Hợp đồng vô hiệu: 8 điểm pháp lý quan trọng không thể bỏ qua & Những lưu ý để tránh bị vô hiệu khi tham gia giao dịch

Hợp đồng vô hiệu là một vấn đề pháp lý quan trọng và thường xuyên xảy ra trên thực tế, việc các bên khởi kiện yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu cũng rất phổ biến. Các vấn đề pháp lý xoay quanh câu chuyện "hợp đồng vô hiệu" khá đa dạng và phức tạp không kém, từ lý do vô hiệu, đến hậu quả của sự vô hiệu, cùng các quyền và nghĩa vụ liên quan của các bên. Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình trong mọi giao dịch, hợp đồng, thì bạn đọc đừng bỏ qua điểm pháp lý này. 

Trong bài viết này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ giới thiệu đến bạn 8 điểm pháp lý quan trọng không thể bỏ qua về hợp đồng vô hiệu & TOP những lưu ý để giúp bạn tránh bị rơi vào trường hợp hợp đồng vô hiệu khi tham gia giao dịch trên thực tế. Hãy cùng tìm hiểu nhé!!

1. Tổng quan về hợp đồng vô hiệu

1.1 Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Chắc hẳn bạn đọc sẽ rất ngạc nhiên khi phần đầu tiên lại nói về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong khi chúng ta đang giới thiệu tổng quan về hợp đồng vô hiệu, phải không nào???

Đừng lo lắng, bạn không đọc nhầm bài đâu, chúng tôi sẽ giải thích ngay sau đây. 

 

Pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa tiêu chuẩn về "hợp đồng vô hiệu", mà xây dựng cách hiểu khái niệm này dựa trên cơ sở đối trọng của nó là hợp đồng có hiệu lực. Do vậy, để hiểu về vô hiệu, trước hết, chúng ta cần biết đâu là những điều kiện khiến cho một hợp đồng có hiệu lực thi hành theo pháp luật. 

Như thế, để một hợp đồng có hiệu lực, nó phải đáp ứng các điều kiện cụ thể mà pháp luật đã định. Phần này sẽ đề cập đến các điều kiện này, bạn đọc lưu ý kỹ sau đây:

Căn cứ Điều 117 Bộ luật dân sự:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp lậut dân sự,năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. 

Tại sao đang nói về hợp đồng, mà lại đặt ra quy định về giao dịch dân sự???

- Bởi giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (căn cứ Điều 116 Bộ luật dân sự). Như vậy chúng ta hiểu rằng Hợp đồng là một hình thái thể hiện giao dịch dân sự mà trong đó có hơn một bên tham gia. Do vậy, điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực cũng là điều kiện để hợp đồng cơ bản có hiệu lực.  

Theo đó, bạn đọc thấy rằng để xác định một hợp đồng có hiệu lực hay không, cần dựa trên các yếu tố sau: chủ thể, nội dung, mục đích, hình thức. 

Tiếp theo đây, hãy cùng bàn về sự vô hiệu của hợp đồng nhé!!

1.2 Định nghĩa hợp đồng vô hiệu

Căn cứ Điều 122 Bộ luật dân sự:

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác. 

Căn cứ Điều 407 Bộ luật dân sự:

1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu. 

Pháp luật không đưa ra một định nghĩa tiêu chuẩn về hợp đồng vô hiệu, mà gián tiếp thông qua các hiểu về giao dịch dân sự vô hiệu để xác định nếu hợp đồng rơi vào trường hợp không đáp ứng một trong các điều kiện tương tự thì cũng sẽ vô hiệu.

Vậy chúng ta có thể hiểu rằng, hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự.

1.3 Tại sao đặt ra quy định "vô hiệu" đối với hợp đồng?

Quy định "vô hiệu" đối với hợp đồng được đặt ra nhằm bảo vệ các bên tham gia giao dịch khỏi những rủi ro pháp lý, giúp ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. 

Sự vô hiệu hoá đối với những hợp đồng được hình thành không dựa trên sự tự nguyện của các bên, không dựa trên khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội là cần thiết để bảo vệ trật tự xã hội. Thực tế cho thấy, vai trò của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu không chỉ là một cách thức xử lý triệt để sai phạm mà còn tạo ra một khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các bên tham gia giao dịch.

1.4 Vô hiệu từng phần và vô hiệu toàn bộ hợp đồng

Hợp đồng vô hiệu toàn bộ nghĩa là toàn bộ nội dung của hợp đồng không có giá trị pháp lý, và tất cả các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đều không có hiệu lực.

Còn hợp đồng vô hiệu từng phần là việc một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng khngo ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng.

1.5 Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu

Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu tương tự như giao dịch dân sự vô hiệu, hãy cùng xem các hậu quả tại Điều 131 Bộ luật dân sự:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự cảu các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật, thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định. 

2. TOP 8 Điểm pháp lý quan trọng dẫn đến hợp đồng vô hiệu - không thể bỏ qua

Trong phần này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ giới thiệu đến bạn đọc 8 điểm pháp lý quan trọng dẫn đến việc một hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu. Đây là nội dung rất quan trọng mà bạn đọc không nên bỏ qua bởi nó sẽ khiến bạn hiểu và bảo vệ quyền lợi của chính mình khi tham gia giao dịch.

2.1 Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Căn cứ Điều 123 Bộ luật dân sự:

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Nếu một hợp đồng vi phạm điều cấm của luật hoặc đi ngược đạo đức xã hội, thì sẽ bị coi là vô hiệu. Điều này nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng và duy trì trật tự xã hội.

2.2. Hợp đồng vô hiệu do giả tạo

Căn cứ Điều 124 Bộ luật dân sự:

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Đây là trường hợp các bên đồng thời ký kết với nhau 2 giao dịch, nhưng chỉ một trong số đó là thực sự được thoả thuận, được giao dịch trên thực tế, còn giao dịch còn lại không nhằm thực hiện trên thực tế mà chỉ nhằm mục đích che giấu đi giao dịch thực sự kia. Khi đó, giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực - trừ khi nó cũng bị vô hiệu vì một lí do nào đó theo quy định pháp luật, còn giao dịch nhằm mục đích che giấu và không thực sự được thực hiện trên thực tế (hay còn gọi là giao dịch giả tạo, hay giao dịch giả cách) là vô hiệu. 

Hoặc trong tình huống khác chỉ có một hợp đồng được ký kết giữa các bên mà thôi, nhưng bản chất hợp đồng này không phải giao dịch, thoả thuận thật sự của các bên, mà chỉ nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ thực sự của một hoặc các bên trong giao dịch đó với một bên thứ 3 khác. Như vậy, hợp dồng này sẽ bị vô hiệu vì giả tạo. Bạn đọc lưu ý rằng bên thứ 3 trong quy định này bao gồm cả Cơ quan nhà nước, và sẽ hiểu rằng một giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước thì cũng bị vô hiệu. 

Lấy ví dụ cụ thể để bạn đọc dễ hình dung và đây cũng là những tình huống rất thường xuyên gặp phải:

Ví dụ 1: khi các bên thực hiện giao dịch vay mượn tiền. Bên A cho bên B vay tiền, bên B sử dụng nhà đất, bất động sản, động sản của mình để "làm tin" cho bên A để vay tiền nhưng các bên đã không ký kết với nhau hợp đồng thế chấp tài sản, mà đã ký kết hợp đồng mua bán tài sản, với mục đích và thoả thuận ngầm rằng nếu đến hạn trả tiền mà bên B không trả cho bên A thì bên A sẽ đi làm thủ tục cập nhật, sang tên tài sản từ B sang A. Bản chất giao dịch mua bán tài sản này không thật, nó chỉ dùng để che giấu đi giao dịch vay mượn tiền mà thôi. Do vậy, khi có tranh chấp xảy ra, hợp đồng mua bán tài sản sẽ bị tuyên vô hiệu vì giả tạo. Đây là trường hợp rất thường xuyên gặp phải trong giải quyết tranh chấp thực tế. 

Ví dụ 2: rất thường xuyên xảy ra khi một bên vướng phải một nghĩa vụ nào đó buộc phải thi hành. Cụ thể: C vay của X một số tiền nhưng để tránh bị X đòi nợ và xử lý tài sản của mình để trả nợ, C đã tặng cho phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng sang cho D (vợ C). Đây cũng là trường hợp rất thường xuyên gặp phải trong giải quyết tranh chấp thực tế.

Hoặc, K vay của Y một số tiền nhưng để tránh bị Y đòi nợ và xử lý tài sản của mình để thu lại khoản nợ thì K đã bán phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng với L (chồng K) cho M, quá trình mua bán có đơn xác nhận đồng ý cho bán một phần tài sản chung của L (chồng K). Đây là một ví dụ lấy từ sự kiện có thật xảy ra tại quận T, Thành phố hồ Chí Minh. 

Bạn đọc lưu ý để tránh vấp phải trường hợp giả tạo dẫn đến vô hiệu hợp đồng nhé. 

2.3 Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép

Căn cứ Điều 127 Bộ luật dân sự:

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Nếu một bên tham gia vào hợp đồng do bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép, hợp đồng đó có thể bị tuyên bố vô hiệu. Luật pháp bảo vệ quyền lợi của họ và cho phép họ rút lui khỏi các thỏa thuận không công bằng bằng việc xác định hợp đồng đó vô hiệu. 

Đây là quy định thể hiện chi tiết ý chí của các bên tham gia giao dịch - hoàn toàn tự nguyện (Điểm b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự) - nhằm đảm bảo rằng tất cả các bên đều tham gia vào hợp đồng một cách tự nguyện và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố tiêu cực nào. 

Điều 127 Bộ luật dân sự định nghĩa rất rõ như thế nào là lừa dối, như thế nào là đe doạ, cưỡng ép. Đây là quy định rất rạch ròi, mang tính định hướng để giải quyết tranh chấp trên thực tế và cũng là cơ sở để đánh giá việc các bên đương sự đưa ra chứng cứ chứng minh các tình tiết lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

Ví dụ (thường gặp trên thực tế): bên tặng cho khởi kiện yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng tặng cho tài sản vì cho rằng mình bị lừa dối để ký vào hợp đồng chứ không thực sự có ý định tặng cho. 

2.4 Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn

Căn cứ Điều 126 Bộ luật dân sự:

1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

Quy định thể hiện rằng: Nếu có sự kiện, nguyên nhân nào dẫn đến có sự nhầm lẫn của một hoặc các bên tham gia giao dịch khiến cho mục đích của việc xác lập giao dịch không đạt được thì hợp đồng bị tuyên vô hiệu theo yêu cầu của bên nhầm lẫn. Mục đích của giao dịch ở đây được hiểu là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó (Điều 118 Bộ luật dân sự). Tuy nhiên, nếu việc nhầm lẫn có thể khắc phục ngay được khiến mục đích của giao dịch vẫn đạt được hoặc mục đích đã đạt được thì không có cơ sở để tuyên vô hiệu hợp đồng. 

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rõ ràng và minh bạch của việc giao kết hợp đồng và các điều khoản trong hợp đồng. Do vậy, bạn đọc cần lưu ý kỹ càng ngay từ giai đoạn thương thảo hợp đồng và hãy chắc chắn rằng mình hiểu rõ và hiểu đúng với đối tác cũng như đối tác hiểu rõ và hiểu đúng tất cả những điều khoản trong hợp đồng.

2.5 Hợp đồng vô hiệu do người không đủ năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

Căn cứ Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện, Bộ luật dân sự:

1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

Trước hết bạn đọc cần hiểu rõ một số khái niệm liên quan để xác định phạm vi của điều luật nhé:

Căn cứ Điều 19 Bộ luật dân sự:

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. 

Căn cứ Điều 21 Bộ luật dân sự:

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

Căn cứ Điều 22 Bộ luật dân sự:

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. 

Căn cứ Điều 23 Bộ luật dân sự:

1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Toà án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. 

Căn cứ Điều 24 Bộ luật dân sự:

1. Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. 

Đối với những chủ thể nêu tại Khoản 1 Điều 125 kể trên, giao dịch của họ phải do người giám hộ, người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý để có thể phát sinh hiệu lực, trừ khi giao dịch đó phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của chính người đó. Do vậy, bạn đọc nên kiểm tra kỹ lưỡng năng lực của đối tác trước khi ký kết hợp đồng để tránh rắc rối sau này.

2.6 Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Căn cứ Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, Bộ luật dân sự

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Trường hợp này xảy ra khi một bên không thể nhận thức hoặc làm chủ được hành vi của mình vào thời điểm xác lập giao dịch, hợp đồng, bất kể trước đó người này có năng lực hành vi dân sự. Điều này thể hiện chi tiết yêu cầu về chủ thể tham gia giao dịch, hợp đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự). 

2.7 Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Hình thức của hợp đồng được hiểu tương tự như hình thức giao dịch dân sự. Căn cứ Điều 119 Bộ luật dân sự:

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Theo đó, hợp đồng có thể được hình thành thông qua lời nói, văn bản hoặc hành vi, đối với những trường hợp pháp luật có quy định bắt buộc về hình thức hợp đồng phải tuân thủ thì các bên tham gia phải đảm bảo việc tuân thủ đúng yêu cầu về hình thức để đảm bảo hợp đồng có hiệu lực (ví dụ: hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực, hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị tương đương văn bản, hợp đồng mua bán động sản phải đăng ký...).

Căn cứ Điều 129 Bộ luật dân sự:

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Và do vậy, hợp đồng không tuân thủ đúng hình thức mà pháp luật yêu cầu đối với loại giao dịch đó sẽ là một trong những cơ sở để xem xét sự vô hiệu của hợp đồng đó. 

Ngoài ra, trong quy định tại Điều 129 này, hãy lưu ý rằng không phải trong mọi trường hợp hợp đồng vi phạm quy định về hình thức đều bị tuyên vô hiệu, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể, các bên và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng (nếu có phát sinh) phải xem xét các vấn đề liên quan như thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch,...

Bên cạnh đó, hãy chú ý rằng tuỳ từng loại giao dịch cụ thể có quy định về hình thức công chứng, chứng thực, pháp luật quy định các phương cách khắc phục trước bất kỳ yêu cầu tuyên vô hiệu nào, ví dụ như hợp đồng mua bán nhà ở. Để nội dung được sắp xếp cô đọng, logic và thích hợp với chủ đề bài viết, thì phần giải thích chi tiết hướng dẫn này sẽ không được thể hiện tại đây mà được phân tích chi tiết hơn trong bài viết về Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản của Luật sư Linh, bạn đọc hãy tham khảo thêm nội dung này tại đây để hiểu rõ hơn và áp dụng đúng nhé. 

Nhìn chung, quy định về hình thức của hợp đồng và sự vô hiệu vì không tuân thủ hình thức hợp đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức giao dịch tuỳ theo từng loại giao dịch cụ thể. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ giao dịch của mình có yêu cầu bắt buộc về hình thức hay không và đảm bảo sự tuân thủ yêu cầu hình thức đó để hợp đồng phát sinh hiệu lực, bạn nhé.

2.8 Hợp đồng vô hiệu do đối tượng không thể thực hiện được

Căn cứ Điều 408 Bộ luật dân sự:

1. Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.

2. Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

3. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Quy định này nhắm vào đối tượng của hợp đồng, ví dụ như hàng hoá, tài sản, dịch vụ, công việc..., để xác định rằng nếu đối tượng của hợp đồng là đối tượng không thể thực hiện được ngay từ khi giao kết (tài sản không tồn tại, công việc không thể thực hiện được,...), thì hợp đồng đó bị coi là vô hiệu. Quy định này cũng có trường hợp ngoại lệ tại khoản 2 Điều 408 nêu trên.

Đây có thể được xem là quy định thể hiện chi tiết về nội dung của hợp đồng (Điểm c Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự). Do vậy, để tránh rơi vào tình huống hợp đồng bị vô hiệu, bạn đọc tham gia ký kết hợp đồng hãy chắc chắn đã tìm hiểu rõ, xác định rõ thông tin của đối tượng hợp đồng và nêu rõ nội dung này trong hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của chính mình nhé. 

3. Những lưu ý khi giao kết hợp đồng để tránh bị vô hiệu

Để tránh rơi vào trường hợp hợp đồng của bạn bị coi hoặc bị tuyên là vô hiệu, các bên cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng sau trong quá trình giao kết hợp đồng:

  • ♦ Kiểm tra năng lực của các bên: Đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia ký kết đều có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật, cùng các yêu cầu cụ thể về chủ thể tham gia hợp đồng trong những trường hợp mà pháp luật có yêu cầu bắt buộc.
  • ♦ Đảm bảo tính hợp pháp của nội dung và mục đích: Hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
  • ♦ Rõ ràng trong nội dung: Nội dung hợp đồng cần phải rõ ràng và không gây nhầm lẫn, hãy thoả thuận rõ ràng các điều khoản trong hợp đồng, hãy chắc chắn rằng bạn và đối tác có cách hiểu thống nhất, nhất quán từng điều khoản trong hợp đồng để tránh mọi bất đồng có thể xảy ra dẫn đến xung đột, mâu thuẫn lớn hơn có thể phát sinh.
  • ♦ Giao kết hợp đồng minh bạch, trung thực: Tránh các hành vi gian dối, lừa đảo, đe dọa hoặc ép buộc, điều này hoàn toàn không có lợi cho tất cả các bên tham gia hợp đồng.
  • ♦ Thực hiện đầy đủ hình thức theo quy định: Hãy chắc chắn việc tuân thủ các quy định về hình thức của hợp đồng trong những trường hợp mà pháp luật có yêu cầu bắt buộc về hình thức đối với giao dịch. 
  • ♦ Tham khảo ý kiến của luật sư: Việc tham khảo ý kiến tư vấn từ một luật sư chuyên nghiệp hoặc có luật sư đồng hành cùng bạn từ quá trình đàm phán thương thảo hợp đồng cho đến khi thực hiện và kết thúc hợp đồng sẽ giúp bạn tự tin và yên tâm hơn trong giao dịch, đảm bảo rằng hợp đồng không vi phạm các quy định của pháp luật và chặt chẽ pháp lý. 

4. TOP 3 lợi ích bạn thu được khi có luật sư đồng hành cùng thực hiện hợp đồng & giải quyết các vấn đề hợp đồng vô hiệu

Trong mọi trường hợp, việc có luật sư đồng hành sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn mà thông thường các bên có xu hướng bỏ qua để tiết kiệm chi phí. Nhưng bạn không hề biết rằng, việc không vững vàng về mặt pháp lý sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tranh chấp, mâu thuẫn sau đó gây tốn kém rất nhiều chi phí, công sức, tiền bạc. Do vậy, đừng ngần ngại chi trả một khoản thù lao để "sở hữu" cho mình một luật sư dày dặn kinh nghiệm đồng hành trong suốt quá trình hình thành và thực hiện hợp đồng, cũng như quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng vô hiệu phát sinh.

Dưới đây là những lợi ích bạn thu được khi có luật sư đồng hành:

4.1 Tư vấn pháp lý thường xuyên, kịp thời và nhanh chóng

Luật sư sẽ tư vấn cho bạn về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng, cùng những vấn đề cần thiết khác, giúp bạn hiểu rõ quyền lợi của mình. Đồng thời, luật sư sẽ hướng dẫn cách thức xây dựng hợp đồng ngay từ đầu nhằm hạn chế tối đa khả năng rơi váo trường hợp hợp đồng vô hiệu, những tranh chấp có thể phát sinh, cũng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp tối ưu cho bạn nếu lỡ có tranh chấp.

Quá trình thực hiện hợp đồng có luật sư đồng hành pháp lý sẽ giúp bạn nhanh chóng và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ngay khi chúng xuất hiện, giúp bạn hạn chế được những thiệt hại phát sinh cũng như nhanh chóng cân bằng quan hệ với đối tác. 

4.2 Đại diện trong quá trình khiếu nại, đại diện đàm phán

Luật sư sẽ đại diện cho bạn trong quá trình giao tiếp, thương lượng giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp từ hợp đồng vô hiệu với đối tác và các bên liên quan. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của bạn mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình khiếu nại. Sự hiện diện của luật sư trong các cuộc thương lượng sẽ làm tăng sự chuyên nghiệp và uy tín của bạn, đồng thời sự chuyên sâu pháp luật của luật sư cũng góp phần tăng khả năng đạt được thỏa thuận thoả đáng giữa các bên.

4.3 Đại diện tham gia giải quyết tranh chấp

Nếu mâu thuẫn không được giải quyết thỏa đáng, các bên không tìm được tiếng nói chung trong đàm phán, luật sư sẽ hỗ trợ và đại diện bạn trong quá trình khởi kiện tại toà án hoặc trọng tài, giúp bạn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Luật sư đồng thời cũng giúp bạn định hướng quá trình giải quyết, xây dựng một lộ trình, kế hoạch tố tụng rõ ràng giúp bạn nhất quán quan điểm và cách thức giải quyết trong suốt hành trình này. 

5. Đặt hẹn với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn phát sinh từ các vấn đề hợp đồng vô hiệu hoặc bối rối không biết giải quyết như thế nào, hãy ngay lập tức đặt hẹn với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh qua các kênh phương tiện sau đây để kịp thời bảo vệ quyền lợi của chính mình:

Điện thoại | Zalo: (+84) 968797291

Email: dtdlinh511@gmail.com

Facebook/Fanpage: Ls Đỗ Thị Diệu Linh

Youtube: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

LinkedIn: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Website: www.luatsudothidieulinh.com | www.ddllaw.vn

Kết luận

Hợp đồng vô hiệu là một vấn đề quan trọng và đáng được chú tâm, bởi sức ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia. Hiểu rõ những nguyên nhân có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu, cũng như các điều kiện cần thiết để hợp đồng có hiệu lực, sẽ giúp các bên giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình.

Một hợp đồng ràng buộc pháp lý kém hoặc được xây dựng trên nền tảng pháp lý không chặt chẽ sẽ rất dễ đưa các bên vào những rắc rối mà không thể nhất quán quan điểm, thoả thuận hay những tranh chấp, xung đột nặng nề phát sinh. Do vậy, việc tham khảo ý kiến từ luật sư trong quá trình ký kết hợp đồng không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp mà còn giúp hạn chế rủi ro, tranh chấp có thể phát sinh, đặc biệt vấn đề vô hiệu.

Đừng ngần ngại liên hệ đặt hẹn ngay với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh để nhận ngay những ưu đãi trong dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp, dịch vụ tư vấn pháp luật doanh nghiệp, gói tư vấn quản lý và vận hành doanh nghiệp trọn đời, cập nhật kiến thức và mẹo pháp lý mới nhất hữu ích nhất, và nhận về nhiều tài liệu tuyệt chiêu pháp lý, chiến thắng trên mọi mặt trận thương thảo kinh doanh, giải quyết tranh chấp và đời sống.