Pháp lý về thủ tục tái thẩm: Quy trình thực hiện như thế nào? Hệ quả pháp lý là gì? Việc thi hành án liên quan xử lý ra sao? Làm gì khi không thấy kết quả trả lời?
Khác với giám đốc thẩm, tái thẩm là một thủ tục quan trọng trong hệ thống tư pháp, giúp xem xét lại các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có căn cứ mới được phát hiện có thể thay đổi bản chất của vụ án. Thủ tục này nhằm đảm bảo tính công bằng, đúng đắn trong việc thực thi pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp trọn bộ pháp lý về thủ tục tái thẩm, bao gồm quy trình thực hiện và các hệ quả pháp lý liên quan.
1. Cơ sở nào để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm?
1.1 Điều kiện để kháng nghị
Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật sẽ bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nếu có một trong các căn cứ sau đây:
a) Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
b) Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ.
c) Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.
d) Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết đã bị huỷ bỏ.
Do đó, khi phát hiện ra một trong những tình tiết có tính mới như liệt kê trên, bạn cần phải làm đơn thông báo bằng văn bản đến người có thẩm quyền kháng nghị những tình tiết mà bạn đã phát hiện.
Vấn đề đặt ra đặc biệt liên quan đến các tình tiết được đề cập tại điểm a) và·điểm d), bạn cần đánh giá chuẩn xác "tính mới" và "tính liên quan" đến tổng thể nội dung vụ án để việc thông báo và làm đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm đạt hiệu quả, tránh tình trạng "vơ đại" hoặc đánh giá ở góc nhìn chủ quan dẫn đến hiểu sai bản chất vấn đề khiến cho quá trình tái thẩm không đạt kết quả mong muốn, tốn kém chi phí, thời gian, tiền của, công sức.
Hãy tham vấn ý kiến của luật sư hoặc các chuyên gia pháp lý để được hỗ trợ việc đánh giá về mặt chuyên môn pháp lý, nhằm hiểu chính xác những tài liệu chứng cứ mà bạn đang có, từ đó bạn sẽ được tư vấn chính xác những gì mình cần làm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
1.2 Người có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm
Những người sau đây có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục tái thẩm:
i) Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
ii) VIện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
iii) Chánh án Toà án nhân dân cấp cao;
iv) VIện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
1.3 Thời hạn kháng nghị tái thẩm
Pháp luật đặt ra giới hạn cho việc kháng nghị tái thẩm, cụ thể:
Trong thời hạn 01 năm kể từ người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
So sánh với thủ tục giám đốc thẩm, pháp luật chỉ đặt ra thời hạn cho việc quyết định kháng nghị tái thẩm của cơ quan có thẩm quyền, chứ không giới hạn thời gian đề nghị kháng nghị của đương sự. Do vậy có thể hiểu rằng, bất cứ khi nào bạn tìm thấy một chứng cứ mới được liệt kê bên trên có tính chất ảnh hưởng đến bản chất vụ án đã được xét xử, không quản việc tìm thấy này cách thời gian xét xử vụ án đó bao xa, bao lâu, bạn đều có quyền thông báo cho người có thẩm quyền và đề nghị họ kháng nghị tái thẩm.
2. Quy trình thực hiện kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Bước 1: Phát hiện căn cứ mới và thông báo cho người có thẩm quyền
Đương sự sau khi phát hiện ra một trong các tình tiết mới được đề cập ở phần đầu bài viết, sẽ tiến hành việc chuẩn bị hồ sơ và làm văn bản thông báo tình tiết mới này đến người có thẩm quyền, đồng thời đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đó.
- Đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cần phải có đầy đủ các nội dung chính, tương tự như thủ tục giám đốc thẩm: thông tin của người đề nghị, ngày tháng năm làm đơn, thông tin bản án/quyết định được đề nghị xem xét, lý do đề nghị, đặc biệt tình tiết mới đó là gì và ảnh hưởng như thế nào đến nội dung vụ án...
- Người làm đơn đề nghị cần chuẩn bị hồ sơ kèm theo để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp: bản án/quyết định, các tài liệu, văn bản chứng cứ chứng minh tình tiết mới, các tài liệu chứng minh liên quan (tuỳ thuộc vào từng vụ án cụ thể để xác định).
Đương sự nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính toàn bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, quyền phát hiện tình tiết mới này cũng được trao cho các cá nhân, tổ chức khác, hoặc là Toà án, Viện kiểm sát.
Bạn có thể tham khảo mẫu đơn tại đây:
Bước 2: Xem xét đề nghị kháng nghị tái thẩm
Đây là bước được thực hiện bởi người có thẩm quyền. Luật sư gửi bạn đọc tham khảo để nắm rõ quy trình và xác định được đơn đề nghị của mình đang ở đâu và được xử lý như thế nào, trong quá trình này cần phải làm gì thêm.
Người có thẩm quyền sẽ tiến hành tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ của bạn.
Nếu đơn đề nghị phù hợp quy định pháp luật về mặt hình thức và đủ tài liệu kèm theo cơ bản, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thụ lý đơn của bạn. Hoặc ngược lại, họ sẽ yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ nếu xét thấy cần thiết. Do vậy, để đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm được thụ lý nhanh chóng, bạn cần đảm bảo đơn mình làm là đúng theo quy định pháp luật, các tài liệu kèm theo là phù hợp với từng nội dung bạn trình bày trong đơn, đặc biệt là các tài liệu về tình tiết mới.
Luật sư hoặc chuyên gia pháp lý sẽ có thể giúp bạn chuẩn bị đơn và tập hồ sơ kỹ càng, chu đáo và logic hơn, bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư để công việc được suôn sẻ bạn nhé.
Bước 3: Giải quyết đề nghị kháng nghị tái thẩm
Đây cũng là nội dung làm việc của người có thẩm quyền. Bạn đọc tham khảo để nắm rõ quy trình và các vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Người được phân công sẽ tiến hành xem xét đề nghị kháng nghị tái thẩm, và thông báo, kiến nghị, báo cáo đến người có thẩm quyền.
Trường hợp không có căn cứ kháng nghị tái thẩm, người có thẩm quyền sẽ không kháng nghị. Ngược lại, trường hợp xem xét thấy có cơ sở, hội đồng tái thẩm sẽ tiến hành mở phiên họp để xem xét, khi đó, các bên liên quan có thể sẽ được mời tham dự để trình bày ý kiến nếu toà án thấy cần thiết.
Bước 4: Kết quả của thủ tục tái thẩm
Trường hợp đơn đề nghị của bạn được xem xét là không có căn cứ kháng nghị tái thẩm, người có thẩm quyền sẽ phát hành thông báo về việc không kháng nghị, trong đó kết quả là không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định mà bạn đã đề nghị xem xét, sau đó sẽ gửi thông báo đến bạn.
Trường hợp có căn cứ để xem xét kháng nghị tái thẩm, người có thẩm quyền sẽ họp ban hành Quyết định tái thẩm, trong đó đề nghị:
i) Huỷ bản án, quyết định được đề nghị xem xét và yêu cầu trả hồ sơ về xét xử sơ thẩm lại.
ii) Huỷ bản án, quyết định được đề nghị xem xét và đình chỉ giải quyết vụ án.
Khác với thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, pháp luật không đặt ra quyền sửa bản án, quyết định cho Hội đồng xét xử tái thẩm, mà chỉ có quyền huỷ bản án, quyết định kèm với 2 hệ quả pháp lý khác nhau, bởi xuất phát từ "tính chất mới" của căn cứ được phát hiện ra có thể làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án, nên việc sửa bản án, quyết định là vô nghĩa.
3. Hệ quả pháp lý của thủ tục tái thẩm
3.1 Giữ nguyên bản án, quyết định
Nếu bản án, quyết định được giữ nguyên, bản án, quyết định đó sẽ được tiếp tục thực thi như đã tuyên.
3.2 Huỷ bản án, quyết định và yêu cầu trả hồ sơ xét xử sơ thẩm lại
Nếu kết quả là bản án, quyết định bị huỷ, vụ án sẽ được xét xử lại từ đầu bởi toà án cấp có thẩm quyền cùng thành phần hội đồng xét xử mới.
Bạn sẽ tham gia trong vụ án từ đầu và có quyền trình bày toàn bộ ý kiến và yêu cầu của mình. VIệc xét xử lại phải tuân thủ theo quyết định kháng nghị tái thẩm. Lúc này, một lần nữa bạn được trao quyền tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hãy chắc chắn rằng bạn nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình cũng như các thủ tục tố tụng trong vụ án. Nếu gặp khó khăn, hãy nhờ luật sư tham gia giúp dỡ bạn để công việc được suôn sẻ.
3.3 Huỷ bản án, quyết định và đình chỉ giải quyết vụ án
Quyết định tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đi kèm hệ quả đình chỉ giải quyết vụ án, thì vụ án này sẽ chính thức khép lại, không tổ chức giải quyết hay xét xử, bạn cũng không tham gia vào vụ án nữa - điều này hoàn toàn khác với hệ quả của việc huỷ án và trả về xét xử lại như đề cập ở mục trên.
Hệ quả này xuất phát từ nhiều nguyên do pháp lý khác nhau, chẳng hạn có thể kể đến như: do tình tiết mới được phát hiện bản chất thể hiện quyền và nghĩa vụ của các đương sự là không có phát sinh với nhau, không liên quan đến nhau hoặc chứng minh rằng vụ án này trước đây đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định khác đã có hiệu lực pháp luật rồi, hoặc nhiều lý do khác...
3.4 Các vấn đề về thi hành án liên quan
Việc tái thẩm bản án, quyết định có thể đi kèm với quyết định về việc tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, việc tạm đình chỉ kéo dài cho đến khi chính thức có quyết định tái thẩm. Do vậy, việc thi hành án đối với bản án, quyết định đó sẽ bị ngưng ngay sau khi có quyết định kháng nghị đi kèm với yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án.
Tuy vậy, bởi tính chất đặc biệt của thủ tục tái thẩm liên quan đến việc không giới hạn sự tìm kiếm và phát hiện những "tính mới", cho nên cũng không ít trường hợp kết quả tái thẩm có sau khi mọi việc thi hành bản án, quyết định đã thực hiện xong xuôi. Điều này dẫn đến những bất cập trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan cũng như những "kết quả đã rồi".
Tương tự thủ tục giám đốc thẩm, pháp luật tố tụng dân sự quy định việc giải quyết đối với hậu quả của việc đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định bị kháng nghị tái thẩm trước khi có kết quả tái thẩm thuộc trách nhiệm của Hội đồng xét xử tái thẩm.
Nhưng với những "sự đã rồi', thì cũng rất khó giải quyết hệ luỵ của nó để đem có một kết quả thoả mãn cho những người trong cuộc có liên quan, đồng thời việc này cũng gây không ít khó khăn cho Cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành. Vấn đề này, tuỳ từng tình huống mà bạn sẽ có cách nhìn nhận và xử lý khác nhau. Luật sư của bạn sẽ có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về quyết định cũng như có những định hướng tốt hơn cho bạn trong các bước tiếp theo sau đó. Do vậy, đừng ngần ngại tìm đến luật sư hoặc các chuyên gia pháp lý để được tư vấn chi tiết cho trường hợp của mình nhé.
3.5 Các tác động đối với quyền và nghĩa vụ của các bên
Quyết định tái thẩm có thể thay đổi quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong bản án, quyết định.
Quyết định tái thẩm có hiệu lực pháp luật ngay lập tức và các bên phải tuân thủ.
Do đó, bạn cần theo dõi và liên tục cập nhật thông tin để nắm bắt và xác định được quyền và nghĩa vụ của mình nhé.
4. Làm gì khi không thấy kết quả phản hồi đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm?
Điều đầu tiên, bạn cần phải chắc chắn về "tính mới' của tài liệu mà bạn mới phát hiện ra, việc đánh giá tài liệu trong trường hợp dặc biệt này là cực kỳ quan trọng mang tính quyết định đến kết quả của quá trình tái thẩm. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo rằng đơn đề nghị và tài liệu kèm theo của mình đã nộp hoặc gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền và đúng địa chỉ của họ. Trường hợp gửi sai hoặc thư thất lạc cũng thường xuyên xảy ra và cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến việc lâu có kết quả. Bạn cần kiểm tra lại điều này trước tiên nhé.
Thứ hai, hãy chắc chắn rằng đơn đề nghị của bạn và các tài liệu chứng cứ kèm theo là đúng quy định pháp luật, về hình thức và nội dung trình bày. Hãy xem xét chỉnh sửa, bổ sung khi có sai sót hoặc khi bạn cảm thấy cần thiết phải bổ sung.
Tiếp theo, điều bạn luôn luôn cần duy trì là SỰ KIÊN TRÌ. Đừng nản chí nếu đơn của bạn chưa có kết quả hoặc không đem lại kết quả trong một thời gian. Hãy tiếp tục duy trì việc nộp đơn và theo dõi kết quả. Bởi lẽ, tái thẩm có tính chất đặc biệt của nó, hệ quả mà nó mang lại là sự thay đổi toàn bộ nội dung cơ bản của một vụ án, cho nên, việc xem xét cần đặc biệt kỹ lưỡng và khối lượng công việc mà các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện cũng khá nhiều và phức tạp.
Ngoài ra, cũng không ít những trường hợp, như đã đề cập từ đầu bài viết (mục 1), làm đơn đề nghị tái thẩm khi không đánh giá chính xác, khách quan tính chất của tài liệu họ tìm kiếm, phát hiện được, mà chỉ đánh giá chúng dựa trên sự cảm tính, cảm quan cá nhân hoặc xuất phát từ tâm lý của một người đang nhận một kết quả không có lợi cho họ mà thôi. Chính điều đó cũng làm trì trệ công tác xem xét đề nghị tái thẩm; đông thời cũng gây ra không ít những lãng phí tài chính kinh tế và thời gian, công sức cho chính bản thân người theo đuổi thủ tục tái thẩm.
Kết luận
Thủ tục tái thẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng và đúng đắn của pháp luật. Hiểu rõ quy trình thực hiện và hệ quả pháp lý của thủ tục này giúp bạn bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả.
Tựu chung lại, bạn cần nắm bắt chính xác các điều kiện tiên quyết để bắt đầu theo đuổi thủ tục tái thẩm, xác định chính xác các quyền và nghĩa vụ liên quan của mình trong quá trình tái thẩm để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn nhé.
Nếu bạn gặp khó khăn hoặc cần hỗ trợ trong quá trình thực hiện thủ tục tái thẩm, hãy tìm đến luật sư để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
XỬ PHẠT HÀNH VI KHÔNG PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TỪ 01/01/2025: ĐÃ KHẢ THI?
SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024), CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY (CSR) LAW IN THE CONTEXT OF INNOVATION IN VIETNAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2022), TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ NGHĨA VỤ HẠN CHẾ THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), XU HƯỚNG, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ
SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024) POLICY AND PRACTICES OF CIRCULAR ECONOMY AND RECOMMENDATIONS FOR VIET NAM
LUẬT SƯ ĐỖ THỊ DIỆU LINH: HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LUẬT
HÀNH TRÌNH GIÁM ĐỐC THẨM - LỘI NGƯỢC DÒNG TÌM LẠI CÔNG LÝ
HỘI THẢO KHOA HỌC TĂNG TRƯỞNG XANH & VIỆC LÀM XANH 2024
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ: PHÁT THẢI RÒNG BẰNG 0 & PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM & ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)
HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐỊNH HƯỚNG MÔI TRƯỜNG VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN LUẬT 2024
BÌNH LUẬN ÁN LỆ 21/2018/AL: ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO, HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO VIỆC LÀM XANH TẠI VIỆT NAM: THỰC TIỄN & GIẢI PHÁP
[ÁN LỆ-DÂN SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 2)
[ÁN LỆ-HÀNH CHÍNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 3)
[ÁN LỆ-KINH DOANH THƯƠNG MẠI] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 5)
[ÁN LỆ-HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 4)
[ÁN LỆ-LAO ĐỘNG] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 6)
[ÁN LỆ-HÌNH SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 1)
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2022
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2023