Một vụ án bắt đầu từ đơn khởi kiện. Vậy đơn khởi kiện nên soạn như thế nào để được thụ lý, toà án có trả lại đơn hay không, và người khởi kiện nên làm gì khi bị trả đơn?

Để bắt đầu một vụ kiện tại toà án, điều đầu tiên cần làm là soạn thảo đơn khởi kiện và hồ sơ tài liệu, chứng cứ kèm theo. Tuy vậy, công đoạn nộp đơn tại toà án sao cho đúng quy định và được thụ lý cũng một là trong những vấn đề nan giải đối với đương sự, bởi không ít trường hợp nộp đơn nhưng không được nhận hoặc bị toà án trả lại đơn.

Hãy để luật sư cùng bạn tìm hiểu về vấn đề đơn khởi kiện bị trả lại và việc cần làm để khắc phục nhé!

1. Tại sao đơn khởi kiện bị trả lại?

Đơn khởi kiện có thể bị trả lại trong các trường hợp sau đây:

1.1 Không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án:

Vụ việc không nằm trong phạm vi thẩm quyền giải quyết của tòa án mà đơn khởi kiện được nộp.

1.2 Người khởi kiện không có quyền khởi kiện:

Người nộp đơn không phải là người có quyền khởi kiện hoặc không được ủy quyền hợp pháp.

1.3 Chưa có đủ điều kiện khởi kiện:

Trường hợp pháp luật quy định vụ việc phải qua các thủ tục hành chính, hòa giải hoặc các điều kiện tiền tố tụng khác mà người khởi kiện chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện này.

1.4 Hết thời hiệu khởi kiện:

Thời hiệu khởi kiện đã hết theo quy định của pháp luật.

1.5 Không đủ các thông tin cần thiết:

Đơn khởi kiện không có đủ các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật (chẳng hạn như thông tin về các bên, yêu cầu khởi kiện, chứng cứ chứng minh, v.v.) mà sau khi được yêu cầu bổ sung, người khởi kiện vẫn không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ.

1.6 Người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện:

Người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện và không có yêu cầu khởi kiện lại.

1.7 Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật:

Vụ việc đã được tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp người khởi kiện có yêu cầu khởi kiện khác hoặc khiếu nại quyết định đó.

Với trường hợp này, pháp luật Việt Nam đã công bố chính thức một án lệ liên quan: án lệ số 38/2020/AL


2. Phải làm gì khi bị trả lại đơn khởi kiện?

Khi đơn khởi kiện bị trả lại, người khởi kiện nên:

2.1 Xem xét lý do và khắc phục

Sau khi kiểm tra kỹ các lý do mà tòa án đưa ra, bạn hãy tìm cách khắc phục nó, trong trường hợp không hiểu hoặc không biết cách để khắc phục, điều tốt hơn hết là bạn nên nhờ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý tư vấn, nhằm khắc phục một cách nhanh nhất, tránh tình trạng "tự bơi" trong một lượng khổng lồ quy định pháp luật mà bản thân không hiểu rõ.

Dưới đây, luật sư tóm tắt cơ bản một số điểm giúp bạn có thể khắc phục các lý do bị trả đơn tương ứng: 

Nếu bạn rơi vào tình trạng bị trả đơn do toà án không có thẩm quyền thì bạn nên xem kỹ lại nội dung vụ việc để xác định các vấn đề sau: (1) Tranh chấp của bạn là gì; (2) Người khởi kiện ở đâu?, và (3) bất động sản bị tranh chấp nằm ở đâu?.

Đây là 3 vấn đề giúp bạn khắc phục được các lý do nêu trên: về cơ bản, nếu tranh chấp của bạn không liên quan đến bất động sản thì thẩm quyền của toà án thông thường sẽ được xem xét theo nơi thường trú/tạm trú/cư trú hợp pháp của bị đơn. Ngược lại, nếu tranh chấp của bạn liên quan đến bất động sản thì thẩm quyền của toà án thông thường sẽ được xét theo nơi toạ lạc bất động sản đó. Đương nhiên, ngoài 2 trường hợp cơ bản trên, quy định pháp luật Việt Nam còn xem xét thẩm quyền toà án theo nhiều tiêu chí khác, chẳng hạn: nơi thực hiện hợp đồng, theo lựa chọn của nguyên đơn...v.v...

Nếu bạn được xác định không có đủ tư cách khởi kiện, thì hãy kiểm tra kỹ rằng: bạn có phải là đối tượng bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc hay không, bạn có được người  người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc uỷ quyền chính thức bằng văn bản để đi khởi kiện hay không, từ đó khắc phục nguyên nhân nêu trên.

Nếu toà án xác định hồ sơ của bạn chưa đủ điều kiện để khởi kiện, hãy kiểm tra lại và chắc chắn rằng mình đã thực hiện đầy đủ các bước tiền tố tụng bắt buộc theo từng vụ việc cụ thể, chẳng hạn: đối với tranh chấp đất đai nói chung, liệu bạn đã thực hiện thủ tục hoà giải cấp cơ sở hay chưa; đối với vụ án hành chính, có những trường hợp phải tiến hành khiếu nại hành chính trước khi khởi kiện, hãy chắc chắn mình đã làm đầy đủ,...

Nếu toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện bằng các thông tin cụ thể, bạn hãy kiểm tra và tường trình hoặc cung cấp bổ sung các thông tin còn thiếu cho toà án.

Đối với các trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết hoặc vụ án đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật khác, là những trường hợp thuộc dạng phức tạp, có thể bạn thực sự sẽ không được khởi kiện lại. Tuy vậy, vấn đề có khắc phục được hay không còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá và xử lý hồ sơ. Do đó, những trường hợp này bạn đọc nên tìm đến luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để nhận được lời khuyên cụ thể và những giải pháp pháp lý rõ ràng nhé. Một lời khuyên khác cho bạn đọc trong tình huống này, bạn có thể khiếu nại quyết định trả đơn của toà án nếu cảm thấy không thoả đáng, việc khiếu nại phải đi kèm với tài liệu chứng minh sự không thoả đáng của quyết định. 

2.2 Nộp lại đơn khởi kiện:

Sau khi đã xác định và khắc phục các lý do bị trả lại đơn, người khởi kiện có thể nộp lại đơn khởi kiện theo đúng quy định.

2.3 Khiếu nại quyết định trả lại đơn khởi kiện:

Nếu người khởi kiện không đồng ý với quyết định trả lại đơn khởi kiện của tòa án, họ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Khiếu nại này cần được thực hiện trong thời hạn quy định và gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

3. Tìm kiếm sự tư vấn pháp lý:

Trong nhiều trường hợp, việc tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý có thể giúp người khởi kiện hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như các bước cần thực hiện để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Tuỳ từng trường hợp tranh chấp cụ thể mà đơn khởi kiện và hồ sơ pháp lý kèm theo sẽ có sự khác nhau và cần được chuẩn bị theo một cách thức riêng biệt để làm rõ được vấn đề tranh chấp giúp cho việc thụ lý trở nên dễ dàng hơn.

Do vậy, trong trường hợp gặp khó khăn với việc nộp và thụ lý đơn khởi kiện, đừng ngần ngại liên hệ luật sư để nhận được sự tư vấn cụ thể nhất cho trường hợp của riêng mình.