Pháp lý về thủ tục giám đốc thẩm: Quy trình thực hiện như thế nào? Hệ quả pháp lý là gì? Việc thi hành án liên quan xử lý ra sao? Làm gì khi không thấy kết quả trả lời?

Giám đốc thẩm là một thủ tục quan trọng trong hệ thống tư pháp, giúp xem xét lại các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có những vi phạm pháp luật cần phải xem xét. Thủ tục này nhằm đảm bảo tính công bằng, đúng đắn trong việc thực thi pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp trọn bộ pháp lý về thủ tục giám đốc thẩm, bao gồm quy trình thực hiện và các hệ quả pháp lý liên quan.

1. Cơ sở nào để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm?

1.1 Điều kiện để kháng nghị

Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật sẽ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có một trong các căn cứ sau đây:

a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyèn, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo dúng quy định pháp luật.

c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Điều kiện này khác với điều kiện cơ sở để thực hiện thủ tục tái thẩm, bạn có thể tham khảo tại đây.

Đồng thời, việc kháng nghị cần thiết phải dựa trên đơn đề nghị của đương sự (trừ trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước hay quyền lợi hợp pháp của người thứ ba).

Do đó, khi thấy bản án, quyết định của mình rơi vào một trong các trường hợp trên, bạn hoàn toàn có quyền làm đơn đề nghị xem xét kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm.

Vấn đề đặt ra là việc đánh giá một bản án, quyết định như thế nào là có một trong các dấu hiệu trên, như: không phù hợp tình tiết khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, áp dụng pháp luật sai lầm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp... cần thiết phải được xem xét kỹ lưỡng bởi những người có chuyên môn về pháp luật như luật sư hay chuyên gia pháp lý. Bởi lẽ, việc đánh giá một bản án, quyết định là đúng hay sai nếu chỉ đơn thuần dựa vào việc toà án tuyên án kết quả bất lợi cho bạn là chưa đầy đủ. Việc đánh giá sai, không đầy đủ sẽ chỉ khiến bạn tốn kém chi phí, mất thời gian mà không đem lại một cách hiểu sâu sắc cũng như một kết quả như mong muốn.

Do vậy, hãy tìm đến luật sư hoặc các chuyên gia pháp lý để được hỗ trợ việc đánh giá về mặt chuyên môn pháp lý, nhằm hiểu chính xác những gì đang diễn ra trên bản án, quyết định, từ đó bạn sẽ được tư vấn chính xác những gì mình cần làm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. 

1.2 Người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm

Những người sau đây có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm:

i) Chánh án Toà án nhân dân tối cao;

ii) VIện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

iii) Chánh án Toà án nhân dân cấp cao;

iv) VIện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

1.3 Thời hạn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm

Khác với thủ tục tái thẩm không đặt ra thời hạn cho người đề nghị kháng nghị, pháp luật đặt ra giới hạn cho việc đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, cụ thể:

Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản đến người có thẩm quyền để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Như vậy, nếu bạn là đương sự trong vụ án và có mong muốn bản án, quyết định được kháng nghị giám đốc thẩm, thì bạn cần phải làm đơn đề nghị trong thời hạn 01 năm. Quá thời hạn này, bạn mất quyền đề nghị. Do đó, cần đặc biệt chú ý về các mốc thời gian để xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình nhé.

Ngoài ra, đối với các trường hợp khác như: Toà án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, hoặc Chánh án Toà án cấp tỉnh, Chánh án toà án cấp cao phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật thì có quyền kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền nêu tại mục 1.2 để xem xét mà không bị giới hạn về mặt thời gian. 

1.4 Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Pháp luật quy định việc kháng nghị giám đốc thẩm được thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. 

Tuy nhiên, trường hợp đã hết thời hạn 03 năm nêu trên, mà đương sự đã có đơn đề nghị nay vẫn tiếp tục có đơn đề nghị hoặc các trường hợp sự vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, của cộng đồng, của Nhà nước và buộc phải kháng nghị để khắc phục sai lầm đó, thì thời hạn kháng nghị sẽ có thể được kéo dài thêm 02 năm nữa, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị nêu trên.

Như vậy, trước hết, bạn cần phải tự mình đảm bảo việc bạn đã thực hiện quyền đề nghị của mình đúng hạn, sau đó, cần có duy trì sự kiên trì trong quá trình tiếp theo. 

2. Quy trình thực hiện thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm

Đương sự làm đơn và chuẩn bị hồ sơ:

- Đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm cần phải có đầy đủ các nội dung chính: thông tin của người đề nghị, ngày tháng năm làm đơn, thông tin bản án/quyết định được đề nghị xem xét, lý do đề nghị...,

- Người làm đơn đề nghị cần chuẩn bị hồ sơ kèm theo để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp: bản án/quyết định, các tài liệu, văn bản chứng cứ liên quan (tuỳ thuộc vào từng vụ án cụ thể để xác định).

Đương sự nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính toàn bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Lưu ý về thời hạn có quyền đề nghị bạn nhé. 

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn tại đây:

Bước 2: Xem xét đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm

Đây là bước được thực hiện bởi cơ quan/người có thẩm quyền. Luật sư gửi bạn đọc tham khảo để nắm rõ quy trình và xác định được đơn đề nghị của mình đang ở đâu và được xử lý như thế nào, trong quá trình này cần phải làm gì thêm.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ của bạn.

Nếu đơn đề nghị phù hợp quy định pháp luật về mặt hình thức và đủ tài liệu kèm theo cơ bản, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thụ lý đơn của bạn. Hoặc ngược lại, họ sẽ yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ nếu xét thấy cần thiết. Do vậy, để đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm được thụ lý nhanh chóng, bạn cần xác định đơn mình làm là đúng theo quy định pháp luật, các tài liệu kèm theo là phù hợp với từng nội dung bạn trình bày trong đơn. 

Luật sư hoặc chuyên gia pháp lý sẽ có thể giúp bạn chuẩn bị đơn và tập hồ sơ kỹ càng, chu đáo và logic hơn, bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư để công việc được suôn sẻ bạn nhé. 

Bước 3: Giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm

Đây cũng là nội dung làm việc của cơ quan có thẩm quyền. Bạn đọc tham khảo để nắm rõ quy trình và các vấn đề mà bạn quan tâm nhé.

Người được phân công sau khi được phân công sẽ tiến hành xem xét đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, và thông báo, kiến nghị, báo cáo đến người có thẩm quyền. 

Trường hợp không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, cơ quan có thẩm quyền sẽ không kháng nghị giám đốc thẩm. Ngược lại, trường hợp xem xét thấy có cơ sở, hội đồng giám đốc thẩm sẽ tiến hành mở phiên họp để xem xét, khi đó, các bên liên quan có thể sẽ được mời tham dự để trình bày ý kiến nếu toà án thấy cần thiết. 

Bước 4: Kết quả của thủ tục giám đốc thẩm

Trường hợp đơn đề nghị của bạn được xem xét là không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, cơ quan có thẩm quyền sẽ phát hành thông báo về việc không kháng nghị giám đốc thẩm, trong đó kết quả là không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định mà bạn đã đề nghị xem xét, sau đó sẽ gửi thông báo đến bạn.

Trường hợp có căn cứ để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành Quyết định giám đốc thẩm, trong đó đề nghị:

i) Huỷ bản án, quyết định được đề nghị xem xét và yêu cầu trả hồ sơ về xét xử lại. 

ii) Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định được đề nghị xem xét.

3. Hệ quả pháp lý của thủ tục giám đốc thẩm

3.1 Giữ nguyên bản án, quyết định

Nếu bản án, quyết định được giữ nguyên, bản án, quyết định đó sẽ được tiếp tục thực thi như đã tuyên.

3.2 Huỷ bản án, quyết định và yêu cầu trả hồ sơ xét xử lại

Nếu kết quả là bản án, quyết định bị huỷ, vụ án sẽ được xét xử lại từ đầu bởi toà án cấp có thẩm quyền cùng thành phần hội đồng xét xử mới. 

Tại đây, tuỳ thuộc vào bản án mà toà án đã xem xét giám đốc thẩm là của cấp sơ thẩm và phúc thẩm, hay chỉ của cấp phúc thẩm, mà bạn sẽ thấy các hệ quả khác nhau. 

Nếu tất cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều bị huỷ, bạn sẽ tham gia vụ án từ đầu và có quyền trình bày lại toàn bộ sự việc, tài liệu chứng cứ trong quá trình giải quyết đó. Ngược lại, nếu chỉ có bản án phúc thẩm bị huỷ, trong khi bản án sơ thẩm (mà trước đó đã bị cấp phúc thẩm sửa hoặc huỷ) được giữ nguyên hiệu lực pháp luật thì bạn không cần bắt đầu quá trình giải quyết lại từ đầu nữa. 

3.3 Sửa đổi một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định

Nếu bản án, quyết định được sửa đổi, nội dung sửa đổi được thể hiện trong Quyết định giám đốc thẩm, và các bên liên quan phải tuân thủ quyết định sửa đổi này. 

3.4 Các vấn đề liên quan đến việc thi hành án

Việc kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định sẽ đi kèm với quyết định về việc hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Do vậy, việc thi hành án đối với bản án, quyết định đó sẽ bị ngưng ngay sau khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. 

Tuy vậy, bởi thời gian xem xét giám đốc thẩm quá dài dẫn đến việc không ít trường hợp kết quả giám đốc thẩm có sau khi mọi việc thi hành án đã xong xuôi. Điều này dẫn đến những bất cập trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan cũng như những "kết quả đã rồi". 

Pháp luật tố tụng dân sự quy định trách nhiệm giải quyết thuộc về Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đối với hậu quả của việc đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm trước khi có kết quả kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy có thể hiểu, việc giải quyết hậu quả như thế nào sẽ được ghi rõ trong Quyết định giám đốc thẩm, tuỷ thuộc vào từng trường hợp, từng vụ án cụ thể. 

Trên thực tế diễn ra không ít trường hợp như nêu trên, mà việc giải quyết hậu quả thi hành án trong Quyết định giám đốc thẩm cũng không làm thoả mãn được những người trong cuộc có liên quan cũng như khó khăn cho Cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành. Vấn đề này, tuỳ từng tình huống mà bạn sẽ có cách nhìn nhận và xử lý khác nhau. Luật sư của bạn sẽ có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về quyết định cũng như có những định hướng tốt hơn cho bạn trong các bước tiếp theo sau đó. Do vậy, đừng ngần ngại tìm đến luật sư hoặc các chuyên gia pháp lý để được tư vấn chi tiết cho trường hợp của mình nhé. 

3.5 Các tác động đối với quyền và nghĩa vụ của các bên

Quyết định giám đốc thẩm có thể thay đổi quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong bản án, quyết định.

Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay lập tức và các bên phải tuân thủ. 

Do đó, bạn cần theo dõi và liên tục cập nhật thông tin để nắm bắt và xác định được quyền và nghĩa vụ của mình nhé. 

4. Làm gì khi không thấy kết quả phản hồi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm?

Điều đầu tiên, bạn cần phải chắc chắn rằng đơn đề nghị và tài liệu kèm theo của mình đã nộp hoặc gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền và đúng địa chỉ của họ. Trường hợp gửi sai hoặc thư thất lạc cũng thường xuyên xảy ra và cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến việc lâu có kết quả. Bạn cần kiểm tra lại điều này trước tiên nhé. 

Thứ hai, hãy chắc chắn rằng đơn đề nghị của bạn và các tài liệu chứng cứ kèm theo là đúng quy định pháp luật, về hình thức và nội dung trình bày. Hãy xem xét chỉnh sửa, bổ sung khi có sai sót hoặc khi bạn cảm thấy cần thiết phải bổ sung. 

Tiếp theo, điều bạn cần luôn luôn duy trì là SỰ KIÊN TRÌ. Đừng nản chí nếu đơn của bạn chưa có kết quả hoặc không đem lại kết quả trong một thời gian. Hãy tiếp tục duy trì việc nộp đơn và theo dõi kết quả. Bởi lẽ, giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử, mà là một thủ tục được đặt ra nhằm kiểm soát tính công bằng và tính đúng đắn của việc thực thi pháp luật trong những bản án, quyết định đã được ban hành. Do đó, khối lượng công việc mà các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện để xem xét đề nghị là khá nhiều và rắc rối, kéo theo thời gian giải quyết cũng khá lâu. 

Ngoài ra, cũng không ít những trường hợp, như đã đề cập từ đầu bài viết (mục 1), làm đơn đề nghị giám đốc thẩm khi không xác định chính xác quyền và lợi ích của mình, hay các điều kiện, cơ sở để một bản án, quyết định được giám đốc thẩm, mà chỉ đánh giá chúng dựa trên sự cảm tính, cảm quan cá nhân hoặc một kết quả không có lợi cho họ mà thôi. Chính điều đó cũng làm trì trệ công tác xem xét đề nghị giám đốc thẩm; đông thời cũng gây ra không ít những lãng phí về tài chính cho chính bản thân người theo đuổi thủ tục giám đốc thẩm. 

Kết luận

Thủ tục giám đốc thẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng và đúng đắn của pháp luật. Hiểu rõ quy trình thực hiện và hệ quả pháp lý của thủ tục này giúp bạn bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. 

Tựu chung lại, bạn cần nắm bắt chính xác các điều kiện tiên quyết để bắt đầu theo đuổi thủ tục giám đốc thẩm, xác định chính xác các quyền và nghĩa vụ liên quan của mình trong quá trình giám đốc thẩm để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn nhé. 

Nếu bạn gặp khó khăn hoặc cần hỗ trợ trong quá trình thực hiện thủ tục giám đốc thẩm, hãy tìm đến luật sư để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.