Quá trình cưỡng chế thi hành án diễn ra như thế nào? Các biện pháp cưỡng chế cụ thể là gì, có phân biệt biện pháp cho các loại tài sản khác nhau không? Những điểm cần lưu ý trong cưỡng chế thi hành án? (PHẦN 1)

Cưỡng chế thi hành án là biện pháp cuối cùng khi người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ. Quá trình cưỡng chế được thực hiện bởi cơ quan thi hành án, bắt đầu từ việc ra quyết định cưỡng chế và triển khai các biện pháp cưỡng chế phù hợp theo quy định pháp luật.

Bài viết này tập trung phân tích chi tiết các biện pháp cưỡng chế khác nhau đối với các loại tài sản khác nhau, làm rõ cách thức áp dụng và những điểm lưu ý cho từng biện pháp.

1. Quy định chung về cưỡng chế thi hành án

1.1 Điều kiện tiến hành cưỡng chế thi hành án

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không thi hành thì bị cưỡng chế. 

Việc cưỡng chế không tổ chức trong thời gian 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định. 

1.2 Các biện pháp cưỡng chế thi hành án

Luật thi hành án dân sự quy định 06 biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau:

  • a) Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
  • b) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
  • c) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ;
  • d) Khai thác tài sản của người phải thi hành án;
  • đ) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ;
  • e) Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

2. Chi tiết thực hiện các biện pháp cưỡng chế

2.1 Cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền 

2.1.1 Các biện pháp cưỡng chế cụ thể đối với tài sản là tiền

Các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với tài sản là tiền gồm:

  • i) Khấu trừ tiền trong tài khoản;
  • ii) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

2.1.2 Khấu trừ tiền trong tài khoản

Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Số tiền khấu trừ không được vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế. 

Quy trình thực tiễn áp dụng:

- Người được thi hành án cung cấp cho cơ quan thi hành án hoặc cơ quan thi hành án xác minh thông tin số tài khoản của người phải thi hành án.

 

- Người được thi hành án yêu cầu hoặc cơ quan thi hành án tự mình áp dụng biện pháp bảo đảm phong toả tài khoản và áp dụng biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án tương đương với số tiền cần được thi hành án, nếu trong tài khoản có tiền. 

- Trên thực tế, kể cả cá nhân hoặc pháp nhân, việc có nhiều số tài khoản khác nhau và (hầu như) không tự nguyện cung cấp cho cơ quan thi hành án, hoặc cố tình giấu nhằm trốn tránh thi hành án, đã gây rất nhiều khó khăn cho quá trình thi hành án. Hơn nữa, công tác xác minh của cơ quan thi hành án trên thực tế cũng cần tích cực hơn, sâu rộng hơn chứ không phải chỉ ngồi đợi đương sự cung cấp thông tin.

2.1.3 Trừ vào thu nhập hoặc tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án 

Thu nhập của người phải thi hành án, đối với cá nhân, gồm: tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động, thu nhập hợp pháp khác. Mức cao nhất được trừ vào thu nhập là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ khi có thoả thuận khác; đối với các phần thu nhập khác thì tuỳ tình hình thực tế để định đoạt phần khấu trừ. Phần còn lại phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người được nuôi dưỡng.

Trường hợp người phải thi hành án có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì phải thu tiền từ hoạt động kinh doanh đó để thi hành án. Đồng thời cũng cần để lại một số tiền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của họ và gia đình.

Quy trình thực tiễn áp dụng:

- Người được thi hành án cung cấp hoặc căn cứ tài liệu cơ quan thi hành án thu thập, xác minh được để yêu cầu hoặc cơ quan thi hành án tự mình quyết định việc khấu trừ tiền vào thu nhập hoặc hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án.

- Thực tế quá trình này cũng cần xác minh nhiều thông tin từ nhiều đơn vị khác nhau, đồng thời, việc xác minh bởi cơ quan thi hành án, tức hoạt động qua lại giữa cơ quan nhà nước với nhau, sẽ dễ dàng hơn việc đương sự tự xác minh - và đó cũng là quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thi hành án, của chấp hành viên. 

- Trên thực tế không hề ít những trường hợp có thu nhập, có hoạt động kinh doanh, việc hoạt động kinh doanh có báo cáo lời, lãi nhưng lại không tự nguyện thi hành án. Thực tế giải quyết nhiều vụ án cũng cho thấy cơ quan thi hành án cũng chưa thực sự tích cực trong việc áp dụng triệt để tất cả quy định về thi hành án để thi hành án, cho nên tình trạng người phải thi hành án nhởn nhơ có tiền, sử dụng tiền mà không bị cơ quan thi hành án xử lý, còn người được thi hành án thì "vật vã" không thể làm gì được. Do vậy, cơ quan thi hành án trên thực tế cần có động thái dứt khoát hơn, những việc trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình phải xác minh làm rõ thì phải thực hiện ngay, chứ không chỉ ngồi đợi đương sự có đơn yêu cầu.

2.1.4 Thu tiền của người phải thi hành án đang giữ hoặc đang do người thứ ba giữ

Khi có căn cứ xác định người phải thi hành án đang giữ tiền và là tiền của người phải thi hành án hoặc trường hợp xác định người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì chấp hành viên ra quyết định thu tiền, quá trình này có thể sẽ cần sự tham gia của người làm chứng.

Thực tiễn: hầu như ít trường hợp này xảy ra,nếu có thì cơ sở để xác định là tiền của ai cũng khá mong manh bởi đây là loại tài sản khá đặc biệt và không cần qua thủ tục đăng ký sở hữu. Thực tế tham gia nhiều vụ án thấy rằng hoặc là họ đã tự nguyện thi hành án, hoặc là đã đến mức phải cưỡng chế thi hành án, hoặc rơi vào tình huống chưa có điều kiện thi hành án, rất hiếm trường hợp người phải thi hành án giữ tiền mặt và cơ quan thi hành án thực hiện được quyền thu giữ tiền.

 

2.2 Cưỡng chế đối với tài sản là giấy tờ có giá

Khi có căn cứ xác định người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án, thì chấp hành viên quyết định thu giữ giấy tờ hoặc thực hiện thủ tục yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị giấy tờ đó để thi hành án.

2.3 Cưỡng chế đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ được kê biên để thi hành án theo quyết định của chấp hành viên, kể cả quyền sở hữu trí tuệ đã được chủ sở hữu chuyển quyền sử dụng cho  cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp Nhà nước quyết định chủ sở hữu trí tuệ phải chuyển giao quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong một thời gian nhằm mục đích quốc phòng, an ninh, dân sinh và lợi ích Nhà nước, xã hội. Việc kê biên sau thời gian chuyển giao bắt buộc vẫn có thể tiếp diễn.

Việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải nộp số tiền thu được để thi hành án sau khi trừ chi phí cần thiết.

Tài sản là quyền sở hữu trí tuệ cũng được định giá và bán đấu giá theo thủ tục chung.

(còn tiếp, mời đọc giả tham khảo PHẦN 2)