoạt động này liên quan đến công nghệ pháp lý, hỗ trợ các tổ chức trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hoá trong các quy trình pháp lý, các vị trí này có thể bao gồm tư vấn triển khai LegalTech,  quản lý dữ liệu pháp lý, liên kết dữ liệu pháp lý…

Thứ hai, nhóm nghề pháp lý quốc tế và xuyên biên giới: hoạt động này làm việc trong các môi trường toàn cầu, cung cấp dịch vụ pháp lý quốc tế như đầu tư, thương mại, công nghệ, môi trường, xã hội, lao động… đa quốc gia, không có sự giới hạn địa lý.

Thứ ba, nhóm nghề pháp lý bền vững: hướng đến trở thành các chuyên gia pháp lý cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp đa quốc gia trong công tác tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị.

Thứ tư, nhóm nghề nghiên cứu và đào tạo pháp lý: hoạt động nghề này ngày càng trở nên thiết yếu bởi hệ quả chuyển đổi số khiến cho nhiều lĩnh vực pháp lý mới xuất hiện, việc đào tạo thế hệ tương lai trên nền tảng chuyển đổi số là điều cần thiết, đồng thời cũng góp phần vào sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.

Khuyến nghị dành cho sinh viên luật:

Thứ nhất, nâng cao tinh thần tự giác phát triển của sinh viên luật: bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ sở giáo dục và đơn vị doanh nghiệp, bản thân sinh viên luật cần phải tự giác, nâng cao ý thức và nhận thức về sự biến đổi của thị trường và định hướng cho tương lai, tự giác trang bị kỹ năng số, tìm hiểu và học hỏi các kỹ năng công nghệ, kỹ năng mềm trên công nghệ, trau dồi và phát triển mạnh mẽ tư duy phân tích, tư duy sáng tạo trong môi trường số hoá, tham gia hoạt động xã hội, các khoá học kỹ năng bổ trợ, hội thảo, thực tập, học việc… để rèn luyện bản thân thích ứng với thời đại mới.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp trong môi trường chuyển đổi số: cần nhấn mạnh rằng đạo đức giữ một vai trò quan trọng và quyết định trong bất kỳ bối cảnh nào, đặc biệt hơn trong môi trường có sự gia nhập của công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo,… Sinh viên luật cần chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng để nhận diện các tình huống có thể gây ra xung đột đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp luật và nguyên tắc quyền riêng tư và quyền con người.

Khuyến nghị giải pháp về đào tạo:

Thứ nhất, cập nhật và nâng cấp chương trình đào tạo pháp luật: cơ sở giáo dục là nền tảng để sinh viên luật trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng ngành từ cơ bản đến nâng cao. Để đáp ứng được thị hiếu, sự thay đổi và tốc biến của xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số, chương trình đào tạo và giảng dạy pháp luật nên có sự điều chỉnh, cập nhật, bao gồm bổ sung các môn học mới liên quan đến công nghệ pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực pháp luật, cập nhật và nâng cấp môn học về luật bảo vệ môi trường, luật doanh nghiệp, luật lao động… với hệ thống kiến thức mới, cập nhật các hoạt động, cam kết của quốc gia trên trường quốc tế giúp sinh viên nắm bắt kịp thời và hiểu được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho mức độ sẵn sàng số hoá của quốc gia. Các giải pháp tạm thời trong khi củng cố điều kiện công nghệ, nhân lực cho chương trình đào tạo là các hội thảo kỹ năng, hội thảo khoa học về các lĩnh vực mới nhằm giúp sinh viên cơ bản tiếp cận và hình dung về chuyển đổi số.

Thứ hai, hoạt động hợp tác công – tư giữa nhà trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp rất cần được thúc đẩy: nhằm tạo điều kiện cho sinh viên luật tiếp cận với môi trường thực tế và trải nghiệm các công việc qua thực tập, góp phần giúp sinh viên làm quen với việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động pháp lý, hiểu rõ hơn về thị hiếu, nhu cầu và mong muốn của nhà tuyển dụng, của thị trường lao động. Đây cũng có thể xem là phương thức giúp doanh nghiệp củng cố và phát triển mở rộng nguồn nhân lực trong thời đại mới, bên cạnh công tác đào tạo lại nguồn nhân lực sẵn có. 

Thứ ba, phát triển các khoá học trực tuyến và tài liệu học tập linh hoạt: hoạt động này giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận và nâng cao kiến thức theo nhịp độ cá nhân, đảm bảo việc không bị lạc hậu trong bối cảnh chuyển đổi nhanh chóng của công nghệ. Đây là trách nhiệm chung của nhiều bên trong hệ sinh thái giáo dục, không chỉ cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục, mà còn các doanh nghiệp công nghệ, các đơn vị phát triển nội dung, với giảng viên và chính bản thân người học. Sự hỗ trợ về tài chính từ các đơn vị tư nhân và Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch này.

Kết luận

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, sinh viên luật vừa phải đối diện với cơ hội mở rộng và nâng cấp nghề nghiệp, vừa phải vượt qua không ít thách thức. Công nghệ pháp lý, công nghệ nói chung, cùng xu hướng toàn cầu hoá đã mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên làm quen với lĩnh vực công nghệ cao và pháp lý xuyên quốc gia. Tuy nhiên, những yêu cầu về kỹ năng kỹ thuật, nhận thức sâu rộng về lĩnh vực pháp lý mới đòi hỏi sinh viên phải chủ động hơn nữa trong việc trau dồi kiến thức chuyên môn và nâng cao năng lực bản thân để đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng cao và phức tạp.

Cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước, và cộng đồng sinh viên luật đều cần hợp tác và chủ động nhằm xây dựng môi trường, nền tảng đào tạo thích ứng với yêu cầu hiện đại. Trong đó, sự chủ động từ chính người học sẽ là chìa khoá vạn năng mở ra cơ hội mới và vượt qua mọi trở ngại, sinh viên luật cần phải có tinh thần và ý chí học tập bền vững, hướng đến đóng góp mình vào việc xây dựng lực lượng lao động pháp lý tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại chuyển đổi số, và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia.


Tài liệu tham khảo

  1. Erik Brynjolfsson & Andrew McAfee (2014), The Second Machine Age: Work, Progress, and Prosperity in a Time of Brilliant Technologies, Norton & Company, ISBN 978-0393239355.
  2. Hibnick & Eva (2014), What is Legal Tech?, https://web.archive.org/web/20190212152654/https://www.thelawinsider.com/insider-news/what-is-legal-tech/.
  3. Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (2020), Khái niệm chuyển đổi số và chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
  4. Đinh Viết Nam (2022), Trao đổi xét xử phiên toà trực tuyến các vụ án, trang thông tin điện tử Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị, https://quangtri.toaan.gov.vn/webcenter/portal/quangtri/chitiettin?dDocName=TAND279281.
  5. Lê Ba Phong & Nguyễn Đàm Minh Thông (2022), Chuyển đổi số và những định hướng chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số: Hàm ý cho các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, tập 58, số 6B.
  6. Rubin, Basha (2014), Legal Tech Startups have a short history and a bright future, https://techcrunch.com/2014/12/06/legal-tech-startups-have-a-short-history-and-a-bright-future/.
  7. Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2018), Chuyên đề 10: Báo cáo Tác động cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, Cổng thông tin kinh tế Việt Nam – VNEP.
  8. World Economic Forum (2020), The Future of Jobs Report.
  9. World Economic Forum (2023), Future of Jobs 2023: These are the most in-demand skills now- and beyond, https://www.weforum.org/stories/2023/05/future-of-jobs-2023-skills/.

 


[1] Lê Ba Phong, Nguyễn Đàm Minh Thông (2022), Chuyển đổi số và những định hướng chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số: Hàm ý cho các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, tập 58, số 6B, trang 151-157.

[2] Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (2020), Khái niệm chuyển đổi số và chuyển đổi số trong giáo dục đại học, trang 2.

[3] Erik Brynjolfsson & Andrew McAfee (2014), The Second Machine Age: Work, Progress, and Prosperity in a Time of Brilliant Technologies, Norton & Company, ISBN 978-0393239355.

[4] Hibnick & Eva (2014), What is Legal Tech?, https://web.archive.org/web/20190212152654/https://www.thelawinsider.com/insider-news/what-is-legal-tech/, truy cập ngày 26/10/2024.

[5] Rubin, Basha (2014), Legal Tech Startups have a short history and a bright future, https://techcrunch.com/2014/12/06/legal-tech-startups-have-a-short-history-and-a-bright-future/, truy cập ngày 26/10/2024.

[6] Đinh Viết Nam (2022), Trao đổi xét xử phiên toà trực tuyến các vụ án, https://quangtri.toaan.gov.vn/webcenter/portal/quangtri/chitiettin?dDocName=TAND279281, truy cập ngày 26/10/2024.

[7] World Economic Forum (2020), The Future of Jobs Report, trang 5.

[8] Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2018), Chuyên đề 10: Báo cáo Tác động cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, trang 11.

[9] ESG: environment (E), social (S), governance (G) – chỉ số đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng; CSR (Corporate Social Responsibility) là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; SCM (Stakeholder Capitalism Metrics) hay còn được gọi là Bộ chỉ số Tư bản bền vững giúp doanh nghiệp đo lường tác động của họ đối với các yếu tố phi tài chính.

[10] World Economic Forum (2023), Future of Jobs 2023: These are the most in-demand skills now- and beyond, https://www.weforum.org/stories/2023/05/future-of-jobs-2023-skills/, truy cập ngày 27/10/2024.