ESG [PHẦN 2]: HÀNH LANG PHÁP LÝ & CAM KẾT CỦA VIỆT NAM THỰC THI ESG
ESG, viết tắt của Environmental, Social và Governance, đang trở thành một khái niệm quan trọng trong thế giới kinh doanh hiện đại. Các yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quyết định trong việc thu hút đầu tư và xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững. Trong bài viết này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ giúp bạn nắm vững pháp lý ESG tại Việt Nam hiện tại, những cam kết của Việt Nam với thế giới và giúp doanh nghiệp của bạn định hướng được mục tiêu phát triển trong tương lai.
1. Cam kết của Việt Nam về ESG
Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thông qua những bước đi cụ thể. Các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc đã tạo nền tảng cho các chính sách nội địa.
1.1 Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015
Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 12 năm 2015 tại Hội nghị thượng đỉnh COP21, mục tiêu chính hướng đến giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, với nỗ lực để không vượt quá 1,5 độ C.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định này. Một trong những cam kết quan trọng nhất của Việt Nam là giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu và đóng góp tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ góp phần vào mục tiêu toàn cầu mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho đất nước.
1.2 Đệ trình đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam
NDC ban đầu (2015): Năm 2015, VIệt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (NDC) lần đầu tiên cho Ban thư ký UNFCCC, cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Mức giảm này có thể tăng đến 25% với sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, công nghệ, và nâng cao năng lực.
NDC cập nhật (2020): Năm 2020, Việt nam đã cập nhật mức đóng góp vào ngày 11/9, nâng mức cam kết giảm lên 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) thông qua nguồn lực trong nước (tương đương 83,9MtCO2tđ), với khả năng tăng lên đạt 27% với sự hỗ trợ quốc tế (tương đương 250,8 MtCO2tđ).
NDC cập nhật (2022): Tiếp tục cập nhật NDC vào ngày 08/11/2022, nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam đến năm 2030, cam kết sẽ giảm 15,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản BAU với nguồn lực trong nước, cam kết này có thể tăng lên 43,5% lượng phát thải so với kịch bản BAU với sự hỗ trợ quốc tế, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), chất thải và quá trình công nghiệp, trong đó tập trung năng lượng.
1.3 Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs)
Việt Nam đã thiết lập các mục tiêu cụ thể để thực hiện SDGs với 17 mục tiêu phát triển bền vững, phản ánh quyết tâm trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách.
1.4 Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Chiến lược này được ban hành nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Được phê duyệt thông qua Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2021.
Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể về giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng, và khuyến khích chuyển đổi sản xuất sang các mô hình ít phát thải.
1.5 Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu 2021 (COP26)
Tại Hội nghị thượng đỉnh 2021 của Liên hợp quốc (COP26), diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra lời cam kết ESG của Việt Nam cực kỳ ấn tượng: Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NetZero) năm 2050; cam kết loại bỏ dần năng lượng điện than đến năm 2040 và giảm dần sử dụng năng lượng hoá thạch; cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu ít nhất 30% từ các hoạt động của con người vào năm 2030; tham gia tuyên bố của các lãnh đạo Glasgow về việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoát đất, phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển đổi nông thôn toàn diện đến năm 2030.
Tuyên bố này của Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023), Cam kết của Việt Nam tại COP26 và NDC cập nhật (monre.gov.vn)
Những cam kết và chiến lược của Việt Nam trong các hội nghị quốc tế và các bản NDC cho thấy quyết tâm của quốc gia trong việc tham gia vào hành trình phát triển bền vững. Các cam kết này không chỉ là bước tiến lớn cho Việt Nam mà còn thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế để đối phó với thách thức biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết này đòi hỏi nỗ lực lớn về tài chính, công nghệ, và hỗ trợ quốc tế. Chính phủ cũng cần tăng cường khung pháp lý và các chính sách cụ thể để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.
2. Pháp lý liên quan đến ESG tại Việt Nam
Ngoài cập nhật và học hỏi từ hệ thống pháp lý ESG quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nhận biết và cập nhật tình hình pháp lý Việt Nam liên quan đến cơ chế này. Hiện tại Việt Nam không có một bộ quy chuẩn tổng hợp về cơ chế này, mà pháp lý về cơ chế E, S, G được tổng hợp từ nhiều quy định pháp luật và các văn bản chính sách khác nhau, thể hiện tinh thần và sự quyết tâm áp dụng, thực chi cơ chế tại Việt Nam.
Khung pháp lý về ESG tại Việt Nam cũng đang dần hoàn thiện hơn qua thời gian. Dưới đây luật sư sơ lược các luật định, chính sách, quy định quan trọng liên quan đến 03 khía cạnh E, S, và G:
(lưu ý danh sách này chưa đầy đủ và vẫn đang tiếp tục cập nhật theo thời gian)
2.1 Pháp lý về Môi trường (E)
2.1.1 Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt vào năm 2023, là chiến lược phát triển hệ thống điện của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này nhấn mạnh mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, ưu tiên năng lượng tái tạo và cam kết giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với các cam kết tại COP26. Mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII là đạt tỷ lệ 50% công suất điện năng lượng tái tạo vào năm 2050 và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, từ đó góp phần đạt mục tiêu trung hòa carbon.
2.1.2 Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050
Được phê duyệt theo Quyết định 896/QĐ-TTg năm 2022, Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu đặt ra các mục tiêu và định hướng hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chính bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Chiến lược nhấn mạnh các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống hạ tầng, và phát triển công nghệ xanh trong các ngành kinh tế.
2.1.3 Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn
Được phê duyệt theo Quyết định 687/QĐ-TTg năm 2022, Đề án Phát triển Kinh tế Tuần hoàn nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế sử dụng tài nguyên hiệu quả và tái chế, tái sử dụng trong sản xuất và tiêu dùng. Mục tiêu là giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa chuỗi giá trị để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đề án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và các mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Gần đây nhất, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh tham gia và đóng góp nghiên cứu khoa học về Kinh tế tuần hoàn tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) về phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững, nằm trong dự án nghiên cứu của Đài Loan, có sự kết hợp của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam.
2.1.4 Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Được phê duyệt theo Quyết định 450/QĐ-TTg năm 2022, Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia đề ra các định hướng nhằm bảo vệ môi trường một cách toàn diện, với mục tiêu giảm ô nhiễm không khí, nước và đất, bảo vệ đa dạng sinh học, và nâng cao quản lý tài nguyên thiên nhiên. Chiến lược này tập trung vào cải thiện chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống quản lý và giảm phát thải từ các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. Ngoài ra, chiến lược cũng hướng đến việc nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc giám sát và bảo vệ môi trường.
2.1.5 Luật Bảo vệ môi trường 2020, và Văn bản dưới luật hướng dẫn bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi năm 2020, có hiệu lực từ năm 2022) và các văn bản hướng dẫn liên quan là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Luật này quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý, và tuân thủ các tiêu chuẩn về phát thải. Bên cạnh đó, luật cũng nhấn mạnh việc quản lý và xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Luật Bảo vệ Môi trường yêu cầu doanh nghiệp phải đánh giá tác động môi trường, tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
2.2 Pháp lý về Xã hội (S)
2.2.1 Bộ luật lao động 2019
Là văn bản pháp lý chính quy định các quyền và nghĩa vụ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bộ luật đảm bảo quyền lợi của người lao động thông qua các quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, và quyền nghỉ phép. Đặc biệt, Bộ luật Lao động còn quy định về bình đẳng giới, chống quấy rối nơi làm việc, và các quyền cho người lao động dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ mang thai và người khuyết tật. Ngoài ra còn rất nhiều quy định khác thể hiện khía cạnh S trong ESG tại bộ luật này. Điều này góp phần nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Việt Nam.
2.2.2 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023
Luật này nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi xâm phạm lợi ích và quyền lợi hợp pháp. Luật quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin sản phẩm, đảm bảo chất lượng dịch vụ, và xử lý khiếu nại từ người tiêu dùng. Việc áp dụng luật này giúp tăng cường sự tin tưởng của người tiêu dùng, đồng thời góp phần vào việc xây dựng nền kinh tế bền vững, có trách nhiệm với người tiêu dùng.
2.2.3 Luật Ngân hàng và các chế định tài chính
Luật Ngân hàng và các chế định tài chính tại Việt Nam cũng góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và người lao động trong lĩnh vực tài chính. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật các quy định về an toàn tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch tài chính và tín dụng, đồng thời đảm bảo minh bạch hóa trong các hoạt động tài chính.
2.2.4 Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Sau rất lâu nghiên cứu và thống nhất, Việt Nam đã chính thức ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định quy định trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan áp dụng cho tất cả cơ quan tổ chức, cá nhân Việt Nam tại Việt Nam, hoạt động tại nước ngoài; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Nghị định này giải quyết vấn đề "đau đầu" trước đây khi hàng loạt cá nhân, tổ chức "kêu ca" về việc lộ thông tin cá nhân, mỗi ngày đều nhận "hàng tá" cuộc gọi rác, quảng cáo mà không biết từ đâu có được thông tin của mình v.v....
Đây là một bước tiến rất tốt của chính sách pháp luật Việt Nam, đưa Việt Nam tiệm cận hơn với sự phát triển của thế giới song song với việc bảo vệ quyền riêng tư của con người.
2.3 Pháp lý về Quản trị (G)
2.3.1 Luật Doanh nghiệp 2020 & Luật Đầu tư 2020
Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 đưa ra các quy định về trách nhiệm quản trị và trách nhiệm môi trường cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật Đầu tư quy định không gia hạn thực hiện dự án đầu tư nếu sử dụng công nghệ lạc hậu gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Các quy định này giúp tăng cường trách nhiệm quản trị công ty, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến và bảo vệ môi trường.
2.3.2 Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán
Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/NĐ-CP quy định rõ ràng về minh bạch hóa và quản trị công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các quy định này yêu cầu công ty niêm yết phải cung cấp thông tin minh bạch và báo cáo tài chính định kỳ, đồng thời đảm bảo sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Điều này giúp cải thiện tính minh bạch của thị trường chứng khoán và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
2.3.3 Thông tư 96/2020/TT-BTC
Thông tư này do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có tích hợp các yếu tố ESG, yêu cầu các công ty niêm yết phải báo cáo chính sách hoạt động bảo vệ môi trường, tác động đến môi trường, các thông tin chính sách lao động, trách nhiệm cộng đồng, cấu trúc quản lý, trách nhiệm lãnh đạo...v.v...
Đây là một trong những văn bản thể hiện khá rõ ràng tính nghĩa vụ trong báo cáo, mặc dù chỉ áp dụng bắt buộc với các công ty IPO.
2.3.4 Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất 2019
Bộ nguyên tắc được công bố bởi Uỷ ban chứng khoán nhà nước, nhằm cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp thông qua các quy định về minh bạch, quản lý rủi ro và đạo đức kinh doanh. Bộ nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực quản trị tốt, nhằm gia tăng niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2.3.5 Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) 2017
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố Chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI) vào năm 2017 nhằm đánh giá và khuyến khích các công ty niêm yết thực hiện các tiêu chuẩn ESG trong hoạt động của mình. VNSI là công cụ giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ cam kết của các doanh nghiệp đối với phát triển bền vững và thúc đẩy các công ty thực hiện trách nhiệm xã hội.
Các chính sách, pháp luật hiện hành không chỉ xác định rõ mục tiêu, định hướng của VIệt Nam, mà còn giao trách nhiệm đến doanh nghiệp trong việc thực hiện ESG. Điều này không chỉ tạo ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc để thúc đẩy hoạt động bền vững, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, mà còn giúp nâng cao ý thức của doanh nghiệp, ý thức chung của người lao động.
Hiện nay các quy định về công bố thông tin đều hướng đến các doanh nghiệp phát hành chứng khoán niêm yết, trong đó yếu tố quản trị, xã hội được quan tâm nhiều hơn, nhưng cũng không có văn bản nào hạn chế việc công bố thông tin đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn hoặc không phát hành chứng khoán... Đồng thời, cũng chưa chính thức có văn bản pháp lý nào đề cập cụ thể đến báo cáo E-S-G, mà cơ bản chỉ rút tỉa từ các quy định liên quan như đề cập trên. Số doanh nghiệp công bố báo cáo phát triển bền vững, báo cáo ESG hiện nay đều là những doanh nghiệp lớn đi đầu và nắm bắt xu hướng.
3. Tình hình tổng quan về thực hiện ESG tại Việt Nam
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc triển khai ESG, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.
3.1 Mức độ nhận biết, cam kết và thực hiện ESG của doanh nghiệp
Cho đến nay, đã có khoảng 44% doanh nghiệp đã đặt ra kết hoạch và đưa ra cam kết ESG, 36% đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong vòng 2-4 năm tới, trong khi đó cũng có khoảng 20% không đặt ra cam kết hoặc chưa xác định được kế hoạch cụ thể 2-4 năm tới.
Đối với doanh nghiệp triển khai ESG, có khoảng 16% giới hạn tiêu chí E, S hoặc G, có 28% có chương trình rõ ràng cho E, S và/hoặc G, trong khi có 22% có chương trình toàn diện.
Đối với chiến lược ESG, G - governance đang là tiêu chí được doanh nghiệp chú trọng cao. Cho đến nay có khoảng 49% doanh nghiệp có cơ cấu quản trị chính thức, 35% doanh nghiệp có Hội đồng quản trị tham gia tích cực vào chiến lược này, trong khi có đến 28% có cơ cấu quản trị không chính thức, và 23% không có cơ cấu quản trị.
(Nguồn: Báo cáo mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam, PwC 2022)
3.2 Nâng cao nhận thức về ESG
Việc quan trọng trước hết là doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về ESG, đưa cơ chế này thâm nhập vào văn hoá, thói quen của doanh nghiệp. Điều này có thể được thực hiện thông qua các buổi đào tạo, hội thảo và các hoạt động truyền thông nội bộ. Khi mọi người trong doanh nghiệp hiểu rõ về ESG, họ sẽ dễ dàng áp dụng vào công việc hàng ngày.
Hoạt động này thực sự không nên chỉ giới hạn ở phạm vi lực lượng lao động của doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Hãy mở rộng phạm vi giới thiệu cơ chế này đến toàn thể khách hàng của doanh nghiệp nói riêng, và mọi người nói chung. Một xã hội cùng chung tay sẽ là nguồn lực lớn mạnh hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp.
Hãy theo dõi ESG [Phần 1]: Giúp oanoh nghiệp tiếp cận tổng quan ESG để cập nhật thêm thông tin chi tiết.
Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai ESG, đặc biệt vấn đề thiếu nhận thức, hoặc trang bị không đủ kiến thức, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thông tin pháp lý của quốc tế và của Việt Nam về ESG là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt. Bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, đa phần hệ thống pháp lý, nhân sự pháp lý chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ sử dụng dịch vụ pháp lý từ luật sư hoặc có luật sư riêng của doanh nghiệp là không nhiều do e ngại chi phí bỏ ra hàng tháng. Từ đó dẫn đến việc khó khăn trong cập nhật kiến thức và thông tin pháp lý về ESG cũng như các hoạt động khác của doanh nghiệp.
Không ai khác hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp về vấn đề này là luật sư. Luật sư đóng vai trò quan trọng trong phổ biến, cập nhật và hướng dẫn pháp lý về cho doanh nghiệp. Luật sư không chỉ là người tư vấn pháp lý mà còn là người giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định và trách nhiệm liên quan đến cơ chế này, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước xây dựng cách thức tuân thủ các quy định, từ đó bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và các bên liên quan.
Thời đại số hiện nay là một định hướng phát triển trong tương lai mà doanh nghiệp buộc phải thích nghi và học hỏi cao độ. Do vậy, đừng ngần ngại cử một (hoặc nhiều) luật sư đồng hành cùng doanh nghiệp của bạn trong suốt đời sống doanh nghiệp hoặc ít nhất là những dự án quan trọng quyết định sự sống còn và tương lai của doanh nghiệp bạn. Đó là một trong những cơ sở vững chắc nhất để bổ sung vào nền tảng phát triển của doanh nghiệp - nền tảng pháp lý mạnh!
Hãy tham khảo thêm Vì sao doanh nghiệp luôn cần có luật sư riêng tư vấn pháp lý thường xuyên? để hiểu hơn những nỗi lo pháp lý của doanh nghiệp bạn nhằm có định hướng phát triển tốt hơn! Luật sư luôn đồng hành cùng bạn.
3.3 Ban hành chính sách và pháp luật
Việt Nam đã và đang thực hiện rất tích cực việc tổng hợp, phân hoá và bổ sung nhiều chính sách, quy định liên quan đến ESG trên tinh thần rất quyết tâm thực thi cơ chế này tại Việt Nam. Với lượng chính sách và quy định nhiều như kể trên, tuy vậy, tính đến hiện tại đa phần sự bắt buộc trong cơ chế báo cáo thường niên, báo cáo ESG hầu như tập trung đối với các doanh nghiệp IPO, đa phần còn lại đều đang dừng ở mức khuyến khích thực hiện.
Tỷ lệ tiếp xúc, cập nhật chủ động đối với ESG của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay được đánh giá là không cao bởi tính chất không bắt buộc. Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, quy định hơn nữa nhằm đưa ESG triển khai tối đa với 100% doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam, để hướng tới mục đích cao cả hơn là phát triển bền vững.
Trong đó, theo quan điểm của Luật sư Linh, tính chất bắt buộc của cơ chế ESG nên được triển khai ở từng góc độ và phân theo từng cấp độ doanh nghiệp về ngành nghề hoạt động, quy mô hoạt động...v.v.... để dần đưa ESG trở thành một văn hoá và thói quen tích cực cho doanh nghiệp, hơn là chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích.
3.4 Xây dựng kế hoạch hành động
Doanh nghiệp cần xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể cho chiến lược ESG của mình. Kế hoạch này nên bao gồm các mục tiêu rõ ràng, phương pháp thực hiện và cách thức đánh giá hiệu quả. Việc có một kế hoạch chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ và điều chỉnh nếu cần thiết.
3.5 Theo dõi và đánh giá
Sau khi thực hiện chiến lược ESG, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi và đánh giá kết quả. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hiệu quả của chiến lược mà còn giúp họ phát hiện kịp thời các vấn đề cần cải thiện.
3.6 Những thách thức trong việc áp dụng ESG tại Việt Nam
Dù đã có những bước tiến nhất định, nhưng việc áp dụng ESG ở Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức.
- Hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện: Khung pháp lý về ESG còn nhiều bất cập và thiếu tính đồng bộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.
- Năng lực và nguồn lực hạn chế: Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có năng lực và nguồn lực hạn chế để thực hiện ESG. Điều này cản trở họ trong việc đáp ứng yêu cầu của thị trường.
- Nhận thức chưa đầy đủ: Sự thiếu nhận thức về ESG ở nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư khiến họ không coi trọng việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG.
- Thiếu khung đánh giá thống nhất: Việc thiếu khung đánh giá thống nhất làm khó khăn trong việc so sánh và đánh giá hiệu quả của các hoạt động ESG.
3.7 Rủi ro môi trường
Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro môi trường nghiêm trọng.
- Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm không khí, nước và đất là vấn đề cấp bách mà Việt Nam cần giải quyết. Tình trạng ô nhiễm này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
- Biến đổi khí hậu: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn đang gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân.
- Quản lý chất thải: Quản lý chất thải cũng là một thách thức lớn. Nhiều nơi vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải hiệu quả, dẫn đến ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
- Suy giảm tài nguyên thiên nhiên: Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững đang dẫn đến suy giảm rừng, cạn kiệt nguồn nước, và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
3.8 Rủi ro xã hội và nhân quyền
Bên cạnh rủi ro môi trường, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro xã hội và nhân quyền.
- Việc làm và an sinh xã hội: Việc làm phi chính thức và mất việc do tự động hóa đang gây ra nhiều thách thức cho người lao động. Điều này bên cạnh việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra việc làm bền vững, mà còn đòi hỏi tinh thần cầu tiến, chấp nhận hoàn cảnh thay đổi và vươn lên của chính người lao động.
- Bất bình đẳng xã hội: Bất bình đẳng về thu nhập và giáo dục vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội. Doanh nghiệp cần đóng góp vào việc giảm thiểu bất bình đẳng này.
- Nhân quyền lao động: Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ quy định về lao động, dẫn đến vi phạm quyền lợi của người lao động. Đây là vấn đề cần được xử lý một cách nghiêm túc.
- An ninh mạng và an toàn thông tin: Các vấn đề an ninh mạng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, với nhiều cuộc tấn công mạng gây nguy hiểm cho doanh nghiệp và cá nhân.
4. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và sự hỗ trợ từ các tổ chức, hiệp hội về thực thi ESG tại Việt Nam
4.1 Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý và giám sát việc thực hiện các quy định về môi trường và ESG. Bộ có trách nhiệm ban hành các chính sách, quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
4.2 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến lao động, bao gồm quyền lợi của người lao động và an sinh xã hội. Bộ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động.
4.3 Tổ chức phi chính phủ
Nhiều tổ chức phi chính phủ đã và đang hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy ESG tại Việt Nam. Họ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tư vấn cho doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện ESG.
4.4 Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ESG. Hiệp hội cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG, đồng thời tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
4.5 Vai trò của luật sư đối với ESG
Luật sư cũng đóng một phần vai trò quan trọng trong việc thực thi các tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam. Với sự phát triển của ESG, không chỉ dừng lại ở việc tư vấn pháp lý truyền thống, mà luật sư còn giúp doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền lợi của người lao động, và minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Cụ thể, luật sư giúp doanh nghiệp phân tích và đánh giá rủi ro pháp lý, xây dựng chiến lược quản trị ESG, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành. Luật sư cũng đóng vai trò trong việc thương lượng và soạn thảo các điều khoản liên quan đến ESG trong hợp đồng, giúp doanh nghiệp tránh các rủi ro pháp lý khi thực hiện các cam kết môi trường và xã hội, đồng thời củng cố danh tiếng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, luật sư cũng giúp doanh nghiệp điều chỉnh các chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, khách hàng và đối tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Ngoài ra, luật sư còn tư vấn cho doanh nghiệp về các chính sách khuyến khích của chính phủ và các quy định mới về ESG, từ đó giúp doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm xã hội và gia tăng giá trị bền vững.
5. Đặt hẹn với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh
Nếu bạn đang gặp khó khăn pháp lý, hãy nhanh chóng đặt lịch hẹn với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh thông qua kênh phương tiện sau đây, một dịch vụ pháp lý tốt đang chờ đợi bạn:
Điện thoại | Zalo: 0968 797 291
Email: dtdlinh511@gmail.com
Facebook: Ls Đỗ Thị Diệu Linh
Linked In: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh
Youtube: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh
Kết luận
Với những thách thức và cơ hội hiện có, việc thực hiện ESG tại Việt Nam không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu. Để thực hiện thành công các tiêu chuẩn ESG, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ khi tất cả các bên cùng nhau nỗ lực, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội và môi trường.
Đừng ngần ngại liên hệ đặt hẹn ngay với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh, luật sư chuyên về doanh nghiệp, để được nhận ngay những ưu đãi trong dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên, định hướng chiến lược và pháp lý về ESG cho doanh nghiệp của bạn, và nhận về nhiều tài liệu tuyệt chiêu pháp lý doanh nghiệp, chiến thắng trên mọi mặt trận thương thảo kinh doanh.
XỬ PHẠT HÀNH VI KHÔNG PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TỪ 01/01/2025: ĐÃ KHẢ THI?
SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024), CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY (CSR) LAW IN THE CONTEXT OF INNOVATION IN VIETNAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2022), TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ NGHĨA VỤ HẠN CHẾ THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), XU HƯỚNG, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ
SCIENTIFIC PAPER: DO THI DIEU LINH (2024) POLICY AND PRACTICES OF CIRCULAR ECONOMY AND RECOMMENDATIONS FOR VIET NAM
LUẬT SƯ ĐỖ THỊ DIỆU LINH: HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LUẬT
HÀNH TRÌNH GIÁM ĐỐC THẨM - LỘI NGƯỢC DÒNG TÌM LẠI CÔNG LÝ
HỘI THẢO KHOA HỌC TĂNG TRƯỞNG XANH & VIỆC LÀM XANH 2024
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ: PHÁT THẢI RÒNG BẰNG 0 & PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM & ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)
HỘI THẢO KHOA HỌC: ĐỊNH HƯỚNG MÔI TRƯỜNG VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN LUẬT 2024
BÌNH LUẬN ÁN LỆ 21/2018/AL: ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
BÀI VIẾT KHOA HỌC: ĐỖ THỊ DIỆU LINH (2024), CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO, HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO VIỆC LÀM XANH TẠI VIỆT NAM: THỰC TIỄN & GIẢI PHÁP
[ÁN LỆ-DÂN SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 2)
[ÁN LỆ-HÀNH CHÍNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 3)
[ÁN LỆ-KINH DOANH THƯƠNG MẠI] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 5)
[ÁN LỆ-HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 4)
[ÁN LỆ-LAO ĐỘNG] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 6)
[ÁN LỆ-HÌNH SỰ] TỔNG HỢP 72 ÁN LỆ VIỆT NAM (PHẦN 1)
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2022
Ls. Đỗ Thị Diệu Linh: Giám khảo cuộc thi học thuật 2023