Không tạo ra thu nhập trong quá trình hôn nhân thì khi ly hôn có được chia tài sản chung không? Tài sản chung được phân chia như thế nào khi ly hôn?
Khách hàng: Em và chồng lấy nhau đến nay được 5 năm, có 2 con chung bốn tuổi và hai tuổi. Sau khi lấy nhau thì em có thai và ở nhà sinh con, nuôi con cho đến hiện tại không có đi làm bên ngoài. Chồng em nay muốn ly hôn với em vì một mối quan hệ khác bên ngoài, như vậy thì liệu khi ly hôn em có được giành một phần tài sản để nuôi con không ạ?
Ly hôn là một quá trình pháp lý tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại rất phức tạp và gây nhiều tranh cãi, đặc biệt xung quanh vấn đề phân chia tài sản chung. Một trong những câu hỏi thường gặp là liệu một bên không tạo ra thu nhập có được chia tài sản chung khi ly hôn hay không? - Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
1. Khái niệm tài sản chung và tài sản riêng
1.1 Tài sản chung
Tài sản chung của vợ chồng được xác định là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (trừ phần sau khi đã chia tài sản chung và không có thoả thuận gì khác) và các nguồn thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
Ngoài ra, các tài sản được thừa kế chung, tặng cho chung cùng các tài sản được thoả thuận là tài sản chung đều được xác định là tài sản chung.
Về tính chất pháp lý, tài sản chung được xác định là sở hữu chung hợp nhất, được dùng để đảm bảo nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ, chồng.
1.2 Tài sản riêng
Vì tài sản chung đã được liệt kê phía trên, nên có thể nói đơn giản rằng tài sản nào không phải là tài sản chung thì sẽ là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng.
Chi tiết hơn, tài sản riêng là tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn và không nhập vào tài sản chung, tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng, tài sản được chia riêng sau khi đã phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
2. Nguyên tắc phân chia tài sản chung khi ly hôn
2.1 Chế độ tài sản theo thoả thuận
Trường hợp vợ, chồng có thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì việc phân chia tài sản chung trước hết phải tuân thủ thoả thuận này.
2.2 Chế độ tài sản theo luật định
Trường hợp không có thoả thuận chế độ tài sản trong hôn nhân, việc phân chia tài sản chung sẽ được thực hiện theo pháp luật. Khi đó, pháp luật vẫn tôn trọng sự thoả thuận của hai bên tại thời điểm phân chia tài sản chung.
Nếu trường hợp không thoả thuận được thì nguyên tắc chia đôi sẽ được áp dụng và có tính đến các yếu tố cụ thể gồm:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tái sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ cùa vợ chồng.
Tài sản chung được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì sẽ chia bằng giá trị, giá trị theo thoả thuận của hai bên hoặc giá trị theo định giá thị trường tại thời điểm phân chia, theo đó, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật thì phải thanh toán lại cho bên kia phần giá trị tương đương hiện vật mà bên kia được hưởng; hoặc bên nào nhận phần tài sản là hiện vật có giá trị lớn hơn phần mà mình lẽ ra được hưởng thì phải thanh toán lại cho bên kia phần giá trị chênh lệch tương ứng.
Quy định này thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng của pháp luật trong quan hệ hôn nhân có yếu tố tài sản.
2.3 Bảo vệ người yếu thế
Việc phân chia tài sản chung vợ chồng cũng phải tính đến yếu tố quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Quy định này không chỉ là cơ sở để vợ, chồng thực hiện và đảm bảo trách nhiệm đối với con cái, ngay cả khi đã ly hôn, mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội, không để tạo ra gánh nặng cho xã hội chỉ vì vấn đề ly hôn của 2 người.
3. Không tạo ra thu nhập có được chia tài sản chung khi ly hôn không?
3.1 Cơ sở để xem xét phân chia tài sản chung khi ly hôn
Trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng được áp dụng,
“Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”,
pháp luật xem lao động tạo ra thu nhập và lao động trong gia đình (không tạo ra thu nhập) là như nhau. Do đó, có thể hiểu, mặc dù không tạo ra thu nhập bằng tiền/tài sản có giá trị khác, nhưng lao động trong gia đình cũng góp công vun vén, chăm lo mái ấm gia đình, con cái…
Vì vậy, trong trường hơp của bạn, ngay cả khi bạn không tạo ra thu nhập bằng tiền hay tài sản giá trị khác, thì bạn - người không tạo ra thu nhập - vẫn được đánh giá là có sự đóng góp, nên vẫn được chia tài sản chung khi ly hôn, bạn nhé.
Vấn đề đặt ra là chia bao nhiêu, chia như thế nào?
Mẫu đơn ly hôn:
3.2 Toà án phân chia tài sản chung khi ly hôn như thế nào?
Rất khó để trả lời một tỷ lệ cụ thể vì những hoàn cảnh, tình huống và tài liệu chứng cứ khác nhau.
Tuy vậy, về nguyên tắc, tỷ lệ 50 - 50 luôn là một cách chia tài sản chung mà mọi người đều mong muốn, bởi trong quan hệ hôn nhân, ngoài vấn đề về vật chất thì còn có vấn đề về tình cảm của vợ chồng từng dành cho nhau, dành cho con cái, gia đình nội ngoại hai bên... Rất khó để cân đo bên ít bên nhiều. Điều này thể hiện "cái tình" của pháp luật.
Bên cạnh đó, xét về "cái lý" của pháp luật, việc chia tài sản chung khi ly hôn cần thiết phải có một sự rạch ròi, đảm bảo sự rõ ràng bằng cách ghi nhận người có công sức đóng góp, phát triển nhiều hơn, đặc biệt là về vật chất. Đây là điều hoàn toàn chính đáng, bởi việc tạo ra thu nhập bằng tiền, tài sản chưa bao giờ là một điều dễ dàng cho tất cả mọi người, do đó, những sự nỗ lực cố gắng vun vén cho gia đình bằng tài chính luôn cần được ghi nhận, đó là nền tảng cơ bản để xây dựng một gia đình đầy đủ, con cái được học hành, ăn uống tử tế, tạo ra lợi ích cho xã hội.
Đối chiếu với trường hợp bạn đã hỏi, vì tài liệu chứng cứ không kèm theo nên luật sư không thể có những đánh giá chi tiết, nhưng chúng tôi có những lời khuyên hữu ích để bạn tham khảo cho trường hợp chia tài sản chung của mình. Tuỳ theo tỷ lệ mà bạn muốn được chia, bạn cần phải kèm theo các tài liệu để chứng minh:
-
►Hoàn cảnh hiện tại của bạn sau khi ly hôn: không đủ khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình…;
-
►Công sức bạn đóng góp trong duy tu, chăm sóc gia đình, nhà cửa, con cái, phát triển khối tài sản chung;
-
►Lợi ích chính đáng trong sản xuất kinh doanh, trong nghề nghiệp khi đang sử dụng khối tài sản chung để thực hiện kinh doanh, hành nghề (nếu có);
-
►Lỗi của bên còn lại trong hôn nhân dẫn đến sự đổ vỡ hôn nhân, lỗi của bên còn lại trong hôn nhân vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, chẳng hạn như ngoại tình, bạo hành… (nếu có).
Việc xem xét của toà án đối với việc chia tài sản chung khi ly hôn phải toàn diện trên tất cả yếu tố, có thể kể đến như: thời gian chung sống, công việc và thu nhập của mỗi bên, tình trạng sức khỏe, khả năng tạo ra thu nhập trong tương lai, cũng như nhu cầu chăm sóc con cái và các khoản chi phí khác.
Kết luận
Việc không tạo ra thu nhập không phải là yếu tố quyết định trong việc chia tài sản chung khi ly hôn. Pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ quyền lợi của cả hai bên, kể cả bên không có thu nhập nhưng có đóng góp vào gia đình qua các yếu tố khác.
Nếu bạn đang đối mặt với vấn đề ly hôn và phân chia tài sản chung, hãy tìm đến sự tư vấn của luật sư chuyên nghiệp để được hướng dẫn cụ thể và đảm bảo quyền lợi của mình. Việc hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình sẽ giúp bạn có được quyết định đúng đắn và hợp lý nhất trong quá trình giải quyết ly hôn và phân chia tài sản chung. Hi vọng bài viết này có ích cho bạn trong hành trình sắp tới.
XỬ PHẠT HÀNH VI KHÔNG PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TỪ 01/01/2025: ĐÃ KHẢ THI?
SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024), CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY (CSR) LAW IN THE CONTEXT OF INNOVATION IN VIETNAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2022), TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ NGHĨA VỤ HẠN CHẾ THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), XU HƯỚNG, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ
SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024) POLICY AND PRACTICES OF CIRCULAR ECONOMY AND RECOMMENDATIONS FOR VIET NAM
LUẬT SƯ ĐỖ THỊ DIỆU LINH: HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LUẬT
HÀNH TRÌNH GIÁM ĐỐC THẨM - LỘI NGƯỢC DÒNG TÌM LẠI CÔNG LÝ
HỘI THẢO KHOA HỌC TĂNG TRƯỞNG XANH & VIỆC LÀM XANH 2024
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ: PHÁT THẢI RÒNG BẰNG 0 & PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM & ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)
HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐỊNH HƯỚNG MÔI TRƯỜNG VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN LUẬT 2024
BÌNH LUẬN ÁN LỆ 21/2018/AL: ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO, HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO VIỆC LÀM XANH TẠI VIỆT NAM: THỰC TIỄN & GIẢI PHÁP
[ÁN LỆ-DÂN SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 2)
[ÁN LỆ-HÀNH CHÍNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 3)
[ÁN LỆ-KINH DOANH THƯƠNG MẠI] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 5)
[ÁN LỆ-HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 4)
[ÁN LỆ-LAO ĐỘNG] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 6)
[ÁN LỆ-HÌNH SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 1)
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2022
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2023