Chia thừa kế di sản theo pháp luật có những đặc điểm gì, quy định ra sao? Làm thế nào để chia thừa kế một cách nhanh chóng và phù hợp?

Chia thừa kế là một quá trình hầu như nhà nhà người người đều sẽ gặp phải, nhìn chung rất phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết về pháp luật để đảm bảo quyền lợi của nhiều đối tượng tham gia. Bài viết này luật sư sẽ tổng hợp quy định pháp luật về chia thừa kế và một số lời khuyên hữu ích cho bạn.

1. Tổng quan quy định về chia thừa kế

1.1 Các loại chia thừa kế

Chia thừa kế được phân chia thành 02 loại chính, gồm: Chia thừa kế theo di chúc và chia thừa kế theo pháp luật. 

Bài viết này tập trung vào nội dung chia thừa kế theo pháp luật và đưa ra lời khuyên cho bạn đọc đối với trường hợp chia thừa kế theo pháp luật. 

Trường hợp bạn đọc gặp phải việc chia thừa kế theo di chúc, mời bạn tham khảo tại đây.

1.2 Quy định về chia thừa kế theo pháp luật

1.2.1 Khái niệm & nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, việc chia thừa kế theo pháp luật tuân thủ điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Việc chia thừa kế theo pháp luật diễn ra trong trường hợp sau đây:

  • ► Không có di chúc hoặc di chúc nhưng không hợp pháp, không được công nhận.
  • ► Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc, hoặc tổ chức được hưởng thừa kế khnog còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế nữa.
  • ► Người được chỉ định thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
  • ► Có phần tài sản không được định đoạt trong di chúc hợp pháp, hoặc có được định đoạt trong di chúc nhưng phần định đoạt đó không có hiệu lực pháp luật.

Thừa kế theo pháp luật được chia theo nguyên tắc:

  • ► Tuân thủ trình tự hàng thừa kế: do pháp luật quy định.
  • ► Bình đẳng, công bằng: quyền thừa kế bằng nhau trong cùng một hàng thừa kế.

1.2.2 Hàng thừa kế theo pháp luật

Pháp luật quy định những người thừa kế theo pháp luật là những người sau đây và theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

b) Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

c) Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế khi tất cả người thừa kế ở hàng trước mình không còn ai do đã chết, do không có quyền hưởng di sản, do bị truất quyền hưởng di sản hoặc do đã từ chối nhận di sản.

1.3 Những trường hợp đặc biệt trong chia thừa kế theo pháp luật

1.3.1 Người thừa kế đã thành thai mà chưa sinh ra có được hưởng thừa kế không?

Nếu có người thừa kế đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì pháp luật quy định vẫn phải dành một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; còn nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

1.3.2 Di sản không chia bằng hiện vật được thì giải quyết thế nào?

Những người chia thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản bằng hiện vật. Trường hợp không chia được bằng hiện vật thì có thể thoả thuận với nhau về giá trị của hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật, đồng thời thông thường cũng thoả thuận luôn việc người nhận hiện vật này sẽ thối lại bằng giá trị cho những phần thừa kế tương đương khác. Trường hợp không thoả thuận được với nhau thì hiện vật sẽ được bán để chia. 

1.3.3 Thừa kế thế vị là gì?

Thừa kế thế vị là một trường hợp đặc biệt trong chia thừa kế theo pháp luật, về việc xác định quyền thừa kế của người được hưởng thừa kế mà chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản.

"Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."

1.3.4 Ly hôn mà vợ hoặc chồng chết để lại di sản thì có được hưởng thừa kế không?

Nếu đang xin ly hôn chưa được công nhận chính thức ly hôn mà vợ hoặc chồng chết thì người còn lại vẫn được thừa kế di sản. 

1.4 Thứ tự ưu tiên thanh toán trong chia thừa kế theo pháp luật

Việc phân chia thừa kế theo pháp luật ngoài liên quan đến những người thừa kế thì còn liên quan đến các nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại cũng như các khoản chi phí liên quan. Do vậy, pháp luật quy định lần lượt các thứ tự ưu tiên khi chia thừa kế như sau:

i) Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

ii) Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

iii) Chi phí bảo quản di sản.

iv) Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

v) Tiền công lao động.

vi) Tiền bồi thường thiệt hại.

vii) Tiền thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước.

viii) Các khoản nợ cá nhân, nợ pháp nhân.

ix) Tiền phạt.

x) Các chi phí khác.

Việc quy định thứ tự thanh toán khi chia thừa kế là nhằm mục đích đảm bảo những hệ quả pháp lý mà người chết để lại vẫn phải được giải quyết theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước mà người chết có nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên thứ ba là cá nhân, pháp nhân có liên quan đến người đã chết.

2. Quy trình chia thừa kế theo pháp luật

Bước 1: Xác định di sản mà người chết để lại

Liệt kê tài sản: những người liên quan tổng hợp và liệt kê toàn bộ tài sản của người đã chết để lại, bao gồm bất động sản và động sản.

Xác định quyền sở hữu: những người liên quan kiểm tra và xác định các tài sản được liệt kê là thuộc sở hữu, sử dụng hợp pháp của người chết thông qua các tài liệu, chứng từ. 

Xác định giá trị: kiểm tra và ước định giá trị sơ bộ của từng tài sản để định hướng việc phân chia.

Bước 2: Kiểm tra sự tồn tại của di chúc là có hay không

Những người thừa kế theo pháp luật phải kiểm tra và xác định chắn chắn việc không tồn tại di chúc thì mới tiến tới việc chia thừa kế theo pháp luật. 

Trường hợp có tồn tại di chúc thì không thể chia thừa kế theo pháp luật mà phải thực thi di chúc nếu di chúc là hợp pháp. Trường hợp xác định có di chúc nhưng nghi ngờ tính hợp pháp thì buộc phải khởi tạo một tranh chấp liên quan đến việc yêu cầu toà án tuyên bố di chúc không có hiệu lực pháp luật. 

Bước 3: Xác định hàng thừa kế

Những người liên quan kiểm tra tính hợp pháp và xác định những người nào thuộc hàng thừa kế theo thứ tự từ hàng một đến hàng ba.

Đồng thời kiểm tra các yếu tố khác của những người thừa kế này có bị truất quyền thừa kế không, có từ chối nhận di sản không, có thuộc trường hợp không được hưởng di sản hay không... sau đó tiến hành loại trừ nếu có. 

Bước 4: Mở thừa kế và Họp mặt để phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Sau khi thông báo mở thừa kế, những người được xác định là người thừa kế tiến hành khai nhận và phân chia di sản thừa kế. Việc phân chia thừa kế được thực hiện theo quy định pháp luật như hướng dẫn trên. 

Việc khai nhận và phân chia di sản cần được lập bằng văn bản và công chứng, chứng thực đầy đủ dể đảm bảo hiệu lực pháp luật. 

Trong quá trình phân chia di sản thừa kế, nếu một trong những người thừa kế không đồng thuận và có tranh chấp, thì tranh chấp về thừa kế này buộc phải giải quyết theo quy trình tố tụng tại toà án nếu không thoả thuận thành công. 

Việc phân chia di sản hoàn toàn có thể bị huỷ bỏ bởi toà án nếu có sự vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của người thừa kế hoặc bên thứ ba khác.

3. Lời khuyên hữu ích dành cho bạn khi chia thừa kế theo pháp luật

Dưới đây là một số lời khuyên mà luật sư gửi bạn đọc tham khảo nhằm hiểu rõ những việc bạn cần làm trong quá trình chia thừa kế theo pháp luật. Hi vọng chúng sẽ giúp cho bạn:

Thứ nhất, nên xác định chắc chắn về tính hợp pháp của các loại di sản mà người chết để lại nhằm đảm bảo việc phân chia là phù hợp.

Thứ hai, nên kiểm tra thật kỹ về sự tồn tại của di chúc, việc gửi giữ di chúc của người chết đôi khi cũng làm cho những người thừa kế xác định thiếu thông tin dẫn đến việc  chia thừa kế theo pháp luật không được công nhận. 

Thứ ba, hãy chắc chắn việc xác định đầy đủ hàng thừa kế, người thừa kế, một mặt đảm bảo quyền lợi của người thừa kế, mặt khác đảm bảo việc phân chia thừa kế theo pháp luật được pháp luật công nhận là hợp pháp.

Thứ tư, cần đảm bảo về mặt hình thức của các giấy tờ khai nhận thừa kế để đảm bảo hiệu lực pháp luật của việc khai nhận.

Thứ năm, hãy đảm bảo bạn và người thân hiểu rõ các nội dung pháp luật quy định và quy trình chia thừa kế theo pháp luật để quá trình thực hiện được suôn sẻ, tránh tình trạng vướng mắc tranh chấp khi tiến hành. 

Hãy tìm gặp và nhờ luật sư tư vấn ngay từ đầu để đảm bảo việc thực hiện khai nhận thừa kế của gia đình bạn đi đúng định hướng, kế hoạch chi tiết rõ ràng; đồng thời cũng để đảm bảo những tranh chấp xảy ra nếu có được giải quyết một cách suôn sẻ và nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.

Kết luận

Chia thừa kế theo pháp luật là một quá trình nhiều khó khăn và đòi hỏi sự hiểu biết về pháp luật cũng như sự chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng. Hãy chắc chắn mình có một định hướng rõ ràng và kế hoạch chi tiết từ lúc bắt đầu để công việc được thuận lợi. Nếu gặp khó khăn thì tốt hơn hết bạn hãy nhờ luật sư chuyên nghiệp tư vấn và định hướng thay bạn để đạt được hiệu quả mà mình mong muốn khi chia thừa kế theo pháp luật, bạn nhé.