4 tình huống vi phạm hợp đồng nhưng lại được miễn trừ trách nhiệm & cách ứng dụng thực tế
Vi phạm hợp đồng là một vấn đề phổ biến trong lĩnh vực pháp lý, không khó để bắt gặp nhiều tình huống vi phạm diễn ra trên thực tế trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hành vi này là do một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Mặc dù vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như thiệt hại vật chất và tinh thần cho bên bị vi phạm, nhưng trong một số trường hợp lại có khả năng được miễn trừ trách nhiệm liên quan. Trong bài viết này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ tập trung chia sẻ cho bạn đọc 4 trường hợp được miễn trách nhiệm mặc dù có vi phạm. Hãy cùng xem đó là gì và ứng dụng như thế nào trong giao dịch để đạt được hiệu quả cao nhé!!
1. Tổng quan về vi phạm hợp đồng
1.1 Vi phạm hợp đồng, vi phạm nghĩa vụ
Chúng ta thường thấy có sự xuất hiện song song của hai cụm từ: vi phạm nghĩa vụ, vi phạm hợp đồng. Vậy đâu mới là cụm từ phù hợp để sử dụng?
Có quan điểm cho rằng hai cụm từ mang ý nghĩa như nhau nên dùng thay thế được cho nhau. Tuy vậy, cũng có quan điểm cho rằng đây là hai cụm từ có ý nghĩa khác nhau và tuỳ trường hợp để sử dụng cho phù hợp, và cá nhân Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh chia sẻ trong bài viết này đồng tình với cách hiểu rằng ý nghĩa của hai cụm từ là khác nhau. Trong đó, vi phạm hợp đồng là xét đến các vi phạm chung trong đó bao gồm cả vi phạm nghĩa vụ và các vi phạm điều khoản khác được thoả thuận trong hợp đồng, hay nói cách khác rằng cụm từ này có nội hàm rộng hơn và bao hàm cả vi phạm nghĩa vụ. Ngược lại, vi phạm nghĩa vụ nói về việc bên có nghĩa vụ có những hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc không đúng nội dung nghĩa vụ đã được thoả thuận trong hợp đồng - nội dung này cũng được định nghĩa chi tiết tại Điều 351 Bộ luật dân sự.
Như vậy, xuất phát từ góc độ chuyên sâu phân tích thì chúng ta nên có sự phân biệt rõ ràng giữa hai cụm từ để hiểu đúng và thực hành đúng.
1.2 Trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm dân sự được hiểu là một loại trách nhiệm pháp lý phát sinh từ sự vi phạm của một hoặc các bên, từ sự thỏa thuận giữa các bên, mục đích của việc yêu cầu trách nhiệm đối với những vi phạm là nhằm khắc phục những hậu quả mà vi phạm gây ra.
Trách nhiệm dân sự sẽ phát sinh đối với bên có nghĩa vụ mà vi phạm. Bên có quyền có quyền yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với vi phạm.
Theo đó, trách nhiệm dân sự có thể phát sinh trong quá trình các bên tham gia vào một giao dịch, hợp đồng cụ thể hoặc phát sinh không trong bất kỳ một giao dịch cụ thể nào, hay còn gọi là trách nhiệm ngoài hợp đồng. Bài viết này tập trung vào trách nhiệm phát sinh trong giao dịch cụ thể.
1.3 Nguyên nhân gây ra vi phạm hợp đồng
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm có thể xuất phát từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
1.3.1 Nguyên nhân chủ quan
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là thiếu thiện chí trong việc thực hiện hợp đồng. Điều này có thể đến từ việc một bên không có đủ năng lực hoặc điều kiện để thực hiện nghĩa vụ đã cam kết. Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết về pháp luật cũng có thể dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không đúng, không đầy đủ.
1.3.2 Nguyên nhân khách quan
Có nhiều sự kiện bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh... có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện hợp đồng. Những thay đổi trong thị trường, luật pháp, chính sách kinh tế hoặc những quyết định chung từ cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể tạo ra trở ngại cho việc thực hiện hợp đồng.
1.4 Hệ quả của việc vi phạm hợp đồng
Hệ quả của việc vi phạm thường có mức độ nghiêm trọng khác nhau tuỳ vào giao dịch và tuỳ vào động thái vi phạm, có thể gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho bên bị vi phạm. Sau đây là một số hệ quả thường thấy:
- ♦ Thiệt hại về vật chất: Bên bị vi phạm có thể phải gánh chịu thiệt hại tài sản, chi phí phát sinh hay thậm chí mất đi lợi nhuận.
- ♦ Thiệt hại về tinh thần: Việc vi phạm có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và tâm lý của bên bị vi phạm, gây ra tổn thất không đo đếm bằng tiền.
- ♦ Mất niềm tin trong quan hệ hợp tác: Động thái vi phạm làm suy giảm lòng tin giữa các bên, từ đó ảnh hưởng đến sự hợp tác trong tương lai, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mất đi quan hệ đối tác đó.
- ♦ Tạo ra tranh chấp, kiện tụng: Vi phạm thường dẫn đến tranh chấp giữa các bên, kéo theo hao tổn chi phí và thời gian giải quyết.
2. Tổng quan về miễn trách nhiệm
Tuy rằng vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng dẫn đến nhiều hệ quả pháp lý, hệ quả kinh doanh khác nhau, bên có quyền trong một số trường hợp có quyền yêu cầu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng có thể thống nhất thoả thuận cho hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc các yêu cầu khác, nhưng trong một số trường hợp cụ thể khác, vi phạm không dẫn đến hệ quả truy cứu trách nhiệm tương ứng vì một số nguyên nhân. Và pháp luật gọi đây là những trường hợp miễn trách nhiệm đối với vi phạm.
Vậy, như thế nào là miễn trách nhiệm và áp dụng trong trường hợp nào, hãy cùng tìm hiểu nhé!!
2.1 Khái niệm & nguyên tắc miễn trách nhiệm
Miễn trách nhiệm đối với vi phạm được hiểu là một bên vi phạm hợp đồng nhưng không bị truy cứu trách nhiệm vì một số lý do nhất định, mà được bỏ qua, miễn trừ trách nhiệm mà đáng lẽ phải bị truy cứu.
Nguyên tắc cơ bản của việc miễn trách nhiệm là phải chứng minh được rằng vi phạm đó xảy ra là thuộc những trường hợp mà pháp luật cho phép miễn trừ hoặc trường hợp mà các bên đã thoả thuận thống nhất miễn trừ. Nghĩa vụ chứng minh này thuộc về bên vi phạm. Việc chứng minh không thành công sẽ dẫn đến hệ quả pháp lý là bên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng.
2.2 TOP 4 Trường hợp miễn trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng
Trong phần này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ chia sẻ cho bạn đọc những trường hợp được miễn trừ trách nhiệm cụ thể mà pháp luật quy định. Ở đây chúng ta sẽ thấy câu chữ có sự khác biệt giữa Bộ luật dân sự, và Luật thương mại.
2.2.1 Căn cứ quy định tại Điều 351 Bộ luật dân sự
a) Bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ khi các bên tham gia giao dịch có những thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
b) Bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền thì không phải chịu trách nhiệm dân sự.
2.2.2 Căn cứ quy định tại Điều 294 Luật thương mại
Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm khi xảy ra 4 trường hợp sau:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận:
Nội dung này được xem là tương đương với nội dung "trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác" trong Điều 351 Bộ luật dân sự trích dẫn trên. Theo đó, pháp luật tôn trọng và công nhận những thoả thuận cụ thể của các bên về trường hợp miễn trừ trách nhiệm cụ thể.
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng: tương tự Bộ luật dân sự, bất khả kháng là một sự kiện dẫn đến miễn trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra:
Căn cứ Điều 156 Bộ luật dân sự,
Sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Tuy vậy, căn cứ theo Điều 156 Bộ luật dân sự, chúng ta nên hiểu rằng không nghiễm nhiên trách nhiệm bị loại bỏ khi có sự kiện bất khả kháng, mà khi sự kiện này xảy ra, điều bên có nghĩa vụ cần làm trước tiên là áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, mà vẫn không khắc phục được, sau đó mới xem xét đến việc đề nghị được miễn trừ trách nhiệm - hành động này thể hiện tinh thần thiện chí của bên vi phạm trong thực hiện hợp đồng. Đây là nội dung rất thường xuyên dẫn đến hiểu lầm "mặc nhiên miễn trách nhiệm" trên thực tế.
c) Hành vi vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên còn lại trong hợp đồng:
Nội dung này tương đồng quy định của Bộ luật dân sự trích dẫn trên. Trong đó, nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên vi phạm, họ phải chứng minh được rằng việc không thực hiện được nghĩa vụ của họ là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Nội dung này cần được hiểu sâu sắc hơn ở cụm từ "hoàn toàn". Theo đó, chúng ta nên hình dung rõ hơn rằng: nếu không phải hoàn toàn do lỗi của bên có quyền, mà việc vi phạm nghĩa vụ dẫn đến thiệt hại là do một phần lỗi của bên có quyền (bên bị vi phạm) thì bên vi phạm vẫn phải bồi thường thiệt hại nhưng chỉ bồi thường tương đương mức độ lỗi của họ. Đây cũng là nội dung được quy định chi tiết tại Điều 362 Bộ luật dân sự.
Ngoài ra, bạn đọc cũng cần biết rằng, lỗi - căn cứ Điều 364 Bộ luật dân sự - hiểu rằng có 2 loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý.
Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
d) Hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng:
Quy định thể hiện nguyên nhân dẫn đến vi phạm xuất phát từ cơ quan nhà nước, chứ không phải ý chí của bên vi phạm, và cả bên vi phạm lẫn bên bị vi phạm đều không biết về quyết định này của cơ quan nhà nước khi giao kết hợp đồng.
2.3 Một số ví dụ tham khảo
- ♦ Ví dụ 1: Hợp đồng mua bán hàng hóa bị chậm trễ do thiên tai. Nếu bên giao hàng có thể chứng minh rằng nguyên nhân chậm trễ là do thiên tai, thì họ có thể được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- ♦ Ví dụ 2: Hợp đồng xây dựng bị đình trệ vì lệnh cấm vận chuyển. Nếu việc đình trệ thi công xảy ra do lệnh cấm vận chuyển của cơ quan có thẩm quyền, bên thi công có thể được miễn trừ trách nhiệm liên quan.
2.4 Thông báo và xác nhận miễn trách nhiệm
Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm cũng phải thông báo ngay cho bên kia được biết, nếu không có thông báo hoặc thông báo không kịp thời thì phải bồi thường thiệt hại.
Nghĩa vụ chứng minh thuộc trường hợp miễn trách nhiệm thuộc về bên vi phạm.
3. TOP 3 lợi ích bạn thu được khi có luật sư đồng hành trong thực hiện & giải quyết vi phạm hợp đồng
Trong mọi trường hợp, việc có người đồng hành pháp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn mà thông thường các bên có xu hướng bỏ qua để tiết kiệm chi phí. Nhưng bạn không hề biết rằng, việc không vững vàng về mặt pháp lý sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tranh chấp, mâu thuẫn sau đó gây tốn kém rất nhiều chi phí, công sức, tiền bạc. Do vậy, đừng ngần ngại chi trả một khoản thù lao để "sở hữu" cho mình một luật sư dày dặn kinh nghiệm đồng hành trong suốt quá trình hình thành và thực hiện hợp đồng, cũng như quá trình giải quyết vi phạm, ứng dụng quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý liên quan.
Dưới đây là những lợi ích bạn thu được khi có người đồng hành pháp lý:
3.1 Tư vấn pháp lý thường xuyên, kịp thời và nhanh chóng
Luật sư sẽ tư vấn cho bạn về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng cùng những vấn đề cần thiết khác, giúp bạn hiểu rõ quyền lợi của mình, nắm bắt được cách thức xử lý khi lỡ có vi phạm xảy ra, ứng dụng quy định miễn trừ trách nhiệm phù hợp. Đồng thời, họ sẽ hướng dẫn cách thức xây dựng hợp đồng ngay từ đầu nhằm hạn chế tối đa những tranh chấp có thể phát sinh, cũng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp tối ưu cho bạn nếu lỡ có tranh chấp.
Quá trình thực hiện hợp đồng có người đồng hành pháp lý sẽ giúp bạn nhanh chóng và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ngay khi chúng xuất hiện, giúp bạn hạn chế được những thiệt hại phát sinh cũng như nhanh chóng cân bằng quan hệ với đối tác.
3.2 Đại diện trong quá trình khiếu nại, đại diện đàm phán
Người đồng hành pháp lý của bạn sẽ đại diện cho bạn trong quá trình giao tiếp, thương lượng giải quyết mâu thuẫn với đối tác và các bên liên quan phát sinh từ vi phạm. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của bạn mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức trong suốt quá trình. Sự hiện diện của luật sư trong các cuộc thương lượng sẽ làm tăng sự chuyên nghiệp và uy tín của bạn, đồng thời sự chuyên sâu pháp luật của họ cũng góp phần tăng khả năng đạt được thỏa thuận thoả đáng giữa các bên.
3.3 Đại diện tham gia giải quyết tranh chấp
Nếu thương lượng không thành công, các bên không tìm được tiếng nói chung trong đàm phán, người đồng hành pháp lý của bạn sẽ hỗ trợ và đại diện bạn trong quá trình khởi kiện tại toà án hoặc trọng tài, giúp bạn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Họ đồng thời cũng giúp bạn định hướng quá trình giải quyết, xây dựng một lộ trình, kế hoạch tố tụng rõ ràng giúp bạn nhất quán quan điểm và cách thức giải quyết trong suốt hành trình này.
4. Đặt hẹn với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn phát sinh từ vi phạm hợp đồng hoặc bối rối không biết miễn trừ trách nhiệm áp dụng ra sao, hãy ngay lập tức đặt hẹn với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh qua các kênh phương tiện sau đây để kịp thời bảo vệ quyền lợi của chính mình:
Điện thoại | Zalo: (+84) 968797291
Email: dtdlinh511@gmail.com
Facebook/Fanpage: Ls Đỗ Thị Diệu Linh
Youtube: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh
LinkedIn: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh
Website: www.luatsudothidieulinh.com | www.ddllaw.vn
Kết luận
Vi phạm hợp đồng là một vấn đề thường xảy ra trong thực tiễn giao dịch. Tuy nhiên, việc hiểu rõ các quy định về hợp đồng và vấn đề miễn trừ trách nhiệm là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng. Các bên cần phải chủ động trong việc xây dựng và thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc, ngoài việc tuân thủ hợp đồng thì cần hiểu rõ và áp dụng chặt chẽ các trường hợp miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp cần thiết để bảo vệ tối ưu quyền lợi, đồng thời nên tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý khi gặp phải vấn đề phát sinh.
Đừng ngần ngại liên hệ đặt hẹn ngay với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh để nhận ngay những ưu đãi trong dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp, dịch vụ tư vấn pháp luật doanh nghiệp, gói tư vấn quản lý và vận hành doanh nghiệp trọn đời, cập nhật kiến thức và mẹo pháp lý mới nhất hữu ích nhất, và nhận về nhiều tài liệu tuyệt chiêu pháp lý, chiến thắng trên mọi mặt trận thương thảo kinh doanh và đời sống.
XỬ PHẠT HÀNH VI KHÔNG PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TỪ 01/01/2025: ĐÃ KHẢ THI?
SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024), CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY (CSR) LAW IN THE CONTEXT OF INNOVATION IN VIETNAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2022), TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ NGHĨA VỤ HẠN CHẾ THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), XU HƯỚNG, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ
SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024) POLICY AND PRACTICES OF CIRCULAR ECONOMY AND RECOMMENDATIONS FOR VIET NAM
LUẬT SƯ ĐỖ THỊ DIỆU LINH: HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LUẬT
HÀNH TRÌNH GIÁM ĐỐC THẨM - LỘI NGƯỢC DÒNG TÌM LẠI CÔNG LÝ
HỘI THẢO KHOA HỌC TĂNG TRƯỞNG XANH & VIỆC LÀM XANH 2024
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ: PHÁT THẢI RÒNG BẰNG 0 & PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM & ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)
HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐỊNH HƯỚNG MÔI TRƯỜNG VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN LUẬT 2024
BÌNH LUẬN ÁN LỆ 21/2018/AL: ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO, HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO VIỆC LÀM XANH TẠI VIỆT NAM: THỰC TIỄN & GIẢI PHÁP
[ÁN LỆ-DÂN SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 2)
[ÁN LỆ-HÀNH CHÍNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 3)
[ÁN LỆ-KINH DOANH THƯƠNG MẠI] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 5)
[ÁN LỆ-HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 4)
[ÁN LỆ-LAO ĐỘNG] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 6)
[ÁN LỆ-HÌNH SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 1)
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2022
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2023