Quy trình yêu cầu thi hành án? Các công việc phải thực hiện để thi hành bản án có hiệu lực pháp luật? Những lời khuyên hữu ích cho bạn khi thi hành án?

Yêu cầu thi hành án là công đoạn cuối cùng đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật ra thực thi, buộc bên phải thi hành án thực hiện các nghĩa vụ đối với bên được thi hành án. Nhìn chung, công đoạn này phức tạp không kém giai đoạn tố tụng tại toà.

Yêu cầu thi hành án triển khai rất nhiều thủ tục khác nhau, bài viết này trước hết tập trung vào việc làm sao để thực thi quyền yêu cầu thi hành án một cách hiệu quả nhất. Hãy cùng luật sư tìm hiểu chi tiết để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình nhé.

1. Quyền yêu cầu thi hành án

1.1 Các khái niệm cơ bản về đương sự

Người được thi hành án: là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.

Người phải thi hành án: là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. 

1.2 Quyền yêu cầu thi hành án

Quyền yêu cầu thi hành án là quyền được thực hiện bởi người được thi hành án, yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền buộc người phải thi hành án thi hành các nghĩa vụ mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đã nêu.

2. Quy định pháp luật về việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án

2.1 Thời hiệu yêu cầu thi hành án

Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trên thực tế hầu hết đều là người được thi hành án chủ động làm đơn yêu cầu thi hành án. 

 

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn. 

2.2 Thẩm quyền thi hành án

Tuỳ theo bản án, quyết định của bạn do toà án nào ban hành, để xác định thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự tương ứng gồm: Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện (gọi là Chi cục thi hành án), cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh (gọi là Cục thi hành án), cơ quan thi hành án cấp quân khu.

2.3 Quy trình thực hiện quyền yêu cầu thi hành án

Bước 1: chuẩn bị và nộp đơn yêu cầu thi hành án

- Đơn yêu cầu thi hành án: cần làm theo mẫu luật định, cần nêu rõ các nội dung chính gồm: thông tin của người được thi hành án, thông tin của người phải thi hành án, nội dung cần thi hành án, yêu cầu thi hành án, tài sản của người phải thi hành án dùng để thi hành án...

- Kèm theo tài liệu liên quan: bản án, quyết định, tài liệu chứng minh thông tin tài sản. 

Bước 2: tiếp nhận và ban hành quyết định thi hành án theo yêu cầu

- Cơ quan thi hành án kiểm tra tiếp nhận đơn và ban hành quyết định thi hành án theo yêu cầu trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án, đánh dấu một sự bắt đầu chính thức của quá trình thi hành án.

- Việc gửi và thông báo quyết định đến Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự là bắt buộc trong thời hạn 03 ngày kể từ khi ra quyết định. 

- Đây là công việc của cơ quan thi hành án nơi bạn thực hiện quyền yêu cầu thi hành án, tuy nhiên, việc của bạn sau khi nộp đơn là cần theo dõi quá trình tại cơ quan thi hành án, chuẩn bị bổ sung tài liệu khi có yêu cầu, đốc thức việc ban hành quyết định thi hành án đúng thời hạn nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính mình. 

Bước 3: xác minh điều kiện thi hành án và các thủ tục khác

- Người phải thi hành án có 10 ngày tự nguyện thi hành các nghĩa vụ của họ.

- Chấp hành viên được phân công tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, bao gồm cả các tài sản mà người được thi hành án biết và cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án.

- Đồng thời áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án để ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh thi hành án.

 

- Người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành án đối với người phải thi hành án. Việc cưỡng chế phải được tuân thủ đầy đủ thủ tục, quy trình.

- Người được thi hành án cần nắm vững các biện pháp bảo đảm thi hành án, cưỡng chế thi hành án để có yêu cầu ngay khi cần thiết.

3. Quy định về các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án

3.1 Biện pháp bảo đảm thi hành án

3.1.1 Quyền yêu cầu, quyền áp dụng biện pháp bảo đảm

Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, huỷ hoại tài sản, trốn tránh thi hành án. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm không cần phải thông báo trước cho đương sự. 

Người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình, nếu trường hợp yêu cầu áp dụng không đúng gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. 

Lưu ý đối với đương sự: đây là giai đoạn bạn được thi hành những phán quyết mà toà án đã tuyên phán cho bạn. Do vậy, hãy chủ động yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đối với các tài sản của người phải thi hành án mà bạn biết ngay tại thời điểm yêu cầu thi hành án nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính bạn. 

3.1.2 Các biện pháp bảo đảm thi hành án

Luật thi hành án dân sự quy định có 03 biện pháp bảo đảm thi hành án gồm:

  • a) Phong toả tài khoản;
  • b) Tạm giữ giấy tờ, tài sản;
  • c) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. 

Thứ nhất, phong toả tài khoản:

Được thực hiện khi người phải thi hành án có tài khoản, tài sản gửi giữ.

Hoạt động phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện bằng Quyết định do chấp hành viên ban hành. Trường hợp cần phong toả ngay mà chưa có quyết định phong toả thì chấp hành viên lập biên bản yêu cầu phong toả đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý và ban hành quyết định phong toả trong vòng 24 giờ sau khi lập biên bản. 

Đây là hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án, tránh tình trạng người phải thi hành án tẩu tán tài sản, trốn tránh thi hành nghĩa vụ. 

Việc cưỡng chế đối với tài sản, tài khoản bị phong toả được thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định phong toả. 

Thứ hai, tạm giữ giấy tờ, tài sản của đương sự:

Được thực hiện bởi chấp hành viên đối với tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. 

Tương tự việc phong toả tài sản, tài khoản, việc tạm giữ giấy tờ cũng có thể được thực hiện trước khi quyết định tạm giữ được ban hành bằng cách lập biên bản và ra quyết định tạm giữ trong vòng 24 giờ kể từ khi lập biên bản, nhằm đảm bảo sự kịp thời trong công tác thi hành án. 

Việc xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ cũng là một vấn đề quan trọng. Đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ cung cấp giấy tờ, tài liệu để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hoặc tiến hành việc khởi kiện yêu cầu toà án xác định. Trong trường hơp cần thiết, việc yêu cầu toà án xác định quyền sở hữu, sử dụng có thể do chấp hành viên tiến hành. Bạn đọc tham khảo quy trình giải quyết tranh chấp, huỷ giấy tờ, giao dịch liên quan tại đây.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế. Ngược lại, nếu đã thi hành án xong hoặc xác định không phải là tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án, thì chấp hành viên quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền. 

Thứ ba, tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản:

Được thực hiện bởi chấp hành viên đối với tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác (vợ, chồng, hộ gia đình, đồng sở hữu khác). 

 

Đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có nghĩa vụ cung cấp giấy tờ, tài liệu để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hoặc khởi kiện yêu cầu toà án xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Trong trường hợp cần thiết, chấp hành viên cũng có thể tiến hành việc khởi kiện yêu cầu toà án xác định quyền sở hữu, sử dụng, yêu cầu huỷ các giao dịch liên quan đến tài sản. Bạn đọc tham khảo quy trình xác định, phân chia, xử lý tài sản tại đây.

Việc cưỡng chế cũng được thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có căn cứ xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản thuộc về người phải thi hành án. Ngược lại, việc chấm dứt áp dụng biện pháp này sẽ dược thực hiện nếu đó không phải là tài sản của người phải thi hành án. 

3.2 Biện pháp cưỡng chế thi hành án

3.2.1 Các biện pháp cưỡng chế thi hành án

Luật thi hành án dân sự quy định 06 biện pháp cưỡng chế gồm:

  • a) Khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi xử lý giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
  • b) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
  • c) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án; kể cả đang do người thứ ba giữ;
  • d) khai thác tài sản của người phải thi hành án
  • đ) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ;
  • e) Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Việc cưỡng chế là bước cuối cùng trong công đoạn chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng tài sản nói chung của người phải thi hành án sang cơ quan thi hành án để chi trả cho người được thi hành án hoặc để thực hiện các thủ tục cần thiết trước khi chi trả cho quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án. 

Kế hoạch cưỡng chế cần được lập chi tiết bởi chấp hành viên trong trường hợp cần huy động lực lượng.

Tuỳ loại tài sản và hoàn cảnh cụ thể của sự việc mà việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cũng khác nhau. Chi tiết quá trình cưỡng chế đối với từng loại tài sản, mời bạn đọc tham khảo tại đây. 

4. Những lời khuyên hữu ích bạn đọc cần nhớ khi thi hành án 

Thứ nhất, lưu ý kỹ thời hạn yêu cầu thi hành án để đảm bảo quyền yêu cầu thi hành án của mình. 

Thứ hai, nắm rõ quy định pháp luật về các loại biện pháp, thủ tục được áp dụng trong quá trình thi hành án, để bạn có những yêu cầu áp dụng một cách kịp thời hoặc có thể theo dõi và hiểu được quá trình thi hành của chấp hành viên, khiếu nại khi cần thiết, nhằm bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của mình.

Thứ ba, hãy chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng bởi thi hành án là một quá trình không kém phần gian nan, sự bất hợp tác từ phía người phải thi hành án cũng là một trong những yếu tố khiến cho quá trình thi hành án kéo dài hơn. Do vậy, hãy sẵn sàng một tâm lý thật vững để ứng phó bạn nhé.

Thứ tư, bạn nên tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư hoặc có một luật sư riêng cho mình trong suốt giai đoạn thi hành án để đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của bạn trước những khó khăn có thể phát sinh trong giai đoạn này. 

Kết luận

Thi hành án là công đoạn cuối cùng để bản án, quyết định có hiệu lực của toà án được thực thi. Hiểu rõ quy định pháp luật về quyền yêu cầu thi hành án và có một kế hoạch thật chắc chắn, kỹ càng khi thi hành án sẽ giúp bạn bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình một cách hiệu quả và nhanh chóng. 

Đừng ngần ngại liên hệ để có một luật sư riêng cho bạn trong suốt quá trình thi hành án nhé.