TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI & NGHĨA VỤ HẠN CHẾ THIỆT HẠI PHÁT SINH TỪ VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ
Đỗ Thị Diệu Linh
(Luận văn được hoàn thành tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2022, bản giấy được lưu trữ tại thư viện trường)
TÓM TẮT LUẬN VĂN
Luận văn nghiên cứu về chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, đây là một trong những biện pháp pháp lý quan trọng trong thực thi trách nhiệm dân sự phát sinh do vi phạm nghĩa vụ, đặc biệt đề cập trong phạm vi hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại. Trong đó, nghiên cứu tập trung vào các vấn đề liên quan đến phạm vi thiệt hại được xem xét khi xác định bồi thường thiệt hại, khi xác định ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai loại trách nhiệm, các vấn đề chi tiết xoay quanh việc thực thi trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại đặt trong mối quan hệ với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật, đồng thời được đặt ra trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình phát triển và Việt Nam cũng đang là địa điểm có sức hút lớn đối với đầu tư nước ngoài, nên việc điều chỉnh sao cho chế định vừa phù hợp giao dịch quốc nội, vừa đáp ứng để hội nhập quốc tế trong tương lai, luôn là điều tất yếu và cấp thiết. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam hiện chưa có sự đồng nhất về mặt nền tảng giữa quy định luật chung và luật chuyên ngành, một số nội dung chưa có quy định, một số mang tính chất khái quát quá rộng, một số khác lại quá chi tiết dẫn đến không thể liệt kê đầy đủ đã dẫn đến khó khăn trong áp dụng để giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh. Vì vậy, càng cần thiết phải có sự thay đổi để từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt đảm bảo vị thế cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng nhưng vẫn đảm bảo không giới hạn phạm vi quá nhiều khi các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến bồi thường thiệt hại, ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Bằng tinh thần và mục tiêu này, luận văn trên cơ sở lấy lý luận hợp đồng và vi phạm hợp đồng, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, làm cơ sở pháp lý nền tảng để đưa ra các phân tích về lý luận, quy định pháp luật và đánh giá thực tiễn thi hành quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm hạn chế thiệt hại của Việt Nam so với quy định pháp luật quốc tế, từ đó đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện chế định này.
THESIS SUMMARY
The thesis researches on the institution of conpensation for damage caused by breach of contract which is one of the important legal measures using for implementing civil liability which arises from breach of obligations, especially mentioned in the scope of sale of goods contract. Therein, the thesis concentrates on issues related to the extent of damages considered when determining compensation for damages, preventation and mitigation of damages, emphasizes the relationship between the two types of liability, indicates some detailed issues surrounding the implementation of preventation and mitigation of damages which are in relation to the liability of compensation for damages caused by breach of contract.
Compensation for damages is a fundamental and essential institution in the law system, meanwhile, it is set forth in the condition that Vietnamese enterprises are gradually changing and developing and Viet Nam is also a country of great attraction for foreign investment, therefore, it is always necessary and urgent to adjust the regulations so that it is both suitable for domestic transactions and for international intergration in the future. Moreover, Vietnamese law currently has no uniformity in terms of base between Civil Code and Commercial law, some problems are not regulated, some are too general in nature, in contrast, others are too detailed to not be listed fully, which all have led to difficulties in implementing to resolve actual disputes about compensation for damages caused by breach of contract. Therefore, modifying is necessary in order to satisfy needs, especially guarantee the balance of rights and obligations between two parties who are taking part in contracts, also make sure that parties’s implementation of rights and obligations about compensation for damages and preventation and mitigation of damages are not too much limited. By this purpose, the thesis, based on the reasoning about contracts and breach of contracts, puts analyses of reasoning, regulations and evaluation of implementing Viet Nam’s regulation about compensation for damages and preventation and mitigation of damages out in a comparision with the international regulations, and gives proposals on amendments and supplements to build this regulation.
Chương 1
LÝ LUẬN CHUNG VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
VÀ NGHĨA VỤ HẠN CHẾ THIỆT HẠI
PHÁT SINH TỪ VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
1.1 Tổng quan về hợp đồng mua bán hàng hóa và vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Hợp đồng là loại hình công cụ pháp lý được sử dụng phổ biến hiện nay, kể cả ở Việt Nam và trên thế giới, giữa người và người nói chung hướng đến tạo lập các quan hệ, giao dịch, được hình thành trong lĩnh vực dân sự, thương mại, lao động, thậm chí trong lĩnh vực hành chính. Để tạo nên và bắt đầu một quan hệ, giao dịch, việc hướng đến một ý chí chung giữa các chủ thể cùng tham gia trong hợp đồng là điều tất yếu, cho nên, có thể nói hợp đồng không chỉ bày tỏ ý chí của một bên chủ thể, mà còn thể hiện sự gặp gỡ ý chí của ít nhất hai chủ thể để hướng đến việc tạo ra ý chí chung.
Mỗi loại hợp đồng ở mỗi lĩnh vực khác nhau, điều chỉnh các quan hệ, giao dịch khác nhau với các chủ thể khác nhau sẽ mang những đặc điểm riêng biệt đặc thù của loại giao dịch đó và của quy định riêng chi phối, điều chỉnh nó.
Download Full PDF Luận văn tại đây.
1.1.1 Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại
Thương mại là lĩnh vực mà hợp đồng xuất hiện phổ biến, kể cả giữa các chủ thể trong nước với nhau và giữa các chủ thể trong nước với chủ thể nước ngoài, trong đó, các thỏa thuận về việc mua bán hàng hóa là rất phổ biến vì mức độ giao dịch dày đặc phụ thuộc vào tỷ lệ cung – cầu và sự đa dạng hàng hóa, cho nên sự xuất hiện của hợp đồng mua bán hàng hóa gần như là một điều tất yếu phải có, tác giả dùng để phân tích xuyên suốt luận văn này. Mua bán hàng hóa được hiểu là sự trao đổi hàng hóa, tài sản cho một khoản tiền hoặc khoản tín dụng nhất định trên cơ sở thỏa thuận của các bên tham gia, trong quan hệ mua bán sẽ luôn có bên bán hàng và bên mua hàng, trong đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua theo mức giá cụ thể mà các bên đã thỏa thuận và ở chiều ngược lại bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận, và hợp đồng là hình thức pháp lý mà các bên lựa chọn để ghi nhận sự thỏa thuận của mình và đối tác.
Pháp luật Việt Nam xem hợp đồng là một sự thỏa thuận giữa các chủ thể tham gia, mục đích hướng đến là xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự với nhau, được thực định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015. Khái niệm này không được tìm thấy trong pháp luật thương mại, có lẽ bởi hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại nói riêng có bản chất chung của một hợp đồng, Luật thương mại chỉ đưa ra định nghĩa về hoạt động mua bán hàng hóa tại Khoản 8 Điều 3 thể hiện mua bán hàng hóa là một dạng hoạt động thương mại trong đó các bên có quyền và nghĩa vụ đối ứng nhau: giao hàng, chuyển quyền sở hữu – nhận hàng, thanh toán theo thỏa thuận. Như vậy, có thể thấy hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại tuân thủ theo quy định chung về hợp đồng dân sự như đề cập tại Điều 385 Bộ luật dân sự; bên cạnh việc phải đáp ứng các quy định cụ thể do luật chuyên ngành điều chỉnh. Xét về mặt hình thức, hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại phải đáp ứng quy chuẩn tại Điều 24 Luật thương mại “được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể”, và Điều 27 Luật thương mại “phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương” đối với mua bán quốc tế.
Như vậy, hợp đồng nói chung, trong đó bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại, sẽ có 02 đặc tính cơ bản là:
- Thể hiện sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng
Sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng có ý nghĩa tương đương với việc các bên thống nhất ý chí về việc ràng buộc lẫn nhau trong một quan hệ cụ thể. Thỏa thuận là “đồng ý với nhau về điều nào đó có quan hệ đến các bên, sau khi đã bàn bạc”[1], thường được biểu hiện dưới các hình thức cụ thể như bằng lời nói, bằng văn bản hoặc thông qua hành vi cụ thể. Trong bối cảnh các giao dịch thương mại, ý định này thường thể hiện dưới hình thức thỏa thuận tại một văn bản được các bên cùng ký kết; nếu không có thỏa thuận tại một văn bản được các bên cùng ký kết, thỏa thuận của các bên có thể thể hiện dưới hình thức đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng[2].
- Nội dung hướng đến xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng
Việc xác lập quan hệ giữa các bên thông qua hợp đồng mang đặc tính về nội dung là thể hiện việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên với nội dung cụ thể rõ ràng nhằm hướng tới việc ràng buộc các bên tham gia hợp đồng. Khi sự thỏa thuận của các bên được thể hiện dưới hình thức đề nghị giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng chỉ được xem là có giá trị khi “thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị”[3].
Ngoài hai đặc điểm cơ bản nêu trên, hợp đồng mua bán hàng hóa tồn tại trong bối cảnh các giao dịch thương mại sẽ có thêm những đặc trưng cơ bản để phân biệt với các loại hợp đồng khác, gồm:
- Đối tượng mua bán là hàng hóa
Hàng hóa được phép lưu thông trong giao dịch thương mại bao gồm “tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai”[4]. Có thể thấy điểm khác biệt so với hợp đồng mua bán trong quan hệ dân sự thông thường là đối tượng hàng hóa được mua bán trong các giao dịch thương mại có phạm vi hẹp hơn, và phải được xác định theo nghĩa hẹp là loại tài sản hữu hình. Bên cạnh đó, các bên tham gia giao dịch mua bán hàng hóa có thể hướng đến việc giao và nhận hàng hóa ở một thời điểm trong tương lai.
- Mục đích sinh lợi
Mục đích sinh lợi là một trong các đặc điểm cơ bản của hoạt động thương mại nói chung và mua bán hàng hóa nói riêng. Việc xác định mục đích sinh lợi mà các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa hướng đến có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định Luật thương mại là luật được áp dụng để điều chỉnh giao dịch mà các bên xác lập[5].
- Chủ thể tham gia có ít nhất một bên là thương nhân
Đây là điểm đặc trưng tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa hợp đồng trong lĩnh vực thương mại và hợp đồng dân sự thuần túy. Thương nhân là chủ thể trọng yếu tham gia hoạt động thương mại và chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại, Điều 6 Luật thương mại định nghĩa: “1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Bên cạnh đó, pháp luật thương mại không có sự cản trở nào đối với chủ thể không phải là thương nhân tham gia vào hoạt động thương mại, tuy nhiên cần phải tuân thủ Luật thương mại và pháp luật có liên quan.
Từ các đặc điểm tổng quát và cụ thể trên, có thể tóm tắt ngắn gọn một khái niệm cơ bản về hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại như sau: Hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó có ít nhất một bên là thương nhân, tham gia hợp đồng với nghĩa vụ của bên bán giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và quyền nhận thanh toán, với nghĩa vụ của bên mua thanh toán cho bên bán, quyền nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa.
Định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa cũng được ghi nhận tương tự trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới mặc dù cách diễn đạt có sự khác nhau ít nhiều. Chẳng hạn như, Điều 1582 Bộ luật dân sự Pháp ghi nhận: “Mua bán hàng hóa là một sự thỏa thuận mà trong đó một bên tự ràng buộc chính mình giao một thứ/vật và bên còn lại sẽ trả tiền cho vật đó”[6] (được tạm dịch bởi tác giả); tương tự, Điều 595 Bộ luật dân sự Trung Quốc ghi nhận: “Hợp đồng mua bán là hợp đồng mà trong đó người bán chuyển giao quyền sở hữu của họ đối với đối tượng hàng hóa cho người mua, đổi lại người mua trả tiền hàng”[7] (được tạm dịch bởi tác giả); Điều 433 Bộ luật dân sự Đức ghi nhận: “(1) Trên cơ sở một thỏa thuận mua bán, người bán có nghĩa vụ giao hàng cho người mua và chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho người mua; người bán phải chuyển giao cho người mua hàng hóa không có khiếm khuyết vật lý và pháp lý; (2) Người mua có nghĩa vụ trả tiền hàng cho người bán theo giá đã thỏa thuận và nhận hàng”[8] (được tạm dịch bởi tác giả); hoặc Điều 555 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: “Hoạt động mua bán có hiệu lực pháp luật khi một trong các bên hứa chuyển giao các quyền xác định cho bên còn lại và bên còn lại hứa trả tiền”[9] (được tạm dịch bởi tác giả); Điều 2106 Bộ luật thương mại Hoa Kỳ UCC quy định: “Hợp đồng mua bán bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa ở hiện tại và hợp đồng mua bán hàng hóa ở một thời điểm trong tương lai; hợp đồng mua bán bao gồm việc chuyển giao hàng hóa từ người bán sang người mua với một mức giá”[10] (được tạm dịch bởi tác giả). Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng đến nay định nghĩa hợp đồng chỉ được tìm thấy trong hệ thống pháp luật quốc gia mà hoàn toàn vắng bóng trong các văn bản pháp lý quốc tế[11].
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam có cách tiếp cận khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa tương tự các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia theo hệ thống Civil Law, từ đó hợp đồng mua bán hàng hóa cũng mang những đặc điểm cơ bản tương tự như thế giới, ngoại trừ những điểm đặc trưng về hàng hóa và chủ thể có sự khác biệt phụ thuộc vào đạo luật từng quốc gia.
1.1.2 Vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại
Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa, hành vi vi phạm hợp đồng và hậu quả pháp lý từ hành vi vi phạm hợp đồng là vấn đề thường xuyên phát sinh. Định nghĩa “vi phạm hợp đồng” được ghi nhận trực tiếp tại Điều 3(12) Luật thương mại xem đó là việc một bên trong hợp đồng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ như những gì đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Khác với Luật thương mại, Bộ luật dân sự 2015 không đề cập đến khái niệm vi phạm hợp đồng, mà sử dụng thuật ngữ “vi phạm nghĩa vụ”, theo đó, Điều 351 định nghĩa hành vi này là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ, nghĩa vụ trong khái niệm vi phạm nghĩa vụ nêu trên có phạm vi là việc của bên có nghĩa vụ phải chuyển giao vật, quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, hoặc thực hiện hay không thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của bên có quyền[12]; nghĩa vụ được đề cập trên là nghĩa vụ pháp lý, được bảo đảm thực hiện bằng sự ràng buộc của quy định pháp luật hoặc của hợp đồng. Tuy sử dụng hai thuật ngữ khác nhau để chỉ về vi phạm, nhưng nội hàm được nhắc đến trong hai khái niệm trên của hai đạo luật cho thấy sự tương đồng, đều đề cập đến 3 loại hành vi vi phạm hợp đồng, bao gồm: (1) hành vi không thực hiện nghĩa vụ, (2) hành vi thực hiện nghĩa vụ nhưng không đầy đủ, và (3) hành vi thực hiện nghĩa vụ nhưng không đúng nội dung đã thỏa thuận; hơn nữa, cách điều chỉnh của Luật thương mại có xu hướng đồng nhất khái niệm vi phạm nghĩa vụ và khái niệm vi phạm hợp đồng. Từ đó, có thể áp dụng khái niệm về nghĩa vụ của Bộ luật dân sự để điều chỉnh các hành vi liên quan đến nghĩa vụ trong giao dịch thương mại; và trên cơ sở này, có thể căn cứ vào các nội dung được thỏa thuận trong hợp đồng, quy định chung tại Điều 398 Bộ luật dân sự 2015[13] và quy định chi tiết tại tập hợp Điều 34 đến Điều 62 Luật thương mại, để xác định nghĩa vụ cụ thể của các bên tham gia hợp đồng.
Phân tích phạm vi điều chỉnh của hai khái niệm trên, tác giả Trương Nhật Quang (2020) cho rằng việc đồng nhất hai khái niệm trên là không phù hợp, xét về nội hàm vi phạm hợp đồng có thể hiểu là vi phạm bất kỳ quy định nào theo hợp đồng, bao gồm cả quy định về nghĩa vụ và quy định không phải là quy định về nghĩa vụ[14], tức là vi phạm hợp đồng có phạm vi rộng hơn và bao hàm cả vi phạm nghĩa vụ, ngoài ra còn có vi phạm quy định khác trong hợp đồng và vi phạm do phát sinh sự kiện phân bố rủi ro theo thỏa thuận ví dụ như sự kiện thay đổi bất lợi đáng kể với một bên, tình trạng phá sản của một bên hoặc vi phạm với bên thứ ba… Tuy vậy, trên cơ sở hệ thống quy định pháp luật dân sự và thương mại của Việt Nam hiện hành, để diễn đạt theo một cách khác, tác giả cho rằng dù áp dụng thuật ngữ nào trong số nêu trên thì chúng đều bao hàm mọi hành vi không thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ (không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ), chậm hoặc khiếm khuyết, thiếu sót khi thực hiện nghĩa vụ (thực hiện không đúng), và đồng thời được diễn giải chi tiết hóa trong các trường hợp cụ thể như các Điều 353, 356, 357, 358… Bộ luật dân sự 2015 hay Điều 213, 266… Luật thương mại. Như vậy, tác giả có thể rút ra khái niệm vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại như sau: Vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại là hành vi của bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Khái niệm vi phạm hợp đồng (nói chung) cũng được ghi nhận trong hệ thống pháp luật các quốc gia tiên tiến trên thế giới và các văn bản pháp lý quốc tế gồm CISG, PECL và UPICC mặc dù có sự khác nhau trong cách diễn đạt. Ví dụ như, Bộ luật dân sự Đức ghi nhận sự vi phạm bằng cụm từ “breach of duty” (tác giả dịch: vi phạm nghĩa vụ) tại Điều 280 để chỉ mọi hành vi không đúng theo hợp đồng đã ký kết, bên cạnh việc cụ thể hóa từng loại thiệt hại xuất phát từ khái niệm “breach of duty”, chẳng hạn như “damages in lieu of performance for non-performance or failure to render performance as owed, damages in lieu of performance where the duty of performance is excluded” (tác giả dịch: không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dẫn đến thiệt hại, thực hiện không đúng nghĩa vụ dẫn đến thiệt hại) lần lượt tại Điều 281, 283; trong khi, Bộ luật dân sự Trung Quốc biểu đạt mọi hành vi không thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết bằng thuật ngữ “breach of contract” (tác giả dịch: vi phạm hợp đồng) thông qua các Điều 186, 495, 563, 584, 872, 996… Hoặc bằng một cách diễn đạt khác, “non-performance” (tác giả dịch: không thực hiện) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ chung mọi hành vi không thực hiện một nghĩa vụ nào đó phát sinh từ hợp đồng trong các văn bản pháp lý quốc tế như PECL (cụ thể tại Chương 8) và UPICC (cụ thể tại Chương 7), trong Bộ luật dân sự Pháp (cụ thể một số Điều 1147, 1151…). Riêng CISG sử dụng thuật ngữ chung là vi phạm hợp đồng và đưa ra định nghĩa một cách đơn giản vi phạm hợp đồng là sự vi phạm nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng hay công ước này thông qua các điều khoản cụ thể [15].
Nhìn chung, cách tiếp cận của Việt Nam đối với sự vi phạm hợp đồng nói chung và vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể cơ bản có sự tương thích với pháp luật thế giới, các cách biểu đạt của pháp luật Việt Nam đều cho thấy bản chất của hành vi vi phạm hợp đồng là việc thực hiện hoặc không đối với một, một số hoặc tất cả nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng.
1.2 Tổng quan về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
1.2.1 Khái niệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà các bên đã ký kết, việc một bên có hành vi vi phạm hợp đồng thông qua các hình thức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ như đã cam kết trong hợp đồng là một thực tế rất phổ biến. Do vậy, pháp luật đặt ra quy định buộc bên có những hành vi vi phạm hợp đồng, thường gọi là bên vi phạm, phải gánh chịu những chế tài[16] nhất định, các chế tài là biện pháp pháp lý mang mục đích bảo vệ quyền và lợi ích bị xâm phạm và bù đắp vào những tổn thất mà bên bị những hành vi vi phạm đó tác động, thường gọi là bên bị vi phạm, đã phải gánh chịu thiệt hại.
Trong số các chế tài Luật thương mại quy định, bồi thường thiệt hại là một trong số hình thức trách nhiệm pháp lý phổ biến được các bên áp dụng trên thực tế khi xảy ra tranh chấp do hành vi vi phạm hợp đồng. Bộ luật dân sự 2015 không đưa ra một khái niệm về bồi thường thiệt hại hoặc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, mà cụ thể hóa việc áp dụng biện pháp này theo từng trường hợp cụ thể như trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật (Điều 356), do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc (Điều 358), hay do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ (Điều 359). Các hành vi vi phạm khác nhau được Bộ luật dân sự 2015 cụ thể hóa nêu trên đều dẫn đến các nghĩa vụ khác nhau của bên có hành vi vi phạm, điểm giống nhau của chúng là các nghĩa vụ phát sinh đều có thể đi kèm với một hệ quả bên vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm nếu việc vi phạm các nghĩa vụ này gây ra thiệt hại cho bên kia, có nghĩa là bên bị vi phạm có thể đồng thời yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại bên cạnh yêu cầu thực hiện các trách nhiệm khác có liên quan. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại hướng đến việc bù đắp cho những thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm gây ra, có thể thấy phạm vi và mục đích áp dụng biện pháp này theo quy định pháp luật dân sự tương đồng với định nghĩa được nêu ra tại Điều 302 Luật thương mại Việt Nam: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”.
Bên cạnh đó, đây cũng là loại chế tài được quy định trong hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, tác giả minh họa bằng bộ luật dân sự của các nước như Pháp, Đức, Trung Quốc, theo đó, “damages” là thuật ngữ được sử dụng để nói về bồi thường thiệt hại ở hầu hết các quy phạm, hoặc đôi khi sẽ thấy thuật ngữ “compensation”. Bộ luật dân sự Pháp quy định 03 loại chế tài được áp dụng khi xảy ra hành vi vi phạm tại Điều 1184 như sau: “Một điều kiện luôn được áp dụng trong các hợp đồng tương tự, cho những trường hợp mà một trong các bên không thực hiện trách nhiệm của mình. Trong trường hợp đó, hợp đồng không bị hủy bỏ là đương nhiên theo luật định. Bên có quyền đối với bên không hoàn thành trách nhiệm sẽ có hai sự lựa chọn, hoặc là buộc bên vi phạm thực hiện thỏa thuận nếu nó khả thi, hoặc yêu cầu hủy bỏ hợp đồng đó và bồi thường thiệt hại”[17] (được tạm dịch bởi tác giả). Tương tự, pháp luật Trung Quốc chọn cách liệt kê biện pháp bồi thường thiệt hại vào danh sách các hình thức cơ bản của trách nhiệm dân sự tại Điều 179 Bộ luật dân sự như sau: “Các hình thức cơ bản của trách nhiệm dân sự bao gồm: (1) Chấm dứt vi phạm; (2) loại bỏ hành động gây thiệt hại hoặc thiệt hại; (3) loại bỏ nguy cơ gây thiệt hại; (4) hành động thay thế; (5) phục hồi; (6) sửa chữa, làm lại hoặc thay thế; (7) liên tục thực hiện; (8) bồi thường cho những tổn thất/mất mát; (9) thanh toán thiệt hại dự liệu trước; (10) loại bỏ tác động bất lợi và phục hồi danh tiếng, và (11) xin lỗi”[18] (được tạm dịch bởi tác giả), tại Điều 107 Luật hợp đồng như sau: “Một bên không thực hiện nghĩa vụ của họ theo hợp đồng hoặc không thực hiện đúng như hợp đồng sẽ chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm hợp đồng bằng cách tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc bồi thường cho những mất mát”[19] (được tạm dịch bởi tác giả); và xem bồi thường thiệt hại là một trong những phương thức để “bảo vệ các thực quyền” (protection of real rights) trong giao dịch dân sự nói chung, “khi một quyền thực sự bị xâm phạm và thiệt hại theo đó mà bị gây ra thì người có quyền, căn cứ theo pháp luật, có quyền yêu cầu người vi phạm phải bồi thường thiệt hại hoặc chịu các trách nhiệm dân sự khác”[20] – trích Điều 238 Chương III, Bộ luật dân sự Trung Quốc, hay thỏa thuận bằng hợp đồng nói riêng, cụ thể quy định tại Điều 577 Chương VIII, Bộ luật dân sự Trung Quốc: “Khi một bên vi phạm nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc việc thực hiện nghĩa vụ của bên đó không tuân thủ thỏa thuận, bên vi phạm đó sẽ phải chịu các trách nhiệm dân sự luật định như tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, hoặc bồi thường cho những tổn thất/mất mát”[21] (được tạm dịch bởi tác giả). Bộ luật dân sự Đức cũng có quy định tương tự ghi nhận bồi thường thiệt hại là một quyền của bên có quyền khi xảy ra vi phạm hợp đồng, Điều 280 về bồi thường thiệt hại cho vi phạm nghĩa vụ ghi nhận: “(1) Trường hợp bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ, bên có quyền có quyền yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại đã bị gây ra…”[22] (được tạm dịch bởi tác giả), và tùy từng trường hợp vi phạm cụ thể được phân loại mà pháp luật dân sự Đức quy định những điều kiện áp dụng biện pháp bồi thường khác nhau (Điều 281 – Điều 283, Điều 286).
Các văn bản pháp lý quốc tế CISG, UPICC và PECL cũng minh thị quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là một trong các biện pháp có thể áp dụng khi xảy ra vi phạm hợp đồng, bên cạnh hai biện pháp khác là yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng. Cụ thể, CISG quy định việc người bán/người mua đã không thực hiện một nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh từ hợp đồng mua bán hay Công ước này là căn cứ để người mua/người bán yêu cầu bồi thường thiệt hại[23], bên cạnh việc đồng thời sử dụng quyền áp dụng các biện pháp bảo hộ pháp lý khác do Công ước quy định gồm buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng. Tương tự CISG, UPICC đề cập đến biện pháp này tại Mục 4 Chương 7, theo đó, Điều 7.4.1 quy định về quyền đòi bồi thường thiệt hại như sau: “Việc không thực hiện một nghĩa vụ đem lại cho bên có quyền quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc đồng thời với những biện pháp khác, ngoại trừ những trường hợp được miễn trừ được quy định trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT”. Theo PECL, yêu cầu bồi thường thiệt hại (right to damages) cũng là một trong số các quyền của bên bị vi phạm được nêu tại Điều 9:501(1), theo đó “bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại bị gây ra bởi hành vi không thực hiện nghĩa vụ của bên còn lại mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 8:108”[24] (được dịch bởi tác giả) – tức loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra vi phạm do trở ngại khách quan – tác giả ghi chú.
Trên cơ sở tổng hợp các góc nhìn nêu trên từ pháp luật quốc tế đến pháp luật quốc nội, tác giả rút ra khái niệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại như sau: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại là quyền phát sinh trên cơ sở hợp đồng được trao cho bên phải gánh chịu tổn thất là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng do bên vi phạm hợp đồng gây ra, yêu cầu bên vi phạm hợp đồng phải bù đắp cho những tổn thất đó.
1.2.2 Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Khi có vi phạm hợp đồng xảy ra, bên bị vi phạm được trao quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại muốn đảm bảo trọn vẹn nhất quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm của mình buộc phải nắm rõ nguyên tắc bồi thường thiệt hại là: bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Nguyên tắc này được minh thị trong pháp luật dân sự Việt Nam tại Điều 13 và Điều 360, trao quyền cho cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được yêu cầu bồi thường đối với toàn bộ thiệt hại đã xảy ra, trừ khi có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Mục đích hướng đến của việc bồi thường toàn bộ thiệt hại là để sau khi được bồi thường bên bị vi phạm sẽ được ở trong một vị trí kinh tế giống như khi hợp đồng được thực hiện như thỏa thuận mà không có bất kỳ vi phạm nào. Cũng trên cơ sở đó, tác giả Bùi Thị Thanh Hằng (2018) nhận định bồi thường thiệt hại có ý nghĩa thay thế nghĩa vụ phải thực hiện đúng hợp đồng bằng nghĩa vụ phải trả một khoản tiền tương ứng với thiệt hại mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu, đó chính là hệ luận của nguyên tắc Pacta sunt servanda[25]. Ngoài ra, khi thi hành nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại trên thực tế, điểm cần lưu ý là cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác”; theo đó, mọi trường hợp luật có quy định khác đều phải hiểu là trường hợp ngoại lệ, phải được áp dụng một cách chặt chẽ theo đúng quy định của luật và không được diễn dịch bằng phương pháp áp dụng tương tự pháp luật để mở rộng phạm vi áp dụng[26]; còn trường hợp có thỏa thuận khác, tác giả thấy rằng nhà làm luật hàm ý đề cập đến cả trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết và trường hợp thỏa thuận sau khi thiệt hại đã xảy ra, tức là trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh, và thông qua cách thể hiện của pháp luật, hoàn toàn có thể nhận thấy sự công nhận và ưu tiên áp dụng của pháp luật dành cho thỏa thuận của các bên, thể hiện nguyên tắc tự do ý chí, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng. So với Bộ luật dân sự, Luật thương mại Việt Nam không minh thị nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại bằng câu chữ, vậy liệu có thể hiểu và áp dụng nguyên tắc này của pháp luật dân sự vào giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng thương mại nói chung và cụ thể hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại hay không? – Có quan điểm nhận định Điều 302 Luật thương mại có cách tiếp cận tương tự quy định tại Điều 74 CISG, cụ thể CISG cũng không ghi nhận trực tiếp minh thị nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại mà đưa ra nguyên tắc bồi thường áp dụng chung cho bên bán và bên mua, gián tiếp thông qua phạm vi thiệt hại được bồi thường gồm “tổn thất” và “khoản lợi bị bỏ lỡ do hậu quả của sự vi phạm hợp đồng” để hiểu đó là “toàn bộ” thiệt hại, từ đó áp dụng nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các vi phạm xảy ra đối với hợp đồng trong lĩnh vực thương mại; cũng có quan điểm cho rằng nên áp dụng cả quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại để xác định thiệt hại được bồi thường trong hợp đồng thương mại. Riêng tác giả nhận định rằng, việc phụ thuộc vào phạm vi thiệt hại được xác định bồi thường trong điều luật (sẽ được đề cập tại Mục 2.1 Chương 2) để suy ra nguyên tắc áp dụng chung khi bồi thường tuy không gây ra mâu thuẫn quan điểm nào nhưng về mặt bản chất đôi khi đem đến sự hiểu lầm cho người đọc/người áp dụng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đang tồn tại việc chưa thống nhất về cách hiểu và áp dụng nguyên tắc “toàn bộ thiệt hại”, trong khi lại chưa có một văn bản chính thức của tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cách thức và phạm vi áp dụng nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại hoặc các loại thiệt hại được bồi thường của Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại (sẽ được đề cập tại Chương 2); do đó, một mặt để mang quy phạm pháp luật Việt Nam hội nhập và học hỏi pháp luật thế giới (được phân tích bên dưới đây), mặt khác để có sự đồng nhất giữa các quy định pháp luật quốc nội, quan điểm của tác giả đối với vấn đề giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng thương mại nói chung và cụ thể từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại bằng việc lấy nguyên tắc bồi thường làm cơ sở, nên hiểu và áp dụng nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại trong pháp luật dân sự vào lĩnh vực thương mại, trong bối cảnh hiện nay chưa có sự thống nhất trong cách quy định và cách áp dụng, cũng chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể nào.
Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại, thiệt hại có thể xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng của bên bán hoặc bên mua, có thể xuất phát từ hành vi vi phạm trách nhiệm của bên bán trong việc giao hàng, giao chứng từ, thời hạn và địa điểm giao, các cam kết liên quan đến số lượng, chất lượng, bảo hành và quyền sở hữu (bao gồm sở hữu trí tuệ) sản phẩm, kể cả các nghĩa vụ liên quan đến việc thông báo các thông tin liên quan đến khiếu nại, sở hữu trí tuệ… cho đối phương hoặc xuất phát từ hành vi vi phạm trách nhiệm của bên mua trong việc thanh toán tiền cũng như các nghĩa vụ liên quan đến việc khiếu nại, thông báo các thông tin liên quan.... Có nghĩa là hệ quả để lại từ hành vi vi phạm hợp đồng của một trong các bên là rất lớn, mức độ ảnh hưởng thuộc hệ nghiêm trọng, đặc biệt đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa giá trị lớn và có nhiều bên liên quan. Xuất phát từ mục đích khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hợp đồng, tương đương với cách dùng từ trong các văn bản pháp luật quốc tế là khôi phục lại vị trí vốn có cho bên bị thiệt hại nếu không có hành vi vi phạm diễn ra, biện pháp bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật thương mại Việt Nam nên được áp dụng tuân thủ theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại của pháp luật dân sự, nhưng cần có một quy định trong Luật thương mại tương tự như pháp luật dân sự mang tính chất định lượng khái quát để thể hiện rõ nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại và cũng để tạo ra sự thống nhất trong quy định quốc nội.
Khác với cách thức quy định của CISG như trích dẫn ở đoạn trên, UPICC thể hiện rõ nguyên tắc bồi thường thiệt hại là toàn bộ thiệt hại, ghi nhận tại Điều 7.4.2(1) (bồi thường toàn bộ): “Bên có quyền có quyền đòi bồi thường toàn bộ những thiệt hại mà mình đã phải gánh chịu từ việc không thực hiện”. Bằng một cách thể hiện khác, tuy cũng từ góc độ gián tiếp nhưng câu chữ và cách thể hiện trong PECL giúp người đọc/người áp dụng hiểu rõ ràng hơn và dễ dàng hơn khi gián tiếp đi đến áp dụng nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại, cụ thể Điều 9:502 ghi nhận tổng quan về biện pháp bồi thường thiệt hại (general measure of damages): “Biện pháp bồi thường thiệt hại nói chung là bồi thường tổng số tiền sao cho sẽ đặt bên bị thiệt hại vào gần nhất có thể với vị trí mà lẽ ra sẽ đạt được nếu hợp đồng được thực hiện hợp lệ”[27] (được tạm dịch bởi tác giả). Bộ luật dân sự Đức dùng cách quy định gián tiếp tương tự PECL để khẳng định nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại, theo đó việc bồi thường thiệt hại được thực hiện bằng cách khôi phục lại vị trí vốn tồn tại nếu hoàn cảnh buộc bồi thường thiệt hại không xảy ra[28] (được tạm dịch bởi tác giả), tức là không xảy ra vi phạm hợp đồng dẫn đến phải bồi thường. Tương tự như vậy, Bộ luật thương mại Hoa Kỳ (Uniform Commercial Code – UCC) thông qua việc đưa ra mục đích hướng đến đặt bên bị vi phạm vào vị trí tốt nhất có thể cứ như lúc bên còn lại thực hiện đầu đủ nghĩa vụ mà không có bất kỳ hậu quả hay thiệt hại nào xảy ra khi áp dụng các biện pháp khắc phục để gián tiếp khẳng định nguyên tắc “toàn bộ” cụ thể khi áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại, quy định chi tiết tại §28:1-106(1)[29]. Bộ luật dân sự Trung Quốc dùng cách thể hiện khác, cụ thể tại Điều 584[30], nhưng cũng đứng trên nguyên lý bồi thường toàn bộ thiệt hại, khẳng định lượng bồi thường sẽ tương đương với toàn bộ tổn thất/mất mát bị gây ra do vi phạm hợp đồng.
Xét tổng quan, bồi thường toàn bộ thiệt hại là nguyên tắc cơ bản và quan trọng được áp dụng để giải quyết các tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng, trên thực tế bao gồm cả việc áp dụng cho các hợp đồng trong lĩnh vực thương mại. Nguyên tắc này được ghi nhận ở pháp luật các quốc gia trên thế giới và văn bản quốc tế liên quan, Việt Nam cũng tương tự, mặc dù hiện nay vẫn còn tồn tại quy định chưa thống nhất giữa Bộ luật dân sự và Luật thương mại gây ra nhiều tranh cãi khi áp dụng giải quyết tranh chấp thực tế.
1.2.3 Đặc điểm của bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Trước hết, trên cơ sở khái niệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại được đề cập tại Mục 1.2.1 Chương này, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại nói riêng, trong tổng thể bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng nói chung, là trách nhiệm của một bên phải bù đắp cho bên phải gánh chịu thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra; trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự 2015, trách nhiệm này cũng được chi phối bởi các quy tắc được thiết lập trong khuôn khổ hành lang pháp lý về trách nhiệm dân sự (từ Điều 351 đến Điều 364). Có thể kết luận, đặc điểm đầu tiên của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng nói chung và cụ thể do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại là một dạng thức của trách nhiệm dân sự, do vậy nó mang đầy đủ đặc điểm và tính chất của trách nhiệm dân sự, việc xác định thiệt hại phải bồi thường, chủ thể phải bồi thường, nguyên tắc áp dụng bồi thường… về cơ bản đều thỏa mãn các quy định liên quan trách nhiệm dân sự nói chung.
Thứ hai, xuất phát từ mục đích của việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường là bù đắp cho bên phải gánh chịu những tổn thất do bên vi phạm gây ra bằng cách trích từ khối tài sản của bên này. Nhìn từ góc độ trách nhiệm tài chính của bên vi phạm khi bị áp dụng biện pháp này, đây chính là loại biện pháp khắc phục liên quan đến trách nhiệm tài chính của bên vi phạm, hay nói cách khác là đặt ra nghĩa vụ thanh toán bằng tiền cho bên vi phạm[31]. Thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại có thể là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần như uy tín, thương hiệu…, và các thiệt hại này được định lượng, đong đếm trên cơ sở quy định pháp luật để xác định bằng một lượng tài sản nhất định, thường quy ra tiền, sau đó yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường tương đương. Như vậy, sau khi bồi thường, tổn thất được chuyển sang cho người có trách nhiệm bồi thường phải gánh chịu, đó chính là tổn thất về tài sản (tiền) của chính họ. Cho nên, bồi thường thiệt hại được khẳng định là một loại trách nhiệm vật chất, nói cách khác là một loại trách nhiệm tài chính, hoặc trách nhiệm mang tính tài sản.
Thứ ba, một đặc điểm cơ bản được thể hiện ngay trên tên gọi của loại trách nhiệm này, đây cũng là điểm cơ bản để phân biệt và xác định biện pháp được áp dụng là bồi thường thiệt hại trong hay ngoài hợp đồng; theo đó, việc tồn tại hay không tồn tại quan hệ hợp đồng giữa các bên và có thiệt hại phát sinh từ hợp đồng đó hay không chính là điểm mấu chốt, nếu giữa các bên tồn tại quan hệ hợp đồng và thiệt hại phát sinh từ hợp đồng đó thì bồi thường thiệt hại trong hợp đồng sẽ được áp dụng, và ngược lại. Điểm lưu ý là thiệt hại đã phải xảy ra, một trong số các bên tham gia hợp đồng đã phải gánh chịu thiệt hại đó và thiệt hại xảy ra là hệ quả của sự vi phạm hợp đồng của bên tham gia trong hợp đồng. Do vậy, đặc điểm thứ ba của bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, cũng là đặc điểm của trách nhiệm này khi áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại, là việc bồi thường được thực hiện trên cơ sở tồn tại hợp đồng giữa chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường và chủ thể được bồi thường, việc bồi thường được hình thành trên cơ sở xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng của một bên và hướng đến mục đích khắc phục vi phạm đó. Nhìn ở một góc độ khác, đặc điểm này thể hiện đầy đủ 3 điều kiện để một bên có quyền áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại đối với bên vi phạm, gồm: (1) có hành vi vi phạm hợp đồng, (2) có thiệt hại xảy ra, và (3) thiệt hại phát sinh từ sự vi phạm hợp đồng.
Thứ tư, trên cơ sở khái niệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại được đề cập tại Mục 1.2.1 Chương này và căn cứ áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại như đã phân tích bên trên, có thể thấy bồi thường thiệt hại về cơ bản là một biện pháp khắc phục được áp dụng theo quy định pháp luật và không phụ thuộc vào việc có hay không sự thỏa thuận về bồi thường thiệt hại giữa các chủ thể tham gia hợp đồng, cũng không phụ thuộc vào việc các bên có muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng đó nữa hay không tại thời điểm phát sinh tranh chấp. Điều đó có nghĩa là, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, biện pháp bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng ngay cả khi giữa các bên không có bất kỳ thỏa thuận nào trong hợp đồng về bồi thường thiệt hại (chủ thể, loại thiệt hại, trường hợp cụ thể…); lúc này, cơ sở để bên bị vi phạm áp dụng biện pháp khắc phục này, yêu cầu bên vi phạm bồi thường cho những tổn thất họ phải gánh chịu, là dựa trên quy định pháp luật, và để được bồi thường, hoạt động chứng minh để đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật là nghĩa vụ bắt buộc đối với bên yêu cầu; khi đó, hợp đồng có thể được tiếp tục thực hiện, đình chỉ hoặc hủy bỏ theo yêu cầu áp dụng chế tài khác đồng thời của bên yêu cầu.
Như vậy, tổng kết lại, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng nói chung, cụ thể hợp đồng mua bán trong lĩnh vực thương mại, mang 4 đặc điểm cơ bản gồm:
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự;
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là trách nhiệm mang tính tài chính;
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng, được áp dụng giữa các bên chủ thể trong hợp đồng; và
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là biện pháp khắc phục theo quy định pháp luật, không phụ thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng.
1.2.4 Ý nghĩa pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Bồi thường thiệt hại là một dạng biện pháp mang đặc điểm tài chính (vật chất), khi áp dụng biện pháp này, bên bị vi phạm có thể nhận lại được khoản đền bù tương đương với những giá trị mình có thể đạt được như khi hợp đồng diễn ra suôn sẻ, cho nên có thể xem bồi thường thiệt hại là biện pháp “tương đương với thực hiện hợp đồng” hoặc biện pháp “thay thế cho thực hiện hợp đồng” (exécution en equivalent)[32]. Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ của bên vi phạm, hành động bồi thường một khoản tiền tương đương giá trị tổn thất bị mất/lỡ mất cho bên bị vi phạm được xem như một hành động khắc phục những gì mà bên vi phạm đã gây ra. Do vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đặt ra cho bên vi phạm hợp đồng là thực sự cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị vi phạm, góp phần đưa quyền và lợi ích hợp pháp của họ trở về trạng thái cân bằng với quyền và lợi ích của bên đã có hành vi vi phạm, mở rộng hơn có thể nhìn thấy chức năng đảm bảo công bằng xã hội của biện pháp này.
Xa hơn nữa, việc đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi giao kết hợp đồng, dù là thỏa thuận hay theo quy định pháp luật, đều khiến cho hợp đồng đã được ký kết luôn đặt các bên vào một trạng thái nhận thức đúng đắn và nghiêm túc khi thực hiện hợp đồng, bởi nếu không, họ đều biết rằng họ sẽ phải dùng chính tài sản của mình (thường là tiền) để chi trả cho bên phải gánh chịu những hậu quả từ hành vi thực hiện hợp đồng không nghiêm túc, không đúng đắn của họ. Ở góc độ này, bồi thường thiệt hại mang tính chất của một biện pháp phòng ngừa (ý nghĩa có thể nói là tương tự chế tài phạt vi phạm), nói cách khác là góp phần ngăn chặn trước đối với hành vi vi phạm có thể xảy ra.
1.3 Tổng quan về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
1.3.1 Khái niệm nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng
Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại được biết đến chính thức khi Luật thương mại 2005 ra đời, được ghi nhận trực tiếp tại Điều 305[33] như một bộ phận quy định nằm trong chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Tuy vậy, cũng cùng dòng thời gian đó, Bộ luật dân sự 2005 lại không ghi nhận một cách rộng rãi loại nghĩa vụ này, mà chỉ được biết đến thông qua Điều 448[34], Điều 575[35] liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa và bảo hiểm, hay nói cách khác nghĩa vụ này chỉ được quy định để áp dụng trong một số giao dịch nhất định. Cho đến khi Bộ luật dân sự 2015 ra đời, trên cơ sở kế thừa tinh thần của đạo luật trước đó, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại được chính thức ghi nhận tại Điều 362 với tên gọi “nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”, theo đó: “Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình”. Tuy được ghi nhận chính thức trong Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại như là một loại nghĩa vụ áp dụng chung cho mọi loại giao dịch, nhưng vẫn chưa chính thức có một khái niệm cụ thể, nhất quán nào về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng, kể cả tên gọi của nó cũng có sự khác nhau trong hai văn bản pháp luật trên. Tác giả Đỗ Thành Công (2010) cũng đồng ý rằng việc sử dụng thuật ngữ “nghĩa vụ hạn chế thiệt hại” cho vấn đề hạn chế thiệt hại trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng là chưa thực sự chính xác vì thực chất “nghĩa vụ” này không hề tương ứng với bất kỳ quyền yêu cầu nào của bên gây thiệt hại[36].
Trên thế giới, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại được ghi nhận ở các văn bản pháp lý quốc tế liên quan đến mua bán hàng hóa CISG, UPICC và PECL, đồng thời được ghi nhận ở luật quốc gia của các nước trên thế giới, có thể minh họa như Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong CISG, Điều 77 Mục II Chương V ghi nhận hành động áp dụng những biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất của một bên khi bên này viện dẫn sự vi phạm hợp đồng của bên còn lại trong hợp đồng, trường hợp họ không làm hành động đó thì bên bị viện dẫn sự vi phạm có thể yêu cầu giảm bớt một khoản tiền bồi thường thiệt hại tương đương mức tổn thất mà đáng lẽ đã có thể được hạn chế, nghĩa vụ này được CISG cụ thể hóa cho người bán hoặc người mua áp dụng trong quá trình liên quan đến việc bảo quản hàng hóa tại Điều 85, Điều 86. Còn UPICC ghi nhận nghĩa vụ hạn chế thiệt hại (mitigation of harm) tại Điều 7.4.8(1) như sau: “Bên có nghĩa vụ không chịu trách nhiệm đối với thiệt hại mà bên có quyền lẽ ra có thể hạn chế được bằng những biện pháp hợp lý”. Tương tự, PECL ghi nhận nghĩa vụ này dưới tên gọi “reduction of loss” (giảm thiểu mất mát/tổn thất) tại Điều 9:505(1): “Bên không thực hiện nghĩa vụ sẽ không phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất mà bên bị thiệt hại đã phải gánh chịu trong phạm vi mà bên bị thiệt hại có thể đã giảm thiểu được tổn thất bằng cách thực hiện các bước hợp lý”[37] (được tạm dịch bởi tác giả). Đối với pháp luật quốc gia, một số nước điển hình cũng ghi nhận điều khoản này như: Điều 591 Bộ luật dân sự Trung Quốc quy định: “Sau khi một bên có hành vi vi phạm, bên còn lại sẽ thực hiện những biện pháp thích hợp để ngăn chặn tổn thất thêm. Trường hợp tổn thất nặng thêm do không thực hiện các biện pháp thích hợp thì không được bồi thường phần tổn thất tăng nặng”[38] (được tạm dịch bởi tác giả), Điều 119 Luật Hợp đồng Trung Quốc cũng ghi nhận tương tự, các điều khoản này của Bộ luật dân sự Trung Quốc có cách tiếp cận tương tự các văn bản pháp lý quốc tế và cũng cùng cách hiểu với Luật thương mại Việt Nam trích dẫn trên. Bộ luật thương mại Hoa Kỳ UCC tại §28:2-703 và §28:2-711 lần lượt đề cập đến những nội dung mà bên bán hoặc bên mua “có thể” thực hiện trong trường hợp bên còn lại có hành vi vi phạm hợp đồng; đối với bên bán, khi bên mua từ chối hoặc hủy bỏ việc nhận hàng hóa một cách sai trái hoặc không thanh toán khi đến hạn hoặc trước khi giao hàng hoặc thoái thác trách nhiệm đối với một phần hoặc toàn bộ số hàng hóa[39], ngoài việc có thể giữ lại/tạm ngưng giao hàng hóa (may withhold delivery of such goods), ngừng giao hàng (may stop delivery…), hoặc hủy bỏ (may cancel),… thì bên bán còn có thể thực hiện việc bán lại hàng hóa cho một đơn vị khác (resell), hành động này là một nỗ lực được cho là hợp lý để hạn chế thiệt hại cho bên bán, lúc này phần thiệt hại sẽ là phần chênh lệch giữa giá bán lại hàng hóa và giá hợp đồng, cùng với các thiệt hại ngẫu nhiên, đương nhiên không loại trừ trường hợp bên bán không thể bán lại được số hàng hóa đó mặc dù đã nỗ lực, phần thiệt hại lúc này không tính trên chênh lệch giá hợp đồng và giá bán lại, mà được tính trên chênh lệch giá hợp đồng so với giá thị trường tại thời điểm bên mua vi phạm hợp đồng; ngược lại, đối với bên mua, khi bên bán không giao hàng hoặc thoái thác/hủy bỏ hoặc khi bên mua bằng một cách hợp lý và chính đáng từ chối hay hủy bỏ việc nhận hàng hóa đối với bất kỳ hàng hóa liên quan nào[40], bên mua cũng có thể thực hiện biện pháp hợp lý nhằm hạn chế thiệt hại, chẳng hạn như thay thế hàng hóa giống hoặc tương tự từ nguồn cung khác, hoặc trường hợp hàng hóa thuộc vào loại đặc biệt và không thể kiếm được nguồn cung thay thế thì UCC tính toán phần thiệt hại cho bên mua sẽ là mức độ chênh lệch giữa giá thị trường của hàng hóa thay thế tại thời điểm bên mua biết được hành vi vi phạm hợp đồng và giá hợp đồng, cùng với các loại thiệt hại ngẫu nhiên và thiệt hại là hậu quả của hành vi vi phạm từ bên bán. Nhìn chung, cách thể hiện của UCC có thiên hướng chi tiết hóa, cụ thể hóa về mặt hành vi hơn so với cách quy định chung của Bộ luật Trung Quốc hay Luật thương mại Việt Nam.
Tuy vậy, tác giả thấy rằng vẫn chưa có một khái niệm nào về loại nghĩa vụ này được đưa ra một cách chính thức, từ các cơ sở trên, tác giả rút ra một khái niệm cơ bản đối với loại nghĩa vụ này, lấy tên trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, là một loại trách nhiệm có thể được bên bị vi phạm hợp đồng áp dụng bằng cách thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm mục đích ngăn chặn, hạn chế thiệt hại có thể hoặc đã xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm.
1.3.2 Nguyên tắc hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Trách nhiệm hạn chế thiệt hại, thứ nhất, được xây dựng trên nguyên tắc thiện chí, xuất phát từ chủ ý của bên bị vi phạm hợp đồng, mà không bị bắt buộc, thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Bằng khả năng của mình, những biện pháp được bên bị vi phạm chọn áp dụng sẽ có thể giảm nhẹ, đến mức đáng kể, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra, thậm chí, giới học giả đồng tình rằng nếu biện pháp hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm hợp đồng có thể hạn chế toàn bộ thiệt hại thì họ cũng cần phải làm như vậy[41] (theo Hans Stoll & Georg Gruber, 2009, trích bởi Phan Trung Pháp và Nguyễn Hoàng Thái Hy, 2021). Với tính chất không ràng buộc trách nhiệm, việc quyết định chọn cách thực hiện biện pháp nhằm khắc phục, hạn chế thiệt hại khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra là một cách thể hiện tinh thần thiện chí của bên bị vi phạm, xây dựng và thực hiện hợp đồng dựa trên nguyên tắc thiện chí ngay cả khi thiệt hại xảy ra xâm phạm đến chính lợi ích của họ.
Khi quyết định chọn áp dụng biện pháp nhằm hướng đến khắc phục thiệt hại xảy ra, một nguyên tắc quan trọng thứ hai mà bên bị vi phạm cần lưu ý là nguyên tắc áp dụng hợp lý. Nguyên tắc hợp lý được xây dựng và ghi nhận đầy đủ ở các văn bản pháp lý quốc tế liên quan đến mua bán hàng hóa trong thương mại như CISG, UPICC, PECL, ở pháp luật của các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Đức, Hoa Kỳ…, và ở pháp luật Việt Nam, Điều 362 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 305 Luật thương mại. Tuy nhiên, cơ sở để đánh giá “tính hợp lý” (reasonableness) cho đến nay thực sự không rõ ràng, kể cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc nội, hầu như đều dựa trên tình huống cụ thể, biện pháp cụ thể và toàn quyền phán xét nằm trong tay người cầm cân nảy mực, tạo nên những khó khăn và thậm chí là sự không nhất quán trong xét xử những tranh chấp phát sinh có liên quan đến vấn đề áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng. “Hợp lý”, xét về thuật từ, là một dạng tính từ chỉ mức độ, được hiểu là đúng với lẽ phải, đúng với sự cần thiết hoặc với logic của sự vật[42]. Để có thể định lượng được mức độ hợp lý thì cần thiết phải đặt ra những tiêu chí chung có thể áp dụng cho mọi tình huống, hoặc chí ít, buộc phải có một định nghĩa cụ thể về “tính hợp lý” hoặc “biện pháp hợp lý” làm cơ sở viện dẫn trong mọi trường hợp mà bên bị vi phạm hợp đồng chọn cách áp dụng. Nhằm giải quyết cho vấn đề này, theo Bruno Zeller (2005, trích bởi Phan Trung Pháp và Nguyễn Hoàng Thái Hy, 2021), việc truy tìm các cơ sở pháp lý không phải là giải pháp phù hợp, các cơ quan tài phán cần phải xem xét và đánh giá nỗ lực hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng dựa trên hoàn cảnh thực tiễn của từng giao dịch vì quá trình thực hiện hợp đồng cho đến hành vi vi phạm đều mang tính riêng biệt[43]. Tuy nhiên nhìn chung, áp dụng hợp lý là một nguyên tắc quan trọng và buộc phải đặt ra làm cơ sở xem xét những biện pháp mà bên bị vi phạm chọn để áp dụng, nhằm đảm bảo sự cân bằng về lợi ích cho cả hai bên.
Thứ ba, pháp luật dân sự Việt Nam còn xem xét biện pháp hạn chế thiệt hại mà bên bị vi phạm hợp đồng áp dụng trên nguyên tắc cần thiết, được đề cập tại Điều 362 Bộ luật dân sự 2015. “Cần thiết”, xét về thuật từ cũng tương tự như “hợp lý”, là một tính từ chỉ mức độ của sự việc, theo từ điển tiếng Việt định nghĩa là một vấn đề, việc, hay hành động nào đó đến mức không thể nào không làm hoặc không có[44]. Để có thể xác định biện pháp mà bên bị thiệt hại đã áp dụng để hạn chế tổn thất liệu có cần thiết hay không cần phải đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn chung đặt ra cho mọi trường hợp, nhằm tránh sự tùy nghi trong xét xử, giải quyết tranh chấp. Riêng đối với nguyên tắc này trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ được ghi nhận tại Bộ luật dân sự, trong khi Luật thương mại Việt Nam hiện hành không ghi nhận hay cập nhật “tính cần thiết” (necessity), kể cả văn bản pháp lý quốc tế và pháp luật của một số quốc gia phát triển dùng để nghiên cứu so sánh trong luận văn này cũng không có điều khoản ghi nhận tính cần thiết. Ngoài ra, Bộ luật dân sự 2015 mặc dù quy định nguyên tắc áp dụng cần thiết đối với nghĩa vụ hạn chế thiệt hại nhưng lại chưa có một quy chuẩn cơ sở nào dùng để đánh giá tính cần thiết của một biện pháp hạn chế thiệt hại. Điều này tạo ra sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc nội của Việt Nam giữa Bộ luật dân sự và Luật thương mại, điểm này cũng có sự khác biệt so với với quy định của các văn bản pháp lý quốc tế, khiến cho việc giải quyết tranh chấp vấp phải trở ngại, và tạo ra dấu chấm hỏi lớn rằng có liệu có sự trùng lắp với yếu tố hợp lý của biện pháp hay không; có cần phải xét đến yếu tố cần thiết khi xem xét những biện pháp hạn chế thiệt hại được áp dụng hay không; nếu có, tương tự nguyên tắc hợp lý, buộc phải đặt ra những tiêu chí chung làm cơ sở đánh giá mức độ cần thiết của loại biện pháp được áp dụng.
Nhìn chúng, pháp luật Việt Nam đến nay đã ghi nhận tương đồng với quy định pháp luật thế giới về nguyên tắc áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại, ngoại trừ nguyên tắc cần thiết, sự thiện chí và yếu tố hợp lý là hai nguyên tắc hàng đầu được đặt ra khi xem xét, đánh giá biện pháp hạn chế tổn thất do bên bị vi phạm áp dụng.
1.3.3 Đặc điểm của nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại có hai đặc điểm nổi bật liên quan đến chủ thể và cơ sở phát sinh trách nhiệm là chỉ bên yêu cầu bồi thường thiệt hại – hay gọi cách khác là bên bị vi phạm hoặc bên có quyền mới là chủ thể của hành động, họ chỉ thực hiện trách nhiệm này khi có sự xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm.
Thứ hai, pháp luật đặt lên bên bị vi phạm một trách nhiệm hạn chế những thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm, hướng đến mục đích trao sự chủ động cho bên bị vi phạm chủ động tránh đi những thiệt hại cho chính mình thông qua việc áp dụng những biện pháp cụ thể trong từng trường hợp cụ thể. Để có thể tận dụng sự chủ động triệt để, pháp luật đã không giới hạn cách thức áp dụng hay loại biện pháp được bên bị vi phạm chọn áp dụng nhằm hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, “tính hợp lý” (reasonableness) cộng với “tính cần thiết” (necessity)[45] là những thước đo mà pháp luật đặt ra trong trường hợp bên bị vi phạm chọn áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại, nhằm đảm bảo việc lựa chọn biện pháp hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hướng đến đúng mục tiêu, đúng đối tượng của nó, mặc dù cho đến hiện nay, việc đánh giá biện pháp được bên bị vi phạm chọn áp dụng thông qua hai tiêu chí trên vẫn chưa có một hướng dẫn tiêu chuẩn cụ thể làm cơ sở đánh giá khái quát, yếu tố định lượng cho tính hợp lý, tính cần thiết chưa được đề cập, hầu như quyền quyết định đều dựa vào tình huống cụ thể để xem xét và trọn quyền trong tay người tiến hành tố tụng. Xét về sự cân bằng quyền lợi, thước đo này cho phép bên bị vi phạm linh động chọn áp dụng những biện pháp phù hợp với năng lực của mình, không vượt quá khả năng mà có thể gây thương tổn về lợi ích, chi phí hay dẫn đến việc họ phải gánh chịu những rủi ro đến từ việc thực hiện trách nhiệm hạn chế thiệt hại, đồng thời cũng thông qua đó, họ hoàn toàn chủ động né tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho chính mình; đồng thời, thước đo này cũng góp phần hạn chế tình trạng bên bị vi phạm lợi dụng tình huống để chọn áp dụng những loại biện pháp với chi phí quá lớn, yêu cầu bên vi phạm thanh toán nhằm “trả đũa” đối với hành vi vi phạm hợp đồng. Nhìn chung, đặc điểm này thể hiện tính chủ động khi thực hiện trách nhiệm hạn chế thiệt hại, đây là loại trách nhiệm không giới hạn cách thức áp dụng, nhưng vẫn phải đảm bảo tính hợp lý và cần thiết theo quy định pháp luật.
Thứ ba, xét về sự ràng buộc trách nhiệm, trong trường hợp xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng của một bên, bên có quyền nếu không chọn cách áp dụng biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại xảy ra hoặc có thể xảy ra thì trước mắt không bị trừng phạt bởi bất kì chế tài nào theo quy định pháp luật, ngoại trừ việc không được bồi thường đối với những thiệt hại mà lẽ ra có thể hạn chế được. Có thể thấy, tuy đặt tên gọi là một loại “nghĩa vụ” và dùng những trạng từ chỉ mức độ như “phải (áp dụng…)”, như minh họa tại trích dẫn CISG hay Bộ luật dân sự 2015, nhưng sự bắt buộc không hình thành đối với bên bị vi phạm. Nói rõ hơn, tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền lựa chọn việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra. Như vậy đi đến kết luận rằng nghĩa vụ hạn chế thiệt hại là một loại trách nhiệm không mang tính bắt buộc.
Tổng kết lại, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng nói chung, cụ thể hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại, mang 4 đặc điểm cơ bản, gồm có:
- Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng là một loại trách nhiệm do bên bị vi phạm hợp đồng áp dụng;
- Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng có thể phát sinh ngay sau khi có hành vi vi phạm hợp đồng của một bên;
- Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng là loại trách nhiệm không giới hạn số lượng và cách thức áp dụng biện pháp, nhưng phải đảm bảo hợp lý và cần thiết theo quy định pháp luật;
- Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng không mang tính ràng buộc.
1.3.4 Ý nghĩa pháp lý khi đặt ra nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng
Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại về cơ bản được đặt ra đối với bên bị vi phạm nhưng đặc trưng không mang tính chất bắt buộc như các loại nghĩa vụ khác, việc áp dụng hay không phụ thuộc chính vào quyết định của bên bị vi phạm hợp đồng. T
Xét về tinh thần thực hiện hợp đồng, thực tiễn tham gia vào giao dịch hợp đồng, sự xuất hiện của hành vi vi phạm hợp đồng có thể đến từ sự cố ý hoặc kể cả vô ý của bên vi phạm, cho nên việc bên bị vi phạm đưa ra quyết định áp dụng biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng bất kể nguyên nhân của hành vi vi phạm là gì đều có thể được đánh giá như một cơ sở minh chứng cho thiện chí của bên bị vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng, đồng thời, việc kê khai phí tổn để yêu cầu bên vi phạm thanh toán lại sau khi đã áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại cũng thể hiện được sự trung thực của bên bị vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nói một cách khác, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại được đặt ra như một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc thiện chí, trung thực trong thực hiện hợp đồng, là công cụ đo lường mức độ thiện chí, hợp tác của bên bị vi phạm trong việc cùng ngăn chặn, khắc phục hậu quả thiệt hại xảy ra.
Xét về phương diện kinh tế, mục đích của các bên khi đi đến quyết định xác lập một giao dịch hợp đồng thương mại đều hướng đến tối đa hóa lợi nhuận cho mình, trên cơ sở đó, pháp luật bảo hộ như nhau cho các bên đối với các quyền nhân thân lẫn quyền tài sản, không bên nào bị phân biệt đối xử, và về mặt ý chí cũng không bên nào mong muốn thiệt hại xảy ra khi tham gia giao dịch. Cũng vì lẽ đó, việc nhận thấy hoặc có cơ sở để dự đoán thiệt hại sẽ xảy ra sẽ trở thành một điều kiện hợp lý để pháp luật đặt bên bị vi phạm vào trạng thái chủ động phòng tránh hoặc hạn chế, khắc phục những thiệt hại đó nhằm hướng đến mục đích tối đa hóa lợi nhuận và triệt tiêu hoặc tối thiểu hóa rủi ro tổn thất trong giao dịch. Như vậy, khi hoàn toàn được chủ động và linh hoạt áp dụng biện pháp hướng đến khắc phục thiệt hại đã xảy ra, thậm chí là phòng ngừa, ngăn chặn đối với thiệt hại có thể xảy ra, bên bị vi phạm sẽ tránh được sự lãng phí, tổn thất, thậm chí có thể bảo toàn được lợi ích như khi giao dịch diễn ra thành công. Có thể nhận thấy việc áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại trong mọi tình huống vi phạm xảy ra đều phù hợp với lợi ích của bên bị vi phạm, không gây ra mâu thuẫn hay xung đột lợi ích mà họ mong muốn đạt được. Như vậy, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại được đặt ra mang ý nghĩa lớn lao về mặt kinh tế, giúp cho bên bị vi phạm trở nên chủ động trong phòng tránh, ngăn ngừa hoặc hạn chế, khắc phục khi có thiệt hại xảy ra.
Bên cạnh đó, xuất phát từ việc không có sự ràng buộc đối với bên bị vi phạm trong khi thực hiện loại nghĩa vụ này, pháp luật đồng thời đặt ra một quy định hạn chế cho bên bị vi phạm là không được yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại mà lẽ ra họ có thể hạn chế hoặc khắc phục được, kể cả là khắc phục được toàn bộ hay một phần, nội dung quy định này hướng đến mục đích đảm bảo rằng bên bị vi phạm hợp đồng sẽ không dựa vào hoàn cảnh để trục lợi riêng, rộng hơn hiểu rằng đây là một động thái thực thi nguyên tắc thiệt hại được bồi thường toàn bộ. Tuy rằng đây không phải là quy định mang tính chế tài đối với nghĩa vụ hạn chế thiệt hại dành cho bên bị vi phạm, nhưng trên cơ sở viện dẫn điều luật này, bên vi phạm hợp đồng và bên bị vi phạm hợp đồng sẽ cùng được đặt trên một cán cân cân bằng về quyền lợi khi tham gia giao dịch với nhau. Như vậy, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại tuy không bắt buộc được thực hiện nhưng vẫn mang tác dụng phòng ngừa đối với thái độ/hành động trục lợi xuất phát từ bên bị vi phạm hợp đồng, góp phần nhắc nhở và định hướng bên bị vi phạm thể hiện một thái độ nghiêm túc, thiện chí khi thực hiện giao dịch kể cả trong trường hợp lợi ích của họ bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm hợp đồng, cao cả hơn là đề cao tinh thần và ý nguyện thiện chí “từ đầu đến cuối” giao dịch của bên bị vi phạm.
1.4 Mối quan hệ giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ hạn chế thiệt hại xuất phát từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Hạn chế thiệt hại, theo quy định pháp luật Việt Nam, được xem là một bộ phận thuộc chế định bồi thường thiệt hại, được xếp vào dạng một loại nghĩa vụ, mặc dù không mang tính chất bắt buộc, đặt ra đồng thời với nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Bản chất của hạn chế thiệt hại là sự giảm thiểu mức độ thiệt hại thông qua hành động cụ thể của bên bị gánh chịu thiệt hại, còn bản chất của bồi thường thiệt hại là đền bù cho những tổn thất đã gây ra thông qua hành động bù đắp của bên vi phạm, hai hành động tuy mang bản chất khác nhau, được thực hiện bởi chủ thể khác nhau, tính chất hành vi khác nhau nhưng đối tượng được hướng đến đều là những thiệt hại bị gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng và đối tượng thụ hưởng không ai khác đều là bên bị vi phạm. Xuất phát từ những điểm tương đồng với nhau, mà giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ hạn chế thiệt hại tồn tại các mối quan hệ với nhau, cụ thể đề cập đến như sau:
1.4.1 Mối quan hệ giữa phạm vi thiệt hại được bồi thường và phạm vi thiệt hại được ngăn chặn, hạn chế
Trước hết thấy rằng, khi có thiệt hại phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng của một bên, là lúc phát sinh trách nhiệm bồi thường của bên này đối với bên bị vi phạm, đồng thời cũng là thời điểm mà bên bị vi phạm có thể thực hiện trách nhiệm hạn chế thiệt hại. Hành vi bồi thường thiệt hại và hành vi hạn chế thiệt hại nếu có thực hiện đều dựa trên cơ sở: thiệt hại là gì, và cả hai loại hành vi này đều hướng đến việc làm giảm đi mức độ thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu, có nghĩa là, phạm vi thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó – trên cơ sở nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại, và phạm vi thiệt hại đến đâu thì hoạt động hạn chế thiệt hại có thể mở rộng đến đó – trên cơ sở nguyên tắc thiện chí nếu có thể hạn chế được toàn bộ thiệt hại thì cũng cần thiết làm như thế. Vậy, thiệt hại phát sinh có mối quan hệ đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, và đối với hành vi hạn chế thiệt hại, có thiệt hại xảy ra thì ắt phải thực hiện trách nhiệm bồi thường đối với toàn bộ số thiệt hại đó, tương tự, hành vi hạn chế thiệt hại chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp có thiệt hại. Như vậy, phạm vi thiệt hại được bồi thường, về nguyên tắc, là trùng khớp với phạm vi thiệt hại được ngăn chặn, hạn chế, bởi đều dựa trên thiệt hại đã xảy ra mà xác định phạm vi và mục đích thực hiện hai hành động này.
Trên cơ sở nguyên tắc bồi thường thiệt hại, pháp luật dân sự quy định buộc bên vi phạm phải bồi thường đối với toàn bộ thiệt hại đã gây ra, cũng tương tự, đứng trước những thiệt hại này, bên bị vi phạm hợp đồng sẽ quyết định thực hiện hoặc không một hay nhiều biện pháp nhằm hướng đến các mục đích ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, trên tinh thần của nguyên tắc thiện chí. Điều đó có nghĩa là, trên cơ sở toàn bộ thiệt hại phát sinh, bên vi phạm có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ số thiệt hại, thì bên bị vi phạm cũng có thể hướng đến việc khắc phục và/hoặc ngăn chặn toàn bộ số thiệt hại đó nếu có khả năng. Trước khi Bộ luật dân sự 2015 ra đời, pháp luật thương mại Việt Nam cũng trên tinh thần tương tự, thiệt hại được bồi thường cũng chính là thiệt hại có thể được hướng đến để hạn chế, theo đó ghi nhận việc bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất “kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra”, đây cũng chính là phạm vi giá trị bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 302. Cho đến khi Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành ghi nhận bổ sung nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại so với Bộ luật dân sự 2005 trước đó, cũng thống nhất tinh thần thi hành nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại bằng các biện pháp hợp lý, cần thiết sao cho “thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình”, không sử dụng phương thức liệt kê như Luật thương mại, mà gián tiếp ghi nhận tinh thần rằng thiệt hại nào do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có quyền có quyền ngăn chặn không để thiệt hại đó xảy ra, hoặc hạn chế đối với thiệt hại đó. Mặc dù với cách quy định khác nhau giữa Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại như trích dẫn trên khiến cho nội hàm thiệt hại được đề cập trở thành khác nhau, không trùng khớp, nhưng vẫn giữ nguyên nguyên tắc xác định phạm vi thiệt hại được bồi thường chính là phạm vi thiệt hại mà các biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại có quyền hướng đến để ngăn chặn, hạn chế.
Việc xác định mối quan hệ này và cần phải đảm bảo nó chung quy hướng đến, trước hết, là đảm bảo quyền của bên bị vi phạm được trở về vị thế tương đương mà lẽ ra đạt được nếu không có hành vi vi phạm, đồng thời cũng là động thái “thức tỉnh” trách nhiệm của bên vi phạm khi tham gia hợp đồng, hai là, đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm không bị giới hạn nhằm phát huy tối ưu tác động của hành động đến hoàn cảnh thiệt hại thực tại, nhằm giúp bên bị vi phạm có thể tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình trước hoàn cảnh thiệt hại.
1.4.2 Tác động của trách nhiệm hạn chế thiệt hại lên phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm
Ngoài các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mà pháp luật đã đề cập, việc bên bị vi phạm quyết định thực hiện hoặc không biện pháp hạn chế thiệt hại khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra cũng là một cơ sở pháp lý ảnh hưởng đến trách nhiệm bồi thường và góp phần quyết định mức bồi thường thiệt hại mà bên gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bù đắp. Theo đó, pháp luật ghi nhận kết quả giảm thiểu thiệt hại của hành động hạn chế thiệt hại mà bên bị vi phạm đạt được khi thực hiện chính là phần trách nhiệm bồi thường được giảm bớt khi xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm.
Về cơ bản, miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại được chia làm hai nhóm, theo quy định pháp luật Việt Nam và một số quy định pháp luật quốc tế: nhóm thứ nhất là miễn, giảm theo thỏa thuận đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, và nhóm thứ hai là miễn, giảm không dựa trên thỏa thuận – hay nói cách khác là miễn, giảm căn cứ theo quy định pháp luật – đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Đối chiếu với việc phân loại này, cách thức thực thi quy định giảm thiểu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm hợp đồng khi thiệt hại đã được hạn chế, khắc phục bởi hành động hạn chế thiệt hại tương ứng với phân loại nhóm hai – miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại không dựa trên thỏa thuận. Theo đó, mặc dù không có thỏa thuận giữa các bên được ghi nhận trong hợp đồng, nhưng bên vi phạm vẫn có thể yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bên bị vi phạm đã áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại đạt được một kết quả giảm thiểu nhất định, hoặc thậm chí yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn có thể được đưa ra nếu bên bị vi phạm không thực hiện động thái hạn chế thiệt hại trong khả năng cho phép của mình hay khi bên bị vi phạm thực hiện động thái hạn chế thiệt hại nhưng không hợp lý dẫn đến không hạn chế được thiệt hại mà đáng lẽ ra có thể.
Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được giảm bớt đi trong tình huống này, kể cả trường hợp bên bị vi phạm có áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại hay không và có hạn chế được hay không trong trường hợp biện pháp không hợp lý không làm mất đi sự cân bằng quyền lợi giữa hai bên, mà đó là một trong số biểu hiện gián tiếp của nguyên tắc bồi thường thiệt hại toàn bộ, một khi thiệt hại đã được khắc phục, hạn chế hay ngăn chặn, tức đồng nghĩa thiệt hại đó thực tế đã không còn, thì việc bù đắp để lấy lại vị thế cho bên bị vi phạm đối với phần thiệt hại đó là không còn cần thiết nữa – tại thời điểm đó, chính bên bị vi phạm đã tự “giải thoát” họ (một phần hoặc toàn bộ) ra khỏi hoàn cảnh thiệt hại. Cho nên, việc xác định và cần đảm bảo mối quan hệ giữa trách nhiệm hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm và mức độ bồi thường thiệt hại của bên vi phạm là nhằm hướng đến mục đích chung thực thi nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại, loại trừ đi những yêu cầu bồi thường thiệt hại mà đáng lẽ đã nằm trong tầm kiểm soát hạn chế của bên yêu cầu, chứ không nhằm áp đặt bên này vào một loại trách nhiệm phải thực hiện.
1.4.3 Tác động của trách nhiệm hạn chế thiệt hại lên trách nhiệm chứng minh khi yêu cầu giảm thiểu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Pháp luật đặt ra trách nhiệm hạn chế thiệt hại đối với bên bị vi phạm hợp đồng nhưng không trói buộc họ trong giới hạn của một loại nghĩa vụ phải thực hiện, như đã phân tích tại mục 1.3.3 (Đặc điểm của nghĩa vụ hạn chế thiệt hại), đây là một loại trách nhiệm không mang tính bắt buộc, bên bị vi phạm lúc này có quyền lựa chọn giữa thực hiện ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hoặc không. Tuy vậy, dù là quyết định như thế nào đi chăng nữa, ngoài việc ảnh hưởng đến quyền lợi của chính bên bị vi phạm, thì còn có sự ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của bên vi phạm.
Hoạt động hạn chế thiệt hại có sự tác động và ảnh hưởng ít nhiều đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại pháp luật đặt ra cho bên vi phạm khi có thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm của họ, ngoài tác động đến mức bồi thường mà bên vi phạm phải có trách nhiệm chi trả như đã phân tích ở mục 1.4.2, thì còn ảnh hưởng đến trách nhiệm chứng minh trong yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường của bên vi phạm. Điều đó được giải nghĩa như sau, không phải việc bên bị vi phạm quyết định thực hiện ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hoặc không thực hiện ngăn chặn, hạn chế thiệt hại thì mức bồi thường mà bên vi phạm phải chi trả sau đó sẽ mặc nhiên được giảm bớt, mà yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm luôn đi kèm với nghĩa vụ chứng minh. Bên vi phạm khi yêu cầu phải chứng minh điều gì? – Trước hết là, chứng minh bên bị vi phạm bỏ mặc thiệt hại xảy ra, không thực hiện ngăn chặn, hạn chế thiệt hại mặc dù có điều kiện để thực hiện, hoặc chứng minh rằng bên bị vi phạm tuy có áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, nhưng các biện pháp không thỏa mãn tiêu chí hợp lý, cần thiết trong trường hợp đó dẫn đến không thể ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại hoặc mức độ ngăn chặn, hạn chế không đạt được hiệu quả mà lẽ ra một biện pháp hợp lý, cần thiết sẽ đạt được; thứ hai là, chứng minh cụ thể hóa mức tổn thất đáng lẽ hạn chế được là bao nhiêu, nhằm tính giá trị yêu cầu giảm bớt tương đương. Như vậy, dù bên bị vi phạm áp dụng hay không áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thì cũng không làm thay đổi trách nhiệm chứng minh thuộc về bên vi phạm khi bên này có yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Việc công nhận ảnh hưởng của hoạt động ngăn chặn, hạn chế thiệt hại lên trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể ở trách nhiệm chứng minh trong yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường, về mặt lý luận cơ sở, ngầm định rằng yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải là một quyền tương xứng của nghĩa vụ hạn chế thiệt hại, mặt khác, là một động thái pháp luật góp phần nâng cao ý thức nghiêm túc cũng như tinh thần thiện chí khi tham gia hợp đồng của các bên, tránh tình trạng một bên vì trục lợi riêng mà cố tình vi phạm hợp đồng, cũng tránh tình trạng bên còn lại vì trục lợi riêng mà cố tình bỏ mặc thiệt hại xảy ra khiến hậu quả thiệt hại kinh tế trở nên trầm trọng, rộng hơn là bảo vệ lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, thương nhân, cũng chính là gián tiếp bảo vệ nền kinh tế nói chung.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Nội dung chương 1 tập trung nghiên cứu, phân tích các vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, cụ thể đề cập mua bán hàng hóa. Trong đó, lấy lý luận tổng quan về hợp đồng và vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa làm cơ sở xây dựng một số khái niệm, đặc điểm, và khái quát nguyên tắc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm hạn chế thiệt hại, làm rõ các khía cạnh thể hiện mối quan hệ giữa chúng, trả lời cho câu hỏi cơ sở của quy định về hai loại trách nhiệm này.
Trong nội dung Chương 1, điểm qua các vấn đề đã được phân tích như sau:
Điểm thứ nhất, tác giả phân tích hệ thống thuật ngữ đa dạng được sử dụng và bình luận xoay quanh việc sử dụng các thuật ngữ khác nhau để nói về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm hạn chế thiệt hại trong quy định pháp luật Việt Nam so sánh với quy định của các văn bản pháp lý quốc tế và của hệ thống pháp luật của một số quốc gia phát triển trên thế giới như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp.
Điểm thứ hai, phân tích và xây dựng một số khái niệm cụ thể mà chưa có/chưa được văn bản pháp luật chính thức ghi nhận, gồm hợp đồng mua bán hàng hóa, vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa, trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa.
Điểm thứ ba, khái quát nguyên tắc chung và chi tiết hóa các đặc trưng cơ bản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm hạn chế thiệt hại.
Điểm thứ tư, khái quát mối quan hệ giữa trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hạn chế thiệt hại, trên cơ sở đó phân tích sự ảnh hưởng của phạm vi thiệt hại được bồi thường đến phạm vi thiệt hại được hạn chế, sự tác động ngược lại của trách nhiệm hạn chế thiệt hại lên mức độ bồi thường thiệt hại và điều kiện để được giảm thiểu mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa.
Nhìn nhận một cách khái quát công nhận có sự tương đồng giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật thế giới, nhưng những tồn tại trải qua nhiều cuộc tranh luận dài không phải là không có, đây cũng là cơ sở để xây dựng nội dung Chương 2 liên quan đến xây dựng quy định pháp luật và các vấn đề pháp lý phát sinh khi áp dụng vào thực tiễn để giải quyết các tranh chấp cụ thể.
Chương 2
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT, THỰC TIỄN THI HÀNH
VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ HẠN CHẾ THIỆT HẠI PHÁT SINH TỪ
VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
2.1 Quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa và thực tiễn thi hành
2.1.1 Phạm vi thiệt hại được xem xét bồi thường do vi phạm hợp đồng
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi thực tiễn đáp ứng đủ các điều kiện: có hành vi vi phạm hợp đồng diễn ra, có thiệt hại xảy ra, và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng với thiệt hại xảy ra.
Có thiệt hại xảy ra xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng của một trong các bên tham gia hợp đồng là điều kiện tất yếu làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường, bởi ý nghĩa của việc đặt ra trách nhiệm bồi thường là nhằm khắc phục những thiệt hại đó, bồi thường có giá trị như một sự bù đắp mà bên gây ra hành vi vi phạm dành cho bên bị vi phạm. Trên cơ sở mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra, thiệt hại có thể được xét gồm hai loại là thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp: thiệt hại trực tiếp (direct loss) là những tổn thất phát sinh một cách tự nhiên theo quy luật phát triển thông thường khi xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng, thiệt hại gián tiếp (indirect loss) hay còn được gọi là thiệt hại kéo theo (consequential loss) là thiệt hại không phát sinh một cách trực tiếp và ngay lập tức từ hành vi vi phạm hợp đồng[46]. Ngoài ra, theo một cách phân loại khác về chủng loại, thiệt hại còn được biết đến bao gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần. Hiện nay, quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại Việt Nam chưa thực sự thống nhất về nội hàm thiệt hại được xem xét bồi thường, gồm có hai vấn đề như sau:
Vấn đề thứ nhất liên quan đến thiệt hại xảy ra xuất phát trực tiếp hay gián tiếp từ hành vi vi phạm hợp đồng:
Pháp luật dân sự tại Điều 361, Điều 419 quy định thiệt hại vật chất do vi phạm nghĩa vụ có thể được xem xét bồi thường, gồm những tổn thất vật chất thực tế xác định được (tác giả gạch dưới để nhấn mạnh), trong đó gồm những tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, ngoài ra còn có lợi ích mà lẽ ra được hưởng do hợp đồng mang lại, cùng với những chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng; trong khi Luật thương mại Việt Nam xác định giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp (tác giả gạch dưới để nhấn mạnh) mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp (tác giả gạch dưới để nhấn mạnh) mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Điểm khác biệt tạo ra sự bất nhất giữa Bộ luật dân sự và Luật thương mại về nội hàm thiệt hại được xem xét bồi thường do hành vi vi phạm hợp đồng nằm ở việc đề cập đến khái niệm “trực tiếp” trong quy định của Luật thương mại Việt Nam, “trực tiếp” dùng để mô tả một đối tượng có quan hệ thẳng với đối tượng tiếp xúc (cụ thể ở đây chính là hành vi vi phạm hợp đồng) và không qua khâu trung gian, việc đặt tính từ “trực tiếp” đằng sau những “tổn thất” và “khoản lợi” nhằm giới hạn rõ phạm vi tổn thất được xem xét bồi thường khi áp dụng Luật thương mại chỉ bao gồm thiệt hại trực tiếp mà thôi. Tuy nhiên, bên cạnh những thiệt hại trực tiếp, hành vi vi phạm hợp đồng còn gián tiếp, thông qua những hệ quả của nó, tạo ra những thiệt hại khác có thể xác định được; với liệt kê phía trên từ quy định của Bộ luật dân sự, có thể kể đến những thiệt hại đó gồm chi phí hợp lý dùng để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại – vốn dĩ loại chi phí này không do trực tiếp hành vi vi phạm mà sinh ra, hay thu nhập bị giảm sút, bị mất, lợi ích lẽ ra được hưởng từ việc hợp đồng được thực hiện đúng hoặc chi phí do việc không hoàn thành nghĩa vụ mà ra – các loại thiệt hại này cũng có trường hợp phát sinh từ những hệ quả của hành vi vi phạm. Nhìn nhận ở một góc độ khái quát thấy rằng, quy định về phạm vi thiệt hại được xem xét bồi thường của Bộ luật dân sự bao gồm cả thiệt hại trực tiếp và gián tiếp phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng, trong khi Luật thương mại thì không, thiệt hại theo Bộ luật dân sự được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đầy đủ hơn so với phạm vi mà Luật thương mại đề cập, đáp ứng nguyên tắc bồi thường “toàn bộ” thiệt hại một cách trọn vẹn hơn, và tác giả cho rằng để lý giải khái niệm “toàn bộ” nên nhắc đến phạm vi thiệt hại mà pháp luật dân sự đề cập, chỉ cần Điều 360 đã thể hiện được trọn vẹn phạm vi mà nhà làm luật mong muốn điều chỉnh tới.
Tham khảo một số quy định từ CISG, UPICC, PECL và văn bản pháp luật một số nước trên thế giới, có thể đánh giá rằng quy định của Bộ luật dân sự 2015 đã cập nhật gần với pháp luật thế giới hơn. Một số quy định quốc tế minh thị việc ghi nhận khoản lợi bị mất (lost profits) là một loại thiệt hại gián tiếp xảy ra mà được xem xét bồi thường như Điều 74 CISG, Điều 9:501 PECL, Điều 7.4.2 UPICC, Điều 584 Bộ luật dân sự Trung Quốc và Điều 252 Bộ luật dân sự Đức; các quy định thế giới không giới hạn phạm vi khoản lợi bị mất phải xuất phát trực tiếp từ sự vi phạm hợp đồng như cách hiểu của Luật thương mại Việt Nam, việc ghi nhận khoản lợi bị mất này được hiểu như một dạng thiệt hại kéo theo, hay gọi chung là thiệt hại gián tiếp, và được xem xét bồi thường khi có yêu cầu của bên có quyền, tương tự khái niệm lợi ích lẽ ra được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện đúng mà Bộ luật dân sự 2015 đề cập. Rộng hơn nữa, việc quy định một cách tổng quát thiệt hại trong tương lai (future loss), minh họa bởi Điều 9:501 PECL và Điều 7.4.3 UPICC, cũng là một minh chứng thể hiện cách tiếp cận và ghi nhận không giới hạn đối với phạm vi thiệt hại được bồi thường trong pháp luật quốc tế, miễn là những tổn thất này không có mối liên hệ quá xa với hành vi vi phạm hợp đồng[47]. Như vậy, tác giả thấy rằng, việc chỉ quy định giới hạn thiệt hại phải xuất phát trực tiếp từ sự vi phạm hợp đồng, như Luật thương mại hiện nay, không còn là một quy định phù hợp có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế nữa.
Vấn đề thứ hai liên quan đến thiệt hại xảy ra do vi phạm hợp đồng có bao gồm thiệt hại tinh thần hay không, bởi giới hạn phạm vi phân tích của luận văn ở hợp đồng phát sinh trong lĩnh vực thương mại, vì tính chất đặc thù của chủ thể tham gia loại hợp đồng thương mại nên thiệt hại tinh thần mà tác giả đặc biệt muốn đề cập đến là những tổn thất về uy tín, thương hiệu, danh dự của thương nhân, pháp nhân thương mại:
Tại quy định pháp luật Việt Nam, thiệt hại về tinh thần do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây ra chỉ được ghi nhận trực tiếp trong Bộ luật dân sự 2015 tại Điều 361, Điều 419, không được đề cập rõ ràng trong Luật thương mại thông qua câu chữ như cách mà pháp luật dân sự ghi nhận, tuy nhiên, cũng trên cơ sở quy định pháp luật thương mại, không có một điều khoản nào mang tính giới hạn hay loại trừ việc bồi thường tổn thất tinh thần xảy ra do vi phạm hợp đồng, đặc biệt đề cập đến những tổn thất về uy tín, thương hiệu, danh dự đối với thương nhân, pháp nhân thương mại tham gia hợp đồng thương mại. Vậy thì, phần còn lại là việc xác định nội hàm của tổn thất thực tế, trực tiếp mà Luật thương mại hiện hành đề cập có bao gồm cả tổn thất tinh thần nói chung, tổn thất uy tín, thương hiệu, danh dự nói riêng hay không. Đứng trước vấn đề trên, trước hết có thể xác định đây là một loại tổn thất thực tế có xảy ra đối với chủ thể tham gia hợp đồng thương mại, hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại, vấn đề thương nhân, pháp nhân thương mại bị giảm sút hoặc thậm chí mất hẳn uy tín, thương hiệu, danh dự từ sự vi phạm hợp đồng xảy ra khá phổ biến, thực tế cũng có thể nhìn nhận ra và càng rõ ràng hơn trong giai đoạn xã hội chuyển đổi số hóa và bùng nổ công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thị trường, quảng bá, tiếp thị và cạnh tranh; tiếp theo là các cơ sở khách quan để “cân, đong, đo, đếm” giá trị thực tế của số tổn thất này, dựa trên cách thức xác định “tổn thất thực tế” mà Luật thương mại đề cập, tổn thất về uy tín, thương hiệu, danh dự phải là những tổn thất đi kèm với những dấu hiệu khách quan mà bên yêu cầu bồi thường có thể đưa ra sao cho đối phương, cơ quan tài phán có thể nhận diện và xác định được sự tồn tại của tổn thất, chẳng hạn như số lượng doanh thu suy giảm thông qua báo cáo thuế, khối lượng hàng hóa sản xuất hoặc xuất nhập khẩu cắt giảm thông qua phiếu giao hàng, hóa đơn tài chính hay các báo cáo hải quan, sự phản ứng tiêu cực từ khách hàng và đối tác, các hợp đồng bị chấm dứt, hủy bỏ hay từ chối giao kết từ phía đối tác, hoặc thậm chí là số lượng nhân sự cắt giảm, và những phản ứng thị trường khác. Như vậy, với cách hiểu và lập luận dựa trên quy định pháp luật, tác giả có thể đưa ra quan điểm rằng Luật thương mại Việt Nam không giới hạn phạm vi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đối với những loại thiệt hại tinh thần, trong đó có thiệt hại về uy tín, danh dự, thương hiệu. Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm cá nhân tác giả phân tích khi đứng ở góc độ vận dụng pháp luật trên thực tiễn để giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động công việc trong ngành, trong khi quy định pháp luật là quy định mang tính chất bắt buộc và áp dụng chung thống nhất, một khi chưa có một quy định rõ ràng, như cách mà Bộ luật dân sự 2015 thể hiện, cũng chưa có hướng dẫn chi tiết thông qua các văn bản dưới luật, thì khó tránh khỏi việc xảy ra xung đột về mặt quan điểm trong quá trình giải quyết tranh chấp trên thực tế, mà có thể phát sinh giữa các bên hoặc luật sư các bên tham gia hợp đồng, hoặc giữa các cơ quan tài phán, dẫn đến những phán quyết cuối cùng khác nhau, gây ra tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi, tham khảo các văn bản pháp lý quốc tế về mua bán hàng hóa và quy định pháp luật một số quốc gia tiên tiến trên thế giới đều xác định một cách rõ ràng, bằng câu chữ, trong quy định pháp luật rằng thiệt hại về tinh thần là một loại thiệt hại được xem xét bồi thường khi có hành vi vi phạm hợp đồng, có thể tham khảo Điều 7.4.2(2) UPICC ghi nhận “thiệt hại có thể là phi tiền tệ và bắt nguồn đặc biệt từ nỗi đau thể chất hoặc tinh thần”; hoặc Điều 9:501(2) PECL bao gồm loại tổn thất phi tiền tệ (non-pecuniary loss) vào những tổn thất được yêu cầu bồi thường; Điều 253 Bộ luật dân sự Đức ghi nhận sự bồi thường cho tổn thất phi tiền tệ bằng thuật ngữ chung là thiệt hại vô hình (intangible damage), theo đó có thể dùng tiền để bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào không phải là thiệt hại vật chất trong những trường hợp nhất định, chẳng hạn như những tổn thương về sức khỏe, cơ thể, sự tự do, sự tự quyết về giới tính, hay bất kỳ tổn thất nào khác mà không phải là tổn thất về vật chất[48]; hay Điều 709, Điều 710 Bộ luật dân sự Nhật Bản ghi nhận bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất có liên quan đến thân thể, quyền tự do hoặc danh tiếng đã bị xâm phạm bên cạnh những tổn thất tài sản[49]. Thiệt hại về tinh thần (damages for mental distress), cụ thể đề cập đến thiệt hại uy tín, thương hiệu, danh dự được xác định là một loại thiệt hại phi tiền tệ, xuất phát từ hành vi vi phạm hơp đồng, hoặc có thể từ hệ quả của hành vi vi phạm hợp đồng. Trên thực tế xảy ra tranh chấp do vi phạm hợp đồng thương mại, các thiệt hại về tinh thần mà thương nhân, pháp nhân thương mại phải gánh chịu thường không được quan tâm bằng thiệt hại về vật chất, việc bỏ qua loại thiệt hại này khi hợp đồng thương mại xảy ra tranh chấp đã là một thiệt thòi rất lớn đối với bên bị vi phạm, quy định không minh bạch càng khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy, vấn đề xây dựng hành lang pháp lý vững chắc là việc cấp bách, đặc biệt khi Việt Nam đã và đang bắt đầu đón những làn gió đầu tư nước ngoài.
Như vậy, phạm vi thiệt hại được xem xét bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại, cụ thể hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại, nhìn chung đến nay đã có sự cập nhật đổi mới đi liền với sự hội nhập và tiệm cận pháp luật thế giới, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những điểm liên quan đến vấn đề xác định phạm vi thiệt hại được bồi thường là chưa thực sự thống nhất trong quy định quốc nội giữa Bộ luật dân sự và Luật thương mại, gây ra những tranh cãi và bất nhất về quan điểm áp dụng pháp luật trên thực tế khi giải quyết tranh chấp.
Lấy ví dụ từ Án lệ số 21/2018/AL và những vụ án thực tế để thấy rõ một số vấn đề về việc xác định thiệt hại do vi phạm hợp đồng như sau:
Án lệ số 21/2018/AL (phụ lục 1)
Tóm tắt án lệ: án lệ có nguồn từ quyết định giám đốc thẩm số 08/2016/KDTM-GĐT ngày 20/5/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng thuê tài sản tại tỉnh Quảng Ninh giữa nguyên đơn công ty trách nhiệm hữu hạn D với bị đơn công ty cổ phần C. Theo đó, ngày 10/4/2006, công ty C (bên thuê) ký hợp đồng thuê 02 đầu máy vỏ thép loại kéo + đẩy công suất 135CV của công ty D (bên cho thuê), giá trị 50.000.000 đồng/tháng/máy, hợp đồng còn thỏa thuận tiền dầu máy do công ty C chịu trách nhiệm, nhân lực vận hành và lương của nhân viên do công ty D chịu trách nhiệm. Đến ngày 17/8/2006, công ty C ban hành công văn đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thỏa thuận, đề nghị thanh lý hợp đồng từ ngày 20/8/2006. Công ty D phản hồi đề nghị công ty C thanh toán số tiền thuê đầu máy trong quý II năm 2006 và thanh toán tiền thuê 02 đầu máy cho thời gian còn lại của hợp đồng từ 01/8/2006 đến 31/12/2006 nếu không còn nhu cầu thuê máy nữa. Ngày 16/01/2007, công ty C đã thanh toán công nợ tính đến 21/8/2006 cho công ty D là 511.539.505 đồng sau khi hai bên lập biên bản quyết toán. Công ty D khởi kiện yêu cầu công ty C phải thanh toán 403.000.000 đồng tiền thuê đầu máy trong thời gian còn lại của hợp đồng từ 01/8/2006 đến 31/12/2006 cùng với lãi suất chậm trả từ ngày 21/8/2006. Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty D, bản án bị kháng cáo bởi công ty D nhưng không được chấp nhận vì lý do kháng cáo quá hạn. Sau đó, quyết định kháng nghị số 29/2015/KN-KDTM ngày 04/5/2015 được ban hành, trên cơ sở đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm của công ty D, Chánh án tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy Quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử lại, trên cơ sở lập luận “thiêt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng”.
Vụ án thứ nhất (phụ lục 2.1)
Tóm tắt vụ án: Công ty H (bên mua) ký hợp đồng mua bán để mua 50 tấn hạt tiêu xô của công ty GH (bên bán) với đơn giá 152.000.000 đồng/tấn, giao hàng chậm nhất ngày 24/02/2015, phạt vi phạm hợp đồng 20% trên giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 03/02/2015, 10/3/2015, công ty GH chỉ mới giao được tổng cộng 13,022 tấn, tương đương giá trị 2.096.987.176 đồng, phần còn thiếu chưa giao là 36,978 tấn công ty GH không đáp ứng. Công ty H đã mua hạt tiêu xô từ công ty Mai Thành số lượng 17,112 tấn với đơn giá 183.225.000 đồng/tấn và 189.823.000 đồng/tấn để có đủ số lượng giao cho bên thứ ba là đối tác nước ngoài của công ty H, tổng số tiền công ty H phải trả cho công ty Mai Thành là 3.174.934.200 đồng; tiếp tục mua hạt tiêu xô từ công ty Bảo Lam số lượng 19,866 tấn với đơn giá 190.785.000 đồng/tấn để đủ số lượng giao cho bên thứ ba là đối tác nước ngoài của công ty H, tổng số tiền công ty H phải trả cho công ty Bảo Lam là 3.790.134.810 đồng, cùng vào ngày 10/3/2015. Ngày 21/5/2015, công ty H (bên mua) và công ty GH (bên bán) ký biên bản thỏa thuận công ty GH trả cho công ty H 600.000.000 đồng đền bù cho số lượng hạt tiêu xô còn lại chưa giao nhưng công ty GH vẫn chưa thực hiện. Yêu cầu khởi kiện của công ty H đối với công ty GH gồm: (1) bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá là 1.344.413.010 đồng, và (2) phạt vi phạm hợp đồng 1.124.131.200 đồng. Tòa án nhân dân thị xã Bình Long đã ban hành bản án 01/2017/KDTM-ST tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công ty H là buộc công ty GH trả cho công ty H số tiền 708.000.000 đồng gồm 600.000.000 đồng và phần lãi chậm trả 108.000.000 đồng tính trên cơ sở lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước 9%; bác một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công ty H yêu cầu công ty GH phải bồi thường do chênh lệch giá và 20% tiền phạt vi phạm hợp đồng. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo, kháng nghị, quyền yêu cầu thi hành án.
Vụ án thứ tư (phụ lục 3.2)
Tóm tắt vụ án: Công ty AT (bên mua) đặt trụ sở tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ký hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty CVC (bên bán) có trụ sở tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa là 18 thiết bị rung dùng cho các loại máy móc trong lĩnh vực xây dựng (làm công trình), tổng giá trị hợp đồng 567.000.000 đồng đã được công ty AT thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, 18 thiết bị mà công ty AT nhận được không hoạt động được, chỉ số ampe đo được khi chạy thử không tải vượt quá mức quy chuẩn của thiết bị theo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, catalogue bản mô tả thông số kỹ thuật MVE4000/3 và MVE5000/3, công ty AT đã khiếu nại thương mại trong thời hạn bảo hành sản phẩm nhưng công ty CVC không xử lý được, cho đến nay cũng không giải quyết khiếu nại cho công ty AT. Trước đó, ngày 16/9/2019, công ty AT ký hợp đồng với công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 1 Mê Kông thi công dự án tại Quận 2, tổng trị giá họp đồng là 2.973.850.000 đồng. Tuy nhiên, vì tình hình chất lượng thiết bị mà CVC giao không sử dụng được cho công trình tại Quận 2, nên công ty AT buộc phải thương thảo với công ty Mê Kông về việc chuyển đổi kỹ thuật, và cũng vì vậy, hai bên đã ký phụ lục hợp đồng vào ngày 24/3/2020 giảm giá trị thi công xuống còn 2.294.325.000 đồng, đồng thời công ty AT phải chi trả lương cho tổng số nhân sự kỹ thuật của đối tác tăng ca trong những ngày chuyển đổi cơ cấu, tổng số tiền chi trả là 372.000.000 đồng. Ngoài ra, công ty AT vì không chuẩn bị được thiết bị rung như đã thỏa thuận trước đó với một đối tác khác để thi công cho công trình ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, nên đã không ký được hợp đồng vì đối tác này từ chối với lý do công ty AT không uy tín, thất hứa. Tháng 7/2020, công ty AT khởi kiện công ty CVC tại Tòa án nhân dân Quận 3 với các yêu cầu khởi kiện gồm: (1) yêu cầu hoàn trả số tiền mua thiết bị 567.000.000 đồng; (2) yêu cầu bồi thường 1.051.525.000 đồng thiệt hại trong hợp đồng với Mê Kông, và (4) yêu cầu bồi thường 730.000.000 đồng thiệt hại do mất hợp đồng với đối tác tại tỉnh Bến Tre.
Nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật:
Trước khi đi vào phân tích chi tiết các tranh chấp, bản án do tòa án Việt Nam giải quyết như các ví dụ minh họa, tác giả đề cập đến nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật để làm rõ nội dung sau: Trong số án lệ và các tranh chấp, bản án tác giả sử dụng làm phương tiện phân tích cho luận văn, có án lệ số 21/2018/AL, vụ án tại phụ lục 3.2 là hai tranh chấp xuất phát từ hợp đồng thuê tài sản giữa các doanh nghiệp, không phải xuất phát từ hợp đồng mua bán hàng hóa như giới hạn phân tích của luận văn. Tuy vậy, các vấn đề tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hạn chế thiệt hại diễn ra trong hai tranh chấp này là phổ biến, thường xuyên xảy ra và tỷ lệ xảy ra tương tự cho hợp đồng mua bán hàng hóa là rất cao, cùng với các đề xuất giải quyết các loại tranh chấp này tác giả đánh giá là phù hợp để áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa có phát sinh các tranh chấp tương tự, đồng thời cũng phù hợp để vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật được quy định tại Điều 6 Bộ luật dân sự 2015 trong tình huống này để vận dụng tương tự các cách giải quyết đó cho cùng loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa.
Một số phân tích liên quan:
Tòa án nhân dân tối cao trong quyết định kháng nghị số 29/2015/KN-KDTM (nguồn cơ sở xây dựng án lệ số 21/2018/AL) có nhận định tại đoạn (1): “Thời gian công ty cổ phần C ra văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn (tác giả chú thích: cụ thể ngày 17/8/2006 đến ngày 20/8/2006), đã gây thiệt hại cho công ty D do không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay. Lỗi thuộc về công ty cổ phần C nên phải chịu trách nhiệm đối với khoản thiệt hại đã gây ra cho công ty D. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng”. Tác giả đánh giá rằng, hành vi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là hành vi vi phạm cơ sở, cùng quan điểm với tòa án, hành vi thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn quá gấp gáp (chỉ 03 ngày) là hành vi vi phạm tiếp theo dẫn đến bên cho thuê không đủ thời gian để tìm kiếm đơn vị thuê khác thay thế. Khoản tiền thuê của thời gian còn lại theo thỏa thuận trong hợp đồng được xác định là thiệt hại, theo quy định tại Điều 307 Bộ luật dân sự 2005, là thu nhập bị mất mà lẽ ra công ty D tiếp tục thu được nếu công ty C không chấm dứt hợp đồng, Điều 302 Luật thương mại 2005 cùng thời điểm đó không nhắc đến thuật ngữ thu nhập bị mất mà xác định thiệt hại này là khoản lợi trực tiếp mà công ty D lẽ ra được hưởng.
Công ty H trong vụ án thứ nhất (phụ lục 2.1) cũng phải gánh chịu thiệt hại xuất phát từ hành vi vi phạm nghĩa vụ giao hàng của công ty GH, việc giao không đủ hàng buộc công ty H phải lấy hàng từ đơn vị khác với giá trị cao hơn. Nhưng chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt khi so sánh phạm vi thiệt hại mà công ty GH đã gây ra trong vụ án thứ hai với thiệt hại do công ty CVC đã gây ra trong vụ án thứ tư (phụ lục 3.2), cụ thể là: số lượng hàng mà công ty GH đã giao cho công ty H tuy không đủ nhưng đạt chất lượng và có thể sử dụng được để sinh lợi cho công ty H, cho nên xác định giá trị hạt tiêu xô chênh lệch được cung cấp từ các đơn vị khác để bù đắp vào phần công ty GH giao thiếu được xem là tổn thất do hành vi vi phạm của công ty GH gây ra (không bàn đến vấn đề công ty H sau đó đã ký kết với công ty GH văn bản thỏa thuận giá trị bồi thường khác); nhưng ngược lại, khối lượng hàng là toàn bộ 18 thiết bị rung mà công ty CVC giao cho công ty AT đều không đạt chất lượng và không thể sử dụng để sinh lợi cho công ty AT được, vậy phải xét phần giá trị giảm sút của hợp đồng thi công công trình tại Quận 2 giữa công ty AT và công ty Mê Kông (bên thứ ba) là một khoản thiệt hại và cần được xem xét bồi thường, ngoài ra, 372.000.000 đồng mà công ty AT đã quyết định chi ra để chi trả lương cho nhân sự kỹ thuật đối tác tăng ca vì chuyển đổi cơ cấu vận hành và lắp đặt máy nên được xem xét là chi phí phát sinh từ việc không hoàn thành hợp đồng (không trùng lặp với lợi ích mà hợp đồng thi công lẽ ra mang lại). Ngoài ra, hợp đồng thi công công trình tại Bến Tre mà công ty AT không thể ký kết được với đối tác làm mất đi khoản lợi ích 730.000.000 đồng mà lẽ ra công ty AT có thể được hưởng nếu ký kết hợp đồng với RNT có thể được xác định là thiệt hại, tương tự như lợi ích mà công ty AT lẽ ra được hưởng từ hợp đồng thi công công trình tại Quận 2 nêu trên, trong trường hợp có tài liệu chứng cứ xác thực, ví dụ như hợp đồng đã ký hoặc đang trong quá trình thực hiện; tuy vậy, trên cơ sở một số công văn trao đổi giữa công ty AT và đối tác tại Bến Tre chỉ xác định được hai bên đang trong giai đoạn thương thảo, chưa ký hợp đồng chính thức, việc dẫn đến ký hợp đồng hoặc không đều có khả năng xảy ra (trường hợp này có thể thu thập thêm tài liệu chứng cứ từ lời khai của công ty chủ đầu tư công trình RNT tại Bến Tre khi xác định và triệu tập họ tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, từ đó có thể xác định chuẩn xác tỷ lệ thành công của hợp đồng này nhằm tính giá trị thiệt hại tương đương), do vậy, tác giả nhận định rằng khoản lợi bị mất này có thể được xác định dưới dạng hình thức cơ hội bị mất. Nhìn chung, đây đều là những thiệt hại thực tế công ty AT phải gánh chịu mà gián tiếp phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng của công ty CVC, như vậy lẽ nào không có cơ sở để xem xét và xác định đó là thiệt hại thuộc trách nhiệm bồi thường của công ty CVC đối với công ty AT nếu căn cứ Điều 302 Luật thương mại Việt Nam hiện hành?, bởi việc giới hạn tính chất tổn thất phải là xuất phát “trực tiếp” từ hành vi vi phạm hợp đồng.
Thêm nữa, công ty AT trình bày lý do chủ đầu tư công trình tại Bến Tre từ chối ký hợp đồng với công ty AT vì công ty AT không có uy tín, không chuẩn bị được đầy đủ thiết bị rung để phục vụ việc chạy máy tại công trình Bến Tre nếu hợp đồng được thông qua và ký kết. Mặc dù thực tế vụ án, công ty AT đã bỏ qua quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, cụ thể muốn nhắc đến thiệt hại về uy tín, thương hiệu AT trên thương trường tại phân khúc thị trường tỉnh Bến Tre, nhưng giả định trường hợp công ty AT yêu cầu công ty CVC bồi thường khoản thiệt hại về uy tín AT thì liệu có cơ sở để xem xét hay không? – Căn cứ Khoản 3 Điều 419 Bộ luật dân sự 2015, việc nhận định có khả năng xem xét khoản thiệt hại về uy tín cho công ty AT sẽ được xác định khi Tòa án xác minh được chủ đầu tư công trình tại Bến Tre từ chối ký hợp đồng trị giá 730.000.000 đồng này với công ty AT vì lý do công ty AT không đảm bảo uy tín (đúng như lời khai của công ty AT) thông qua việc xác định tư cách và triệu tập chủ đầu tư công trình tại Bến Tre tham gia tố tụng, có thể xem đây là một dấu hiệu khách quan làm cơ sở để chứng minh sự tồn tại của thiệt hại về uy tín của công ty AT, chính là sự giảm sút lợi nhuận (chứ không phải tính trên doanh thu) của công ty AT và phản hồi từ đối tác đối với công ty AT. Lúc này, mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào nhận định và phán quyết của tòa án dựa trên tính chất vụ việc và mức độ nghiêm trọng của uy tín bị thiệt hại. Tuy vậy, tác giả nhận định việc đánh giá tính chất, mức độ của tùy từng sự việc để quyết định mức bồi thường về tinh thần (về uy tín) mang tính tùy nghi quá lớn, phạm vi quyết định quá rộng của cơ quan tài phán mà không có văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết sẽ khiến cho hoạt động phán xử không thống nhất, khi đó mức bồi thường được quyết định thường chỉ mang tính chủ quan từ nhận định của cơ quan tài phán mà thôi. Thực tiễn đúng là chưa có tiền lệ xét xử về bồi thường thiệt hại liên quan đến uy tín thương mại nói riêng và thiệt hại về tinh thần nói chung bị gây ra do vi phạm hợp đồng, nhưng không phải vì vậy mà bỏ qua hoặc tùy nghi quyết định. Nói riêng thiệt hại về uy tín đã liên tục diễn ra và tồn tại trong đa số các tranh chấp phát sinh có liên quan đến hoạt động thương mại, mà vấn đề chính là chứng minh sự tồn tại của thiệt hại đó và cụ thể hóa sự tồn tại đó bằng số liệu tổn thất để yêu cầu bồi thường. Giá trị bồi thường cho thiệt hại về uy tín không phải là dùng để bù đắp cho sự giảm sút, hay mất mát về niềm tin, vì uy tín không thể trở lại trọn vẹn với bên bị thiệt hại ngay sau khi nhận tiền bồi thường, mà sự bồi thường đó là nhắm đến mức độ tổn thất vật chất mà thương nhân phải gánh chịu vì sự giảm sút, mất uy tín gây ra. Ở đây tổn thất vật chất do uy tín giảm sút gây ra nên được đánh giá là những chi phí nội bộ tổ chức phải chi ra để lấy lại danh tiếng, uy tín cho mình[50], có thể kể đến như chi phí marketing quảng bá xây dựng lại danh tiếng, thương hiệu, chi phí tuyển dụng, đào tạo mới nhân sự v.v…, được phân định rõ là khác biệt hoàn toàn, hay là không trùng lắp, với tổn thất vật chất do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Còn thiệt hại về tinh thần nói chung (ngoài thiệt hại về uy tín), tương tự phải có tài liệu chứng cứ đủ khách quan và toàn diện để chứng minh rằng có sự tồn tại của thiệt hại, mức bồi thường có thể khống chế ở mức trần so với giá trị hợp đồng bị vị phạm, theo tác giả Cao Ngọc Sơn (2020)[51].
Như vậy, ngoài thiệt hại trực tiếp phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng thương mại, Luật thương mại Việt Nam nên cập nhật điều khoản công nhận các thiệt hại gián tiếp, thiệt hại tinh thần – có thể đã phát sinh trong thực tế hoặc sẽ phát sinh trong tương lai gần, miễn vẫn giữ được mối liên hệ nhân quả với hành vi vi phạm hợp đồng, tương tự như cách thể hiện của Bộ luật dân sự 2015, nhằm thống nhất quy định pháp luật Việt Nam giữa Bộ luật dân sự và Luật thương mại, đáp ứng kịp thời để điều chỉnh các tranh chấp có liên quan đế vấn đề này phát sinh trên thực tế, và cũng cập nhật tiệm cận với pháp luật thế giới.
2.1.2 Thời điểm tính thiệt hại
Ngoài phạm vi thiệt hại được xem xét, thời điểm tính thiệt hại cũng là một vấn đề liên quan đến việc xác định mức bồi thường thiệt hại mà cần được quan tâm, là một yếu tố quyết định mức bồi thường.
Trên cơ sở quy định tại Điều 360 Bộ luật dân sự, Điều 303 Luật thương mại về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, thiệt hại được tính vào thời điểm có hành vi vi phạm hợp đồng. Như thế, đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, khi bên mua không nhận hàng hóa, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng, hoặc ngược lại khi bên bán không thực hiện nghĩa vụ giao vật là lúc thiệt hại được xác định. Cơ sở của nguyên tắc tính thiệt hại vào thời điểm có hành vi vi phạm hợp đồng là dựa trên lập luận cho rằng thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu là hệ quả của sự biến động giá cả thị trường sau thời điểm có hành vi vi phạm hợp đồng[52], có thể thấy rõ điểm này tại CISG Điều 75[53] về việc yêu cầu nhận phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá bán lại hàng hóa và Điều 76(1)[54] về việc yêu cầu nhận phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá hiện hành thời điểm hủy hợp đồng; hay tại UCC Điều 28:2-706: “(1) Chiếu theo Điều 28:2-703 về hành vi hạn chế thiệt hại của người bán, người bán có thể bán lại hàng hóa liên quan hoặc số dư chưa được giao của hàng hóa đó. Khi việc bán lại được thực hiện trên nguyên tắc thiện chí và dựa trên một nguyên do thương mại hơp lý, người bán có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại số chênh lệch giữa giá bán lại và giá hợp đồng đã thỏa thuận cùng với những thiệt hại ngẫu nhiên được phép chấp nhận trên cơ sở quy định tại Điều 28:2-710, nhưng phải ít hơn con số mà là hậu quả của sự vi phạm hợp đồng của bên mua gây ra”[55] (được dịch bởi tác giả), và Điều 28:2-712: “(1) Sau hành vi vi phạm theo điều khoản trước (28:2-711), người mua có thể thực hiện trên tinh thần thiện chí và không trì hoãn bất hợp lý đối với bất kỳ giao dịch hay hợp đồng mua bán hàng hóa nào thay thế cho những hàng hóa đến hạn từ người bán; (2) Người mua có thể yêu cầu người bán bồi thường do chênh lệch chi phí mua hàng hóa thay thế với giá hợp đồng đã thỏa thuận cùng với các thiệt hại ngẫu nhiên hoặc những hậu quả được đề cập ở Điều 28:2-715, nhưng phải ít hơn con số mà là hậu quả của sự vi phạm hợp đồng của bên bán gây ra”[56] (được dịch bởi tác giả). Đối với pháp luật Việt Nam, Bộ luật dân sự và Luật thương mại không có quy định cụ thể bằng một điều luật nào cả đối với thời điểm tính thiệt hại, chỉ có quy định riêng thời điểm tính thiệt hại đối với loại thiệt hại được xác định là lãi quá hạn, theo đó, tại Điều 468(2) Bộ luật dân sự 2015, thời điểm bắt đầu tính lãi quá hạn là thời điểm “khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ”, cũng tương tự tại Điều 306 Luật thương mại, thời điểm tính lãi quá hạn là thời điểm “bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác”; ngoài ra Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 (dưới đây viết gọn là thông tư 02/2008) tại Phần B, mục I, tiểu mục 1.4 yêu cầu người yêu cầu bồi thường thiệt hại tính ra giá trị thành tiền (đối tượng được nhắc đến là quyền sở hữu trí tuệ) tại thời điểm bị xâm phạm[57], và Phần B, mục II, tiểu mục 2.1, điểm b.2 xác định giá chuyển giao quyền (đối tượng được nhắc đến là quyền sở hữu trí tuệ do các bên thỏa thuận tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm[58]. Tuy có sự khác nhau về câu từ giữa các văn bản pháp luật và văn bản dưới luật, nhưng nhìn chung ý nghĩa thi hành đều theo xu hướng chung của quy định quốc tế như CISG, UCC trích dẫn trên, xác định thời điểm tính thiệt hại chính là thời điểm có hành vi vi phạm nói chung, và có hành vi vi phạm hợp đồng nói riêng.
Tuy vậy, việc xác định thiệt hại tại thời điểm có hành vi vi phạm hợp đồng đôi khi không áp dụng được trong một số trường hợp như: bên bị thiệt hại không biết hoặc không thể biết hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm ngay tại thời điểm hoặc ngay sau khi hành vi diễn ra, hay trường hợp bên bị vi phạm (lúc này chưa nên gọi là bên bị vi phạm) nhận ra những dấu hiệu khách quan và cụ thể cho thấy rằng bên kia sẽ có hành vi vi phạm hợp đồng khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Trường hợp thứ nhất, bên bị thiệt hại không biết hoặc không thể biết hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm ngay tại thời điểm hoặc ngay sau thời điểm hành vi diễn ra: lúc này thời điểm tính thiệt hại sẽ hợp lý hơn khi được tính vào thời điểm mà bên bị thiệt hại chính thức biết rằng có hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia. Lấy ví dụ những loại giao dịch mua bán có quy định không được đồng kiểm hoặc không cho khách hàng kiểm tra hàng trước khi nhận của một số nhà bán lẻ có liên kết với hệ thống sàn giao dịch điện tử Lazada, Shopee, Sendo… và thực hiện giao hàng thông qua bên thứ ba, thời điểm người mua mở đóng gói và nhận ra hàng nhận được không đạt chất lượng, không đúng mẫu mã đã đặt hàng, hay không đúng mẫu nhà bán cam kết là không đồng thời, chính xác là xảy ra sau thời điểm có hành vi vi phạm của bên bán – lúc này, thời điểm bên mua biết đến hành vi vi phạm là thời điểm biết được hàng hóa không đảm bảo chất lượng, còn thời điểm bên bán có hành vi vi phạm được xác định là thời điểm bên mua đã hoàn tất thanh toán dù thông qua điện tử hay thu hộ; hoặc trường hợp tranh chấp nêu tại phụ lục số 2.2 giữa công ty TNHH H và công ty cổ phần G, thời điểm công ty TNHH H thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng là thời điểm công ty này xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0000096 mẫu số 01GTKT3/001 ký hiệu HT/11P vào ngày 25/5/2016 cho Công ty cổ phần G – lúc đó bản thân công ty TNHH H biết rõ hóa đơn của công ty đã bị Chi cục thuế huyện Kiên Lương vô hiệu hóa nhưng vẫn xuất hóa đơn, còn thời điểm công ty cổ phần G biết được công ty TNHH H có hành vi vi phạm không phải thời điểm xuất hóa đơn, mà là sau khi đã nộp báo cáo thuế đến Chi cục thuế nhưng không được tiếp nhận do có hóa đơn bị vô hiệu hóa của công ty TNHH H.
Trường hợp hai, bên bị vi phạm (lúc này chưa nên gọi là bên bị vi phạm) nhận ra những dấu hiệu khách quan và cụ thể cho thấy rằng bên kia sẽ có hành vi vi phạm hợp đồng khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng: lúc này, thời điểm tính thiệt hại về lý luận nên được xác định là thời điểm bên có quyền thực hiện các biện pháp hạn chế thiệt hại, bởi vì chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại theo quy định hiện hành được xem là một trong những thiệt hại mà bên có nghĩa vụ phải bồi thường. Tuy vậy, vấn đề mấu chốt ở điểm, pháp luật dân sự và thương mại Việt Nam hiện nay vẫn đang có những tranh cãi chưa đi đến thống nhất rằng thời điểm nào là thời điểm bên có quyền được thực hiện động thái ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, sớm nhất có thể - theo giả thiết tại thời điểm có những dấu hiệu khách quan và cụ thể cho thấy bên có nghĩa vụ sẽ vi phạm nghĩa vụ khi đến hạn, thông qua lời nói, văn bản, hoặc các dấu hiệu được cung cấp từ bên thứ ba khác… có được công nhận hay không vẫn còn là một vấn đề lớn (tác giả phân tích chi tiết tại mục 2.2.2, Chương 2). Nhưng nhìn chung, mục đích hướng đến thiệt hại được ngăn chặn, hạn chế hiệu quả tối ưu nhất, sớm nhất có thể thì thời điểm tính thiệt hại trong trường hợp có dấu hiệu xác định sự vi phạm khi thực tế chưa có hành vi vi phạm diễn ra nên là thời điểm bên có quyền nhận ra và bắt đầu tiến hành động thái ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, và điều cần làm trước hết là phải có cơ sở pháp lý thừa nhận dấu hiệu khách quan cho thấy động thái sẽ vi phạm hợp đồng khi đến hạn của bên có nghĩa vụ là một trong những cơ sở xác định hành vi vi phạm hợp đồng, và có cơ sở pháp lý công nhận quyền ngăn chặn, hạn chế thiệt hại theo hướng mở rộng về mặt thời gian thực hiện (phân tích chi tiết tại mục 2.2.2 Chương 2). Khi đó, việc tính thiệt hại trong trường hợp này nên bắt đầu từ thời điểm bên có quyền nhận biết các dấu hiệu xác thực việc sẽ có hành vi vi phạm và tiến hành thực hiện hành động ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, chứ không áp dụng theo nguyên tắc tính thiệt hại tại thời điểm vi phạm hợp đồng như thường lệ được.
2.2 Quy định pháp luật về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa và thực tiễn thi hành
2.2.1 Phạm vi thiệt hại được hướng đến khi áp dụng nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa đặt trong mối tương quan với phạm vi bồi thường thiệt hại
Xuất phát từ nguyên tắc xác định thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng, trên cơ sở quy định pháp luật thương mại hiện hành, pháp luật cũng xác định tương tự phạm vi hạn chế thiệt hại, có thể gọi chung là các thiệt hại thực tế và trực tiếp phát sinh từ hành vi vi phạm, và đứng trước những thiệt hại này, bên bị vi phạm hợp đồng sẽ đưa ra quyết định có thực hiện hay không một trách nhiệm hạn chế thiệt hại nhằm hướng đến các mục đích khắc phục và/hoặc hạn chế thiệt hại thực tế và trực tiếp phát sinh từ hành vi vi phạm.
Tuy nhiên trên thực tế, những thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng của một bên có thể xuất hiện ở nhiều trạng thái, có những thiệt hại đã xảy ra ngay tại thời điểm xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng mà bên bị vi phạm đã phải gánh chịu hậu quả, sau đó thiệt hại có thể lan rộng dẫn đến hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn khi tình trạng vi phạm tiếp tục kéo dài, bên bị vi phạm lúc này sẽ hướng đến mục đích khắc phục, hạn chế/giảm thiểu mức thiệt hại khi quyết định thực hiện trách nhiệm hạn chế thiệt hại; cũng có những thiệt hại không phát sinh ngay tại thời điểm có hành vi vi phạm nhưng có thể dự đoán được nếu tiếp tục duy trì tình trạng vi phạm thì sẽ dẫn đến thiệt hại xảy ra hoặc những thiệt hại có thể dự đoán được phát sinh từ hậu quả mà hành vi vi phạm để lại, lúc này mục đích hướng đến của những biện pháp được bên bị vi phạm áp dụng là ngăn chặn thiệt hại. Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm hạn chế thiệt hại, mà lẽ ra với tên gọi đầy đủ tác giả cho rằng nên là “trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại” (như Bộ luật dân sự 2015 thể hiện), vừa có thể khắc phục, hạn chế, vừa có thể ngăn ngừa đối với cả thiệt hại trực tiếp lẫn thiệt hại gián tiếp, đối với cả thiệt hại vật chất lẫn thiệt hại tinh thần, cụ thể đối với thương nhân và pháp nhân thương mại là chủ yếu liên quan đến uy tín, thương hiệu, danh dự, phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng (chứ không chỉ nhắm đến thiệt hại trực tiếp hay chỉ thiệt hại vật chất như cách pháp luật thương mại Việt Nam hiện nay đang thể hiện). Do vậy, theo quy định pháp luật thương mại Việt Nam, việc thông qua phạm vi thiệt hại được bồi thường là trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng để tạo ra giới hạn tương tự cho phạm vi thiệt hại mà trách nhiệm hạn chế thiệt hại có thể “chạm đến” có lẽ không phù hợp, điều này một mặt khiến cho quy định về trách nhiệm hạn chế thiệt hại hiện nay không khái quát trọn vẹn ý nghĩa của nó, mặt khác thực tế khiến cho quyền chủ động của bên bị vi phạm hợp đồng bị giới hạn khi quyết định thực hiện hành động ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, mà vốn được xây dựng trên nguyên tắc thiện chí – thiện chí ở đây nên được hiểu là trong mọi trường hợp biện pháp hợp lý, cần thiết của bên bị vi phạm đưa ra có thể ngăn chặn, hạn chế toàn bộ thiệt hại (bao gồm cả thiệt hại trực tiếp lẫn gián tiếp và bao gồm cả thiệt hại vật chất lẫn tinh thần) thì họ cũng cần phải làm như vậy.
Khi đối chiếu với quy định pháp luật thương mại và dân sự Việt Nam về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại cũng như khi áp dụng vào thực tiễn, có thể nhận thấy vấn đề sau đây gây ra trở ngại và tồn tại sự không thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật: Đứng trước định hướng trao quyền hạn chế thiệt hại một cách chủ động cho bên bị vi phạm, hay gọi là bên có quyền, là nhằm đưa bên bị vi phạm thoát khỏi trạng thái thụ động/bị động hứng chịu những thiệt hại, hậu quả bị gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng, chủ động bảo vệ những lợi ích mà họ hướng đến khi giao kết hợp đồng, động thái này mang ý nghĩa kinh tế rất lớn cho các bên tham gia hợp đồng, đặc biệt trong các giao dịch mua bán thương mại có giá trị lớn, động thái chủ động trong quyết định thực hiện trách nhiệm hạn chế thiệt hại cần được pháp luật thương mại quy định trọn vẹn hơn bằng cách mở rộng phạm vi thiệt hại để những biện pháp ngăn chặn, hạn chế, khắc phục có thể hữu dụng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn thiệt hại, biện pháp hạn chế thiệt hại, biện pháp khắc phục thiệt hại bởi lẽ việc ghi nhận hợp pháp loại thiệt hại (hay gọi là phạm vi thiệt hại) mà bên bị vi phạm có quyền ngăn chặn, hạn chế, khắc phục sẽ trở thành một trong các cơ sở để xác định tính hợp lý, cần thiết của biện pháp mà bên bị vi phạm quyết định áp dụng, từ đó quyết định việc bên bị vi phạm có được thanh toán lại các chi phí phát sinh cho việc áp dụng các biện pháp này hay không. Cho đến nay, Điều 305 Luật thương mại có lẽ căn cứ trên Điều 302 chỉ đề cập đến một loại thiệt hại duy nhất là những thiệt hại thực tế trực tiếp và khoản lợi trực tiếp phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng, mà bỏ qua những thiệt hại gián tiếp phát sinh từ hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng, cũng như “ngó lơ” đối với những thiệt hại về tinh thần của thương nhân, pháp nhân thương mại tham gia giao dịch; vì vậy, cũng đã bỏ sót một mục đích quan trọng của việc thực hiện loại trách nhiệm này, chính là mục đích ngăn chặn thiệt hại, bên cạnh mục đích hạn chế, mục đích khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, Điều 305 quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại đối với bên có quyền, nhưng lại không bảo đảm lợi ích cho bên có quyền trong trường hợp họ quyết định áp dụng các biện pháp này, do vậy, những loại chi phí phát sinh do thực hiện ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại không được Điều 302 Luật thương mại ghi nhận như một loại thiệt hại cụ thể mà bên vi phạm phải có nghĩa vụ bồi thường (thanh toán lại) cho bên bị vi phạm, trong khi, như đã phân tích ở mục 2.1.1, chi phí phát sinh từ nghĩa vụ hạn chế thiệt hại không phải là một loại tổn thất trực tiếp sinh ra từ hành vi vi phạm hợp đồng, khi đó, dựa trên cơ sở pháp luật thương mại hiện tại, bên có quyền sau khi áp dụng các biện pháp này sẽ có thể không được xem xét thanh toán lại những chi phí phát sinh nếu có yêu cầu đối với bên vi phạm, nếu chiếu theo quy định pháp luật thương mại hiện hành, đó là một điểm bất lợi đối với bên bị vi phạm, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của bên bị vi phạm khi đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc bỏ mặc thiệt hại, hoặc ngăn chặn, hạn chế, khắc phục nó; rộng hơn là, việc giới hạn quy định như Điều 302 hiện tại không đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa các bên, cũng không còn phù hợp để điều chỉnh đối với những tranh chấp phát sinh trên thực tế hiện nay. So sánh với Bộ luật dân sự 2015 thể hiện đầy đủ hơn, Điều 362, trên cơ sở Điều 360, Điều 361 và Điều 419, một mặt loại bỏ cụm từ “trực tiếp” để phá giới hạn phạm vi của thiệt hại, mặt khác đã đề cập đến mục đích thứ hai của trách nhiệm hạn chế thiệt hại với tiêu đề đầy đủ hơn “nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”, lúc này, việc “bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra…” mang trọn vẹn ý nghĩa của mục đích “ngăn chặn” như trên tiêu đề của quy định; đồng thời cũng ghi nhận tại Điều 361 những chi phí phát sinh do thực hiện biện pháp này là một loại thiệt hại vật chất cụ thể được xem xét bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho bên bị vi phạm.
Lấy ví dụ hành vi của công ty H trong vụ án thứ nhất (phụ lục 2.1) và hành vi của công ty AT trong vụ án thứ tư (phụ lục 3.2), trước hết, giả định trường hợp công ty H không mua thêm hạt tiêu xô từ hai đơn vị cung cấp khác để bù đắp cho phần hàng giao thiếu của công ty GH nhằm phục vụ cho việc xuất khẩu cho đối tác nước ngoài, dẫn đến việc không có đủ tiêu xô hạt để giao cho đối tác nước ngoài như cam kết trong hợp đồng, thì những ảnh hưởng mà công ty H phải gánh chịu từ việc vi phạm hợp đồng với đơn vị nước ngoài có thể bao gồm: (i) phạt vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận; (ii) bồi thường những khoản thiệt hại bị gây ra do hành vi xuất khẩu hàng không đúng thời hạn hoặc do không xuất khẩu hàng; (iii) mất đi khoản lợi mà lẽ ra được hưởng từ hợp đồng, và (iv) mất uy tín và ảnh hưởng đến thương hiệu của công ty H; tương tự giả định công ty AT cũng không có bất kỳ động thái nào trước hành vi giao hàng không đạt chất lượng của công ty CVC, dẫn đến vi phạm hợp đồng với đơn vị chủ đầu tư công trình tại Quận 2, thì các thiệt hại mà công ty AT phải gánh chịu cũng tương tự công ty H ví dụ trên. Như vậy thấy rằng, việc công ty H đặt thêm hàng từ hai đơn vị cung cấp khác phục vụ cho việc xuất khẩu tiêu xô ra nước ngoài theo hợp đồng xuất nhập khẩu đã ký với đối tác nước ngoài, cũng như hành vi công ty AT thương thảo với chủ đầu tư dự án tại Quận 2 thay đổi cơ cấu vận hành và lắp đặt thiết bị trong dự án, mặc dù hành động đó dẫn đến việc thay đổi giá trị hợp đồng trở nên thấp hơn khiến công ty AT mất đi một khoản tiền 679.525.000 đồng, nhưng đổi lại, hành động của công ty H và công ty AT trong hai vụ án trên không chỉ hạn chế những thiệt hại trực tiếp mà còn hạn chế, ngăn chặn được những thiệt hại gián tiếp có thể xảy ra (nếu để mặc cho hành vi vi phạm tiếp diễn mà không có động thái can thiệp) và thiệt hại về mặt uy tín (gọi chung là thiệt hại tinh thần). Theo đó, nếu chỉ xác định phạm vi thiệt hại mà công ty H và công ty AT được phép hạn chế như quy định pháp luật thương mại hiện hành, thì vô hình trung đã giới hạn khả năng hạn chế thiệt hại mà bên bị vi phạm có thể thực hiện, giới hạn quyền lợi của chính bên bị vi phạm, và làm mất đi ý nghĩa bản chất của loại trách nhiệm này trên phương diện kinh tế. Công tác thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại trong trường hợp này nên đi theo sự điều chỉnh của Điều 362 Bộ luật dân sự 2015, mặc dù vẫn có những điểm chưa thực sự hoàn chỉnh. Điểm chưa hoàn chỉnh không nằm ở quy định tại Điều 362 về trách nhiệm này, mà nằm ở phạm vi thiệt hại được xem xét hạn chế khi đối chiếu với cơ sở xây dựng nên nó là phạm vi thiệt hại được bồi thường được liệt kê ở Điều 361 và 419, tuy đã mở rộng hơn so với phạm vi thiệt hại thực tế, trực tiếp mà Luật thương mại quy định, nhưng phương pháp liệt kê dường như không phù hợp để thể hiện khái niệm “toàn bộ thiệt hại” tại Điều 360, điều đó khiến cho phạm vi thiệt hại được hướng đến ngăn chặn, hạn chế cũng bị giới hạn tương tự.
Cách thể hiện chưa có sự thống nhất giữa Luật thương mại và Bộ luật dân sự và cách thể hiện bằng phương pháp liệt kê trong Bộ luật dân sự hiện nay là không đủ sức bao quát, khiến cho việc giải quyết những tranh chấp phát sinh cụ thể từ hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại trở nên khó khăn, việc xác định phạm vi thiệt hại được quyền khắc phục, hạn chế, ngăn chặn khi thực hiện loại trách nhiệm này trở nên chưa rõ ràng, quyền chủ động của bên bị vi phạm không được thực hiện một cách trọn vẹn, thậm chí buộc họ phải “chịu trận” trước những dấu hiệu vi phạm hợp đồng của đối tác mà không có quyền ngăn chặn; ngay cả cho rằng cần thiết phải áp dụng và quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, thì những quyền lợi về việc được bồi hoàn chi phí ngăn chặn thiệt hại của bên bị vi phạm cũng chưa được xem là có cơ sở chắc chắn để chấp nhận. Vì vậy, cần thiết phải thống nhất những quy phạm của Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại quy định về loại trách nhiệm này nhằm hướng đến sự thống nhất về mặt quy định giữa luật chung và luật chuyên ngành, thống nhất trong áp dụng quy định pháp luật khi giải quyết tranh chấp trên thực tế, tránh trường hợp áp dụng tùy nghi, đồng thời cũng loại bỏ suy nghĩ tiêu cực của bên có quyền áp dụng biện pháp này.
2.2.2 Cơ chế xác định tính cần thiết (necessity), tính hợp lý (reasonableness) khi đánh giá biện pháp hạn chế thiệt hại
Hợp lý và cần thiết là hai trong số ba nguyên tắc, bên cạnh nguyên tắc thiện chí, được đặt ra trong đánh giá biện pháp hạn chế thiệt hại theo quy định pháp luật Việt Nam, do bên bị vi phạm áp dụng khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, được thể hiện tại Điều 362 Bộ luật dân sự. Đây là một trong số điều khoản mới được bổ sung so với Bộ luật dân sự 2005, các yếu tố xuất hiện với vai trò là thước đo để đánh giá biện pháp ngăn chặn, hạn chế, từ đó quyết định bên bị vi phạm có được bồi hoàn các chi phí phát sinh từ việc áp dụng hay không, đồng thời bên bị vi phạm cũng dựa trên cơ sở này để đưa ra lựa chọn áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế nào, nhằm đảm bảo đó phải là biện pháp cần thiết áp dụng và có tính hợp lý trong tình huống xảy ra. Luật thương mại Việt Nam cũng có điều khoản quy định tương tự tại Điều 305, nhưng lại chỉ ghi nhận nguyên tắc áp dụng hợp lý, mà không có nguyên tắc áp dụng cần thiết giống như Bộ luật dân sự.
Đối với các văn bản pháp lý quốc tế được đề cập gồm CISG, PECL, UPICC và pháp luật dân sự, hợp đồng của một số quốc gia tiên tiến được đề cập trong luận văn này, quy định pháp luật cũng chỉ ghi nhận nguyên tắc áp dụng hợp lý để đánh giá biện pháp hạn chế thiệt hại, lấy một số ví dụ điển hình như: Điều 77 CISG[59], Điều 7.4.8 UPICC[60], hay cách quy định tương tự tại Điều 9:505 PECL[61], nội dung đều thể hiện bên không thực hiện hợp đồng không chịu trách nhiệm cho những thiệt hại bên bị vi phạm phải gánh chịu mà nằm trong phạm vi bên bị thiệt hại có thể giảm thiểu bằng cách thực hiện những bước hợp lý (reasonable steps); ngoài ra đối với pháp luật quốc gia có thể viện dẫn Điều 119 Luật hợp đồng Trung Quốc với nội dung: “Sau khi một bên vi phạm hợp đồng, bên còn lại sẽ thực hiện những biện pháp hợp lý (appropriate measures) để ngăn chặn sự gia tăng của thiệt hại; bên không thực hiện biện pháp ngăn chặn hợp lý mà dẫn đến làm tăng nặng thiệt hại có thể không được yêu cầu bồi thường đối với phần thiệt hại bị tăng lên đó”[62] (được tạm dịch bởi tác giả).
Tuy vậy, kể cả pháp luật quốc tế hay pháp luật Việt Nam, và kể cả yếu tố hợp lý và yếu tố cần thiết vẫn mang tính định tính, chưa có những tiêu chí định lượng nhất định có thể áp dụng chung, mà tất thảy dựa trên trường hợp vi phạm cụ thể xảy ra, biện pháp cụ thể được áp dụng để đánh giá mức độ hợp lý của biện pháp, không có sự khái quát, và quyền phán quyết thuộc về cơ quan tài phán. Ở góc độ kinh tế, hoặc ngay cả trên phương diện bảo vệ lợi ích của bên bị thiệt hại, việc ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại luôn là điều cần thiết mà bên bị thiệt hại nên làm dù không có sự bắt buộc, một mặt bởi vì nếu có khả năng và điều kiện để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại nhưng không thực hiện thì bên bị vi phạm sẽ là người đầu tiên và duy nhất gánh chịu thiệt hại đó mà có thể không được xem xét bồi thường, mặt khác bởi vì thiệt hại đã xảy ra có thể lan rộng và trở nên trầm trọng hơn nếu không được ngăn chặn, hạn chế, khắc phục, người gánh chịu trong trường hợp đó không ai khác vẫn là bên bị thiệt hại, do vậy, hẳn chưa có lí do nào thuyết phục để từ chối áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hay bỏ mặc cho thiệt hại xảy ra.
Để nói về cơ chế xác định tính cần thiết, tính hợp lý của biện pháp, cần thiết phải xem xét đến nhiều khía cạnh, ngoài ra, cũng vì mỗi giao dịch hợp đồng mua bán đều diễn ra trong những điều kiện khác nhau nên việc đánh giá tính hợp lý, tính cần thiết trong trường hợp xuất hiện biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại phụ thuộc phần lớn vào tính chất cụ thể của từng trường hợp, mặc dù cách giải quyết như vậy càng khiến cho mức độ định tính của các yếu tố này trở nên khó nắm bắt. Trên cơ sở lý luận về nguyên tắc áp dụng chung và đặc điểm của loại trách nhiệm này, dưới đây tác giả liệt kê một số tiêu chí cụ thể dùng để đánh giá tính cần thiết, tính hợp lý của biện pháp ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại được bên có quyền áp dụng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, xem xét hướng dẫn thi hành nguyên tắc cần thiết, hợp lý của biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại trước hết bằng nguyên tắc “người thứ ba hợp lý” (reasonable person). Theo đó, bên có quyền lợi bị ảnh hưởng từ vi phạm hợp đồng chỉ có nghĩa vụ thực hiện những biện pháp mà một người thứ ba hợp lý thiện chí thực hiện. Giải nghĩa điều này như sau, biện pháp hạn chế mà bên bị vi phạm hợp đồng áp dụng sẽ được đánh giá là hợp lý nếu người thứ ba hợp lý có cùng điều kiện và ở trong cùng bối cảnh với bên này cùng thực hiện một biện pháp tương tự[63], tương tự như cách giải thích cho Điều 77 CISG. Điều này cũng phù hợp với nội dung được thiết lập tại Điều 9 và 8.2 CISG[64] quy ước về cách giải thích cho hành động xử sự khác của một bên trong trường hợp giả định bên còn lại không biết hoặc không thể không biết[65].
Bên cạnh đó, năng lực hoạt động thương mại cũng như tài chính của thương nhân trên thương trường là khác nhau, một số doanh nghiệp có nguồn vốn lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng trong thương mại, có thể áp dụng những biện pháp hạn chế thiệt hại hiệu quả, khéo léo mà các doanh nghiệp khác không có khả năng áp dụng[66], hoặc một số doanh nghiệp nhỏ và vừa mà chiếm tỷ lệ lớn 98%[67], doanh nghiệp siêu nhỏ trong thị trường Việt Nam, vì hoạt động theo quy mô nhỏ hơn và có môi trường cạnh tranh khác nhau, nên cách thức hạn chế thiệt hại cũng sẽ khác nhau, và khác nhiều so với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, cho nên, nhìn tổng quan việc giải thích sự hợp lý, cần thiết của một biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại nào đó dựa trên cơ sở một bên thứ ba độc lập sẽ đem lại cái nhìn công bằng, khách quan hơn.
Thứ hai, việc áp dụng biện pháp đem lại một kết quả nhất định là ngăn chặn, hạn chế hay khắc phục được một phần, thậm chí là toàn bộ thiệt hại cũng là một điều quan trọng hơn cả, đó cũng chính là mục tiêu và ý nghĩa của loại trách nhiệm này. Cho nên, có thể cân nhắc việc đạt được một kết quả nhất định từ việc áp dụng biện pháp, cụ thể là ngăn chặn được, hạn chế được thiệt hại, hay ngắn gọn hơn là mục đích đạt được khi áp dụng biện pháp, là một tiêu chí có thể xác định sự cần thiết phải áp dụng và mức độ hợp lý của biện pháp được chọn để áp dụng, bởi chỉ biện pháp mà trong tình huống nhất định không thể thiếu và được áp dụng một cách hợp lý mới có thể đáp ứng được tình hình và hạn chế hoặc ngăn chặn được ít nhiều thiệt hại. Lấy ví dụ hành động công ty H trong vụ án thứ nhất (phụ lục 2.1) mua hạt tiêu xô bổ sung từ hai đơn vị cung cấp khác nhằm phục vụ hợp đồng xuất nhập khẩu với đối tác nước ngoài, cùng với hành động của công ty AT trong vụ án thứ tư (phụ lục 3.2) tìm cách thương thảo với chủ đầu tư để thay đổi cơ cấu vận hành và lắp đặt thiết bị nhằm duy trì tiến độ công trình và không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, cả hai hành vi của hai công ty bị vi phạm đều đem đến kết quả là đã ngăn chặn được một cơ số lớn thiệt hại có thể xảy ra, trên cơ sở đó, tòa án thụ lý vụ án có thể xác định mức độ hợp lý của biện pháp bổ sung hàng hóa và thay đổi phương án thi công mà hai công ty bị vi phạm đã lựa chọn áp dụng. Hoặc giả cũng trong tình huống tranh chấp thứ tư (phụ lục 3.2) công ty AT ngoài đề nghị thay đổi phương án vận hành công trình, cũng có thể tìm đến giải pháp mà theo tác giả đánh giá là hợp lý và cần thiết, tương tự công ty H trong vụ án thứ nhất (phụ lục 2.1), là mua thiết bị rung từ nhà cung cấp khác với giá thành hợp lý để có đủ hàng cho công trình.
Thứ ba, thời điểm áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cũng nên được xem là một cơ sở khách quan xác định tính cần thiết, tính hợp lý của biện pháp được áp dụng. Điều này bởi lẽ, thiệt hại có hạn chế, ngăn chặn được hay không một phần tỷ lệ không nhỏ phụ thuộc vào việc áp dụng biện pháp đúng thời điểm hay không; chẳng hạn việc áp dụng biện pháp khắc phục, hạn chế quá trễ khiến thiệt hại lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn mà tại thời điểm đó các biện pháp thông thường trong khả năng của bên có quyền đã không còn khống chế được mức độ lây lan (tăng nặng thiệt hại) hay mức độ trầm trọng của thiệt hại nữa. Lấy ví dụ của một giao dịch mua bán hàng hóa là nông sản (rau ăn lá ngắn ngày, bina, cải xoắn,…) từ một doanh nghiệp có trụ sở tại Đơn Dương, Lâm Đồng (bên bán) cung cấp cho các doanh nghiệp phân phối, trong số đó có một đơn vị hoạt động tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (bên mua), bên mua đã từ chối nhận hàng khi sản phẩm được giao tới, dẫn đến phát sinh vấn đề hàng hóa cần lưu kho đông lạnh để đảm bảo chất lượng trước khi được xử lý, mà bên bán ngay tại thời điểm phát sinh hành vi vi phạm hợp đồng đã không lập tức tìm đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ đông lạnh hàng hóa hoặc một (nhiều) đơn vị mua khác để bán lại hàng hóa sớm nhất có thể, khi đó hàng hóa lưu lại trên xe vận tải quá lâu đã dẫn đến hiện tượng nấm mốc, thối rữa cục bộ và lan rộng đến mức không thể cứu vãn, cho đến lúc này, bên bán mới bắt đầu tìm kho đông lạnh hoặc tìm đơn vị mua khác là những biện pháp không còn cần thiết, cũng không còn khả thi hay hợp lý nữa mặc dù biện pháp ấy nằm trong khả năng và điều kiện của bên bán. Hoặc trường hợp ngăn chặn thiệt hại bằng hành vi mua hàng bổ sung của công ty H trong vụ án thứ nhất (phụ lục 2.1) và hành vi thay đổi phương án thi công của công ty AT trong vụ án thứ tư (phụ lục 3.2) đều được cho là áp dụng vào thời điểm hợp lý, bởi hạn chót giao hàng được ấn định cho công ty GH là ngày 24/02/2015 thì ngày 10/3/2015 ngay khi xác định công ty GH không thể hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, công ty H đã lập tức tìm kiếm và ký hợp đồng với đối tác cung cấp khác để kịp thời có hàng trước thời điểm đến hạn xuất khẩu hạt tiêu xô đi nước ngoài, công ty AT cũng tương tự, tìm phương án thích hợp với công trình để thay đổi phương án thi công hiện tại, chuyển đổi cơ cấu vận hành thiết bị trước thời điểm đến hạn nghiệm thu công trình lần đầu (67 ngày kể từ ngày chế tạo xong).
Giả định các biện pháp này được áp dụng sau thời điểm đến hạn xuất khẩu hoặc hạn xuất thiết bị ra công trình, lắp đặt và nghiệm thu, lúc này công ty H và công ty AT đã bị xác định là bên vi phạm trong các hợp đồng với bên thứ ba, các khoản phạt vi phạm và bồi thường đã được ấn định từ thời điểm có hành vi vi phạm trễ hạn giao hàng, thì các hành vi ngăn chặn, hạn chế thiệt hại nêu trên không còn mang ý nghĩa tối ưu, thậm chí không thể ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại nữa, và hẳn là sẽ được xác định là không hợp lý hoặc có mức độ hợp lý thấp hơn hành động ngăn chặn, hạn chế thiệt hại được thực hiện trước các mốc thời điểm nêu trên. Điều này được cho là phù hợp, kể cả đứng ở vị trí của người bị thiệt hại, chính họ cũng sẽ là người gánh chịu thiệt hại nặng nề hợp nếu họ không kịp thời hạn chế thiệt hại mà do dự để đợi chờ thị trường tăng hoặc giảm giá[68] (được dịch bởi tác giả).
Hơn nữa, xem xét thời điểm áp dụng biện pháp để thể hiện rõ đó là hoạt động ngăn chặn hay hạn chế thiệt hại, thì chúng ta nên hiểu rằng, ngăn chặn[69] tức không cho thiệt hại xảy ra, đồng nghĩa với việc tại thời điểm đó hoặc là đã có hành vi vi phạm nhưng có những thiệt hại chưa xảy ra, hoặc là thậm chí hành vi vi phạm cũng chưa diễn ra nhưng bên bị vi phạm thấy được hoặc biết được những dấu hiệu cơ sở để đánh giá rằng bên còn lại sẽ vi phạm hợp đồng khi đến hạn; còn hạn chế[70] tức là khiến cho thiệt hại đã xảy ra dừng lại tại đó (không lan rộng thêm) hoặc khiến cho thiệt hại đã xảy ra thu hẹp lại. Từ đó hướng đến lập luận rằng không thể chỉ trao mỗi quyền “hạn chế” thiệt hại cho bên bị vi phạm được, mà cần thiết phải ghi nhận cả hành động ngăn chặn. Ở góc độ này, tác giả cho rằng chúng ta nên học hỏi định hướng tư duy rằng: nếu một trong các bên tham gia hợp đồng tại một thời điểm nhất định đã thể hiện rõ ràng bằng lời nói, văn bản hoặc hành động ám chỉ ý định không thực hiện hoặc không thực hiện được các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, mặc dù chưa đến hạn thực hiện nghĩa vụ, nhưng dựa trên các yếu tố cụ thể như vậy, bên còn lại nên được pháp luật trao quyền thực hiện biện pháp ngăn chặn thiệt hại – cụ thể là kể từ thời điểm có dấu hiệu khách quan xác định một bên trong hợp đồng sẽ vi phạm nghĩa vụ hợp đồng khi đến hạn. Lấy một quy định cụ thể của Luật Hợp đồng Trung Quốc làm minh họa, Điều 108: “Nếu một trong hai bên thể hiện rõ ràng hoặc chỉ ra bằng hành động ý định không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, bên kia có thể yêu cầu bên được nhắc đến phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng”[71]. Trên tinh thần ghi nhận việc xác định một bên sẽ có hành vi vi phạm hợp đồng thông qua những dấu hiệu rõ ràng nêu trên, tác giả thấy rằng nên công nhận thời điểm đó chính là thời điểm bên còn lại có thể áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn thiệt hại, chứ không nhất thiết phải chờ đến khi bên kia chính thức có hành vi vi phạm hợp đồng mới bắt đầu thực hiện ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Do đó, tác giả cho rằng thời điểm áp dụng biện pháp là một trong những cơ sở phù hợp xác định được tính cần thiết và tính hợp lý của biện pháp mà bên có quyền áp dụng, và nên ghi nhận việc áp dụng sớm nhất có thể dựa trên các cơ sở khách quan xác định động thái của bên có nghĩa vụ.
Thứ tư, việc so sánh mức độ chênh lệch giữa phần giá trị thiệt hại đã được hạn chế, ngăn chặn với phần chi phí hợp lý của việc hạn chế, ngăn chặn cũng nên được cân nhắc là một tiêu chí để đánh giá tính cần thiết và hợp lý của biện pháp. Trường hợp tổng chi phí cho việc thực hiện một hay một số biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại trong một tình huống cụ thể lớn hơn hoặc tương đương tổng giá trị thiệt hại đã được ngăn chặn, hạn chế, biện pháp ấy có thể bị đánh giá là không cần thiết, không hợp lý, bởi lúc ấy, việc thực hiện biện pháp trở nên dư thừa, mục đích của biện pháp đã không đạt được.
Thứ năm, ngoài ra yếu tố hợp lý còn được cân nhắc đánh giá dựa trên việc xem xét tình hình thực tế (yếu tố chủ quan) tại thời điểm xảy ra vi phạm của bên bị vi phạm về tài chính, nhân sự, kể cả về thời gian, không gian v.v… và các yếu tố cộng hưởng khác để đánh giá tình hình thực hiện ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Việc đặt ra một trách nhiệm như vậy đối với bên bị vi phạm không đồng nghĩa với việc buộc bên bị vi phạm phải bằng mọi cách đánh đổi tất cả điều kiện hay giá trị mình đang nắm giữ hoặc tự làm tổn hại chính mình để thực hiện được biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Phạm vi biện pháp được áp dụng nằm trong sự tính toán của bên bị vi phạm, dựa trên điều kiện thực tế tại thời điểm áp dụng mà bên bị vi phạm đang có. Như vậy, không thể nói rằng bên bị vi phạm cố tình không áp dụng biện pháp khiến cho thiệt hại trở nên nghiêm trọng hơn trong trường hợp bên này không có hoặc không đủ điều kiện áp dụng, hoặc thậm chí không thể áp dụng vì lý do khách quan không thể khắc phục mặc dù có đủ điều kiện thực tế. Trách nhiệm chứng minh động thái bỏ mặc thiệt hại lúc này thuộc về bên vi phạm. Lấy một ví dụ về tranh chấp máy hút bụi có bên bán ở Thụy Sĩ và bên mua ở Đức được giải quyết bằng bản án số 246/97 Appelate Court Celle (Germany) 2/9/1991 đã được tác giả Đỗ Thành Công viện dẫn minh họa trong bài báo khoa học của mình (2010), sau khi mua, bên mua cho rằng máy hút bụi đã nhận được không đạt chất lượng và hủy bỏ hợp đồng, đồng thời từ chối thanh toán, bên bán khi đó khởi kiện yêu cầu bên mua thanh toán phần còn thiếu, còn bên mua phản tố yêu cầu được khấu trừ với phần thiệt hại mình phải gánh chịu; liên quan tới nghĩa vụ hạn chế thiệt hại, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bên mua đã không hạn chế thiệt hại xảy ra theo như quy định tại Điều 77 CISG vì bên mua chỉ cố gắng tìm hàng thay thế ở nhà cung cấp trong vùng mà không tìm mua ở những nhà cung cấp khác ở Đức hoặc ở nước ngoài[72]. Tác giả đánh giá rằng, tòa án đã đưa ra phán quyết trên dựa trên cơ sở đánh giá khả năng, năng lực thực hiện động thái hạn chế thiệt hại của bên mua, họ có khả năng mở rộng phạm vi hạn chế thiệt hại nhưng họ đã không làm, ngoài ra, ví dụ này theo tác giả nhận định, có thể dùng để minh họa cho tiêu chí thứ hai được phân tích bên trên, rằng một biện pháp hợp lý và cần thiết nên là một biện pháp có thể đem lại một kết quả hạn chế, ngăn chặn nhất định.
Lấy ví dụ từ một số bản án thực tiễn:
Vụ án thứ hai (phụ lục 2.2)
Tóm tắt vụ án: Công ty G (bên mua) ký hợp đồng khai thác vận chuyển đất sét với công ty H (bên cung cấp) vào ngày 09/02/2015, phụ lục vào ngày 20/8/2015 và 31/01/2016. Vào đợt thanh toán thứ ba của hợp đồng, công ty G thanh toán đầy đủ và công ty H xuất một hóa đơn giá trị gia tăng số 0000096 mẫu số 01GTKT3/001 ký hiệu HT/11P ngày 25/5/2016 cho công ty G. Sau đó, công ty G phát hiện hóa đơn 0000096 nêu trên không hợp pháp, không còn giá trị sử dụng vì lý do công ty H đã bị Chi cục thuế huyện Kiên Lương áp dụng biện pháp cưỡng chế thông qua thông báo số 1985/TB-CCT ngày 28/4/2016 chính thức vô hiệu hóa hóa đơn của công ty H từ ngày 06/5/2016 vì người nộp thuế nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp. Đến ngày 27/10/2016, công ty G và công ty H làm việc với nhau lập biên bản về việc xử lý hóa đơn 0000096, công ty H cam kết hạn chót là 31/12/2016 phải xuất hóa đơn mới hợp lệ với giá trị tương đương, nếu chậm trễ thì công ty H phải trả các khoản thiệt hại cho công ty G bao gồm (i) thuế giá trị gia tăng 71.495.400 đồng, (ii) tiền phạt do chậm nộp thuế 2.888.414 đồng, (iii) tiền thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20% của năm 2016 phải nộp do không được hạch toán vào chi phí (cho số tiền 714.954.000 đồng) là 142.990.800 đồng, (iv) số tiền lãi trên số tiền thuế và tiền chậm phạt nộp thuế giá trị gia tăng với lãi suất 7,5%/năm từ 27/10/2016 đến 31/12/2016 là 1.023.000 đồng, và (v) số tiền lãi trên số tiền 218.397.214 đồng mà công ty H nợ công ty G tại thời điểm 31/12/2016 với lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định tính từ 01/01/2017. Mặc dù công ty G đã bàn giao hóa đơn cũ cho công ty H, nhưng quá hạn 31/12/2016 công ty H vẫn không xuất hóa đơn mới cho công ty G và cũng không trả khoản nợ 218.397.214 đồng cho công ty G. Công ty G khởi kiện công ty H yêu cầu thanh toán và bồi thường đối với 5 khoản nêu trên, sau đó rút một phần yêu cầu khởi kiện tại khoản (ii) và khoản (iv). Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương ban hành bản án số 04/2018/KDTM-ST tuyên xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đình chỉ các yêu cầu khởi kiện đã rút, ngoài ra còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, kháng nghị và quyền yêu cầu thi hành án.
Vụ án thứ ba (phụ lục 3.1)
Tóm tắt vụ án: Công ty Al có trụ sở tại thành phố T, tỉnh Bình Dương đã ký hợp đồng thuê tài sản của vợ chồng ông T và bà P là nhà đất tọa lạc tại phường T, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng cho mục đích văn phòng trưng bày sản phẩm, thời gian thuê kéo dài 03 năm từ 01/3/2019 đến hết ngày 01/3/2022, giá thuê hàng tháng là 40.000.000 đồng, được thanh toán định kỳ 03 tháng một lần. Công ty Al đã thanh toán đúng hạn cho đến đợt thanh toán tháng 12/2020 (thanh toán cho ba tháng gồm 12/2020, 01/2021 và 02/2021). Ngày 01/01/2021, công ty Al gửi thông báo đến vợ chồng ông T bà P về việc chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn, đề nghị chính thức chấm dứt từ ngày 01/02/2021 (tức 30 ngày kể từ ngày thông báo), nhưng không nhận được phản hồi từ bên cho thuê. Trong suốt thời gian tiếp theo kể từ ngày chính thức thông báo, công ty Al thực hiện các công việc dọn dẹp nhà thuê, di chuyển sản phẩm trưng bày trở về kho tổng công ty, liên hệ chuyển hợp đồng điện về cho chủ nhà, đồng thời thông báo nhiều lần đến vợ chồng ông T bà P đến văn phòng công chứng để ký văn bản thanh lý hợp đồng và nhận bàn giao tài sản thuê, tuy nhiên, không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ bên cho thuê. Tháng 11/2021, ông T bà P khởi kiện công ty Al yêu cầu trả tiền thuê từ tháng 03/2021 đến hết tháng 03/2022 vì lý do công ty Al vi phạm nghĩa vụ thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê.
Nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật[73]
Một số phân tích liên quan:
Với tính chất tương tự án lệ số 21/2018/AL (phụ lục 1), vụ án tranh chấp hợp đồng thuê tài sản giữa công ty Al và vợ chồng ông T bà P do Tòa án nhân dân Quận 12 thụ lý, trên cơ sở án lệ số 21, phải xác định tuy công ty Al chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng thời gian thông báo trước 30 ngày là một khoảng thời gian đủ hợp lý để ông T bà P tìm kiếm đơn vị thuê thay thế (nhưng ông T bà P đã không làm mặc dù thông báo bàn giao nhà gửi đến ông bà rất nhiều lần) nên không có cơ sở yêu cầu công ty Al phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khoản lợi trực tiếp của ông T bà P phát sinh từ việc cho thuê tài sản thuê nêu trên, công ty Al dựa trên cơ sở là các thông báo bằng văn bản gửi đến email của ông T và địa chỉ thường trú của ông T bà P, niêm yết tại địa điểm tài sản thuê, tin nhắn SMS gửi đến số điện thoại của ông T, các vi bằng được lập bởi đơn vị thừa phát lại thể hiện công ty Al có thông báo nhưng ông T bà P bằng mọi cách né tránh việc thanh lý chấm dứt hợp đồng và nhận bàn giao nhà (để có thể tìm kiếm đơn vị thuê khác thay thế), từ đó tự mình làm mất đi giá trị kinh tế mà lẽ ra có thể khai thác được – hay dùng cách diễn đạt khác là ông T bà P đã không thực hiện ngăn chặn, hạn chế thiệt hại này mặc dù có đủ điều kiện, kể cả về mặt thời gian (thời gian chính thức công ty Al niêm phong tài sản do không bàn giao được cho bên cho thuê là 55 ngày kể từ ngày thông báo, ngày 26/02/2021). Trường hợp này có thể đối chiếu với nội dung Án lệ số 21/2018/AL đã phân tích tại mục 2.1.1 Chương này để xác định rằng 55 ngày (so với thời gian chỉ 03 ngày mà công ty C – bên thuê thông báo chấm dứt hợp đồng đến công ty D – bên cho thuê) là khoảng thời gian đủ dài để ông T bà P thực hiện động thái hạn chế thiệt hại.
Hoặc trường hợp của công ty G trong vụ án thứ hai (phụ lục 2.2) đối với hành vi xuất hóa đơn không có giá trị của công ty H, công ty G mặc dù tiềm lực kinh tế, tài chính và nhân lực đều đầy đủ nhưng vì tính chất đặc biệt của hành vi công ty H đã thực hiện vừa vi phạm hợp đồng vừa là hành vi vi phạm pháp luật, cũng như sự việc liên quan đến các hoạt động báo cáo thuế, nộp thuế cho cơ quan nhà nước là Chi cục thuế huyện Kiên Lương, tất cả dựa trên cơ sở là hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật được phát hành từ đơn vị sản xuất, cung cấp dịch vụ (công ty H), tuy nhiên, hóa đơn giá trị gia tăng không có giá trị do công ty H phát hành không thể dùng để báo cáo thuế, nộp thuế v.v… khiến công ty G rơi vào tình trạng nợ thuế, vi phạm quy định về báo cáo một cách bị động mà không thể khắc phục được. Trường hợp này xác định công ty G rơi vào trạng thái không thể ngăn chặn, hạn chế thiệt hại vì lý do khách quan mặc dù biết rõ hành vi vi phạm hợp đồng và hậu quả của hành vi vi phạm mà công ty H gây ra. Tiếp tục nói về giai đoạn sau thời điểm 31/12/2016, đồng thời trong lúc tiến hành cách thủ tục tố tụng tại Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương, công ty G đã làm việc với cơ quan thuế nộp các khoản bắt buộc vào ngân sách nhà nước và quyết toán xong, đây được xem là một hành động chủ động hạn chế thiệt hại ngay khi có thể, phần thiệt hại ngăn chặn được chính là khoản tiền nợ lãi phát sinh do chậm nộp.
Như vậy, tác giả nhận định việc đánh giá tính hợp lý của hành động ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại nên được xem xét trên cơ sở xác định các yếu tố chủ quan, khách quan cộng hưởng tại thời điểm xảy ra vi phạm, thời điểm thực hiện biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Đồng thời, cần thiết ghi nhận các sự kiện bất ngờ, trở ngại khách quan làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm.
Những tiêu chí nêu trên hiện chỉ mang tính chất thực tiễn, mà tác giả một mặt đúc kết được từ kinh nghiệm thực tiễn tham gia tố tụng của chính mình, một mặt góp nhặt từ hoạt động xét xử, rút kinh nghiệm của Tòa án, Viện kiểm sát các cấp thông qua các bản án kinh doanh thương mại. Để có sự thống nhất trong áp dụng quy định về đánh giá biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, pháp luật Việt Nam nên thông qua những tiêu chí cụ thể bằng văn bản dưới luật có thể áp dụng chung trong mọi tình huống liên quan đến biện pháp này.
2.2.3 Quyền tương xứng và hệ quả phát sinh từ việc áp dụng nghĩa vụ hạn chế thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa
Quyền tương xứng, cụ thể là tương xứng với một nghĩa vụ nhất định, hay còn gọi là quyền đối ứng nghĩa vụ, cụ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại, được hiểu là giữa các bên tham gia hợp đồng – bên mua và bên bán, sẽ có những quyền và nghĩa vụ đối ứng nhất định với nhau, khi một bên thực hiện một quyền thì bên còn lại có một nghĩa vụ tương ứng với quyền đó, hoặc khi một bên vi phạm một nghĩa vụ nhất định trong hợp đồng thì bên còn lại có một quyền tương ứng để xử lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm. Chẳng hạn như, giao hàng và thanh toán tiền hàng là hai quyền, cũng đồng thời là nghĩa vụ, mà bên bán và bên mua đối ứng cùng nhau thực hiện; hoặc trường hợp bên bán chậm trễ giao hàng thì bên mua có những quyền đối ứng xử lý vi phạm này tùy thuộc thỏa thuận của các bên, ví dụ như tạm ngưng các khoản thanh toán, chấp nhận hoặc không chấp nhận việc chậm trễ và gia hạn thời gian giao hàng; hoặc khi bên mua chậm trễ thanh toán tiền mua hàng, bên bán đồng thời có quyền tạm ngưng giao hàng, đình chỉ hoặc hủy bỏ thực hiện hợp đồng, không chấp nhận việc gia hạn thanh toán…
Đối với nghĩa vụ hạn chế thiệt hại, lần lượt xem xét các quy định pháp luật tại Điều 362 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 305 Luật thương mại, trong đó quy định về nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của Bộ luật dân sự 2015 chỉ yêu cầu bên bị vi phạm “phải” áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý khi có thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, mà không đề cập đến trường hợp nếu bên bị vi phạm không áp dụng thì sẽ như thế nào, có chế tài gì hay không. Ngược lại, quy định về loại nghĩa vụ này trong Luật thương mại ngoài mặt yêu cầu bên bị vi phạm “phải” áp dụng biện pháp, thì cũng đề cập trường hợp nếu không áp dụng, bên vi phạm sẽ có quyền yêu cầu giảm bớt mức bồi thường tương đương với phần giá trị tổn thất mà lẽ ra có thể hạn chế được, nói cách khác, bên bị vi phạm trong trường hợp không áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại thì có thể sẽ không được yêu cầu bồi thường phần giá trị mà lẽ ra mình có thể hạn chế được. Đến đây, có hai giả thuyết liên quan đến tính pháp lý của hành động giảm thiểu thiệt hại (mitigation of damages): thứ nhất đây được cho là một loại nghĩa vụ (obligation), và thứ hai được cho là một trách nhiệm (duty)[74], điểm khác nhau giữa hai khái niệm này nằm ở tính chất bắt buộc hay không[75]. Loại thứ nhất xem đây là một hành động mà bên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thiệt hại (bên bị vi phạm) phải có nghĩa vụ thực hiện và như vậy, bên vi phạm có quyền hợp pháp để yêu cầu bên bị vi phạm thực hiện. Ngược lại, khi hành vi hạn chế thiệt hại được xem là một trách nhiệm, bên không thực hiện nghĩa vụ không thể yêu cầu bên bị vi phạm phải thực hiện hành vi hạn chế thiệt hại, mà thay vào đó, bên bị vi phạm lúc này thực hiện trách nhiệm để bảo vệ cho chính lợi ích của họ trước. Theo CISG, hành động giảm thiểu thiệt hại, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, không phải là một loại nghĩa vụ theo hợp đồng bởi vì bên vi phạm không thể tìm đến các biện pháp yêu cầu đền bù mà công ước này đã thiết lập cho những trường hợp mà trong đó có hành vi không thực hiện nghĩa vụ của họ. Mà thay vào đó, nó là một trách nhiệm[76].
Quay trở lại đối chiếu với quy định pháp luật Việt Nam, tuy có tên là “nghĩa vụ” và trong quy định lần lượt tại Điều 362 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 305 Luật thương mại đều dùng động từ hình thái “phải” mang nghĩa bắt buộc, nhưng, quy định không đi kèm với bất kỳ chế tài nào, điều đó có nghĩa rằng nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại không mang tinh thần của một loại nghĩa vụ bắt buộc mà theo đó bên có quyền phải áp dụng trong mọi tình huống xảy ra hành vi vi phạm của bên vi phạm, thay vào đó, thực tiễn thi hành hành động này mang ý nghĩa như một trách nhiệm (duty), sự khác nhau nằm ở chỗ là bên có quyền lúc này có quyền đưa ra quyết định ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hoặc bỏ mặc thiệt hại xảy ra mà không bị áp dụng bất kỳ chế tài nào kèm theo, bên vi phạm lúc này không có quyền yêu cầu bên bị vi phạm phải thực hiện hành động hạn chế thiệt hại. Lúc này, bên vi phạm chỉ có thể yêu cầu giảm bớt phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương đương với phần thiệt hại mà lẽ ra có thể ngăn chặn được nếu bên bị vi phạm áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, không đơn giản là đưa ra yêu cầu, mà mọi bằng chứng liên quan đến việc vi phạm trách nhiệm hạn chế thiệt hại đều phụ thuộc vào bên vi phạm, nói cách khác, trách nhiệm chứng minh trong trường hợp này thuộc về bên vi phạm, họ buộc phải chứng minh được bên bị vi phạm có đủ điều kiện nhưng đã bỏ mặc thiệt hại hoặc những biện pháp bên bị vi phạm áp dụng là không cần thiết, không hợp lý trong tình huống cụ thể đối với thiệt hại cụ thể dẫn đến không ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại hoặc phần thiệt hại lẽ ra đã có thể được hạn chế nhiều hơn hay ngăn chặn không xảy ra nếu áp dụng những biện pháp khác hợp lý hơn. Như vậy, chỉ khi bên vi phạm hoàn thành nghĩa vụ chứng minh với đầy đủ tài liệu chứng cứ, thì yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới có cơ sở để xem xét, chứ không mặc nhiên chấp nhận trong mọi trường hợp bên bị vi phạm không ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại. Cho nên, với hai cơ sở trên có thể kết luận rằng, yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải là một quyền tương xứng mà pháp luật trao cho bên vi phạm tương ứng với hành động ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm.
Trên cơ sở bên vi phạm có tài liệu chứng cứ để chứng minh rằng bên bị vi phạm có động thái không ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hoặc ngăn chặn, hạn chế không hợp lý, không cần thiết, bên vi phạm có thể yêu cầu giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình, và việc giảm bớt phần bồi thường thiệt hại cho bên vi phạm sẽ được xem là một hệ quả cho hành vi không áp dụng hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại không hợp lý, không cần thiết của bên bị vi phạm, hay nói cách khác là họ không thể yêu cầu bồi thường đối với toàn bộ thiệt hại mà bên vi phạm hợp đồng đã gây ra.
Quy định này được cho là phù hợp cả về thực tiễn nói chung ở hầu hết các quốc gia ghi nhận loại trách nhiệm này không mang tính chất ràng buộc, trong hầu hết các giao dịch, kể cả giao dịch mua bán hàng hóa cụ thể trong lĩnh vực thương mại, bởi bên bị vi phạm là bên bị gánh chịu thiệt hại, xuất phát từ hành vi không đúng của đối phương trong khi bên bị vi phạm không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại đó, hoặc không bị xem là đáng trách nếu không thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm giảm thiểu tổn thất mà chính mình phải gánh chịu; có trường hợp “hà khắc” hơn như cách vận dụng pháp luật Pháp theo Bộ luật dân sự Pháp và sắc lệnh số 2016-131, theo đó, trên tinh thần trách nhiệm hoàn toàn thuộc về bên gây ra thiệt hại nên thậm chí đã không có quy định về nghĩa vụ giảm thiểu thiệt hại đối với bên bị vi phạm trong hai văn bản này. Tuy vậy, ở một quan điểm khác, đứng trước sự phát triển của trách nhiệm hạn chế tổn thất như hiện nay, một số tác giả cho rằng cần “áp đặt trách nhiệm hạn chế tổn thất trong lĩnh vực hợp đồng”, trách nhiệm này “phải được áp dụng trong mọi quan hệ hợp đồng”[77], tức xem xét trách nhiệm này như một nghĩa vụ bắt buộc đối với bên bị vi phạm, khi đó đương nhiên phải đi kèm chế tài.
Đối với thực tiễn áp dụng pháp luật về hạn chế thiệt hại tại Việt Nam, tác giả đánh giá rằng hành động hạn chế thiệt hại bao gồm cả mặt tích cực và mặt tiêu cực: ở khía cạnh thứ nhất, bên bị vi phạm khi thích ứng tình huống bằng những biện pháp hợp lý thì có thể giảm thiểu hoặc tránh được tổn thất mà hành vi vi phạm hợp đồng gây ra hoặc có thể gây ra, hoặc tránh được việc gia tăng thiệt hại do hành vi vi phạm đó; mặt khác, trách nhiệm này cũng gây ra một số tranh cãi rằng, giá trị bồi thường cho những thiệt hại bị gây ra bởi hợp đồng đã bị loại trừ một phần (chính là phần đã giảm/tránh được do hành động giảm thiểu thiệt hại), mặc dù các chi phí cho việc áp dụng các biện pháp ấy vẫn được ghi nhận như một khoản đền bù, có nghĩa là dù bên vi phạm có phải đền bù chi phí cho việc áp dụng các biện pháp hạn chế thiệt hại thì khoản đền bù này bao giờ cũng nhỏ hơn, thậm chí nhỏ hơn rất nhiều, so với khoản thiệt hại mà đã được khắc phục, dẫn đến tâm lý bỏ mặc hoặc cố tình không nghiêm túc trong quá trình thực hiện hơp đồng, hoặc thậm chí cố tình vi phạm hợp đồng để đổi lấy một lợi ích khác lớn hơn của bên vi phạm. Cho nên, quan điểm thứ nhất có lẽ vẫn phù hợp hơn cả về cơ sở pháp luật lẫn thực tiễn thi hành pháp luật, dù việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại là giải pháp tình huống có lợi đôi đường cho chính bản thân bên bị vi phạm, nhưng không có cơ sở nào thuyết phục để ép buộc họ phải thực hiện điều đó trong mọi trường hợp. Việc áp dụng hay không hoặc thậm chí muốn cũng không thể áp dụng được các biện pháp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả yếu tố chủ quan xuất phát từ bên có quyền áp dụng hay bởi sự tác động từ các yếu tố khách quan khác, nên việc buộc bên bị vi phạm vào một loại nghĩa vụ trong mọi tình huống sẽ khiến cho bên còn lại trong hợp đồng mất đi ý thức tuân thủ và thực hiện hợp đồng, càng dễ dẫn đến vi phạm hoặc lợi dụng tình huống vi phạm để trục lợi cá nhân, như đã phân tích trên, họ tham gia giao dịch với quan điểm cho dù có vi phạm đi nữa thì cũng sẽ có người buộc phải ngăn chặn, hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại do vi phạm đó gây ra, và một khi thiệt hại đã được khắc phục thì bên gây ra thiệt hại cũng loại trừ được trách nhiệm bồi thường, khi đó phần chi phí phát sinh do thực hiện biện pháp thuộc về trách nhiệm của bên vi phạm dù thế nào cũng có giá trị thấp hơn so với toàn bộ khoản thiệt hại đã được gánh vác; mặt khác, đó là điều không cần thiết khi buộc bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh trong một số tình huống họ không thể thực hiện được nghĩa vụ, chẳng hạn xuất phát từ sự kiện bất ngờ hoặc trở ngại khách quan v.v…
Như vậy, việc đặt ra nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho bên bị vi phạm theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay không đi kèm bất kỳ chế tài nào, cũng như quyền đối ứng nào của bên vi phạm, việc giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bên vi phạm chỉ được chấp thuận khi có cơ sở phù hợp quy định pháp luật và dựa trên khả năng chứng minh của bên vi phạm, đó được xem là một hệ quả dẫn đến từ kết quả thiệt hại được ngăn chặn, hạn chế mà bên bị vi phạm làm được. Điều đó cho thấy rằng, pháp luật Việt Nam xem hành động hạn chế thiệt hại như là một trách nhiệm (duty), chứ không phải một loại nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc (obligation), do đó, việc thể hiện tên gọi cũng nên được thay đổi từ “nghĩa vụ” sang “trách nhiệm” để tạo nên sự minh bạch, tránh nhầm lẫn.
2.3 Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa
Ngoài những điểm cơ bản tương thích với một số văn bản pháp lý quốc tế về mua bán hàng hóa, cũng như pháp luật của một số quốc gia phát triển trên thế giới, có thể điểm qua gồm: (i) ghi nhận nguyên tắc bồi thường đối với toàn bộ thiệt hại bị gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng, trong đó ý nghĩa toàn bộ không bị giới hạn bởi tính chất của thiệt hại bị gây ra; (ii) ghi nhận nghĩa vụ hạn chế thiệt hại đối với bên bị vi phạm trong trường hợp có hành vi vi phạm xảy ra gây thiệt hại, đồng thời ghi nhận chi phí hợp lý để hạn chế thiệt hại như một thiệt hại chính thức làm cơ sở cân bằng quyền lợi cho bên bị vi phạm, hiện quy định pháp luật Việt Nam vẫn còn một số vấn đề dẫn đến những trở ngại lớn trong khi thi hành, chẳng hạn những điểm ưu trên hầu hết thể hiện trong quy định luật chung, Bộ luật dân sự, mà chưa được cập nhật ghi nhận trong luật chuyên ngành là Luật thương mại, hơn nữa, một số quy định trong đó mang tính chất khái quát quá rộng, chưa đủ chi tiết để áp dụng vào thực tiễn giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan, trong khi cũng chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, dẫn đến cách thức áp dụng các quy định khái quát còn mang tính chất tùy nghi cảm tính quá lớn, khiến việc áp dụng pháp luật trở nên mất tính thống nhất, mà cần thiết phải điều chỉnh bổ sung để đáp ứng kịp với sự biến hóa của thời đại, nhằm duy trì tuổi thọ của điều luật. Do vậy, tác giả mạnh dạn đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện pháp luật, cụ thể với hai nhóm quy định sau đây:
2.3.1 Kiến nghị bổ sung nhóm quy định Bộ luật dân sự và hướng dẫn thi hành
Thứ nhất, kiến nghị sử dụng cách thức khái quát hóa để xác định “thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ”, thay vì liệt kê từng loại thiệt hại như cách làm hiện tại với Điều 361, Điều 419 Bộ luật dân sự 2015
Nhằm “quy về một mối” những loại thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, tác giả kiến nghị thay đổi cách thức xác định thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ tại Điều 361. Cụ thể Điều 361 Bộ luật dân sự đề xuất sửa đổi theo hướng như sau:
Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi pham nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần
2. Thiệt hại về vật chất bao gồm lợi ích lẽ ra được hưởng nếu không có hành vi vi phạm, tổn thất thực tế, tổn thất trong tương lai có thể xác định được mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.
3. Thiệt hại về tinh thần là giá trị tinh thần bị tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.
Thứ hai, nhằm loại bỏ những tranh cãi trong suốt thời gian dài về vấn đề thiệt hại được bồi thường có bao gồm cả thiệt hại trực tiếp lẫn thiệt hại gián tiếp hay không, trên cơ sở sửa đổi Điều 361, kiến nghị điều chỉnh quy định thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng tại Điều 419 theo hướng: không cần thiết quy định thêm khoản 2, khoản 3 (bãi bỏ); thay vào đó ghi nhận nghĩa vụ chứng minh của bên yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, kiến nghị một số sửa đổi cụ thể đối với điều khoản về hoạt động ngăn chặn, hạn chế thiệt hại như sau: 1) kiến nghị sửa đổi tên gọi của hoạt động từ “nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại” thành “trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”, đồng thời loại bỏ động từ hình thái để tránh nhầm lẫn ý nghĩa; 2) kiến nghị bổ sung vào Điều 362 Bộ luật dân sự phần hệ quả của việc không thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, phần quyền liên quan sau khi thực hiện biện pháp này nhằm đảm bảo cả hai bên giữa thế cân bằng, và 3) kiến nghị ghi nhận cụ thể thời điểm thực hiện nghĩa vụ theo hướng bên có quyền có quyền thực hiện nghĩa vụ này sớm nhất có thể - ngay từ khi có dấu hiệu khẳng định hành vi vi phạm hợp đồng sẽ xảy ra, theo đó kiến nghị điều chỉnh Điều 362 như sau:
Điều 362. Trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại
1. Bên có quyền có quyền áp dụng các biện pháp hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình, bao gồm trường hợp một bên thể hiện rõ ràng hoặc chỉ ra bằng văn bản, hành động ý định không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng trước thời điểm đến hạn thực hiện. Bên có quyền đồng thời có quyền yêu cầu bồi thường đối với chi phí hợp lý đã bỏ ra nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
2. Bên có nghĩa vụ có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng hoặc áp dụng không hợp lý các biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
Thứ tư, đồng thời kiến nghị xây dựng bộ tiêu chí chung nhằm xác định tính cần thiết, hợp lý của biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại được áp dụng, trên cơ sở ghi nhận những yếu tố đề xuất sau đây: (1) đối chiếu và so sánh hành động của một bên thứ ba độc lập có quy mô và năng lực tài chính tương tự bên bị vi phạm khi được đặt trong bối cảnh vi phạm hợp đồng tương tự bối cảnh tranh chấp; (2) kết quả thiệt hại được ngăn chặn, hạn chế; (3) thời điểm áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế, trong đó ghi nhận thời điểm được cho là cần thiết và hợp lý là thời điểm ngăn chặn, hạn chế sớm nhất có thể; (4) chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại có giá trị thấp hơn so với thiệt hại đã được ngăn chặn, hạn chế, và (5) tác động của các yếu tố chủ quan từ phía bên bị vi phạm và các yếu tố hoàn cảnh khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Mặt lợi của việc xây dựng nên một tiêu chí với những dấu hiệu cơ bản trên là để giải quyêt cho tính tùy nghi cảm xúc phụ thuộc 100% vào thẩm phán giải quyết vụ án, một khi có bộ tiêu chí chung này áp dụng cho mọi trường hợp, thì cho dù mỗi tình huống có khác nhau, thiệt hại khác nhau, ngăn chặn hạn chế được tỉ lê bao nhiêu,…cũng không ảnh hưởng nhiều đến bản chất của việc suy xét hành động này.
2.3.2 Kiến nghị bổ sung nhóm quy định Luật Thương mại và hướng dẫn thi hành
Thứ nhất, kiến nghị ghi nhận trực tiếp nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại vào Luật thương mại, mà không xâm phạm đến nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại, sửa đổi bổ sung Điều 302 Luật thương mại
Theo đó, ghi nhận nguyên tắc: Bên vi phạm có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; đồng thời điều chỉnh Khoản 2 Điều 302 Luật thương mại cho phù hợp với nguyên tắc này, sửa đổi theo hướng: Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị vật chất bị thiệt hại và giá trị tinh thần bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại về vật chất bao gồm lợi ích lẽ ra được hưởng nếu không có hành vi vi phạm, tổn thất thực tế, tổn thất trong tương lai có thể xác định được mà bên bị vi phạm phải gánh chịu; thiệt hại về tinh thần là giá trị tinh thần bị tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.
Đồng thời điều chỉnh kéo theo quy định tại Điều 304 Luật thương mại trên cơ sở điều chỉnh Điều 302 Luật thương mại, sửa đổi theo hướng: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh thiệt hại mà mình phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.
Thứ hai, kiến nghị xây dựng và bổ sung khái niệm “uy tín thương mại” của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoạt động liên quan đến thương mại (sau đây gọi ngắn gọn là thương nhân) vào Luật thương mại để làm cơ sở xác định thiệt hại tinh thần liên quan đến uy tín thương mại
Uy tín thương mại, một loại khái niệm nằm trong phạm trù về tinh thần, mang tính vô hình nhưng lại là loại tài sản đem lại giá trị kinh tế rất lớn và là kim chỉ nam định hướng phát triển cho cho thương nhân hoạt động thương mại trong tương lai. Theo đó, khái niệm uy tín nên được xây dựng trên cơ sở sức ảnh hưởng (hay mức độ ảnh hưởng) của uy tín lên thị trường và đánh giá của thị trường đối với uy tín theo chiều ngược lại. Như vậy, có thể xây dựng khái niệm uy tín thương mại một cách cơ bản như sau: Uy tín thương mại của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại là mức độ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của thị trường và sự đánh giá phản hồi của thị trường đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại.
Xây dựng khái niệm uy tín thương mại sẽ góp phần cụ thể hóa cách thức chứng minh sự tồn tại của loại tổn thất vô hình này, trong đó, phản ứng từ thị trường, từ đối tác là một trong số những chứng cứ khách quan và xác thực phản ánh về uy tín thương mại của một thương nhân hay tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại. Hơn nữa, việc thu thập loại tài liệu này không phải là bất khả thi, mà hoàn toàn có thể thực hiện được theo quy trình tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, kể cả từ phía đương sự trong vụ án tự thu thập và cung cấp cho tòa án làm tài liệu cơ sở hay từ phía tòa án trực tiếp thu thập làm tài liệu chứng cứ.
Tiếp đó, là việc cụ thể hóa thiệt hại này bằng một số liệu để yêu cầu bồi thường, chính vì tính chất vô hình của loại thiệt hại này phải hiểu rằng không thể dùng thước đo vật lý thông thường để xác định. Cho nên, tổn thất uy tín thương mại chính là những tổn thất mà thương nhân phải chịu do sự giảm sút, mất uy tín mà ra. Khi đó, mục đích của hành động bồi thường cho tổn thất này phải nhắm đến việc làm sao để khôi phục lại, lấy lại uy tín thương mại trên thương trường, xuất phát từ điểm này, tác giả kiến nghị việc cụ thể hóa thiệt hại uy tín thương mại chính là những tổn thất nội bộ tổ chức phải bỏ ra để xây dựng lại danh tiếng đã mất/đã giảm sút, ví dụ như chi phí quảng cáo, chi phí quảng bá marketing xây dựng lại thương hiệu, danh tiếng, chi phí đào tạo, tuyển dụng mới nhân sự, hoặc chi phí lưu giữ nhân sự…
Thứ ba, kiến nghị một số vấn đề cụ thể liên quan đến trách nhiệm hạn chế thiệt hại như sau: 1) kiến nghị sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại” thay cho thuật ngữ “nghĩa vụ hạn chế thiệt hại”, đồng thời loại bỏ động từ hình thái mang ý nghĩa bắt buộc trong quy định; 2) kiến nghị bổ sung nguyên tắc hạn chế thiệt hại một cách “cần thiết”, bên cạnh nguyên tắc hợp lý và thiện chí, vào Luật thương mại để thống nhất với Bộ luật dân sự trong thực thi trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại; 3) kiến nghị mở rộng phạm vi thiệt hại được hạn chế, ngăn chặn trên cơ sở sửa đổi Điều 302 Luật thương mại, và 4) kiến nghị ghi nhận bổ sung quyền liên quan của bên bị vi phạm sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại
Thuật ngữ “trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại” thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của hành động mà bên bị vi phạm quyết định thực hiện, thay vì bỏ mặc thiệt hại xảy ra, để đạt được mục đích tối ưu cho hành động khiến thiệt hại không xảy ra, bên bị vi phạm nên được trao “quyền” thực hiện biện pháp ngay từ thời điểm có thể ngăn chặn được, chứ không phải bị động đợi thiệt hại xảy ra rồi sau đó mới thực hiện biện pháp chỉ để hạn chế thiệt hại mà thôi. Hơn nữa, quy định này trước đây chưa ghi nhận trách nhiệm liên quan đến chi phí bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại làm ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như tâm lý của bên bị vi phạm khi có thiệt hại xảy ra. Do vậy kiến nghị Điều 305 Luật thương mại nên được sửa đổi tiêu đề và sửa đổi, bổ sung về mặt nội dung theo hướng như sau:
Điều 305. Trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại
1. Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình, bao gồm trường hợp một bên thể hiện rõ ràng hoặc chỉ ra bằng hành động ý định không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng trước thời điểm đến hạn thực hiện.
2. Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường đối với chi phí hợp lý đã bỏ ra nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
3. Bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng hoặc áp dụng không hợp lý các biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
Thứ tư, đồng thời kiến nghị sử dụng thống nhất cho cả Bộ luật dân sự và Luật thương mại đối với bộ tiêu chí chung nhằm xác định tính cần thiết, hợp lý của biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại được áp dụng đã trình bày tại mục 2.3.1.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Nội dung chương 2 tập trung nghiên cứu, phân tích quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa, thực tiễn thi hành pháp luật thông qua phân tích một số tranh chấp cụ thể, bản án cụ thể để thấy được các vấn đề còn tồn tại trong quy định pháp luật ảnh hưởng tới việc giải quyết tranh chấp trên thực tế, trả lời cho câu hỏi về các điểm không thống nhất giữa nội hàm quy định của Bộ luật dân sự và quy định của Luật thương mại về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, nguyên tắc hạn chế thiệt hại, phạm vi thiệt hại được xem xét mà gây trở ngại trong giải quyết tranh chấp là gì, sự chưa đầy đủ khi xác định thời điểm tính thiệt hại, các quy định khái quát quá rộng dẫn đến rất khó thực thi và xác định trách nhiệm hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng trên thực tế, còn quy định khác thì lại quá chi tiết, nhưng lại liệt kê không đủ. Từ đó, tác giả mạnh dạn đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hạn chế thiệt hại theo hướng mở rộng và thống nhất phạm vi thiệt hại được xem xét bồi thường trong quy định luật chung và chuyên ngành, bổ sung chi tiết quy định về thiệt hại phi tiền tệ, điều chỉnh quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại, đồng thời cũng trả lời cho các câu hỏi làm sao thực thi sự thay đổi nêu trên mà vẫn đảm bảo phù hợp để điều chỉnh giao dịch quốc nội trong bối cảnh hiện tại, để thể hiện và thi hành trọn vẹn ý nghĩa của hành động ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
KẾT LUẬN CHUNG
Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật nói chung, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là một biện pháp pháp lý quan trọng hướng đến bù đắp cho những hậu quả bị gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng, mà được ghi nhận trong hầu hết các văn bản pháp lý quốc tế quan trọng về hợp đồng như CISG, UPICC, PECL và pháp luật của một số quốc gia phát triển trên thế giới, cũng như Việt Nam. Việc điều chỉnh để theo kịp thời đại là điều tất yếu, bởi pháp luật luôn theo sau cuộc sống, tuy vậy, những sửa đổi bổ sung, trước hết vẫn đảm bảo tôn chỉ đáp ứng điều chỉnh và áp dụng chính yếu cho hoạt động, quan hệ thương mại quốc nội, đồng thời cũng không tạo ra xung khắc với khuynh hướng của các văn bản pháp lý quốc tế, mà tiếp thu các tinh hoa của pháp luật thế giới một cách có chọn lọc và linh hoạt để vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Sau khi nghiên cứu, xây dựng công trình này, tác giả có các kết luận rút ra như sau:
Một là, có rất nhiều hậu quả với tính chất khác nhau bị gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng, chúng đều là những ảnh hưởng xấu đến tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của một bên tham gia hợp đồng, khiến cho mục tiêu mà các bên đặt ra khi giao kết hợp đồng không đạt được, cho nên, nhằm đảm bảo vị thế cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên, hành động bồi thường đối với tất cả thiệt hại bị gây ra là điều bắt buộc, mà không cần thiết phải có sự phân biệt giữa tính chất trực tiếp hay gián tiếp của thiệt hại. Chính vì vậy, liệt kê là một phương pháp không hiệu quả khi dùng để xác định thiệt hại, mà thay vào đó, cần thiết phải tổng quát hóa bản chất thiệt hại bị gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng, mục đích lâu dài hướng đến là duy trì tuổi thọ của điều luật, điều chỉnh kịp thời sự biến thiên của hoạt động giao dịch thông qua hợp đồng và tranh chấp phát sinh từ đó.
Hai là, xuất phát từ vấn đề thiệt hại bị gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng tồn tại ở rất nhiều dạng thức, đồng thời phụ thuộc vào thời điểm xác định và mức độ dự đoán trước, cho nên không cần thiết phải có sự giới hạn mức độ hay loại thiệt hại nên/cần được hạn chế. Bên bị thiệt hại, trên tinh thần thiện chí, nên được trao cho quyền ngăn chặn, hạn chế mọi thiệt hại mà mình có thể trong phạm vi năng lực của mình, không quản tính chất thiệt hại như thế nào. Việc trao quyền chủ động tuyệt đối cho bên bị vi phạm nên là điều cần thiết hơn cả không chỉ góp phần xây dựng văn hóa văn minh khi tham gia giao dịch hợp đồng, mà còn nhằm hướng đến việc tối ưu lợi ích kinh tế khi tham gia giao dịch, từ đó góp phần vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế chung.
Ba là, ngoài hoạt động hạn chế, khắc phục những thiệt hại đã xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng, việc thực hiện bất kỳ hoạt động nào hướng đến mục đích ngăn chặn thiệt hại, chính xác là ngăn chặn không để cho thiệt hại xảy ra, một cách cần thiết và hợp lý đều nên được ghi nhận, trên cơ sở có đầy đủ các dấu hiệu khách quan xác định được sẽ có hành vi vi phạm diễn ra và gây ra những thiệt hại đó. Do vậy, hành động sớm nhất có thể để đạt được mục đích ngăn chặn, hạn chế thiệt hại nên được đánh giá là hợp lý, bên cạnh những yếu tố khách quan khác, điều này rõ ràng hiệu quả hơn so với việc thụ động đợi cho đến khi có hành vi vi phạm hoặc cho đến khi có thiệt hại xuất hiện rồi mới có hành động can thiệp mặc dù biết rõ thiệt hại đó sẽ xảy ra trong tương lai (gần). Việc ghi nhận mục đích ngăn chặn thiệt hại đi kèm với thay đổi tư duy về thời điểm áp dụng, cụ thể hóa vào quy định pháp luật là điều cần làm, nhằm nâng cao tối ưu hiệu quả của biện pháp, cũng đồng thời phù hợp với sự thay đổi về lý luận thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra.
[1] Viện ngôn ngữ học (1996), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 913.
[2] Trương Nhật Quang (2020), Pháp luật về hợp đồng – Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nhà xuất bản Dân Trí, trang 28.
[3] Xem Khoản 1 Điều 386 Bộ luật dân sự 2015.
[4] Xem Khoản 2 Điều 3 Luật thương mại.
[5] Xem Điều 1 và Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại.
[6] Nguyên bản điều luật 1582 Bộ luật dân sự Pháp là: “A sale is an agreement by which one person binds himself to deliver a thing, and another to pay for it”
[7] Nguyên bản Điều 595 Bộ luật dân sự Trung Quốc là: “A sales contract is a contract under which a seller transfers his ownership over the subject matter to a buyer who pays the price in return”.
[8] Nguyên bản Điều 433 Bộ luật dân sự Đức là:“(1) By a purchase agreement, the seller of a thing is obliged to deliver the thing to the buyer and to procure ownership of the thing for the buyer. The seller must procure the thing for the buyer free from material and legal defects; (2) The buyer is obliged to pay the seller the agreed purchase price and to accept delivery of the thing purchased”.
[9] Nguyên bản Điều 555 Bộ luật dân sự Nhật Bản là:“A sale shall become effective when one of the parties promises to transfer a certain real rights to the other party and the other party promises to pay the purchase money for it”.
[10] Nguyên bản Điều 2106 Bộ luật thương mại Hoa Kỳ (UCC) là: “Contract for sale includes both a present sale of goods and a contract to sell goods at a future time. A sale consists in the passing of title from the seller to the buyer for a price”.
[11] Bùi Thị Thanh Hằng (2018), Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, Trường Đại học Luật Hà Nội, trang 13.
[12] Xem Điều 274 Bộ luật dân sự 2015.
[13] Điều 398. Nội dung của hợp đồng
1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng của hợp đồng;
b) Số lượng, chất lượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
g) Phương thức giải quyết tranh chấp.
[14] Trương Nhật Quang (2020), Pháp luật về hợp đồng – Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nhà xuất bản Dân Trí, trang 508.
[15] Xem Điều 45(1) và Điều 61(1) CISG.
[16] Điều 292. Các loại chế tài trong thương mại (Luật thương mại)
“1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
2. Phạt vi phạm.
3. Buộc bồi thường thiệt hại.
4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
6. Hủy bỏ hợp đồng.
7. Các biện pháp khác do các bên thỏa thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.”
[17] Nguyên bản Điều 1184 Bộ luật dân sự Pháp là: “A condition is always implied in synallagmatic contracts, for the case where one of the parties does not carry out his undertaking. In that case, the contract is not avoided as of right. The party towards whom the undertaking has not been fulfilled has the choice either to compel the other to fulfil the agreement when it is possible, or to request its avoidance with damages” .
[18] Nguyên bản Điều 179 Bộ luật dân sự Trung Quốc là: “The main forms of civil liability include: (1) cessation of the infringement; (2) removal of the nuisance; (3) elimination of the danger; (4) restitution; (5) restoration; (6) repair, redoing or replacement; (7) continuance of performance; (8) compensation for losses; (9) payment of liquidated damages; (10) elimination of adverse effects and rehabilitation of reputation; and (11) extension of apologies”.
[19] Nguyên bản Điều 107 Luật hợp đồng Trung Quốc là: “Either party that fails to perform its obligations under the contract or fails to perform them as contracted shall bear the liability for breach of contract by continuing to perform the obligations, taking remedial measures, or compensating for losses”.
[20] Nguyên bản Điều 238 Bộ luật dân sự Trung Quốc là: “where a real right is infringed upon and damages is thus caused, the right holder may, in accordance with law, request the infringing person to pay damages or bear other civil liabilities”.
[21] Nguyên bản Điều 577 Bộ luật dân sự Trung Quốc là: “Where a party fails to perform his contractual obligation or his performance does not conform to the agreement, he shall bear default liability such as continuing to perform his obiligations, taking remedial measures, or compensating for losses”.
[22] Nguyên bản phần trích dẫn Điều 280 Bộ luật dân sự Đức là: “Damages for breach of duty. (1) If the obligor breaches duty arising from the obligation, the obligee may demand damages for the damage caused thereby…”.
[23] Xem Điều 45(1) và Điều 61(1) CISG.
[24] Nguyên bản Điều 9:501 của PECL là: “the aggrieved party is entitled to damages for loss caused by the other party’s non-performance which is not excused under article 8:108”.
[25] Bùi Thị Thanh Hằng (2018), Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, Trường Đại học luật Hà Nội, trang 46.
[26] Nguyễn Ngọc Điện (2020), Giáo trình Luật dân sự tập 2, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trang 197.
[27] Nguyên bản Điều 9:502 PECL là: “The general measure of damages is such sum as will put the aggrieved party as nearly as possible into the position in which it would have been if the contract had been duly performed”.
[28] Nguyên bản Điều 249(1) Bộ luật dân sự Đức là: “A person who is liable in damages must restore the position that would exist if the circumstance obliging him to pay damages had not occurred”.
[29] Nguyên bản §28:1-106(1) UCC là: “The remedies provided by this subtitle shall be liberally administered to the end that the aggrieved party may be put in as good a position as if the other party had fully performed but neither consequential or special nor penal damages may be had except as specifically provided in this subtitle or by other rule of law”.
[30] Nguyên bản phần trích dẫn Điều 584 Bộ luật dân sự Trung Quốc là: “Where a party fails to perform his contractual obligation or his performance does not conform to the agreement so that the other party suffers loss, the amount of compensation shall be equivalent to the loss caused by the breach of contract…”.
[31] Trương Nhật Quang (2020), Pháp luật về hợp đồng – Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nhà xuất bản dân trí, trang 573.
[32] Bùi Thị Thanh Hằng (2018), Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, Trường đại học luật Hà Nội, trang 42.
[33] Điều 305. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất
“Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.”
[34] Điều 448. Bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành
“2. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”.
[35] Điều 575. Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm và của bên bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
“1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép đểngăn chặn, hạn chế thiệt hại”.
[36] Đỗ Thành Công (2010), “Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, (số 04(59)/2010), Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, trang 22-29, https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=8c4e8619-fd26-452a-89df-030441367f75.
[37] Nguyên bản Điều 9:505(1) PECL là: “The non-performing party is not liable for loss suffered by the aggrieved party to the extent that the aggrieved party could have reduced the loss by taking reasonable steps”.
[38] Nguyên bản Điều 591 Bộ luật dân sự Trung Quốc là: “After a party defaults, the other party shall take appropriate measures to prevent further loss. Where the loss is aggravated due to the failure of taking appropriate measures, no compensation shall be claimed for the aggravated part of the losses”.
[39] Nguyên bản một phần trích dẫn §28:2-703 UCC là: “where the buyer wrongfully rejects or revokes acceptance of goods or fails to make a payment due on or before delivery or repudiates with respect to a part or the whole…”.
[40] Nguyên bản phần trích dẫn §28:2-711 UCC là: “where the seller fails to make delivery or repudiates or the buyer rightfully rejects or justifiably revokes acceptance then with respect to any goods involved,…”.
[41] Phan Trung Pháp & Nguyễn Hoàng Thái Hy (2021), “Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng theo Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, số 01(140)/2021, trang 102-114.
[42] Viện ngôn ngữ học (1996), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 450.
[43] Phan Trung Pháp & Nguyễn Hoàng Thái Hy (2021), “Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng theo Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, số 01(140)/2021, trang 102-114.
[44] Viện ngôn ngữ học (1996), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 119.
[45] Liên quan đến việc áp dụng biện pháp hạn chế thiệt hại, Bộ luật dân sự 2015 còn đề cập đến yếu tố “cần thiết” (necessity) bên cạnh yếu tố “hợp lý”, trong khi Luật thương mại không nhắc đến. Điểm này chính là điểm khiến cho quy định pháp luật quốc nội trở nên chưa đồng nhất khi áp dụng giải quyết các tranh chấp phát sinh từ đây (phân tích chi tiết tại mục 2.2.2 Chương 2).
[46] Bùi Thị Thanh Hằng (2018), Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, Trường đại học luật Hà Nội, trang 84.
[47] Theo Sieg Eiselen, 2004, trích bởi Bùi Thị Thanh Hằng (2018), Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, Trường Đại học luật Hà Nội, trang 78.
[48] Nguyên bản Điều 253 Bộ luật dân sự Đức là: “Intangible damage. (1) Money may be demanded in compensation for any damage that is not pecuniary loss only in the cases stipulated by law, (2) If damages are to be paid for an injury to body, health, freedom or sexual self-determination, reasonable compensation in money may also be demanded for any damage that is not pecuniary loss)”.
[49] Nguyên bản Điều 710 Bộ luật dân sự Nhật Bản là: “Compensation for damages other than property. Persons liable for damages under the provisions of the preceeding article must also compensate for damages other than those to property, regardless of whether the body, liberty or reputation of others have been infringed, or property rights of others have been infringed”.
[50] Trần Chí Thành (2019), “Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại uy tín doanh nghiệp trong kinh doanh thương mại – Cách thức xác định thiệt hại thực tế”, Hội thảo quốc tế Trách nhiệm dân sự và hợp đồng: Kinh nghiệm của Việt Nam và Liên minh Châu Âu – Colloque International Responsabilité et Contrats: Expériences Du VietNam et de L’union Européenne, Đại học Huế, Hội hợp tác pháp lý Châu Âu và Việt Nam, trang 177.
[51] Cao Ngọc Sơn (2020), “Xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015”, Tạp chí công thương, số 19, ngày 13/9/2020.
[52] Bùi Thị Thanh Hằng (2018), Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, Trường Đại học Luật Hà Nội, trang 141.
[53] Điều 75 CISG là: “Khi hợp đồng bị hủy và nếu bằng một cách hợp lý và trong một thời hạn hợp lý sau khi hủy hợp đồng, người mua đã mua hàng thay thế hay người bán đã bán hàng lại thì bên đòi bồi thường thiệt hại có thể đòi nhận phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá mua bán hay bán lại hàng cũng như mọi khoản tiền bồi thường thiệt hại khác…”.
[54] Điều 76 CISG là: “Khi hợp đồng bị hủy và hàng có một giá hiện hành, bên đòi bồi thường thiệt hại có thể, nếu họ đã không mua hàng thay thế hay bán lại hàng chiếu theo Điều 75, đòi nhận phần chênh lệch giữa giá ấn định trong hợp đồng và giá hiện hành lúc hủy hợp đồng, cùng mọi khoản tiền bồi thường khác có thẻ đòi được chiếu theo Điều 74…”.
[55] Nguyên bản Điều 28:2-706 UCC là: “Seller’s resale including contract for resale. (1) Under the conditions stated in section 28:2-703 on seller’s remedies, the seller may resell the goods concerned or the undelivered balance thereof. Where the resale is made in good faith and in a commercially reasonable manner the seller may recover the difference between the resale price and the contract price together with any incidental damages allowed under the provisions of this article (section 28:2-710), but less expenses saved in consequence of the buyer’s breach”.
[56] Nguyên bản Điều 28:2-712 UCC là: “Cover; buyer’s procurement of substitute goods. (1) After a breach within the preceding section the buyer may cover by making in good faith and without unreasonable delay any reasonable purchase of or contract to purchase goods in substitution for those due from the seller; (2) The buyer may recover from the seller as damages the difference between the cost of cover and the contract price together with any incidental or consequential damages as hereinafter defined (section 28:2-715), but less expenses saved in consequence of the seller’s breach”.
[57] Tiểu mục 1.4, Mục I, Phần B Thông tư 02/2008:“Khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường tổn thất về tài sản, thì phải nêu rõ giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ tại thời điểm bị xâm phạm và căn cứ xác định giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đó”.
[58] Điểm b.2, Tiểu mục 2.1, Mục II, Phần B Thông tư 02/2008: “Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ giả định được xác định theo phương pháp xác định số tiền mà bên có quyền (bên nguyên đơn) và bên được chuyển giao (bên bị đơn) có thể đã thỏa thuận vào thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm, nếu các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau về khoản tiền đó”.
[59] Điều 77 CISG: “Bên nào viện dẫn sự vi phạm hợp đồng của bên kia thì phải áp dụng những biện pháp hợp lý căn cứ vào tình huống cụ thể để hạn chế tổn thất kể cả khoản lợi bị bỏ lỡ do sự vi phạm hợp đồng gây ra”.
[60] Điều 7.4.8(1) UPICC: “Bên có nghĩa vụ không chịu trách nhiệm đối với thiệt hại mà bên có quyền lẽ ra có thể hạn chế được bằng những biện pháp hợp lý”.
[61] Nguyên bản Điều 9:505(1) PECL là: “The non-performing party is not liable for loss suffered by the aggrieved party to the extent that the aggrieved party could have reduced the loss by taking reasonable steps”.
[62] Nguyên bản Điều 119 Luật Hợp đồng Trung Quốc là:“After either party breaches the contract, the other party shall take appropriate measures to prevent the increase of the loss; the party that fails to take appropriate preventive measures and thus aggravates the loss may not claim compensation for the increased part of the loss”.
[63] Phan Trung Pháp & Nguyễn Hoàng Thái Hy (2021), “Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng theo Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, số 01(140)/2021, trang 102-114.
[64] VNIVERSITAS, Pontificia Universidad Javeriana, Mitigation of Damages for Breach of contract for the International Sale of Goods, Columbia, page 8.
[65] Điều 8 CISG: “(1) Nhằm phục vụ Công ước này, tuyên bố và cách xử sự khác của một bên được giải thích theo đúng ý định của họ nếu bên kia đã biết hoặc không thể không biết ý định ấy; (2). Nếu điểm trên không được áp dụng thì tuyên bố cách xử sự khác của một bên được giải thích theo nghĩa mà một người có lý trí, nếu người đó được đặt vào vị trí của phía bên kia trong những hoàn cảnh tương tự cũng sẽ hiểu như thế”.
[66] Theo Lookofsky Joseph, trích bởi Phan Trung Pháp & Nguyễn Hoàng Thái Hy (2021), “Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng theo Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, số 01(140)/2021, trang 102-114.
[67] Tổng Cục thống kê (2013), “Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006-2011”, Nhà xuất bản Thống kê.
[68] Paul McMahon, Contract Damages Mitigation, MCMAHON LEGAL – Solicitors and Legal Consultants, https://mcmahonsolicitors.ie/contract-damages-mitigation/.
[69] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 1996, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 649 – 650.
“Ngăn: II.2. chặn lại, giữ lại không cho vượt qua, không cho tiếp tục hoạt động”;
“Ngăn ngừa: làm cho cái xấu, cái không hay đang có khả năng xảy ra sẽ không xảy ra được (nói khái quát)”.
[70] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 1996, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 404.
“Hạn chế: giữ lại, ngăn lại trong một giới hạn nhất định, không để cho vượt qua”.
[71] Nguyên bản Điều 108 Luật Hợp đồng Trung Quốc là: “If either party explicitly expresses or indicates by act its intention not to perform its obligations under the contract, the other party may, before the expiration of the period of fulfillment, demand that the party in question bear the liability for breach of contract” – Phân tích thêm: tuy rằng ghi nhận việc xác định một bên sẽ vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thông qua những dấu hiệu rõ ràng chỉ ra ý định đó, nhưng quy định về nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của Luật Hợp đồng Trung Quốc tại Điều 119 vẫn chỉ công nhận việc thực hiện nghĩa vụ này sau khi một bên đã có hành vi vi phạm (after either party breaches the contract...).
[72] Đỗ Thành Công (2010), “Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, (số 04(59)/2010), Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, trang 22-29, https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=8c4e8619-fd26-452a-89df-030441367f75.
[73] Tại trang số 49, mục 2.1.1 Chương 2 của luận văn này, tác giả đã phân tích lý do áp dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật đối với Án lệ 21/2018/AL và vụ án tranh chấp được đề cập tại phụ lục 3.1 vào luận văn này.
[74] Vniversitas, Mitigation of Damages for Breach of contract for the International Sale of Goods, Pontificia Universidad Javeriana, Columbia, page 7.
[75] Online Cambridge Dictionary:
“Obligation (n): the fact that you are obliged to do something, or something you must do”, https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/obligation.
“Duty (n): something that you have to do because it is part of your job or something that you feel is the right thing to do”, https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/duty.
[76] Vniversitas, Mitigation of Damages for Breach of contract for the International Sale of Goods, Pontificia Universidad Javeriana, Columbia, page 7.
[77] Theo Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam, trích bởi Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án Tập 2, Nhà xuất bản Hồng Đức, trang 544.
XỬ PHẠT HÀNH VI KHÔNG PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TỪ 01/01/2025: ĐÃ KHẢ THI?
Chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành một khái niệm quen thuộc trong đời sống của bạn chưa? Bạn có biết rằng từ 01/01/2025, chính sách phạt hành chính đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã có hiệu lực không? Hãy click vào bài viết để cập nhật chính sách này nhé!!SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024), CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY (CSR) LAW IN THE CONTEXT OF INNOVATION IN VIETNAM
The scientific paper on the topic "Corporate Social Responsibility (CSR) Law in the context of Innovation in Viet Nam" was conducted, contributed by Lawyer Do Thi Dieu Linh and officially announced at the Scientific Conference on the topic of Innovations Driving a Resilient Society organized by VANJ on November 7th, 2024.LUẬN VĂN THẠC SĨ: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2022), TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ NGHĨA VỤ HẠN CHẾ THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ
Luận văn thạc sĩ được hoàn thành bởi Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh vào năm 2022, với chuyên đề nghiên cứu: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ hạn chế thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng mua bán hàng hoá. Luận văn đã trở thành một đóng góp pháp lý có giá trị cho quá trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam, là tài liệu tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp, cá nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), XU HƯỚNG, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bài viết "Xu hướng, cơ hội và thách thức việc làm cho sinh viên luật trong thời kỳ chuyển đổi số" được công bố chính thức, đóng góp tại Hội thảo khoa học "Định hướng môi trường và cơ hội việc làm cho sinh viên luật" năm 2024 do trường Đại học Luật-Đại học Huế (HUL) tổ chức vào ngày 07/11/2024SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024) POLICY AND PRACTICES OF CIRCULAR ECONOMY AND RECOMMENDATIONS FOR VIET NAM
The scientific paper on the topic "Policy and Practices of Circular Economy and Recommendations for Viet Nam" was conducted, contributed by Lawyer Do Thi Dieu Linh and officially announced at the Scientific Conference on Net Zero 2024 organized by the National Economics University Publishing House (NEU) on October 24, 2024.LUẬT SƯ ĐỖ THỊ DIỆU LINH: HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LUẬT
Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh: Tôi đã vượt lên chính mình để hoàn thành một cột mốc sáng trên con đường sự nghiệp và cống hiến cho khoa học pháp lý - Học vị Thạc sĩHÀNH TRÌNH GIÁM ĐỐC THẨM - LỘI NGƯỢC DÒNG TÌM LẠI CÔNG LÝ
Hành trình giám đốc thẩm tìm lại công lý của gia đình bà Thạch T. Đ. với sự hỗ trợ pháp lý của Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh. Một hành trình nhiều gian nan nhưng kết quả thực sự là trái ngọt. Hãy cùng đón xem toàn bộ hành trình để hiểu rõ hơn về thủ tục giám đốc thẩm nhé!HỘI THẢO KHOA HỌC TĂNG TRƯỞNG XANH & VIỆC LÀM XANH 2024
Hội thảo được tổ chức bởi Đại học luật-Đại học Huế năm 2024. Trong đó, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh có những đóng góp khoa học liên quan đến kiến thức về việc làm xanh.HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ: PHÁT THẢI RÒNG BẰNG 0 & PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM & ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)
Hội thảo khoa học quốc tế "Phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững" đem đến nhiều giá trị kiến thức rất lớn. Trong đó, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh đã có đóng góp khoa học trở thành nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho doanh nghiệp.HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐỊNH HƯỚNG MÔI TRƯỜNG VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN LUẬT 2024
Hội thảo góp phần định hướng môi trường và cơ hội việc làm cho sinh viên luật. Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh cũng có những đóng góp khoa học về định hướng nghề trong thời kỳ chuyển đổi số cho sinh viên.BÌNH LUẬN ÁN LỆ 21/2018/AL: ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO, HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO VIỆC LÀM XANH TẠI VIỆT NAM: THỰC TIỄN & GIẢI PHÁP
Bài viết khoa học về chủ đề "Chính sách pháp luật về đào tạo, hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực cho việc làm xanh tại Việt Nam: Thực tiễn và Khuyến nghị giải pháp" do Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh thực hiện, đóng góp và được công bố chính thức trong Hội thảo khoa học Tăng trưởng xanh và việc làm xanh 2024 của Trường Đại học Luật-Đại học Huế tổ chức vào ngày 24/9/2024.[ÁN LỆ-DÂN SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 2)
Qua nhiều lần công bố, cho đến năm 2024, Việt Nam đã có tổng cộng 72 án lệ trên nhiều lĩnh vực. Dưới đây là tổng hợp 72 án lệ của Việt Nam theo từng lĩnh vực.[ÁN LỆ-HÀNH CHÍNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 3)
Qua nhiều lần công bố, cho đến năm 2024, Việt Nam đã có tổng cộng 72 án lệ trên nhiều lĩnh vực. Dưới đây là tổng hợp 72 án lệ của Việt Nam theo từng lĩnh vực.[ÁN LỆ-KINH DOANH THƯƠNG MẠI] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 5)
Qua nhiều lần công bố, cho đến năm 2024, Việt Nam đã có tổng cộng 72 án lệ trên nhiều lĩnh vực. Dưới đây là tổng hợp 72 án lệ của Việt Nam theo từng lĩnh vực.[ÁN LỆ-HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 4)
Qua nhiều lần công bố, cho đến năm 2024, Việt Nam đã có tổng cộng 72 án lệ trên nhiều lĩnh vực. Dưới đây là tổng hợp 72 án lệ của Việt Nam theo từng lĩnh vực.[ÁN LỆ-LAO ĐỘNG] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 6)
Qua nhiều lần công bố, cho đến năm 2024, Việt Nam đã có tổng cộng 72 án lệ trên nhiều lĩnh vực. Dưới đây là tổng hợp 72 án lệ của Việt Nam theo từng lĩnh vực.[ÁN LỆ-HÌNH SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 1)
Qua nhiều lần công bố, cho đến năm 2024, Việt Nam đã có tổng cộng 72 án lệ trên nhiều lĩnh vực. Dưới đây là tổng hợp 72 án lệ của Việt Nam theo từng lĩnh vực.Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2022
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật "Ai là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư giỏi? năm 2022Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2023
Nhận lời mời từ Câu lạc bộ Tuyên truyền pháp luật (Đại học Mở TPHCM), Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh trở thành Giám khảo trong cuộc thi học thuật "Ai là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư giỏi?" năm 2023.