Quá trình cưỡng chế thi hành án diễn ra như thế nào? Các biện pháp cưỡng chế cụ thể là gì, có phân biệt biện pháp cho các loại tài sản khác nhau không? Những điểm cần lưu ý trong cưỡng chế thi hành án? (PHẦN 2)

Cưỡng chế thi hành án là biện pháp cuối cùng khi người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ. Quá trình cưỡng chế được thực hiện bởi cơ quan thi hành án, bắt đầu từ việc ra quyết định cưỡng chế và triển khai các biện pháp cưỡng chế phù hợp theo quy định pháp luật.

Bài viết này tập trung phân tích chi tiết các biện pháp cưỡng chế khác nhau đối với các loại tài sản khác nhau, làm rõ cách thức áp dụng và những điểm lưu ý cho từng biện pháp.

Trong PHẦN 1, luật sư đã phân tích chi tiết về các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản lần lượt là tiền, giấy tờ có giá, quyền sở hữu trí tuệ, cùng cách thức áp dụng thực tế. Tiếp nối trong PHẦN 2, luật sư tiếp tục gửi bạn đọc phân tích chi tiết về các biện pháp cưỡng chế khác đối với các loại tài sản khác, cùng cách thức vận dụng vào thực tiễn - đây cũng là nội dung gặp phải nhiều nhất và đa phần xảy ra trong các vụ thi hành án dân sự

2. Chi tiết thực hiện các biện pháp cưỡng chế

(tiếp theo)

2.4 Cưỡng chế đối với tài sản là vật

2.4.1 Các loại tài sản được kê biên và không được kê biên

Pháp luật quy định các loại tài sản không được kê biên gồm: 

  • i) Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định pháp luật; tài sản phục vụ an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức;
  • ii) Tài sản của người phải thi hành án là cá nhân gồm: lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong thời gian chưa có thu nhập hay thu hoạch mới; thuốc dùng để phòng, chữa bệnh; vật dụng cần thiết của người tàn tật, chăm sóc người bệnh; đồ thờ cúng theo tập quán; công cụ lao động cần thiết làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất và có giá trị không lớn; đồ dùng sinh hoạt cần thiết;
  • iii) Tài sản của người phải thi hành án là tổ chức: thuốc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế thiết bị, phương tiện thuộc cơ sở đó mà không phải dùng để kinh doanh; thiết bị, phương tiện, công cụ đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, ô nhiễm...

Ngoài các loại tài sản đa phần là các đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống, đảm bảo duy trì cuộc sống của người phải thi hành án và gia đình ra, thì tất cả tài sản còn lại đều thuộc trường hợp được kê biên không giới hạn. Và tuỳ từng loại tài sản cụ thể kê biên mà có các lưu ý và cách giải quyết riêng biệt. 

Thông thường có các loại kê biên sau đây: 

  • ► Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm;
  • ► Kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp;
  • ► Kê biên tài sản đang do người thứ ba giữ;
  • ► Kê biên vốn góp;
  • ► Kê biên đồ vật bị khoá, bị đóng gói;
  • ► kê biên tài sản gắn liền với đất;
  • ► Kê biên nhà ở;
  • ► Kê biên phương tiện giao thông;
  • ► Kê biên hoa lợi.

2.4.2 Lưu ý đối với quá trình kê biên

- Chấp hành viên là người quyết định kê biên, trước ít nhất 03 ngày làm việc cần phải thông báo và đề nghị chính quyền cấp xã, đại diện tổ dân phố cùng tham gia, nếu đó không phải là trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

- Sự vắng mặt của đương sự khi đã thông báo hợp lệ cũng không ảnh hưởng đến việc tiếp tục kê bên. 

- Mọi việc trong quá trình kê biên đều được lập biên bản ghi nhận, bao gồm sự có mặt, vắng mặt của từng đối tượng, diễn biến của việc kê biên, mô tả tình trạng tài sản kê biên, yêu cầu và ý kiến của đương sự, của người làm chứng, của các cơ quan chính quyền liên quan. 

- Trước khi tiến hành cách thủ tục khác, cần phải định giá tài sản đã kê biên. Việc định giá lại tài sản chỉ được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể và chỉ thực hiện duy nhất 1 lần khi đương sự có ý kiến không đồng ý với kết quả định giá trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận kết quả định giá và phải nộp tạm ứng chi phí định giá lại ngay. 

2.5 Cưỡng chế khai thác đối với tài sản

2.5.1 Tình huống cưỡng chế khai thác tài sản

Việc cưỡng chế khai thác tài sản được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • a) Tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành và tài sản đó có khả năng khai thác;
  • b) Người được thi hành án đồng ý cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án nếu việc khai thác khnog ảnh hưởng đến người thứ ba.

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này phải được thực hiện bằng quyết định của chấp hành viên, phải được thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, đăng ký tài sản và uỷ ban cấp xã nơi có tài sản được biết. Mọi chuyển giao quyền liên quan đến tài sản này đều phải được sự đồng ý của chấp hành viên. 

2.5.2 Hình thức cưỡng chế khai thác tài sản

Tài sản bị cưỡng chế khai thác được thực hiện theo các hình thức sau đây:

  • i) Nếu người phải thi hành án đang trực tiếp khai thác, hoặc cho người khác khai thác thì người đang khai thác tiếp tục được khai thác; nếu tài sản chưa được khai thác thì chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đông khai thác đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu;
  • ii) Số tiền khai thác được phải nộp lại cho cơ quan thi hành án, sau khi đã trừ chi phí cần thiết;
  • iii) Chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản nếu người phải thi hành án không ký hợp dồng khai thác theo yêu cầu trong thời hạn 30 ngày. 

Việc khai thác sẽ chấm dứt khi:

  • (1) không hiệu quả trong khai thác hoặc làm cản trở quá trình thi hành án;
  • (2) không thực hiện đúng yêu cầu của chấp hành viên về việc khai thác tài sản;
  • (3) khi người phải thi hành án đã thi hành xong các nghĩa vụ, hoặc
  • (4) do có quyết định đình chỉ thi hành án. 

Việc kê biên xử lý tài sản để thi hành án sẽ được tiếp tục sau khi ngừng khai thác tài sản đối với trường hợp (1) và (2). 

2.6 Cưỡng chế đối với tài sản là quyền sử dụng đất

2.6.1 Kê biên quyền sử dụng đất

Loại đất được kê biên: việc kê biên được áp dụng đối với quyền sử dụng đất thuộc trường hợp được chuyển quyền theo quy định Luật đất đai, những trường hợp chưa được cấp giấy mà thuộc trường hợp được cấp giấy hoặc thuộc diện phải thu hồi đất nhưng chưa thu hồi.

Giao nộp giấy tờ: người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất có nghĩa vụ nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án.

Việc kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện đồng thời nếu đó đều là tài sản của người phải thi hành án; ngược lại, nếu tài sản gắn liền với đất không phải của người phải thi hành án thì chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất và thông báo cho người có tài sản gắn liền với đất được biết. 

2.6.2 Xử lý tài sản gắn liền với đất đã kê biên mà thuộc sở hữu của người khác

Đối với tài sản có trước khi người phải thi hành án nhận quyết định thi hành án:

- Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện di chuyển tài sản để trả lại quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án.

- Trường hợp không tự nguyện di dời, chấpp hành viên hướng dẫn người có tài sẩn và người phải thi hành án thoả thuận về phương thức giải quyết tài sản, thực hiện trong thời hạn 15 ngày. Nếu không có sự thoả thuận nào được diễn ra, thì chấp hành viên xử lý tài sản đó cùng với quyền sử dụng đất để đảm bảo quyền lợi của người phải thi hành án và người có tài sản trên đất. 

- Nếu người có tài sản là người thuê đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không hình thành pháp nhân, thì người có tài sẩn được quyền tiếp tục ký hợp đồng thuê đất, góp vốn với người trúng đấu giá, người nhận quyền sử dụng đất, tương ứng thời gian còn lại của hợp đồng đã ký trước đó. 

Đối với tài sản có sau khi người phải thi hành án nhận quyết định thi hành án:

- Chấp hành viên cũng yêu cầu người có tài sản tự nguyện di dời trong thời hạn 15 ngày. Hết thời hạn mà tài sản vẫn chưa được di dời thì chấp hành viên xử lý tài sản đó cùng với quyền sử dụng đất. 

Đối với tài sản có sau khi kê biên:

- Tài sản sẽ bị tháo dỡ nếu người có tài sản không di dời hoặc không thể di dời được sau khi có yêu cầu từ chấp hành viên. 

- Chấp hành viên tổ chức tháo dỡ tài sản, trừ khi người trúng đấu giá hoặc người nhận quyền sử dụng đất dồng ý mua tài sản đó. 

Đối với tài sản là cây trồng, vật nuôi ngắn ngày chưa đến lúc thu hoạch hoặc tài sản đang trong quá trình sản xuất khép kín chưa kết thúc:

- Chấp hành viên chỉ xử lý khi đến mua thu hoạch hoặc đến khi quy trình sản xuất khép kín kết thúc. 

2.6.3 Quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên

Nếu đất đang do người phải thi hành án hoặc tổ chức, cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng thì tạm thời giao đất cho người đó. Nếu họ không nhận thì chấp hành viên tạm giao đất cho tổ chức, cá nhân khác quản lý, sử dụng, khai thác.

Nếu không ai nhận thì chấp hành viên tiến hành ngay thủ tục định giá và bán đấu giá theo quy định. 

2.7 Cưỡng chế trả vật, giấy tờ, chuyển quyền sử dụng đất

2.7.1 Quy trình cưỡng chế trả vật, giấy tờ, quyền sử dụng đất

Chấp hành viên yêu cầu người đang quản lý, sử dụng vật trả cho người được thi hành án. Nếu người đó không trả thì chấp hành viên thu hồi vật để trả.

Nếu vật trả bị giảm giá trị mà người được thi hành án không đồng ý nhận thì các bên có thể thoả thuận, nếu không thoả thuận được, thì chấp hành viên cưỡng chế trả vật cho người được thi hành án.

Những vấn đề liên quan đến bồi thường phần thiệt hại do vật phải trả bị giảm giá trị sẽ được khởi kiện tại toà án và yêu cầu toà án giải quyết. 

Nếu tài sản hư hỏng đến mức không còn sử dụng được nữa thì đương sự có thể có thoả thuận khác; ngược lại nếu không có thoả thuận  nào khác, thì đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết thiệt hại liên quan. 

2.7.2 Chi tiết các loại tài sản yêu cầu trả

Đối với vật:

- Nếu là vật cùng loại thì việc cưỡng chế được thực thi theo bản án, quyết định. Đối với vật không còn hoặc hư hỏng, giẩm giá trị thì chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án trả vật đồng loại hoặc thanh toán giá trị của vật đồng loại đó, hoặc một thoả thuận nào khác của đương sự. 

Đối với nhà, công trình, vật kiến trúc:

- Việc yêu cầu những người khác có mặt ra khỏi nhà, tự chuyển tài sản đi là bắt buộc trước khi cưỡng chế giao trả nhà, nếu họ không tự nguyện thì tiến ahfnh cưỡng chế đưa họ cùng tài sản của họ ra khỏi nhà. 

- Trường hơp họ từ chối nhận tài sản thì tài sản đó sẽ được giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc quản tại kho của cơ quan thi hành án. 

- Nếu đó là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án thì việc cưỡng chế giao trả nhà vẫn phải được tiến hành, sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án xong mà người phải thi hành án không đủ tiền thuê trọ hoặc tạo lập nơi ở mới thì chấp hành viên trích ra một số tiền từ tiền bán tài sản để người phải thi hành án thuê chỗ cư trú trong thời gian tới ít nhất là 01 năm.

Đối với giấy tờ:

- Việc giao trả được thực hiện bắt buộc theo bản án, quyết định, cưỡng chế được thực hiện khi không có sự tự nguyện. 

Đối với quyền sử dụng đất:

- Việc giao quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định với sự tham gia của đầy dủ các cơ quan liên quan. 

- Trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định thì chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi đất. Việc cưỡng chế tháo dỡ sẽ được thực hiện nếu không có sự tự nguyện.

- Trường hợp tài sản hình thành trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án không nêu rõ cách thức xử lý thì cơ quan thi hành án yêu cầu toà án giải thích.

2.8 Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định

2.8.1 Buộc thi hành một công việc nhất định

Quyết định phạt tiền sẽ được ban hành nếu người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định ban hành. Việc thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt 

Việc xử lý sau khi hết thời hạn ấn định mà người phải thi hành án vẫn không thực hiện như sau: giao công việc đó cho người khác thực hiện nếu đó là công việc có thể giao; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự tội không chấp hành án đối với người phải thi hành án nếu công việc đó phải do người này thực hiện, không thể chuyển giao cho người khác, nhưng đã không thực hiện. 

2.8.2 Buộc không được thực hiện công việc nhất định

Quyết định phạt tiền đối với người phải thi hành án sẽ được ban hành nếu người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt việc mà theo bản án, quyết định không được phép tiếp tục thực hiện, đồng thời yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu cũng được đề ra đồng thời. 

Cơ quan thi hành án quyết định đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự tội không chấp hành án khi người phải thi hành án không tự nguyện. 

2.8.3 Các trường hợp đặc biệt

Đối với việc cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng:

- Việc cưỡng chế được tiến hành theo bản án, quyết định, sau khi chấp hành viên đã phối hợp với chính quyền địa phương thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án nhưng không thành công.

Đối với việc cưỡng chế nhận người lao động trở lại làm:

- Quyết định phạt tiền đối với người sử dụng lao động được ban hành nếu họ không tự nguyện nhận người lao động trở lại làm việc, và ấn định 10 ngày để nhận người lao động trở lại làm việc. Ngược lại, hết thời hạn ấn định mà không nhận người lao động trở lại làm, chấp hành viên có quyền đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng lao động về tội không chấp hành án. 

- Trong trường hơp không thể bố trí người lao động trở lại làm việc, thì người lao động phải bố trí công việc khác với mức lương tương đương. Nếu người lao động trong trường hợp này không chấp nhận công việc thi người sử dụng lao động phải thanh toán cá chế độ theo quy định lao động để chấm dứt dứt nghĩa vụ thi hành án. 

Kết luận

Cưỡng chế thi hành án là một bước quan trọng cuối cùng đưa bản án có hiệu lực ra thực thi trên thực tế, giúp người được thi hành án lấy lại quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy vậy, đây cũng là một quy trình hết sức gian nan và phức tạp, từ quy định pháp luật cho đến người tham gia. Trên thực tế không hề ít những trường hợp người phải thi hành án trốn tránh hoặc cố tình kéo dài, thậm chí không muốn thi hành án dẫn đến bao nhiêu rắc rối, mệt mỏi đối với người được thi hành án cũng như cơ quan chính quyền. 

Hi vọng toàn bộ PHẦN 1 và PHẦN 2 giúp bạn hình dung trọn vẹn bức tranh tổng thể của quá trình cưỡng chế thi hành án, giúp bạn hiểu rõ quy trình, quy định pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Đừng ngần ngại liên hệ luật sư để được tư vấn chi tiết cho sự việc mà bạn đang gặp phải, bởi việc định hướng giải quyết sự việc ngay từ đầu là một điều cực kỳ hệ trọng để giúp sự việc của bạn giảm bớt rắc rối và thuận lợi hơn khi giải quyết.