Thuê tài sản: TOP 4 kinh nghiệm thực tiễn & cách áp dụng án lệ giúp bạn giao dịch thắng lợi & TOP 4 lợi ích bạn thu được khi có luật sư đồng hành

Thuê tài sản là một loại giao dịch phổ biến trong đời sống, xuất hiện trong nhiều quan hệ khác nhau với chủ thể tham gia đa dạng, từ cá nhân đến tổ chức. Tuy vậy, hầu hết mọi người tham gia giao dịch ban đầu đều chỉ chú ý đến yếu tố kinh tế, mà có thể vội vàng bỏ qua các vấn đề pháp lý. Cho nên, không phải ai cũng hiểu rõ quy định pháp luật và biết cách ứng dụng tối ưu quy định cho giao dịch này. Và cũng vì vậy mà nhiều tranh chấp liên quan cũng đã xảy ra trên thực tế khiến các bên tổn hại nhiều về tài chính, kinh tế. 

Trong bài viết này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ mang lại cho bạn đọc những kiến thức pháp lý cơ bản, và chia sẻ đến bạn TOP 4 kinh nghiệm thực tiễn & cách áp dụng án lệ liên quan giúp bạn thắng lợi và thành công trong giao dịch thuê tài sản. Hãy cùng đón xem nhé!!

1. Hợp đồng thuê tài sản: Sự hình thành hợp đồng & Các quy định pháp luật liên quan

1.1 Sự hình thành giao dịch và hợp đồng

Giao dịch thuê tài sản phát sinh khi một bên có tài sản mà không hoặc chưa có nhu cầu dùng đến và muốn khai thác tài sản để thu về giá trị tương ứng, sự cung ứng này tương thích với nhu cầu của một bên khác muốn thuê để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân. 

Các bên tiến đến bắt đầu giao dịch bằng việc thương thảo và ký kết hợp đồng thuê tài sản, ghi nhận sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, và bên thuê phải trả tiền thuê cho bên cho thuê. Tài sản cho thuê rất đa dạng, có thể là bất động sản như nhà ở, đất đai hay động sản như xe cộ, máy móc, thiết bị... 

1.2 Quy định pháp luật liên quan

Hợp đồng này được ghi nhận và điều chỉnh chủ yếu bởi Bộ luật Dân sự, nơi quy định rõ ràng các điều kiện, nội dung, và nghĩa vụ của các bên. Những quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, tạo sự ổn định trong giao dịch.

Ngoài ra, với những tài sản thuê cụ thể là bất động sản như nhà ở, đất đai, hãy tham khảo các quy định chuyên ngành trong Luật đất đai 2024, Luật nhà ở 2014 sửa đổi bổ sung 2019, 2020; với những tài sản thuê cụ thể là hàng hoá, hãy tham khảo các quy định chuyên ngành trong Luật thương mại 2005, sửa đổi bổ sung 2017, 2019; hoặc tham khảo các bài viết chuyên sâu về từng giao dịch cụ thể tại website này được chia sẻ bởi Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh, giúp bạn nhanh chóng nắm bắt kiến thức và kinh nghiệm liên quan. 

2. TOP 4 kinh nghiệm pháp lý thực tiễn đáng chú ý trong giao dịch thuê tài sản

Giao dịch này thể hiện sự đa dạng của nó ở góc độ tài sản thuê thuộc các chủng loại khác nhau, mang tính chất pháp lý khác nhau. tài sản thuê có thể là bất động sản, đất đai, nhà ở, mặt bằng, máy móc, thiết bị, hàng hoá, gia súc... 

Do đó trước khi xác định TOP 4 kinh nghiệm pháp lý thực tiễn trong giao dịch, bạn đọc hãy hiểu rằng những điểm pháp lý này sử dụng chung cho tất cả và không phân biệt cụ thể tài sản thuê là gì. Ngoài ra, đối với từng loại tài sản thuê cụ thể, chúng sẽ có những điểm pháp lý đặc biệt của riêng chúng (ví dụ như hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà sử dụng cho mục đích khác...), thì thoả thuận trong hợp đồng cũng cần sự lưu ý đặc biệt khác mà chưa được đề cập trong 4 điểm dưới đây. Hãy cập nhật những bài viết chi tiết về từng loại tài sản thuê trên kênh youtube và website, fanpage của Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh, bạn nhé!!

Bây giờ hãy cùng tìm hiểu xem khi tham gia vào giao dịch này thì chúng ta cần nắm bắt những gì...

2.1 Xác định đối tượng tài sản thuê & tình trạng tài sản

Đối tượng của hợp đồng là tài sản các bên thoả thuận sẽ thuê - cho thuê, chúng rất đa dạng, và vì vậy, tuỳ thuộc vào từng loại tài sản thuê mà việc xây dựng hợp đồng sẽ khác nhau với những điều khoản cụ thể bám sát vào giao dịch. 

Tài sản thuê là điểm mấu chốt của giao dịch, do vậy cần được thể hiện rõ ràng cụ thể trong hợp đồng thuê tài sản, về chủng loại, số lượng, chất lượng, hiện trạng, tình trạng pháp lý liên quan. Dưới đây là 3 lý do chính khiến bạn nên đặc biệt chú ý đến việc thoả thuận kỹ càng về tài sản thuê:

  1. Việc thoả thuận rõ tài sản thuê giúp giảm thiểu tranh chấp phát sinh và cũng là cơ sở rõ ràng giúp giải quyết nhanh chóng tranh chấp nếu "lỡ" có phát sinh liên quan đến việc xác định tình trạng tài sản thuê khi giao - khi trả tài sản.
  2. Việc xác định rõ tài sản thuê sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý vững vàng để các bên thực thi các nghĩa vụ liên quan trong quá trình thuê, hạn chế tối đa tranh chấp phát sinh từ tài sản thuê.
  3. Việc kiểm tra chi tiết tài sản thuê giúp bên thuê đảm bảo được mục đích của mình khi thuê, tránh bị ảnh hưởng làm gián đoạn công việc liên quan đến tài sản thuê, giúp quá trình thuê diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và bên thuê đạt được hiệu quả khai thác tài sản thuê. 

Vì những lý do cần thiết trên, các bên, đặc biệt là bên thuê, hãy kiểm tra kỹ, xác định rõ ràng chủng loại, số lượng, chất lượng, hiện trạng, tình trạng pháp lý của tài sản thuê trước khi đặt bút ký hợp đồng. 

Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh chia sẻ với bạn đọc rằng việc không xác định rõ tình trạng tài sản ngay từ đầu sẽ dẫn đến những mâu thuẫn phát sinh khi không có cơ sở thẩm định ban đầu để đối chiếu những hư hỏng, sụt giảm giá trị, khuyết tật của tài sản mà trong quá trình sử dụng tài sản thuê mới phát hiện, hoặc khi giao trả tài sản thuê; hoặc có thể dẫn đến những gián đoạn trong quá trình sử dụng làm ảnh hưởng đến bên thuê khi phát sinh các vấn đề về tình trạng pháp lý của tài sản (bị phát mãi, bị kê biên, bị tranh chấp...). Mặc dù đây là "trách nhiệm trung thực" của bên cho thuê, nhưng để đảm bảo quyền lợi của mình trước tiên, thì bên thuê cũng nên kỹ càng trong công tác kiểm tra. 

2.2 Quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng, sửa chữa, cải tạo, tu bổ tài sản thuê

Những hao mòn tự nhiên, những trục trặc hư hỏng trong quá trình sử dụng là những điều thường thấy khi sử dụng tài sản, với tài sản thuê cũng không ngoại lệ. Do vậy, khi tham gia vào hợp đồng, hãy đảm bảo rằng mình hiểu rõ và thoả thuận kỹ càng những nội dung liên quan đến trách nhiệm sửa chữa, cải tạo, bảo quản tài sản thuê... bạn nhé!!

Dưới đây là các trách nhiệm liên quan bạn cần biết:

Một là, nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê:

Đây là trách nhiệm của bên cho thuê, phải bảo đảm tình trạng tài sản thuê như thoả thuận, phù hợp mục đích thuê trong suốt thời gian thuê, phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật tài sản (ngoại trừ những hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa trong quá trình sử dụng).

Hai là, nghĩa vụ sửa chữa, đổi tài sản thuê khi tài sản bị giảm sút giá trị:

Đây là trách nhiệm của bên cho thuê nếu việc giảm sút giá trị sử dụng của tài sản thuê không phải do lỗi của bên thuê gây ra. Trong trường hợp này, bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa, giảm giá thuê, đổi tài sản thuê khác hoặc có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

Bên thuê hãy lưu ý rằng hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ thực hiện khi tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết (bên bán không nói) hoặc không thể sửa chữa được mà dẫn đến mục đích thuê không đạt được. Quy định này góp phần giúp các bên sử dụng trọn vẹn sự thiện chí của mình trong việc duy trì và thực hiện hợp đồng, tránh tình trạng chấm dứt hợp đồng "vô tội vạ" gây ra nhiều thiệt hại kinh tế lớn hơn. 

Và trong những trường hợp có hư hỏng, giảm sút giá trị như vậy, bên thuê phải thực hiện việc thông báo cho bên cho thuê được biết kèm theo yêu cầu cụ thể, từ đó xác định trách nhiệm của bên cho thuê phải sửa chữa kịp thời trong một thời hạn hợp lý. Nếu bên cho thuê không sửa chữa, thì bên thuê có quyền tự sửa chữa với mức chi phí hợp lý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán lại chi phí sửa chữa - và bạn đọc lưu ý rằng, công tác này cũng phải được thông báo với bên cho thuê trước khi thực hiện nhé. 

Bạn thấy đấy, với quyền yêu cầu sửa chữa tài sản thuê, bên thuê phải tuân thủ một quy trình hợp lý để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho mình.

Và liệu rằng bạn có còn nhớ quy trình đơn phương chấm dứt hợp đồng mà Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh đã chia sẻ trước đây không??? - Hãy tuân thủ và đừng bỏ qua lưu ý này!! 

Hãy tham khảo lại Quy trình đơn phương chấm dứt hợp đồng tại đây, bạn nhé!!

Ba là, nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản thuê ổn định: 

Đây cũng là nghĩa vụ bên cho thuê phải thực hiện. Trong trường hợp bên thuê sử dụng tài sản thuê không ổn định do phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh. 

Một lần nữa, hãy lưu ý đến Quy trình Đơn phương chấm dứt hợp đồng mà Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh đã chia sẻ trước đây, bạn nhé!! 

Bốn là, nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê: 

Đây là trách nhiệm của bên thuê đối với tài sản thuê. phải bảo dưỡng và phải sửa chữa nhỏ khi cần thiết; nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường tương đương. 

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng bên thuê có quyền tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nhưng phải được sự đồng ý của bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán lại chi phí hợp lý đó. 

Năm là, nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng mục đích:

Đây là trách nhiệm của bên thuê, theo đó phải có trách nhiệm sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của nó và đúng mục đích đã thoả thuận. Tại đây, nếu việc này không được bảo đảm, thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh cũng lưu ý bên cho thuê hãy đảm bảo tuân thủ trọn vẹn Quy trình Đơn phương chấm dứt hợp đồng để tối ưu quyền lợi của chính mình nhé. Nếu bạn "lỡ" quên, thì hãy tham khảo lại tại đây.

2.3 Quyền cho thuê lại

Đây là một trong những quyền rất được bên thuê quan tâm khi thuê tài sản và khai thác tài sản, ngược lại, bên cho thuê lại có tâm lý quan ngại lo lắng khi cho bên thuê thực hiện quyền này vì mức độ hư hỏng, hao mòn tài sản cao hơn do có nhiều bên tham gia sử dụng.

Pháp luật quy định rằng việc cho thuê lại chỉ được diễn ra khi bên cho thuê đồng ý việc bên thuê cho thuê lại tài sản đã thuê mà thôi. Ngoại trừ trường hợp này, việc tự ý cho thuê lại đều không phù hợp.

Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh lưu ý bạn đọc rằng, nếu thống nhất quyền cho thuê lại được thực hiện thì sự thoả thuận này nên được thể hiện rõ trên hợp đồng cùng với các trách nhiệm liên quan, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình và quy chiếu trách nhiệm khi có các vấn đề phát sinh liên quan. 

2.4 Đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê tài sản

Việc thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng thuê tài sản cũng phức tạp không kém các loại hợp đồng khác. Dưới đây là những điểm pháp lý quan trọng mà Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh lưu ý đến bạn để giúp bạn có một giao dịch suôn sẻ và thành công, hãy đặc biệt chú ý nhé: 

  1. Thứ nhất, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng phải được thực hiện theo quy trình phù hợp để đảm bảo rằng bạn đang thực hiện quyền này đúng pháp luật. Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh đã xây dựng và giới thiệu đến bạn một Quy trình Đơn phương chấm dứt hợp đồng cơ bản áp dụng cho nhiều trường hợp, nếu bạn "lỡ" quên thì hãy tham khảo theo đường link này.
  2. Thứ hai, riêng hợp đồng thuê tài sản, các bên phát sinh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong nhiều trường hợp cụ thể, hãy xem lại mục 2.2 để biết những thời điểm phát sinh quyền này; đồng thời, đặc biệt lưu ý rằng quy trình đơn phương chấm dứt hợp đồng trong từng trường hợp cụ thể đó cũng cần sự biến hoá phù hợp tương ứng và bám sát vào thực tế giao dịch.
  3. Thứ ba, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nên được thoả thuận chi tiết trong hợp đồng thuê tài sản để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các bên cùng thực hiện. Và đừng vì bất kỳ lý do nào mà bỏ qua nội dung này bạn nhé. 

3. Án lệ liên quan đến hợp đồng thuê tài sản & hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng

Trong bài viết này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản, giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn và thu thập thêm kinh nghiệm pháp lý. 

Án lệ này tập trung chuyên sâu vào hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng, hơn là các vấn đề pháp lý của hợp đồng thuê tài sản, tuy nhiên, vì hành vi này được thực hiện trên cơ sở giao dịch thuê tài sản, do vậy, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh giới thiệu đến bạn trong phạm vi bài viết về hợp đồng thuê để giúp bạn tổng hợp trọn vẹn kiến thức và kinh nghiệm pháp lý liên quan, bạn nhé.

3.1 Nguồn án lệ

Án lệ 21/2018/AL được Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Nội dung này có nguồn gốc từ Quyết định giám đốc thẩm số 08/2016/KDTM-GĐT ngày 20/5/2016 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại "tranh chấp hợp đồng cho thuê tài sản" tại Quảng Ninh giữa nguyên đơn Công ty TNHH D và bị đơn Công ty cổ phần C. 

3.2 Tình huống 

Hợp đồng cho thuê tài sản có thời hạn, không có thoả thuận điều kiện chấm dứt hợp đồng, bên thuê chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng không được bên cho thuê đồng ý. Thời gian từ khi bên thuê có văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng quá ngắn dẫn đến bên cho thuê không thể có hợp đồng khác thay thế ngay trong thời gian còn lại của hợp đồng thuê. Bên cho thuê yêu cầu bên thuê phải thanh toán tiền thuê trong thời gian còn lại của hợp đồng. 

3.3 Giải pháp pháp lý được đưa ra

Trường hợp này, phải xác định bên thuê có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại gây ra cho bên cho thuê. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng. 

3.4 Nội dung pháp lý mấu chốt

Ngày 10/4/2006, công ty D cho công ty C thuê hai đầu máy vỏ thép và lai dắt tàu ra vào cảng 10-10 và cảng Khe Dây Quảng Ninh, có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31/12/2006 theo hợp đồng kinh tế số 1141/HĐ-CNQN. Trong hợp đồng không có thoả thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17/8/2006, công ty C có văn bản số 2349/INDEVCO thông báo chấm dứt hợp đồng từ ngày 20/8/2006 với lý do không có nhu cầu thuê hai đầu máy. Thời gian công ty C ra văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn, đã gây thiệt hại cho công ty D do không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay. Lỗi thuộc về công ty C nên phải có trách nhiệm bồi thường đối với khoản thiệt hại đã gây ra cho công ty D. Thiệt hại thực tế cần phải xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng. 

3.5 Bình luận ngắn (do Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh bình luận)

Lưu ý rằng bình luận ngắn này chỉ tập trung vào hợp đồng thuê, hành vi và thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng của công ty C, trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại tương ứng của công ty D.

3.5.1 Về hợp đồng thuê

Căn cứ Điều 122, Điều 480 Bộ luật dân sự 2005 (tương đương Điều 117, Điều 472 Bộ luật dân sự 2015), tài sản thuê là 2 đầu máy kéo và dây dắt tàu, một loại tài sản được cho thuê và thoả thuận thuê không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; chủ thể tham gia hợp đồng gồm công ty C và công ty D, các pháp nhân phù hợp về mặt chủ thể để tham gia hợp đồng; hợp đồng thuê có thoả thuận về thời gian thuê. 

3.5.2 Về hành vi và thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, hành vi ngăn chặn, hạn chế thiệt hại tương ứng

Căn cứ Điều 426 Bộ luật dân sự 2005 (tương đương Điều 428 Bộ luật dân sự 2015), bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, theo đó: công ty C đã thực hiện việc thông báo bằng văn bản 2349/INDEVCO đến công ty D, tuy nhiên, hành vi thông báo này không được thực hiện trong một khoảng thời gian hợp lý (từ 17/8/2006 đến 20/8/2006 chỉ có 03 ngày).

Toà án đã nhận định rằng với một khoảng thời gian quá ngắn như vậy, công ty D không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay dẫn đến thiệt hại được xác định tương đương với số tiền cho thuê trong thời gian còn lại mà lẽ ra công ty D có thể thu được nếu hợp đồng này vẫn tiếp diễn và không có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng của công ty C. Đây là một nhận định rất hợp lý, phù hợp với thực tiễn giao dịch và cũng hoàn toàn phù hợp với quy định về trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại được bổ sung trong Bộ luật dân sự 2015 tại Điều 362 (mà trước đây Bộ luật dân sự 2005 chưa có - nhưng đã có trong Luật thương mại 2005 cùng thời điểm đó - Điều 305. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất).

Theo đó, lẽ ra nếu việc thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng được thực hiện với một thời hạn dài hơn đáp ứng quy định về "sự hợp lý" trong thông báo, thì công ty D đã có thêm thời gian để tìm kiếm một hoặc nhiều bên thuê khác thay thế cho việc thuê của công ty C - hành động tìm kiếm bên thuê khác được đánh giá là một trong những biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất - từ đó giúp công ty D hạn chế những tổn thất có thể xảy ra do hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê của công ty C. Và cũng từ đó, thiệt hại có thể được giảm bớt. 

Tham khảo bình luận chi tiết về toàn bộ án lệ 21/2018/AL tại đây.

3.6 Những kinh nghiệm rút ra từ án lệ 21/2018/AL

Một là, hãy đảm bảo quy trình đơn phương chấm dứt hợp đồng phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là yếu tố "thời gian hợp lý". 

Hai là, hãy thể hiện trọn vẹn thiện chí giao dịch bằng việc chọn thực hiện trách nhiệm hạn chế tổn thất nếu trong trường hợp có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng xảy ra. 

4. TOP 4 lợi ích bạn thu được khi có luật sư đồng hành trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện hợp đồng

Khi tham gia vào các giao dịch, việc thuê luật sư để soạn thảo và tư vấn hợp đồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực mà thông thường bạn đọc không nhận thấy ngay lập tức. Dưới đây là TOP 4 lợi ích khiến bạn nhận ra sự xứng đáng khi sở hữu một dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp từ luật sư: 

4.1 Soạn thảo, rà soát hợp đồng chuyên nghiệp

Người có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực hợp đồng sẽ giúp bạn soạn thảo một bản hợp đồng thuê tài sản chặt chẽ, đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật và rà soát hợp đồng bám sát vào giao dịch cụ thể mà bạn tham gia. Một hợp đồng được soạn thảo bài bản, rà soát kỹ càng sẽ giúp bảo vệ tối ưu quyền lợi của bạn. 

Và bạn cũng lưu ý rằng, việc chỉ sử dụng hợp đồng mẫu tuỳ ý mà không thoả thuận sâu sát vào giao dịch sẽ khiến bạn gặp phải nhiều tình huống "dở khóc dở cười", những tranh chấp tốn kém, những vấn đề pháp lý phát sinh mà vốn dĩ có thể dự liệu và hạn chế được. 

4.2 Tư vấn pháp lý toàn diện

Ngoài việc soạn thảo, rà soát hợp đồng, họ còn cung cấp tư vấn pháp lý toàn diện và chi tiết, dự liệu và phân tích các tình huống, rủi ro tiềm ẩn trong giao dịch, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, điều này đặc biệt hữu ích hơn khi họ đồng hành cùng bạn trong quá trình thực hiện hợp đồng để kịp thời giúp bạn giải quyết vấn đề phát sinh nhằm tránh nhiều hậu quả nặng nề hơn. 

Công tác đồng hành và tư vấn pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng không chỉ giúp các bên có cái nhìn khách quan mà còn đưa ra các quyết định sáng suốt hơn. Sự tư vấn của luật sư còn giúp các bên hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, từ đó nâng cao khả năng thực hiện hợp đồng một cách hiệu quả và đúng đắn.

4.3 Đàm phán và thương lượng hiệu quả

Luật sư cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán, thương lượng. Với kỹ năng và sự nhạy bén trong thương thuyết, họ có thể giúp bên thuê hoặc bên cho thuê đạt được thỏa thuận tốt nhất, đồng thời bảo vệ quyền lợi tối ưu cho các bên trong quá trình đàm phán.

Bạn lưu ý rằng, việc đàm phán có thể xảy ra ngay từ giai đoạn đầu - đàm phán ký kết hợp đồng, cũng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng khi có vấn đề phát sinh mà các bên cần đàm phán - đàm phán giải quyết vấn đề, và cũng có thể xảy ra trong quá trình các bên giải quyết tranh chấp hợp đồng - đàm phán giải quyết tranh chấp. Bất kỳ giai đoạn nào, đàm phán cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hãy đảm bảo rằng bạn có người đồng hành pháp lý cùng bạn hoặc đại diện cho bạn tham gia đàm phán để giúp bạn tối ưu quyền lợi, tối ưu lợi ích giao dịch. 

Hơn nữa, sự hiện diện của họ trong các cuộc thương lượng không chỉ tạo thêm uy tín cho bạn mà còn làm tăng tính chuyên nghiệp trong quá trình giao dịch.

4.4 Giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê tài sản

Trong trường hợp tranh chấp hợp đồng phát sinh, việc tự tham gia thường khiến bạn mệt mỏi, stress, mất thời gian, tốn kém chi phí nếu không biết cách thực hiện, không có định hướng, phương án xử lý rõ ràng. 

Thay vì vậy, hãy sở hữu một luật sư có thể đại diện giúp bạn tranh tụng tại toà án, trọng tài để giúp bạn tiết kiệm thời gian sử dụng cho hoạt động kinh doanh khác.  Đồng thờ, họ có thể xây dựng định hướng, kế hoạch giải quyết tranh chấp cụ thể, giúp bạn định hình rõ những việc cần làm, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong mọi hành động. Hơn nữa, hoạt động tranh tụng sẽ trở nên thuyết phục hơn, hiệu quả hơn với sự tham gia của luật sư, thay vì bạn "tự thân vận động" với vốn kinh nghiệm pháp lý không nhiều. 

Với những lợi ích này, hi vọng rằng bạn sẽ có một quyết định sáng suốt vào thời điểm thích hợp để sở hữu một luật sư đồng hành cùng bạn. 

5. Đặt hẹn Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Nếu bạn đang gặp khó khăn pháp lý trong quá trình soạn thảo, thực hiện hợp đồng hoặc chưa có kế hoạch cụ thể cho giao dịch của mình, hãy đặt hẹn ngay với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh qua các kênh phương tiện sau đây, một dịch vụ pháp lý tốt đang chờ đợi bạn:

Điện thoại | Zalo: (+84) 968 797 291

Email: dtdlinh511@gmail.com

Facebook: Ls Đỗ Thị Diệu Linh 

Youtube: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Linked In: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Kết luận

Hợp đồng thuê tài sản là một lĩnh vực quan trọng với sự xuất hiện dày đặc trong giao dịch thường ngày. Việc nắm vững các kiến thức và quy định pháp lý liên quan sẽ giúp các bên tham gia bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình. Qua bài viết này, hy vọng rằng bạn đọc đã có cái nhìn tổng quát và sâu sắc hơn về các vấn đề liên quan đến vấn đề pháp lý này, từ đó có những quyết định đúng đắn trong các giao dịch của mình.

Đừng ngần ngại liên hệ đặt hẹn ngay với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh để nhận ngay những ưu đãi trong dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp, dịch vụ tư vấn pháp luật doanh nghiệp, gói tư vấn quản lý và vận hành doanh nghiệp trọn đời, cập nhật kiến thức và mẹo pháp lý mới nhất hữu ích nhất, và nhận về nhiều tài liệu tuyệt chiêu pháp lý, chiến thắng trên mọi mặt trận thương thảo kinh doanh và đời sống.