HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN TÀI SẢN: TOP 7 ĐIỂM PHÁP LÝ ĐÁNG CHÚ Ý & LỢI ÍCH BẠN THU ĐƯỢC KHI CÓ LUẬT SƯ ĐỒNG HÀNH 

Vận chuyển tài sản là một phần nội dung quan trọng trong hoạt động thương mại và logistics. Việc hiểu rõ các quy định pháp lý xung quanh hoạt động này không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia mà còn giúp tránh những rủi ro và tranh chấp không mong muốn.

Trong bài viết này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ tổng quan quy định pháp luật về vận chuyển tài sản, giúp bạn hình dung bức tranh cơ bản về vận chuyển tài sản, đồng thời giúp bạn chỉ điểm TOP 7 vấn đề pháp lý cực kỳ đáng lưu tâm trong hợp đồng về vận chuyển tài sản nhé!

1. Hợp đồng vận chuyển tài sản: Tổng quan và các quy định pháp luật liên quan

1.1 Tổng quan về vận chuyển tài sản & hợp đồng thoả thuận hoạt động vận chuyển tài sản

Vận chuyển tài sản là một hoạt động trong một chuỗi cung ứng dịch vụ logistic có liên quan đến hàng hoá, với sự tham gia của bên vận chuyển, bên thuê vận chuyển.

Hoạt động vận chuyển trên thực tế được xác lập và thực hiện thông qua văn bản (hợp đồng), lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể đều được ghi nhận. 

Hợp đồng trong hoạt động vận chuyển tài sản được định nghĩa là một thỏa thuận giữa hai bên, trong đó một bên (bên vận chuyển) sẽ thực hiện nghĩa vụ vận chuyển tài sản của bên kia (bên thuê vận chuyển) đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản cho bên có quyền nhận, đồng thời bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Đây là một loại hợp đồng phổ biến trong lĩnh vực thương mại, đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng. 

1.2 Quy định pháp luật liên quan đến vận chuyển tài sản

Pháp luật cơ bản điều chỉnh các vấn đề chung về vận chuyển tài sản (vận chuyển hàng hóa), bao gồm cả vận chuyển đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. 

  1. Bộ luật dân sự 2015: quy định chung và tổng thể về loại hình vận chuyển tài sản, hợp đồng, quyền và nghĩa vụ liên quan của các bên, cước phí, trách nhiệm bồi thường thiệt hại...
  2. Luật thương mại quy định chi tiết hơn về vận chuyển trong chuỗi dịch vụ logistics, trong đó nổi bật về quyền cầm giữ và định đoạt hàng hoá. 

Ngoài ra, mỗi phương thức vận chuyển đều có những quy định riêng khác, ví dụ:

  1. Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015: Điều chỉnh các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, bao gồm hợp đồng, loại hình hợp đồng, quyền và nghĩa vụ liên quan, quyền vận tải biển nội địa nói chung, chi phí, phụ thu, các vấn đề về miễn trách nhiệm...
  2. Luật Giao thông đường bộ 2008, sửa đổi bổ sung 2018, 2019: Điều chỉnh cụ thể về vận tải hàng hóa qua đường bộ (bằng xe ô tô), quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan...
  3. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi bổ sung 2014: Quy định chi tiết về vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. trong đó bao gồm hợp đồng, vận đơn, vận đơn hàng không thứ cấp, biên lai, quyền và nghĩa vụ, quan hệ giữa các bên, các trường hợp bị từ chối vận chuyển, các quyền định đoạt hàng hoá, thanh lý hàng hoá...

Ngoài các luật này, còn có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành từ các Bộ, Ngành nhằm cung cấp những quy định chi tiết hơn về vận chuyển tài sản.

1.3 Tầm quan trọng của hợp đồng trong hoạt động vận chuyển tài sản

Việc ký kết hợp đồng trong hoạt động vận chuyển tài sản không chỉ đơn thuần là một thủ tục mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đầu tiên, hợp đồng giúp xác lập trách nhiệm của các bên liên quan, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp phát sinh nếu có, đặc biệt là các loại vận chuyển phức tạp, nhiều khâu trung gian, nhiều bên tham gia, hàng hoá siêu trường siêu trọng, hàng hoá nguy hiểm, động vật sống hoặc các loại hàng hoá đặc biệt khác. 

Việc hiểu rõ khái niệm và quy định pháp luật sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thực hiện các hoạt động vận chuyển tài sản, đồng thời cũng trang bị cho bạn kiến thức cần thiết để nhận diện các rủi ro trong quá trình thương thảo hợp đồng.

2. TOP 7 vấn đề quan trọng cần quan tâm khi soạn thảo hợp đồng thoả thuận về hoạt động vận chuyển tài sản

Một hợp đồng về hoạt động vận chuyển tài sản sẽ có rất nhiều điều khoản khác nhau tuỳ thuộc vào hoạt động vận chuyển, loại hình vận chuyển cụ thể khác nhau. Để cô đọng nội dung truyền tải giúp bạn đọc dễ nắm bắt, trong phần này, Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh sẽ giới thiệu đến bạn TOP 7 điều quan trọng mà bạn phải lưu tâm khi tham gia vào hợp đồng này.

Bạn lưu ý rằng ngoài những điều khoản được đánh giá là quan trọng dưới đây, một hợp đồng vận chuyển còn phải có các điều khoản khác thể hiện rõ và đầy đủ nội dung thoả thuận giữa các bên, bạn nhé!

2.1 Đối tượng vận chuyển & Hành trình vận chuyển

Bạn bắt buộc phải nêu rõ loại tài sản được vận chuyển, bao gồm số lượng, trọng lượng, kích thước, và tính chất của tài sản - vấn đề tính chất là nội dung cực kỳ quan trọng, bất kể hình thức vận chuyển là đường bộ, đường biển hay đường hàng không, vì bản chất của nó liên quan đến sự an toàn của tất cả các bên tham gia và trực tiếp vận chuyển - tuy vậy, hầu như trên thực tế vấn đề này chưa thực sự được chú trọng lắm trong giao dịch. Do đó, hi vọng rằng sau khi được tiếp cận bài viết này, bạn sẽ có một góc nhìn mới và chỉn chu hơn trong công tác vận chuyển tài sản.

Hãy lưu ý đến các quy định cụ thể về các đối tượng vận chuyển cụ thể như động vật sống, hàng hoá nguy hiểm, hàng siêu trường siêu trọng... cùng các điều kiện, yêu cầu về giấy phép trong trường hợp bắt buộc.

Đồng thời, hãy mô tả điểm khởi hành, xuất phát, điểm đến, thời gian vận chuyển, và các tuyến đường cụ thể, cùng với phương thức vận chuyển sẽ sử dụng. Điều này đảm bảo sự phù hợp với đối tượng vận chuyển đã định và xác định trách nhiệm của các bên trong trường hợp có sai sót, thay đổi.

2.2 Chứng từ, vận đơn 

2.2.1 Chứng từ, bộ chứng từ

Chứng từ vận chuyển là tài liệu ghi nhận thông tin về hàng hóa, hành trình vận chuyển, và quyền lợi của các bên liên quan. Đây là một phần không thể thiếu và nên được thoả thuận rõ trong hợp đồng.

Những tài liệu có thể được bao gồm trong bộ chứng từ vận chuyển:

  1. Vận đơn (Bill of Lading): Là chứng từ chính, đóng vai trò biên nhận hàng hóa, bằng chứng của hợp đồng vận chuyển, và công cụ để chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa.
  2. Phiếu đóng gói (Packing List): Liệt kê chi tiết hàng hóa đóng gói.
  3. Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice): Chứng minh giá trị hàng hóa, phục vụ mục đích thanh toán và hải quan.
  4. Chứng từ bảo hiểm: Xác nhận quyền lợi bảo hiểm đối với hàng hóa trong trường hợp mất mát hoặc hư hỏng.

Theo pháp luật Việt Nam và quốc tế, chứng từ vận chuyển cần đảm bảo: Chính xác, đầy đủ, và phù hợp với nội dung hợp đồng; thời gian và cách thức giao chứng từ phù hợp với các thỏa thuận hoặc quy định pháp luật.

2.2.2 Vận đơn

Vận đơn là một loại chính trong bộ chứng từ vận chuyển. Vận đơn do người vận chuyển phát hành, xác nhận đã nhận hàng để vận chuyển. Có thể phân chia thành một số loại vận đơn như sau và được sử dụng tuỳ theo từng hoạt động vận chuyển sao cho phù hợp:

  1. Vận đơn theo lệnh (Order Bill of Lading): Có thể chuyển nhượng.
  2. Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading): Chỉ giao hàng cho người nhận được ghi tên.
  3. Vận đơn theo thỏa thuận (Negotiable Bill of Lading): Có thể chuyển nhượng khi đáp ứng điều kiện ký hậu.

Mỗi hình thức vận chuyển có yêu cầu cụ thể về vận đơn khác nhau. Chẳng hạn như, với vận chuyển đường biển thì có một loại vận đơn đặc biệt gọi là "vận đơn suốt đường biển", Hãy kiểm tra thật kỹ từng quy định để đảm bảo vận đơn phù hợp và đáp ứng quy định pháp luật cho loại vận chuyển mà bạn đang sử dụng nhé.

2.3 Quyền từ chối vận chuyển

Quyền từ chối vận chuyển cho phép người vận chuyển từ chối vận chuyển trong một số trường hợp nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn. 

Có thể hình dung cơ bản quyền từ chối vận chuyển phát sinh trong các trường hợp sau đây:

  1. Tài sản bị cấm giao dịch: người vận chuyển có quyền từ chối nếu biết rằng tài sản được yêu cầu vận chuyển là tài sản bị cấm giao dịch.
  2. Hàng hóa không phù hợp, không đúng với thoả thuận hợp đồng: Người gửi hàng đã gửi hàng hoá khác với hàng hoá đã thoả thuận trong hợp đồng, thì quyền từ chối vận chuyển có thể phát sinh.
  3. Người gửi hàng không tuân thủ điều kiện và hướng dẫn của người vận chuyển: các yêu cầu cụ thể về bao bì, đóng gói, ký hiệu, mã hiệu hàng hóa... buộc người gửi hàng phải tuân thủ nhưng người gửi hàng đã không tuân thủ, thì quyền từ chối vận chuyển phát sinh.
  4. Các trường hợp khác theo luật định...

Lưu ý rằng, việc từ chối phải được thực hiện một cách minh bạch và thông báo kịp thời cho bên thuê vận chuyển. Việc từ chối không phù hợp quy định pháp luật có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu gây ra thiệt hại. 

2.4 Rủi ro vận chuyển tài sản

Rủi ro vận chuyển tài sản là những sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển như mất mát, hư hỏng, thất thoát, hoặc chậm trễ. Điều khoản này quy định rõ bên nào chịu trách nhiệm khi các rủi ro xảy ra và trong các trường hợp nào.

Chẳng hạn, rủi ro thường gặp trong vận chuyển hàng hải là những rủi ro xảy ra liên quan đến hành trình đường biển, bao gồm các rủi ro của biển, cháy, nổ, chiến tranh, cướp biển, trộm cắp, kê biên, quản thúc, giam giữ, ném hàng xuống biển, trưng thu, trưng dụng, trưng mua, hành vi bất hợp pháp và các rủi ro tương tự hoặc những rủi ro khác được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Hãy lưu ý đến những thoả thuận quan trọng sau đây:

Thứ nhất, thời điểm chuyển giao rủi ro:

  • Nếu không thỏa thuận: Theo quy định tại Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015, rủi ro sẽ chuyển từ bên vận chuyển sang bên nhận tài sản khi tài sản được giao cho bên nhận tài sản đúng thời hạn, địa điểm.
  • Nếu có thỏa thuận: Hợp đồng có thể thoả thuận về thời điểm chuyển giao rủi ro khác tuỳ thuộc vào từng giao dịch cụ thể, ví dụ khi tài sản được đưa lên phương tiện vận chuyển, xếp tại bãi, kho...

Thứ hai, trách nhiệm chịu rủi ro:

  • Các trách nhiệm của người vận chuyển khi rủi ro xảy ra do lỗi của họ (ví dụ: lái xe không an toàn, xếp dỡ, bảo quản không đúng cách).
  • Trách nhiệm này cũng có thể thuộc về bên xếp dỡ (mà không phải là bên vận chuyển) nếu có tham gia hoặc theo quy định về vận chuyển hàng hoá bắt buộc tham gia.
  • Các trường hợp bất khả kháng có thể miễn trừ trách nhiệm của các bên liên quan.

2.5 Bảo hiểm

Đây là một phần quan trọng có thể được thoả thuận thành một điều khoản riêng biệt trong hợp đồng hoặc trong phạm vi thoả thuận về rủi ro trong vận chuyển tài sản. Điều khoản thoả thuận yêu cầu bên có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm hàng hóa để giảm thiểu rủi ro tài chính.

Trong các dạng vận chuyển điển hình như vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, hoặc trường hợp cụ thể khác, hợp đồng bảo hiểm nói chung (bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm hàng không) sẽ được nhắc đến, đi đôi với hợp đồng về hoạt động vận chuyển tài sản. Khi đó đối tượng bảo hiểm sẽ rộng mở hơn, có thể là bất kỳ quyền lợi vật chất nào có thể quy ra tiền liên quan đến hoạt động vận chuyển (hàng hải, hàng không).

2.6 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Đây là một loại chế tài thương mại được áp dụng thường xuyên trong các giao dịch thương mại, kể cả vận chuyển tài sản. Trách nhiệm này được quy định cụ thể trong nhiều quy định khác nhau, điển hình như Bộ luật dân sự, Luật thương mại, và các Luật chuyên ngành khác. 

Hãy đặc biệt lưu ý đến điều khoản thoả thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các thoả thuận về thiệt hại ấn định trước, hoặc các loại chế tài thương mại khác phù hợp với giao dịch cụ thể của bạn, nhằm đảm bảo quyền lợi khi tham gia vào công tác vận chuyển tài sản, bạn nhé. 

Hãy tham khảo chi tiết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại đây.

2.7 Giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển tài sản

Đây là điều khoản không thể thiếu, kể cả giao dịch nội địa hay có yếu tố nước ngoài. Việc thoả thuận nguyên tắc, phương thức và nơi giải quyết tranh chấp rất quan trọng, đảm bảo sự nhanh chóng trong thực hiện và cũng hạn chế tình trạng cố tình lợi dụng điều khoản không rõ ràng để gây áp lực, khó khăn cho đối phương, đảm bảo tính công bằng trong giao dịch. 

Hãy lưu ý đến các thoả thuận giải quyết tranh chấp để tránh tình trạng hợp đồng bị vô hiệu cục bộ hoặc toàn phần do thoả thuận không phù hợp quy định pháp luật. 

3. Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm tại Việt Nam

Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm tại Việt Nam được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền theo loại hàng hóa nguy hiểm và phương thức vận chuyển cụ thể. Dưới đây là thông tin về các cơ quan cấp phép phổ biến:

3.1 Vận chuyển bằng đường bộ

Theo Nghị định 42/2020/NĐ-CP về quản lý vật liệu nguy hiểm, giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường bộ do Sở Giao thông Vận tải cấp tại địa phương nơi phương tiện vận chuyển đăng ký.

3.2 Vận chuyển bằng đường sắt

Cơ quan cấp phép là Cục Đường sắt Việt Nam. Các điều kiện và quy trình được quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn của ngành đường sắt.

3.3 Vận chuyển bằng đường biển

Giấy phép liên quan đến hàng hóa nguy hiểm vận chuyển bằng đường biển được cấp bởi Cục Hàng hải Việt Nam hoặc cơ quan được ủy quyền, tuân theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các quy định an toàn quốc tế (IMO/IMDG Code).

Đối với vận chuyển bằng đường thuỷ nội địa, giấy phép được cấp bởi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải địa phương.

3.4 Vận chuyển bằng đường hàng không

Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không, tuân thủ các quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BGTVT và tiêu chuẩn quốc tế (ICAO/IATA).

3.5 Vận chuyển vật liệu nguy hiểm đặc biệt (hóa chất, chất nổ)

Các loại hàng hóa nguy hiểm đặc thù như hóa chất, chất nổ công nghiệp cần giấy phép từ:

  • Bộ Công Thương (đối với hóa chất nguy hiểm, chất nổ công nghiệp).
  • Bộ Quốc phòng (đối với vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quân sự).
  • Bộ Công an (đối với vật liệu nổ, hóa chất thuộc danh mục cần giám sát an ninh).

Lưu ý rằng, người vận chuyển cần nộp hồ sơ theo quy định liên quan đến loại hàng hóa và hình thức vận chuyển. Các giấy phép có thể yêu cầu bổ sung tài liệu về phương tiện, người vận hành và biện pháp an toàn trong quá trình vận chuyển.

Các nội dung liên quan đến giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm nên được đề cập cụ thể trong hợp đồng về hoạt động vận chuyển tài sản.

4. Lợi ích bạn thu được khi có luật sư đồng hành trong quá trình thực hiện hợp đồng trong hoạt động vận chuyển tài sản

Trong bối cảnh pháp luật ngày càng phức tạp, việc thuê luật sư chuyên nghiệp để hỗ trợ trong việc thực hiện hợp đồng về hoạt động vận chuyển tài sản là vô cùng cần thiết.

4.1 Vai trò soạn thảo

Một trong những lợi ích đầu tiên bạn có được là đảm bảo hợp đồng tuân thủ đúng pháp luật. Luật sư hợp đồng sẽ giúp bạn soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ, đảm bảo rằng các điều khoản được định nghĩa rõ ràng và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Điều này giúp bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng và giảm thiểu rủi ro.

4.2 Vai trò rà soát

Họ cũng sẽ là người phân tích và đánh giá rủi ro trong các điều khoản hợp đồng, phát hiện những điểm bất cập hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây tranh chấp. Dựa trên phân tích đó, họ sẽ đề xuất điều chỉnh hoặc bổ sung cần thiết để tối ưu hóa hợp đồng, giúp bảo vệ quyền lợi của bạn tốt nhất.

4.3 Vai trò hỗ trợ thực hiện

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người đồng hành cùng bạn sẽ tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc của bạn về các vấn đề pháp lý liên quan. Họ sẽ hỗ trợ bạn xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, từ đó giúp tăng cường khả năng thực hiện hợp đồng một cách suôn sẻ.

4.4 Vai trò trong giải quyết tranh chấp

Trường hợp không thể thỏa thuận được với bên kia, người đồng hành của bạn  sẽ đại diện cho bạn tham gia tố tụng tại tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. Họ sẽ xây dựng chiến lược tranh tụng phù hợp, hỗ trợ và hướng dẫn bạn thu thập đầy đủ bằng chứng và lập luận pháp lý chặt chẽ, từ đó bảo vệ tối ưu nhất quyền lợi hợp pháp cho bạn.

5. Đặt hẹn với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc soạn thảo, thực hiện hoặc giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng về hoạt động vận chuyển tài sản, hãy liên hệ với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh, người sẽ tư vấn và hỗ trợ bạn một cách chuyên nghiệp và hiệu quả nhất với kinh nghiệm dày dạn và tâm huyết nghề của mình. 

Hãy đặt hẹn ngay qua các kênh sau đây:

Điện thoại | Zalo: 0968 797 291

Email: dtdlinh511@gmail.com

Facebook: Ls Đỗ Thị Diệu Linh

Linked In: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Youtube: Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh

Kết luận

Hợp đồng về hoạt động vận chuyển tài sản là một loại hợp đồng phức tạp, đòi hỏi người tham gia phải am hiểu pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc soạn thảo, thực hiện và giải quyết tranh chấp liên quan đến loại hợp đồng này cần được thực hiện một cách cẩn trọng, bài bản.

Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích cho bạn trong việc hiểu rõ hơn về loại hợp đồng này và phòng ngừa các rủi ro, tranh chấp có thể phát sinh.

Đừng ngần ngại liên hệ đặt hẹn ngay với Luật sư Đỗ Thị Diệu Linh để nhận ngay những ưu đãi trong dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp, dịch vụ tư vấn pháp luật doanh nghiệp, gói tư vấn quản lý và vận hành doanh nghiệp trọn đời, cập nhật kiến thức và mẹo pháp lý mới nhất hữu ích nhất, và nhận về nhiều tài liệu tuyệt chiêu pháp lý, chiến thắng trên mọi mặt trận thương thảo kinh doanh và đời sống.