Tặng cho tài sản: TOP 7 điểm pháp lý quan trọng & Các tranh chấp thường xảy ra mà bạn nên biết

Tặng cho tài sản là quyền định đoạt đối với tài sản rất phổ biến tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau: cha mẹ tặng cho con, anh chị em tặng cho nhau.... Dù rằng việc tặng cho có thể đơn giản, nhưng trên thực tế đây cũng là một trong những nội dung phát sinh nhiều tranh chấp pháp lý phức tạp thường thấy.

Trong bài viết này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ chia sẻ với bạn đọc những vấn đề tổng quan về tặng cho tài sản & hợp đồng, cách bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc nắm bắt TOP 7 điểm pháp lý quan trọng về tặng cho tài sản trên thực tế mà bạn nên biết. Hãy cùng tìm hiểu nhé!!

1. Tổng quan về tặng cho tài sản & Hợp đồng

1.1 Khái niệm & Phân loại

Tặng cho tài sản diễn ra thường xuyên trong cuộc sống, dựa trên nhu cầu của mỗi người. Theo đó, bên sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với tài sản quyết định tặng cho tài sản của mình cho một bên khác - gọi là bên nhận tặng cho. Tuỳ theo quyết định và thoả thuận của những người tham gia trong giao dịch mà quyết định việc bên nhận tặng cho có nghĩa vụ gì đối với bên tặng cho hay không. 

Nếu tặng cho kèm theo một hoặc nhiều điều kiện yêu cầu bên nhận tặng cho thực hiện thì bên nhận tặng cho trước hoặc sau khi nhận tặng cho phải hoàn thành nghĩa vụ đó - đây là giao dịch tặng cho có điều kiện. Ngược lại, nếu tặng cho không đi kèm bất kỳ điều kiện nào, điều này có nghĩa là bên nhận tặng cho không phải thực hiện nghĩa vụ gì đối với bên nhận tặng cho. 

Thông thường, giao dịch tặng cho được thể hiện bằng Hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng này được định nghĩa là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. 

Xuất phát từ nhu cầu cá nhân về mong muốn tặng cho mà hợp đồng tặng cho cũng được phân chia thành hai loại: có điều kiện và không có điều kiện (vô điều kiện). 

1.2 Những đặc trưng cơ bản hình thành nên giao dịch tặng cho tài sản

Để hình thành nên giao dịch tặng cho tài sản có giá trị pháp lý, cần phải có các yếu tố như sau:

  • ► Ý chí tự nguyện của bên tặng cho.
  • ► Bên nhận tặng cho phải đồng ý nhận tặng cho.
  • ► Tài sản được tặng cho phải rõ ràng, cụ thể, hợp pháp và thuộc sở hữu, sử dụng hợp pháp của bên tặng cho.
  • ► Giao dịch tặng cho phẩi được thể hiện bằng hợp đồng trong trường hợp pháp luật yêu cầu bắt buộc (ví dụ: tặng cho bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu...)

1.3 Quy trình thực hiện

Quy trình thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản bao gồm các bước cơ bản như sau:

  1. Thỏa thuận giữa các bên về việc tặng cho tài sản, tài sản được tặng cho.
  2. Soạn thảo, hình thành hợp đồng tặng cho.
  3. Ký kết hợp đồng.
  4. Tiến hành giao nhận tài sản.

Việc thực hiện theo trình tự, trong đó rà soát kiểm tra và theo dõi kỹ càng, cẩn thận sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của cả hai bên và tránh những tranh chấp pháp lý xảy ra trong tương lai.

1.4 Tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản trên thực tế

Chúng ta có thể thấy quy trình thực hiện tặng cho khá đơn giản, hầu hết thực hiện khá suôn sẻ. Tuy vậy, tranh chấp phát sinh từ loại giao dịch này trên thực tế xảy ra rất nhiều, phức tạp và đa dạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Hầu hết, giao dịch tặng cho xuất phát từ người thân trong gia đình tặng cho nhau. Sau nhiều "hục hặc" về tình cảm, hành động, lời nói...v.v... trong cuộc sống mà dẫn đến tranh chấp đòi lại tài sản đã tặng cho. Một khi những tranh chấp này phát sinh cũng đồng nghĩa với việc tình thân gia đình cũng "sứt mẻ" theo đó... Đó cũng là lý do mà tranh chấp phát sinh từ loại giao dịch này khá phức tạp. Ngoài nguyên nhân này ra, trên thực tế cũng còn nhiều nguyên nhân khác khó có thể đếm xuể.

Do vậy, hãy cùng tìm hiểu phần tiếp theo về các điểm quan trọng đáng chú ý trong giao dịch tặng cho để có thể bảo vệ quyền lợi cho chính mình, hạn chế tranh chấp xảy ra, bạn nhé!!

2. TOP 6 điểm pháp lý quan trọng về tặng cho tài sản mà bạn nên biết

2.1 Thời điểm Hợp đồng tặng cho tài sản có hiệu lực

Sự đa đạng của giao dịch này nằm ở loại tài sản được tặng cho, cũng từ đó mà pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng không giống nhau. Việc nắm rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sẽ giúp bạn hiểu rõ rằng mình cần phải làm những gì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong giao dịch này. Hãy cùng xem các thời điểm sau đây nhé:

► Ngoại trừ việc các bên có thoả thuận khác, nếu không có thoả thuận gì khác thì đối với tặng cho động sản nói chung không cần đăng ký quyền sở hữu: pháp luật quy định hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản.

► Đối với tặng cho động sản mà luật yêu cầu đăng ký quyền sở hữu: pháp luật quy định hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. 

► Đối với tặng cho bất động sản: pháp luật quy định hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

► Đối với tặng cho bất động sản mà không phải đăng ký quyền sở hữu: pháp luật quy định hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. 

Bạn thấy không, chỉ mỗi một hợp đồng tặng cho nhưng lại có rất nhiều thời điểm có hiệu lực được xác định khác nhau tuỳ theo từng giao dịch. Vậy, với kiến thức nêu trên, bạn đã biết mình cần phải làm những gì theo từng dạng tài sản được tặng cho để đảm bảo quyền lợi cho mình chưa??? - Chia sẻ ngay với Luật sư Linh để được tư vấn chi tiết nhé!!

2.2 Tặng cho tài sản không xác lập hợp đồng bằng văn bản

Đối với những tài sản đơn giản, không phải đăng ký, chỉ cần bàn giao tài sản... thì việc không thiết lập hợp đồng có thể đơn giản, ít xảy ra tranh chấp. 

Tuy nhiên, nhiều trường hợp tặng cho tài sản chỉ được thoả thuận bằng lời nói, đặc biệt là các giao dịch tặng cho giữa người nhà, người thân với nhau. Chẳng hạn: cha mẹ hứa tặng cho con một thửa đất, nhưng không lập văn bản, sau rất dễ xảy ra tranh chấp với các anh chị em khác trong gia đình, hoặc rất khó để chứng minh rằng mình đã được cha mẹ tặng cho thửa đất...

Qua đó, bạn đọc đã biết mình nên làm gì chưa nào?? - Hãy viết lại chia sẻ với bài viết này cho chúng tôi biết nhé!!

2.3 Chậm trễ thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng

Bạn còn nhớ những thời điểm hợp đồng tặng cho có hiệu lực không nào?? - Hãy xem lại mục 2.1 để ghi nhớ nhé!! 

Có những trường hợp hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, do vậy những trường hợp không tiến hành ngay thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì nhiều lý do khác nhau đều sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp đấy nhé. Do đó, hãy lưu ý kiểm tra và thực hiện đầy đủ thủ tục để đảm bảo tối ưu quyền lợi của mình. 

Việc đăng ký kịp thời sẽ giúp bạn hạn chế tối đa những tranh chấp, ảnh hưởng quyền lợi không đáng có xảy ra. 

Hãy tham khảo án lệ liên quan đến hiệu lực hợp đồng tặng cho khi chưa kịp đăng ký sau tặng cho tại đây nhé.

2.4 Tặng cho tài sản trong thời kỳ hôn nhân: Án lệ & những tranh chấp liên quan

Tài sản mà một bên vợ hoặc chồng được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, căn cứ Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình, ngoại trừ trường hợp vợ chồng, bên tặng cho có thoả thuận khác hoặc giữa vợ và chồng có việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung sau khi được tặng cho. 

Vấn đề này thoạt nhìn đơn giản, nhưng nếu không có thoả thuận xác định rõ ràng cũng rất dễ xảy ra tranh chấp, đặc biệt tranh chấp chia tài sản khi ly hôn. Do vậy, bạn đọc hãy nắm rõ để xác định chính xác quyền lợi hợp pháp của mình trong trường hợp này nhé!!

Ngày 06/4/2016, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua Án lệ số 03/2016/AL về vụ án ly hôn, trong đó có liên quan đến tranh chấp tài sản là tài sản được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, cha mẹ đã cho vợ chồng người con là chị H và anh N một diện tích đất, hai vợ chồng đã xây dựng nhà kiên cố trên đất đó để làm nơi ở, khi xây dựng thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng H & N đã sử dụng nhà đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến khi H và N ly hôn thì có tranh chấp về thửa đất này, H cho rằng tài sản được tặng cho vợ chồng, còn N cho rằng cha mẹ chưa tặng cho mà chỉ cho ở nhờ. Trong trường hợp này, án lệ ghi nhận Toà án phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho tài sản (quyền sử dụng đất) và từ đó xác định là tài sản chung vợ chồng, khi ly hôn phải xác định chia tài sản chung này theo công sức đóng góp của H và N tương ứng. 

Án lệ đã xác định một định hướng giải quyết chung cho các tranh chấp tương tự trên thực tế. Quí bạn đọc tham khảo để xác định quyền và lợi ích của mình một cách phù hợp nhé!!

2.5 Cố tình tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình

Đây là trường hợp mà bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó. Bên tặng cho phải có trách nhiệm thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản. 

Do vậy, các bên lưu ý kiểm tra đầy đủ tính chất và tình trạng pháp lý của tài sản trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo quyền lợi đôi bên đều được đảm bảo, tránh xảy ra những tranh chấp hoặc những "phiền hà" pháp lý khác kéo theo. 

2.6 Tặng cho tài sản kèm theo nghĩa vụ tài chính

Đây là trường hợp mà tài sản tặng cho có "tệp đính kèm" là một nghĩa vụ tài chính nhất định (nợ, nợ thuế, phí,...). Bên nhận tặng cho đồng ý nhận tài sản tặng cho thì đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính kèm theo.

Do vậy, bên nhận tặng cho lưu ý kiểm tra đầy đủ tình trạng pháp lý của tài sản, xác định rõ có hay không nghĩa vụ tài chính bất kỳ nào kèm theo hay không và xác định rõ nhu cầu, mong muốn của mình, từ đó đưa ra quyết định tham gia vào giao dịch tặng cho hoặc không. Nếu kiểm tra không kỹ, bên nhận tặng cho có thể gánh những khoản nợ không mong muốn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và chất lượng cuộc sống. 

2.7 Tặng cho tài sản có điều kiện: Án lệ & những tranh chấp liên quan 

Đây là một loại giao dịch tặng cho được pháp luật ghi nhận. Theo đó, bên tặng cho có thể đưa ra yêu cầu đối với bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. 

Lưu ý rằng những điều kiện tặng cho phải là điều kiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Một trong những điều kiện tặng cho phổ biến mà nhiều gia đình hay sử dụng trên thực tế là việc tặng cho tài sản đi kèm với nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người tặng cho - và thực tế đây cũng là một trong những lý do dễ dẫn đến tranh chấp hợp đồng tặng cho nhất. 

Chia sẻ thêm về điều kiện tặng cho, nếu người tặng cho yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho mà bên nhận tặng cho thống nhất, thì nghĩa vụ phải được hoàn thành trước rồi mới đến giao dịch tặng cho diễn ra. Trường hợp bên tặng cho không giao tài sản, trong khi bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Ngược lại, nếu nghĩa vụ được yêu cầu thực hiện sau khi tặng cho, thì giao dịch tặng cho sẽ diễn ra trước, sau đó nghĩa vụ sẽ bắt đầu được thực hiện; nếu bên được tặng cho không thực hiện, thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

Với những hợp đồng ghi rõ điều kiện tặng cho thì các bên sẽ dễ dàng thực hiện và tỷ lệ tranh chấp xảy ra ít hơn - nhưng không thực sự loại trừ được toàn bộ tranh chấp có thể xảy ra - do vậy quí bạn đọc vẫn nên lưu ý không chủ quan nhé. 

Ngược lại, những hợp đồng không có ghi điều kiện tặng cho lại là loại dễ xảy ra tranh chấp giữa hai bên hơn. Trên thực tế không thiếu những vụ án tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản do bên tặng cho khởi kiện đòi lại tài sản với lý do bên nhận tặng cho không thực hiện nghĩa vụ là điều kiện đã thoả thuận sau khi tặng cho, mặc dù trên hợp đồng không thể hiện điều kiện tặng cho này. 

Ngày 14/12/2917, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã thông qua Án lệ số 14/2017/AL về việc công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng. Theo đó, xác định đối với trường hợp hợp đồng tặng cho tài sản nói chung (tranh chấp được đề cập tại án lệ liên quan đến quyền sử dụng đất) không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thoả thuận, thông nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện là hợp pháp thì Toà án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho và xác định hợp đồng đó là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Án lệ này đã tạo nên một định hướng xét xử rõ ràng cho các tranh chấp phức tạp trên thực tế. 

Như vậy, đối với hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện trên hợp đồng thì có thể xác định rằng đó là hợp đồng tặng cho không có điều kiện (vô điều kiện) hoặc hợp đồng tặng cho có điều kiện là các điều kiện hợp pháp được thể hiện trên các tài liệu, văn bản khác có liên quan. Quí bạn đọc ghi nhớ để xác định quyền và nghĩa vụ tương ứng phù hợp nhé!!

Hãy cùng đón xem bài viết tiếp theo phân tích về một vụ án tranh chấp hợp đồng tặng cho có sự nhập nhằng về điều kiện tặng cho trên thực tế từ Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh tại đây, bạn nhé!! 

3. TOP 3 lợi ích bạn thu được khi có luật sư đồng hành trong hành trình tặng cho - nhận tặng cho tài sản

Trước tình hình diễn biến phức tạp và đa dạng trong tranh chấp liên quan đến giao dịch tặng cho, việc có một người có chuyên môn pháp lý đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình từ soạn thảo, rà soát hợp đồng, đến thực hiện hợp đồng, thủ tục hành chính tiếp theo cho đến thương lượng giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh sẽ giúp bạn yên tâm, tự tin hơn trong giao dịch.

Hãy xem dưới đây TOP 3 lợi ích mà bạn thu được khi có luật sư đồng hành cùng bạn:

3.1 Kiến thức chuyên môn & Kinh nghiệm 

Một luật sư có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực hợp đồng có thể giúp bạn xác định rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng tặng cho. Điều này không chỉ giúp bạn tránh những sai lầm có thể gây thiệt hại về mặt tài chính mà còn bảo vệ quyền lợi của bạn.

3.2 Tư vấn pháp lý & Đồng hành thực hiện hợp đồng

Luật sư cũng cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý trước khi ký hợp đồng, đảm bảo bạn không bỏ sót bất kỳ điều khoản nào có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn sau này.

3.3 Thương lượng, đàm phán & Tố tụng giải quyết tranh chấp

Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra liên quan đến hợp đồng tặng cho, luật sư sẽ giúp bạn tìm ra phương án giải quyết hợp lý nhất, thương lượng giải quyết êm thắm và nhanh chóng nhất có thể để giúp bạn kết thúc sớm tranh chấp. Trường hợp việc thương lượng không đạt được, luật sư sẽ giúp bạn định hướng một kế hoạch rõ ràng để tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn trước toà án. 

Hãy đưa ra sự lựa chọn sáng suốt, "sở hữu" một luật sư đồng hành cùng bạn để đảm bảo tối ưu quyền lợi của bạn nhé!!

4. Đặt hẹn với Luật sư Đỗ Thị DIệu Linh

Nếu bạn đang gặp khó khăn pháp lý, hãy nhanh chóng đặt lịch hẹn với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh thông qua kênh phương tiện sau đây, một dịch vụ pháp lý tốt đang chờ đợi bạn:

Điện thoại | Zalo: 0968 797 291 

Email: dtdlinh511@gmail.com

Facebook: Ls Đỗ Thị Diệu Linh

Linked In: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Youtube: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Kết luận

Việc tham gia vào giao dịch tặng cho tài sản tuy thoạt nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế đòi hỏi bạn phải nắm rõ các quy định pháp luật liên quan. Hi vọng những điểm pháp lý quan trọng được đề cập trong bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về quá trình tặng cho.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu kỹ lưỡng và tư vấn luật sư, chuyên gia pháp lý trước khi tiến hành giao dịch để bảo vệ quyền lợi của chính mình và người thân, bạn bè xung quanh.

Đừng ngần ngại liên hệ đặt hẹn ngay với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh để nhận ngay những ưu đãi trong dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp, dịch vụ tư vấn pháp luật doanh nghiệp, gói tư vấn quản lý và vận hành doanh nghiệp trọn đời, cập nhật kiến thức và mẹo pháp lý mới nhất hữu ích nhất, và nhận về nhiều tài liệu tuyệt chiêu pháp lý, chiến thắng trên mọi mặt trận thương thảo kinh doanh và đời sống.