Quyền từ chối nhận di sản thực hiện như thế nào? Khi nào có quyền từ chối nhận di sản? Các trường hợp đặc biệt cần lưu ý?

Từ chối nhận di sản không phải là trường hợp hiếm gặp trên thực tế. Có nhiều người vì muốn nhường lại phần thừa kế của mình cho người khác, hoặc không có nhu cầu nhận tài sản thêm, hoặc thậm chí vì những lý do tiêu cực và vi phạm quy định pháp luật như muốn trốn tránh một nghĩa vụ nào đó nên đã đi đến quyết định từ chối phần di sản mà lẽ ra mình được chia. Tuy vậy, không phải trường hợp nào cũng được phép từ chối, hãy cùng luật sư tìm hiểu chi tiết nhé.

1. Khái niệm từ chối nhận di sản 

Từ chối nhận di sản là hành động pháp lý của người có quyền thừa kế hợp pháp thể hiện việc không muốn nhận phần di sản mà mình đáng lẽ ra được hưởng từ người để lại di sản. Việc từ chối phải tuân thủ các quy định pháp luật để có hiệu lực.

2. Quy định pháp luật & Hệ quả của việc từ chối nhận di sản

2.1 Quy định pháp luật về từ chối nhận di sản

Từ chối nhận di sản được quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015. Trong đó:

Chủ thể quyền: người có quyền thừa kế hợp pháp có quyền từ chối nhận di sản, trừ những trường hợp từ chối nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với người người khác. 

Ví dụ: A được nhận thừa kế của người cha đã mất một mảnh đất, nhưng A làm văn bản từ chối nhận thừa kế, chỉ vì A đang nợ B một khoản tiền trị giá 1.000.000.000 đồng và không muốn trả cho B. Việc từ chối của A không được pháp luật công nhận.

Hình thức thực hiện: lập văn bản từ chối nhận di sản, tốt hơn hết là có công chứng, chứng thực để đảm bảo tính pháp lý. Sau đó, việc từ chối được thông báo đến những người liên quan để biết.

Thời gian thực hiện: việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản thừa kế.

2.2 Hệ quả pháp lý của việc từ chối nhận di sản

Người từ chối nhận di sản sẽ mất quyền thừa kế, không nhận được phần thừa kế đã chối. Phần di sản đã từ chối nhận sẽ được chuyển giao cho các đồng thừa kế khác theo quy định pháp luật.

Người từ chối nhận di sản, tức từ chối quyền được hưởng thừa kế, thì đồng thời những nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản để lại cũng không phải chuyển giao cho người từ chối nhận di sản.

3. Quy trình thực hiện từ chối nhận di sản

Bước 1: lập văn bản từ chối nhận di sản

Người từ chối nhận di sản lập văn bản ghi nhận nội dung từ chối nhận di sản, trong đó nêu rõ thông tin cá nhân của người từ chối di sản, ai là người để lại di sản, chi tiết thông tin di sản mà mình từ chối.

Thông thường, việc từ chối di sản cần được lập tại các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực như uỷ bạn nhân dân cấp xã, văn phòng công chứng...

Bước 2: gửi và thông báo việc từ chối nhận di sản

Việc thông báo thông tin từ chối nhận di sản và gửi văn bản từ chối nhận di sản là nghĩa vụ của người từ chối nhận di sản, gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Kết luận

Việc từ chối nhận di sản không phải lúc nào cũng được pháp luật công nhận, mà cần được thực hiện đúng quy định pháp luật để đảm bảo việc khai nhận di sản thừa kế được thuận lợi và đúng quy định pháp luật, đồng thời cũng đảm bảo minh bạch và rõ ràng về quyền và nghĩa vụ liên quan giữa các đồng thừa kế. Hiểu rõ các quy định và lưu ý sẽ giúp bạn thực hiện quy trình này một cách hiệu quả và hợp pháp. Hãy liên hệ luật sư khi cần thiết để bảo vệ tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của bạn nhé.